Ấn tượng họa sĩ ENZO MAYO

10.06.2009

Ấn tượng họa sĩ ENZO MAYO

Mọi người đều có ấn tượng ngay trong lần đầu tiên gặp ông, bởi sự nhiệt tình và tính cách hài hước kiểu phương Tây. Ông chính là họa sĩ Enzo Mayo. Tôi đã thật sự “mê” ông ngay trong những câu nói và điệu bộ đầu tiên của ông khi tôi tình cờ lạc bước vào Nandalal Bose Gallery nằm trên tầng 3 của Trung Tâm Rabindranath Tagore, thuộc ICCR (Indian Council for Cultural Relations: Hội đồng quan hệ văn hóa Ấn Độ) tọa lạc tại số 9 đại lộ Hồ Chí Minh, thành phố Kolkata, Ấn Độ.

Chúng tôi đến tham dự Festival thơ quốc tế tại hội trường lớn của Trung tâm Rabindranath Tagore trong 3 ngày. Ngày thứ 2, trong khi giải lao tôi và nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm (chủ tịch Hội nhà văn Đà Nẵng) lang thang qua nhà trưng bày Rabindranath Tagore. Khu tiền sảnh vắng lặng, chỉ thấy hai nhân viên bảo vệ dưới sân và một nhân viên bảo vệ thấp thoáng trên thềm cao đến mấy chục bậc tâng cấp. Sang Ấn Độ đã ngày thứ ba tôi hiểu ở đây không dễ dàng giương máy ảnh như ở Việt Nam, nên tôi phải hỏi người bảo vệ. Sau khi chụp ảnh, người bảo vệ hỏi chúng tôi có muốn lên tầng ba để xem triển lãm tranh không và anh ta nhiệt tình đưa chúng tôi đến cầu thang máy.

Ra khỏi cầu thang máy, thấy bên ngoài có hai nhân viên bảo vệ khác, một đang đi và một ngồi tại bàn với cuốn sổ lớn được mở rộng trước mặt. Một phòng tranh có thể nói là cực kỳ rộng rãi và lộng lẫy cuốn hút chúng tôi ngay từ cái nhìn ban đầu. Tôi và Khiêm vội vàng lia mắt qua các bức tranh để trong một thời gian ngắn có thể xem được nhiều bức và xem nhiều lần. Sau đó kiếm một góc khuất nhá máy ảnh kỷ niệm. Khi đèn flash vừa tắt thì đã thấy người bảo vệ xuất hiện bảo không được phép chụp hình trong phòng triển lãm tranh. Tôi phải “sorry” (xin lỗi) và hỏi thăm về tác giả của phòng tranh.

Lúc này chủ nhân của phòng tranh họa sĩ Enzo Mayo đang tiếp một người khách. Nếu không tính bảo vệ thì phòng tranh chỉ có 4 người kể cả tác giả. Tôi có cảm giác gallary tranh này không phải để cho mọi người dân vào xem. Bởi ngoài kia, trên con đường dẫn đến cổng vào tòa nhà có một chốt cảnh sát đang gác và ở ngay cổng ra vào còn có những nhân viên bảo vệ khác.

Họa sĩ Enzo Mayo là một “con kình ngư” trong làng cầm cọ. Và hơn thế nữa ông là một nghệ sĩ tạo hình vào bậc thượng thừa. Bởi sự phối hợp giữa tranh vẽ với công nghệ cao cấp về đúc plastic và điêu khắc hiện đại. Ông bảo trên nền nghệ thuật tranh hiện đại và tranh lập thể của Picasso, ông sáng tạo ra cái gọi là tranh của Enzo Mayo. Xem tranh ông, người xem không chỉ cảm nhận bằng mắt và còn có sự hoạt động của trí não để tiếp nhận cái hồn của bức tranh. Từ những góc nhìn khác nhau người xem sẽ “cảm” bức tranh qua những sắc thái khác nhau. Điều mà tôi chưa từng thấy là trên bề mặt bức tranh không phải là tấm kính phẳng mà là một tấm plastic lồi lõm với những đường khắc theo ý đồ tác giả, tạo nên sự cộng hưởng và tính sống động cho bức tranh. Để chứng minh điều này họa sĩ với tay tắt bớt các bóng điện. Quả nhiên màu sắc tranh và các đường nét thấy có sự thay đổi. Các bức tranh trông như vừa gần, vừa xa, vừa hư, vừa thực. Vì không hiểu nhiều về hội họa nên tôi chỉ nói lên cái cảm giác của mình khi xem tranh mà thôi. Ông cười ha hả khi tôi bảo ông là một “New Picasso” trong thời hiện đại.

Họa sĩ Enzo Mayo là người Bồ Đào Nha gốc Ấn Độ, có tên là Jean-Claude Mayo, sinh năm 1945 tại Đảo Réunion, vùng hải ngoại thuộc Pháp nằm trong Ấn Độ Dương. Ông có nhiều năm sống ở Marseilles, nhưng rồi sau đó quay lại Réunion để hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Triển lãm được thực hiện theo lời mời của Hội đồng quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR) tại Kolkata từ 19 đến 31/01 và tại New Delhi từ 6-20/02/2009. Chủ đề của cuộc triển lãm có tên Shringara Kamatantra (The Shringara Kamatantra Exhibition). Đây là một loại chủ đề khá “nhạy cảm” với người Việt, nhưng có thể là rất bình thường tại xứ sở của Kama Sutra (sách có hình ảnh minh họa về nghệ thuật phòng the). Các bức tranh triển làm đều có liên quan đến chủ đề “sex” và năng lượng (sex and power). Những bức tranh gây ấn tượng mạnh đối với người xem như là Meditation (Trầm tư), Gynecee (Khuê phòng), Foulard rouge (Lụa đỏ), Bâlâ (La jeune fille: Thiếu nữ). Tôi đặc biệt lưu tâm đến bức tranh có tên Deep inside my soul (Sâu thẳm trong tâm hồn) có hình một tu sĩ đang ngồi thiền nhưng đầu óc lại đang cuồng say với bản ngã của mình, cái tôi tính dục đang như là một ám tượng kéo người tu hành từ cõi tiên rơi xuống cõi tục...

Khi tôi xin chụp ông vài tấm hình lưu niệm thì ông bảo tôi chờ ông một phút. Rồi ông biến đi đâu thật nhanh sau một góc khuất và đột ngột xuất hiện trở lại với một cây gậy trên tay. Ông quơ gậy lên không rồi chống xuống nền và nở một nụ cười hết sức là nghệ sĩ. Tôi hiểu đấy là tính cách của Enzo Mayo. Lúc tôi tặng lại ông tập thơ Spring calls on your door (Mùa xuân gõ cửa) của tôi thì ông lật ngay bài thơ A sudden rain (Bất chợt cơn mưa), lên tiếng ngâm nga một cách say sưa và gật gù như là tán thưởng. Tôi nói lời chia tay, ông dặn tôi rằng nếu có viết chút gì đó về ông thì email, nhưng đừng quên kèm theo tấm hình để ông có thể nhớ lại tôi là ai trong những người mà ông đã gặp.
 

MAI HỮU PHƯỚC