Nhân kỉ niệm lần thứ 20 ngày mất của nhà thơ Thế Lữ (3-6-1989 _ 3-6-2009)

10.06.2009

Nhân kỉ niệm lần thứ 20 ngày mất của nhà thơ Thế Lữ (3-6-1989 _ 3-6-2009)

Tiếp cận thơ Thế Lữ từ văn bản  thứ hai đến văn bản thứ hai tuyệt mỹ
 

Căn cứ vào các tài liệu biên khảo, phê bình, hồi ức tồn tại cho đến nay, thì có thể nói rằng so với các nhà thơ mới. Thế Lữ (1907-1989) là tác giả sửa chữa tác phẩm của mình, sau khi được công bố, một cách công phu nhất, từ đó, đối với một tác phẩm nổi tiếng nhất (Nhớ rừng), ông tạo ra nhiều văn bản nhất.

Sau khi tập thơ đầu tay đến với bạn đọc, Thế Lữ động bút đến hầu hết các bài trong đó, để rồi, ông công bố lại và ngay sau khi in ở lần thứ hai, ông còn sửa chữa trực tiếp (gọi tắt: sửa tay) vào nhiều bài trong sách.

Bằng việc sửa chữa, Thế Lữ tạo nên nhiều văn bản tác phẩm để có được văn bản thứ hai, văn bản chính thức tạm thời. Khái niệm “văn bản thứ hai” ở đây dùng để nói đến văn bản sửa chữa trong quá trình tiến đến văn bản thứ hai tuyệt mỹ, không phải là bản in sách lần thứ hai.

Nếu không bàn đến những bài thơ đăng báo rải rác từ trước mà coi tập 1935 là văn bản thứ nhất thì thấy rằng Thế Lữ từng sửa chữa nhiều để có tập 1941; hơn thế, đáng lưu ý là, riêng bài Nhớ rừng tập trung nhiều tâm sức sửa chữa, kéo dài trong nhiều năm tháng, nhằm tạo ra một văn bản thứ hai hoàn mỹ đến mức tối đa. Đối với Thế Lữ, văn bản Nhớ rừng nào sau một lần sửa chữa đều là văn bản thứ hai, tuy nhiên, văn bản ấy không kéo dài được tuổi thọ bởi vì sau đó tác giả lại tiếp tục sửa chữa, để rồi, một bản thứ hai khác thêm một lần nữa được tạo lập, phủ định văn bản trước, được tác giả coi là tuyệt mỹ.

*

*   *

Tại sao Thế Lữ sửa  chữa tác phẩm nhiều đến vậy? Có thể vì những nguyên nhân dưới đây.

1- Sự trưởng thành nhanh chóng đến sững sờ của phong trào Thơ mới nói chung và của Thế Lữ nói riêng. Sự trưởng thành ấy bắt nguồn từ tiến bộ xã hội về nhiều mặt sau những dồn nén mạnh mẽ và lạ kỳ từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX với nội dung xóa bỏ cái cũ, khẩn trương tiếp nhận và phát triển cái mới đến từ phương Tây. Chỉ trong khoảng hơn mười năm thuộc thập niên thứ ba và đầu thập niên thứ tư thế kỷ XX, nằm trong sự chuyển biến chung, như một dòng thác tuôn xiết, theo một quy luật tất yếu không thể cưỡng lại được, có sự chuyển biến về văn hóa, văn học. Phong trào Thơ mới vừa mở ra, chỉ ngỡ ngàng trong vài ba năm, lập tức nó lao nhanh để đến đích. Hơn chục năm không dài, nhưng các sự kiện chứa chất, dồn nén quá nhiều, thay đổi quá vượt bậc, khiến người ta ngay sau đó nhìn lại thấy như rất nhiều năm tháng đã trôi qua. Các tác giả Thi nhân Việt Nam khi nhớ lại những ngày đầu hâm mộ Thế Lữ mới qua đi dăm năm, họ có cảm tưởng như đã xa xôi lắm.

Cũng như nhiều trí thức, nghệ sĩ khác, Thế Lữ được cuốn vào sự chuyển mình vĩ đại và kỳ lạ ấy của dân tộc. Khi đăng thơ trên báo và gom thành cuốn sách đầu tay, ông vẫn thuộc người của “thuở ban đầu lưu luyến ấy”, thơ ông đã hay nhưng chưa cho thấy tác giả thuần thục nhiều về nghề thơ theo hướng hiện đại hóa. Dấu vết thơ cũ còn để lại lác đác đây đó. Ngôn từ nhiều chỗ còn vụng về, kém hàm súc. Chỉ dăm năm sau, văn hóa, văn học Việt Nam đã có những biến đổi và tiến bộ đáng kể. Trình độ người viết và trình độ người đọc theo đó được nâng cao lên nhanh chóng. Thế Lữ sửa chữa tác phẩm của mình trên cơ sở sự trưởng thành của ông về nhiều phương diện, nhằm phù hợp với trình độ sáng tạo và cảm thụ văn học chung.

2- Nghề biên tập, năng lực phê bình văn học của Thế Lữ trong thời gian làm việc ở các báo Phong hóa, Ngày nay ảnh hưởng tích cực đến thói quen thẩm định, biên tập tác phẩm văn học. Giữ mục Điểm sách (ký tên Lê Ta) và mục Tin thơ (ký tên Thế Lữ) trên báo Phong hóa và sau đó mục Tin văn... vắn (ký tên Lê Ta) và mục Tin thơ (ký tên Thế Lữ) trên báo Ngày nay, Thế Lữ rất khắt khe với bạn đồng nghiệp và người mới viết. Ông lưu ý nhiều đến cách sử dụng từ ngữ, cách chọn hình ảnh, cách trau chuốt câu thơ. Từ đó, Thế Lữ trở nên không chỉ là bạn đọc đặc biệt, gần gũi nhất mà còn là người biên tập, một nhà phê bình hay soi mói tác phẩm của chính ông. Đối với Thế Lữ, nghề báo và nghề thơ gặp nhau, ít ra là tại một điểm, đó là cách sử dụng ngôn ngữ.

3- Thế Lữ là một thi sĩ lãng mạn, tài hoa, giàu mơ mộng, có vẻ như xa rời cuộc sống trần tục hằng ngày, nhưng lại đòi hỏi nghiêm khắc ở bản thân và bạn đồng nghiệp nếp làm việc khoa học, cặn kẽ, tỉ mỉ. Thế Lữ không phải nhà khoa học, ông là thi sĩ có lý trí khoa học và cách làm việc khoa học. Đó là mâu thuẫn trong sự thống nhất giữa cái trừu tượng, mơ hồ, viễn vông, phi thực tế với cái cụ thể, mạch lạc, thiết thực trong con người Thế Lữ. Trước tiên, Thế Lữ chịu ảnh hưởng nhiều ở người cha, một nhà nho, trọng học vấn. Song song với sáng tác thơ, Thế Lữ viết truyện trinh thám, truyện huyễn tưởng. Ông giải thích những câu chuyện khó hiểu, bí hiểm, kỳ dị - điều dễ gây cho người đời vướng vào mê tín dị đoan-  bằng lý lẽ khoa học. Hiểu thêm một nguyên nhân nữa theo hướng này sẽ thấy khi không làm thơ nữa - nói đúng hơn là rất ít đăng thơ - Thế Lữ vẫn sửa chữa tác phẩm (ông tặng bản chép tay cho Tô Sanh vào năm 1982). Trong quãng đời dài hoạt động sân khấu, Thế Lữ, với tư cách trưởng đoàn nghệ thuật và đạo diễn, ông chăm chút tỷ mỷ từng lời thoại, từng vẻ mặt, từng cử chỉ của diễn viên, trau chuốt, nắn nót, suy xét, đề nghị làm đi làm lại. Ông không bao giờ tỏ ra dễ dãi, bỏ qua bất cứ nhược điểm, sai sót nào của diễn viên hay nhóm dựng vở diễn, thậm chí, ông khắt khe với mình, với người đến mức cực đoan.

4- Niềm say mê, khát khao khai phá những chân trời mới khiến Thế Lữ luôn luôn muốn đi đầu, luôn luôn muốn làm mới. Trong phong trào Thơ mới, Thế Lữ đi đầu. Khi viết truyện trinh thám, truyện huyễn tưởng, Thế Lữ làm mới. Ở lĩnh vực sân khấu, ông vừa làm mới vừa đi đầu. Về hoạt động sân khấu nói chung, nhìn theo hướng lịch đại. Thế Lữ không đi đầu, nhưng về nghệ thuật biểu diễn kịch nói trên tiến trình chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa thì không ai khác, người đi đầu chính là Thế Lữ. Thế Lữ say mê làm mới và ông cũng yêu thích cái mới do người khác làm ra. Khi biết vai trò mở đường của mình đang dần dần lu mờ, nhận được sáng tác thơ của Xuân Diệu, ông vui mừng chào đón và tin tưởng. Thế Lữ khẳng định Một nhà thi sĩ mới - Xuân Diệu.

5- Đối với Thế Lữ, việc sửa chữa không mệt mỏi một số tác phẩm của mình chính là biểu hiện của khát vọng suốt đời đi đến cùng cái đẹp. Ngay từ thuở đầu làm thơ, đăng thơ, nhanh chóng khẳng định mình và khẳng định phong trào Thơ mới, Thế Lữ đã nêu một tuyên ngôn nghệ thuật:

Tôi chỉ là một khách tình si

Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn thể

Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ,

Và mượn cây đàn ngàn phiếm,

                                                tôi ca.

                              (Cây đàn muôn điệu)

Cái đẹp thiên nhiên trong thơ Thế Lữ là cái đẹp mộng tưởng, cái đẹp thần tiên. Hình ảnh giai nhân, tiên nữ hoặc “cô em” dưới trần thấp thoáng khắp nơi, khi xa xôi, khi gần gũi trong thơ ông. Cảnh thiên nhiên trong văn xuôi nghệ thuật của Thế Lữ cũng không kém phần thơ mộng, bí ẩn, nó nhuốm xúc cảm vừa nhẹ nhàng vừa đằm thắm. Nhân vật phụ nữ trẻ với vẻ đẹp thể chất được Thế Lữ dành nhiều trang, nhiều dòng trìu mến, ngưỡng vọng.

Khác các nhà thơ lãng mạn cùng thời chỉ hướng phần lớn sự chú ý đến những đề tài như: cảnh sắc thiên nhiên trần gian, cái buồn, tình yêu đôi lứa, tình cảm nhớ tiếc quá khứ, v.v..., Thế Lữ có một vùng hiện thực như là đối tượng hướng tới trực tiếp, thường xuyên của riêng ông: nghệ thuật và cái đẹp. Nhiều bài thơ của Thế Lữ chỉ tập trung nói đến cái đẹp hoặc nghệ thuật-  một biểu hiện cao của cái đẹp : Hái hoa, Bông hoa rừng, Vẻ đẹp thoáng qua, Hồ xuân và thiếu nữ, Nhan sắc, Mưa hoa, v.v… (cái đẹp), Cây đàn muôn điệu, Lựa tiếng đàn, Đàn nguyệt, Tiếng trúc tuyệt vời, Tiếng sáo thiên thai, Tiếng chuông chùa, Lời than thở của nàng Mỹ thuật, Tiếng hát bên sông, Ý thơ, v.v… (nghệ thuật).

Bước sang địa hạt sân khấu, Thế Lữ cũng làm việc rất nghiêm túc theo hướng hoàn mỹ hóa từ chỉ đạo chung một đoàn nghệ thuật cho đến việc quán xuyến mọi việc trên sàn diễn với tư cách đạo diễn.

Việc tìm hiểu quá trình sửa chữa của Thế Lữ đối với các tác phẩm của ông nói chung và tạo lập liên tiếp các văn bản thứ hai trong nhiều năm tháng để có được một tác phẩm thứ hai khác tuyệt mỹ nói riêng, mà Nhớ rừng là một ví dụ điển hình, chắc chắn không làm thay đổi ấn tượng tốt đẹp vững bền của bạn đọc, kể cả những nhà biên khảo phê bình, đối với ông và sáng tác của ông.

Tuy nhiên, như đã biết, sự thay đổi quá nhiều (dù chỉ là từ ngữ, chi tiết) ở hai bài thơ nổi tiếng Nhớ rừng và Cây đàn muôn điệu, nhất là Nhớ rừng, vẫn là một sự thật không thể bỏ qua đối với những ai muốn thẩm định tác phẩm, tìm hiểu tác giả một cách khoa học.
 
PHẠM ĐÌNH ÂN