Truyện ngắn
Tôi bị thương tại mặt trận phía Nam thị xã vào một ngày thu. Thị xã quê hương tôi là cái rốn giao thông huyết mạch, có tầm quan trọng đặc biệt cả về quân sự và kinh tế. Đó là hệ thống quốc lộ lên ngược xuống xuôi và tiến ra phía biển... chính vì vậy trong cuộc chiến tranh vừa qua, bọn Mỹ đã cày đi xới lại thị xã bằng bom đạn và tên lửa một cách cực kỳ tàn khốc. Chỉ tính riêng tháng 12 năm 1966, quân và dân thị xã đã phải chiến đấu đánh trả chúng trên 20 trận, trung bình cứ một ngày rưỡi một trận. Quê hương tôi những ngày đó lúc nào cũng mịt mù khói lửa.
Vết thương của tôi tưởng ở phần ngoài, ai ngờ một mảnh đạn đã chui ngọt vào trong, hai năm sau khi đi chụp phim mới biết. Có những đêm vì đau mà tôi bò cả xuống gác một, ra cả vườn hoa bệnh viện. Một lần trời tối như mực, tôi đang bò ở cầu thang, một người đi qua chạm vào tôi liền rụt chân lại vẻ hết hồn. Tôi cười bảo: “Xin lỗi đồng chí nhé! Tôi đau nên bò quanh cho đỡ đấy”. Người ấy cứ đứng im trong bóng tối, tôi tưởng để định thần, nhưng với một giọng đanh gọn của một thiếu nữ, cô nói: “Đồng chí về buồng nghỉ đi! Nào tôi dìu đồng chí nhé”.
- Tôi không đi được đâu - Tôi trả lời.
- Không được ! - Cô nói giọng dứt khoát - Đêm rét thế này cảm lạnh thì sao?
Tôi bẳn:
- Xin để cho tôi yên !
Nhưng người con gái ương ngạnh vẫn không chịu, vì tôi còm cõi nên cô bế bổng tôi lên. Thì ra cô biết cả giường bệnh của tôi nên đưa tôi về đấy. Buông màn xong cô nói giọng ngọt ngào “chịu khó một chút anh bạn trẻ dũng cảm ạ”.
Với liên tiếp những cơn đau dữ dội, lại đã chuyển liền mấy bệnh viện, nên tôi hiểu bệnh tình của mình chắc nghiêm trọng lắm. Nhưng cứ hết cơn đau tôi lại vùi đầu vào viết. Tôi viết truyện rất kém, nhưng tình yêu văn học cứ cháy bỏng trong tôi không thể dập tắt. Thật không ngờ rằng những lúc tôi viết như vậy, lại có một đôi mắt kín đáo rõi về tôi với một tình cảm đầy thân thương và xúc động.
Một hôm tôi đang ngồi chơi ở phía sau phòng chủ nhiệm khoa ngoại, bỗng có tiếng trưởng khoa Huy Phong : “Alô! Ai gọi đấy? đồng chí Viện phó đấy ạ? Vâng! Đúng lúc nãy tôi có lên anh nhưng anh đi họp. Vâng! Cứ nói luôn ạ? Vậy xin báo cáo anh thế này: ở khoa tôi có một ca rất nan giải, thương binh có một mảnh đạn chui vào nách thận phải, nếu mổ rất dễ chạm vào động mạch gây chảy máu ồng ộc, khó có thể cứu sống...” Nghe đến đây tai tôi ù đi: Thôi đúng rồi. Họ gọi điện nói về mình rồi. Nhưng tôi chỉ bị choáng trong khoảnh khắc, bởi vì tôi đã xác định được trước rồi. Như vậy là tính mạng tôi đang treo trên sợi tóc.
Phó Viện trưởng, Đại tá Hoàng Lãm, sau mấy lần thực thi khám bệnh cho Trần Văn Chương, ông đi đi lại lại trong phòng suy nghĩ. Có đêm ông hoàn toàn không ngủ. Hoàng Lãm là bác sĩ lừng danh, ông đã mổ rất nhiều ca khó, kết quả rất cao, các quyết định uyên thâm của ông gần như chính xác tuyệt đối. Thế mà đến ca mổ này quả thật ông không nắm chắc phần thắng lợi. Thật là éo le, ông đi nghiên cứu sinh vừa chân ướt chân ráo từ Liên Xô về, với học vị mới: Phó tiến sĩ và địa vị mới: Phó Viện trưởng. Chả lẽ ca mổ đầu tiên của ông tân phó tiến sĩ và ông tân phó Viện trưởng lại là ca mổ thất bại? Ai là người thông cảm cho ông? Nhưng ông lại nghĩ, nếu ông không nhận mổ thì bệnh nhân sẽ ra sao? Câu trả lời là “Anh ta sẽ chết”. Và cay đắng, chua chát biết bao, khi cái chết đó là do sự nhu nhược, đớn hèn của ông. Mọi người thừa hiểu: ca mổ này chỉ có thể giao cho ông chứ không ai khác. Ông vẫn có thể ngần ngừ giả như còn nghiên cứu cho kỹ hoặc vì công việc chồng chất nên đãng trí để từ chối gián tiếp. Nhưng có những điều trên đời này chỉ do “vô tình” hoặc do “đãng trí”, có lý do chính đáng, không ai quy chụp, quy kết thế mà vẫn là tội ác. Bởi ông nhận mổ thì hy vọng sống của bệnh nhân vẫn cứ còn, dù chỉ một phần trăm, một phần vạn. Nhưng chết nỗi cái một phần trăm, một phần vạn ấy lại là tinh hoa trong đẹp nhất mà suốt đời ông chắt lọc được, sao lại không dùng những tinh hoa đó? Từ chối như vậy có còn là thầy thuốc nữa không?
Nghĩ đến đây ông quay máy nói với Huy Phong: “Ngày mai tôi sẽ mổ cho cậu Trần Văn Chương”. Huy Phong sững người, anh run run hỏi lại: “Có phải anh nói Trần Văn Chương thương binh đơn vị phòng không...”
- Đúng vậy! nhất định tôi sẽ hoàn thành ca mổ tốt đẹp - Nói rồi Hoàng Lãm bỏ máy một cách dứt khoát.
Còn Chủ nhiệm khoa ngoại Huy Phong trân trân nhìn xuống ngọn bút đang viết dở của mình. Anh nghĩ: “Thật là một con người đích thực”. Rồi như có một sự chỉ bảo của thần, Huy Phong xếp giấy bút, đóng cửa lại và đi lên phòng Hoàng Lãm:
- Thưa Đại tá! Tôi xin được là người phụ mổ số một trong ca Trần Văn Chương.
- Tuyệt ! Hoàng Lãm nói - Tôi vừa ước ao như vậy. Kìa, mời anh ngồi. Thế thì về tâm lý mà nói, người ta hay gọi là “điềm” ấy mà. Cái điềm này báo hiệu rằng cậu ấy sẽ được cứu sống, đúng không anh?
Hôm sau khi ca mổ tiến hành được một tiếng đồng hồ thì đài địa phương nói dõng dạc: “Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách thành phố 50 cây số, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu” và rồi “máy bay địch cách 5 cây số...”. Còi báo động vang lên khắp thành phố - Nơi đang được giải phẫu cho bệnh nhân Trần Văn Chương, tiếp đó là những tiếng bom ầm ầm của địch, xen lẫn tiếng pháo cao xạ cùng đủ các loại súng của ta đánh trả chúng. Mọi người trong phòng mổ vẫn coi như bên ngoài không có gì xảy ra, ai nấy vẫn chăm chú vào công việc. Nhưng khi những tiếng bom quá gần đại tá Hoàng Lãm mới nói: “Các đồng chí xuống hầm đi. Riêng bác sĩ Chủ nhiệm ở lại phụ mổ cho tôi là đủ”. Mọi người hầu như vẫn không nghe thấy tiếng ông. Ông ra lệnh:
- Các đồng chí Hạnh, Hùng, Tâm. Nghe lệnh tôi: Xuống hầm!
Một phút sau, một quả bom rơi trong khu bệnh viện. Ông nói: “Bệnh nhân đã qua phút hiểm nghèo rồi, thôi, xuống hầm đi Phong”.
Bác sĩ chủ nhiệm Huy Phong nói giọng rưng rưng:
- Thưa anh! Chưa qua phút đó. Xin phép anh cho em ở lại.
Khi vãn tiếng bom, Hạnh, Tâm, Hùng chạy lên, còi thành phố cũng đã báo yên. Họ chạy tới thì Phong đã khâu đến mũi cuối cùng. Bệnh nhân vẫn thở đều đều.
Lúc này Viện trưởng, các Chủ nhiệm khoa và bao người khác chạy đến phòng mổ; Hoàng Lãm đưa cho họ mảnh đạn mầu nâu xám, sắc nhọn. Viện trưởng không kìm được, ôm chầm lấy ông và trung tá Huy Phong - Hai người con dũng cảm của ngành quân y. Những người khác nhìn ông đầy thiện cảm và kính trọng. Còn thiếu úy Thu Hạnh thì gục đầu vào ngực ông: “Ôi, ba ơi! Từ nay con xin được gọi chú là ba. Ba cứu sống được người này thật rồi ư?” Rồi cô bỗng òa khóc vì sung sướng, trước sự ngạc nhiên xúc động lại hơi khó hiểu của mọi người.
Khi tôi chuẩn bị ra viện về đơn vị, Đại tá Hoàng Lãm trìu mến bảo tôi: “Đồng chí nhớ đến nhà số hai khu tập thể bệnh viện - ông kéo tôi ra cửa sổ và chỉ - Kia, ngôi nhà kia nhé, đến phòng số năm, có người nhà đồng chí ở đấy”.
- Báo cáo thủ trưởng, tôi quê mãi vùng cao, xa lắm, lại chẳng có ai quen thân ở đây, làm sao có người nhà được ạ? - Tôi băn khoăn nói.
Ông hóm hỉnh cười vui: “Thế đồng chí đã có người yêu chưa?”. “Dạ chưa hề có ạ” - Tôi ngượng nghịu trả lời. “Thôi ! đồng chí cứ đến đó nhé!” - Ông càng cười lớn - “có người cùng quê với cậu đấy! rõ chưa nào?”.
Sắp phải xa ông, nước mắt tôi cứ muốn trào ra, nhưng tôi đã kịp giập gót giầy:
- Thưa thủ trưởng, rõ!
Khi tôi đến phòng năm thì chỉ thấy có Thu Hạnh - người thiếu nữ đẹp như một nàng tiên đang ngồi ở đó. Từ khi bế tôi lên cầu thang, ngày nào cô cũng đến giường bệnh của tôi. Những lúc đó cô nhìn tôi lúc thì vui, lúc thì buồn rười rượi, có lúc đượm nỗi lo âu hốt hoảng.
Nhìn thấy tôi cô reo lên:
- Anh Chương! Em chờ anh mỏi cả mắt đây này.
- Cô chờ tôi ư? - Tôi ngây ngô một lúc rồi bỗng hiểu ra tất cả. Tôi đứng lặng hồi lâu rồi từ từ tiến lại và ôm lấy mái đầu còn thơm mùi bồ kết của em tôi, đặt đúng ở chỗ trái tim mình, đang thình thình đánh nhịp.