Âm vang Trường Sơn

10.06.2009

Âm vang Trường Sơn

Ghi chép
 
Sáng hôm ấy, với lỉnh kỉnh ba lô, máy móc, chúng tôi leo lên chiếc xe du lịch mang biển số 43E 1449, làm một cuộc trở về với Trường Sơn. Sự náo nhiệt của những con phố lùi xa dần phía sau, trước mặt chúng tôi giờ đây là sự tự hào vô bờ bến về Trường Sơn.
Ảnh minh hoạ  (Vận tải trên đường Trường Sơn)
 

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là cầu Giằng, chiếc cầu nối giữa biên giới Việt  Lào. Sau khi chụp ảnh lưu niệm và ngắm núi non hùng vĩ nơi đây, chúng tôi quay lại thị trấn Mỹ Thạnh, một thị trấn mà giờ đây đầy ắp các dịch vụ, các công trình đang xây dở, rõ ràng đời sống của đồng bào ở đây đã khá hơn nhiều so với trước đây, khiến các văn nghệ sĩ không ngớt ca ngợi. Chiếc xe uốn lượn trên những đoạn đường lò xo, cây cối và gió ngàn như reo vui đón chào du khách, anh em nghệ sĩ vẫn rôm rả những câu chuyện của quá khứ xen với hiện tại. Dọc hai bên đại lộ Trường Sơn, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những tổ công nhân cầu đường đang tu sửa những chỗ bị sạt lở, âm thanh xình xịch của chiếc máy san đất, máy trộn bê tông phần nào xua đi không khí vắng vẻ nơi miền sơn cước, những bàn tay rắn chắc, những giọt mồ hôi của những người thợ hoạt động một cách khẩn trương để hướng đến ngày kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn huyền thoại. Thật ngạc nhiên khi dọc đường có nhiều dịch vụ chào đón, vẫn những cái vẫy tay mời khách như thành phố, nào nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn… đã mọc lên ở những nơi có dân cư. Anh Lộc, phóng viên báo Nhân Dân chỉ tay vào một ngã rẽ và nói: “Đây là đường vào nhà máy thủy điện A Vương (Đông Giang  Quảng Nam) với công suất 210 mw”. Xe chạy được một đoạn thì ngay bên đường, nhà máy thủy điện Gia Hung sừng sững với vẻ uy nghi của nền công nghiệp hóa, rồi đây, dọc Trường Sơn, điện sẽ thắp sáng để du khách còn tham quan vào ban đêm. Tôi chợt nhớ đến câu nói của người bạn cách đây mấy ngày: “Trường Sơn có gì đâu, toàn là núi non…”. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại, Trường Sơn đang trang bị cho mình những gì tốt nhất để tiếp tục gánh vác sứ mệnh của dân tộc giao cho. Khi chiếc xe rẽ vào “Làng thanh niên lập nghiệp A Sờ” (nay là thôn A Bông, xã Mà Coi, huyện Đông Giang, Quảng Nam), mọi người đều tấm tắc khen những con đường bê tông, những vườn cây trĩu quả, nhà xây, mái tôn… đặc biệt, các em nhỏ CơTu đều được đến trường. Một thanh niên chỉ tay về đường Trường Sơn và nói với tôi: “Trường mới đang xây ngoài kia, cao lắm, to lắm, nằm sát đường Trường Sơn đó…”. Những đôi mắt đen tròn, những nụ cười rạng rỡ của các em trường mầm non (hầu hết là con em CơTu) khiến chúng tôi như không muốn chia tay, và sau một lúc khá lâu chụp hình, vui đùa, hỏi han các em, chúng tôi lại lên đường, ngoảnh lại thấy các em chạy theo, vẫy tay, vòng tay cúi chào, vẫn những ánh mắt trong vắt, những nụ cười rạng rỡ, tôi nhìn thấy trong những ánh mắt của các em có những ngọn lửa đang bùng lên khát khao về một tương lai xán lạn, mặc dù trưa nay, tối nay các em chỉ ăn sắn, mặc dù những mùa đông qua, các em không có áo ấm, đến trường bằng đôi chân trần.

 Chiếc xe tiếp tục uốn lượn trên con đường huyền thoại, còn đây những cây cổ thụ năm xưa che chở cho những đoàn xe tải đạn, tiếp tế. Có cây bị đạn bom chắn ngang, có cây bị xẻ dọc, có cây còn mang những vết đạn trên thân mình, nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ, trên những vết tích đó, những chồi non xanh mơn mởn, những cành cây vươn dài ra tiếp tục đón gió, vẫy chào du khách thập phương. Tôi đã hít gió đồng bằng, gió biển, nhưng phải công nhận là gió Trường Sơn mát một cách kì lạ, cảm dỗ trí tưởng con người đến không cùng, vừa miên man như những câu hát của những cô gái san lấp đường năm xưa, vội vã như những chiếc xe tải đạn xẻ dọc Trường Sơn, hay là tiếng hát của các anh năm xưa?

Chúng tôi đến thị trấn Prao (thuộc huyện Đông Giang) lúc mặt trời đứng bóng. Xem chừng ai cũng đang cần nạp năng lượng, nhưng khi bước ra khỏi xe thì không dám tin vào mắt mình, cứ ngỡ đây là một thị trấn nào đó ở đồng bằng hay một góc phố nào đó của Đà Nẵng. Nào máy rút tiền ATM, ngân hàng, trường học cao tầng chót vót, bưu điện, quán chat…và tất cả các dịch vụ như nhà hàng, quán ăn, nhà nghỉ, khách sạn… mọc lên dọc hai bên, mà các ông chủ, bà chủ ở đây đều là đồng bào CơTu. Chiếc xe chúng tôi đậu ngay trước cổng UBND huyện Đông Giang, bên cạnh là nhà văn hóa huyện với số vốn lên đến hàng tỉ, chẳng khác gì một ngôi biệt thự tầm cỡ mà ở đồng bằng chưa chắc đã tìm thấy. Trong lúc ăn trưa, đồng chí Long  chủ tịch huyện Đông Giang nói với chúng tôi: “Ở Đông Giang hiện có 4 nhà máy thủy điện, đời sống đồng bào khá hơn nhiều rồi, đa số các em được học hành tử tế, huyện tôi được xem là huyện có nhiều nhà chính sách xây kiên cố nhất, được ra báo cáo ngoài trung ương đó…”.

Tạm biệt thị trấn Prao, chúng tôi lên đường sang Tây Giang. Dọc đường, những ngôi nhà của đồng bào CơTu hiện lên với vẻ giản dị, nhà làm bằng gỗ, lợp mái tôn, hầu như nhà nào cũng có ti vi truyền hình cáp, nhiều nhà còn có xe máy đắt tiền đậu ở hiên, cũng bàn ghế, tủ lạnh … như ở đồng bằng. Một sự phát triển đột biến về kinh tế trên dọc con đường huyền thoại khiến mọi người đều trầm trồ. Một con dốc chừng vài trăm mét đưa chúng tôi lên làng CơTu nằm trên một quả đồi bên cạnh đường Trường Sơn. Trong những ngôi nhà gỗ lợp mái tôn, tiếng ti vi tuyền hình cáp oang oang, những góc học tập, những chồng sách ngăn nắp, bàn ghế sạch sẽ gọn gàng, cách bố trí sinh hoạt, ăn, ngủ của đồng bào chẳng khác gì ở đồng bằng, phố thị.

Chúng tôi đến thị trấn Tây Giang vào lúc gần tối, nhưng không khí xây dựng ở đây vẫn còn ồn ào. Trên những ngôi nhà cao tầng với những người thợ đang mải mê xây, chiếc ròng rọc kéo những xô vữa lên cao, tiếng xình xịch của những chiếc máy trộn bê tông phát ra từ những ngã đường đang thi công… Dịch vụ ở đây tương đối nhiều, ước chừng 5 năm nữa thôi, Tây Giang sẽ là một địa điểm sầm uất. Qua tâm sự với cán bộ huyện Tây Giang trong bữa ăn tối ở làng truyền thống, chúng tôi được biết đồng bào dân tộc CơTu ở đây cuộc sống đã khá hơn nhiều, bình quân đầu người là 4,7 triệu/năm. Nhiều bệnh viện, trường học đang tiếp tục xây. Về Tây Giang, chúng tôi được đi lại 12km đường Trường Sơn còn nguyên vẹn, đây là đoạn đường nối từ xã A tép đến cột mốc biên giới Việt- Lào. Ngồi trên chiếc xe U-oát chạy gập ghềnh trên những đoạn đường đầy sỏi đá, lầy lội, dốc xuống, dốc lên, có đoạn cỏ tốt đến bụng xe, chỉ còn vết bánh xe hai bên, chiều rộng đường vẫn như xưa nhưng cây cối được phát quang hơn. Những cảm xúc lạ kì cứ dâng lên mà không sao cắt nghĩa được, chỉ ngồi trên chiếc U-oát 12km thôi nhưng cũng đủ cho tôi thấm thía những gian khổ và sự vĩ đại của những người lính năm xưa.

Tạm biệt Tây Giang bằng bữa ăn trưa với những người lính ở đồn biên phòng 645, chúng tôi lại lên đường và cứ chạy đến trước những tấm bia di tích lịch sử, anh em văn nghệ sĩ lại xuống chụp ảnh và quay phim. Từ Tây Giang sang A Lưới (thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế) chủ yếu là đồi núi trùng điệp, thật khó giải thích được cảm xúc khi đi trên những đoạn đường ngút ngàn khói sương với bao huyền thoại dội về, anh em vẫn rôm rả những câu chuyện hài hước của những năm còn khoác áo lính. Chúng tôi đến tận thị trấn A Lưới vào giữa buổi chiều và ghé vào một quán Cà fê để nghỉ chân. Thị trấn A Lưới với đầy đủ những dịch vụ giải trí, cơ sở hạ tầng khang trang cũng như Prao, Tây Giang nhưng lợi thế của A Lưới đó là thị trấn này nằm trên một vùng đồng bằng tương đối rộng. Nhìn những ngã đường bê tông đi sâu vào các thôn xóm, những khu đất bằng phẳng… mà hình dung ra một khu công nghiệp có thể được đặt ở đây trong tương lai. Còn đó những hố bom nguyên hình nhưng trong những hố bom ấy, những cành rau muống, những bông lúa chín cúi đầu trong gió. Có những chỗ trước đây toàn là hố bom, nhưng giờ đây đã được san phẳng và trên đó là cả một cánh đồng lúa đang chờ người gặt. Những bãi ngô trải dài tăm tắp dọc hai bên đường, những khu vườn đủ các loại cây ăn quả đong đưa mọng chín, có những đoạn mà tôi cứ ngỡ như đang đi giữa thôn làng của một vùng đồng bằng nào đó với cây cối, nhà vườn mọc san sát.

Khi xe chúng tôi chạy đến địa phận Quảng Trị cũng là lúc mặt trời gần lặn, hiện lên hai bên đường vẫn là những cánh đồng lúa, bãi ngô, những ngọn đồi thấp trải dài, những bãi cát hoang vu, những rừng cao su bạt ngàn.Và khi những đọt nắng cuối cùng sót lại trên những đỉnh đồi là lúc chúng tôi đặt chân đến cầu ĐakRông, nơi đây đã chịu không biết bao quả bom của kẻ thù, nhưng giờ đây mọi vết tích hầu như không còn nữa, thay vào đó là những dịch vụ, những ngôi nhà giản dị ở hai bên cầu. Chiếc cầu rộng 8m, dài 182m, do bộ đội Trường Sơn xây theo tiêu chuẩn cấp 4, láng nhựa, từ 1973  1974. Chiếc cầu này bắc qua con sông Đăk Rông biêng biếc, hiền hoà trong hoàng hôn. Thiên nhiên ở đây quả là món quà của tạo hoá với những ngọn đồi hùng vĩ hoà với nước biếc tạo nên vẻ đẹp nguyên sơ của miền sơn cước, chiếc cầu duyên dáng giữa ngút ngàn trời mây sông nước. Được biết địa điểm này đang được khai thác, tu sửa để trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn đặc sắc của Quảng Trị.

Sáng hôm sau, từ thị xã Đông Hà, chúng tôi lại lên đường đến Khe Sanh theo dọc quốc lộ 9. Xe chúng tôi chạy dọc thung lũng núi đồi, thời ác liệt như hiện về trước mắt. Tại đây trong những năm 1966- 1967 là tập đoàn cứ điểm quan trọng nhất của Mỹ ở miền Trung, một tuyến phòng thủ được coi là “bất khả xâm phạm”. Tại đây, biết bao đồng bào Vân Kiều, Pa Cô đã ngã xuống cho những chiếc xe kịp thời vào miền Nam. Những cánh rừng bị thiêu cháy bởi chất độc hoá học, giờ đây, những rừng cao su xanh bạt ngàn chạy dài tăm tắp, những cánh đồng lúa chín rực. Từ khi mở đường Trường Sơn, bà con huyện Hướng Hoá đã đẩy lùi được cái nghèo từ 75% xuống còn 18% hộ nghèo trong toàn huyện. Giờ đây, đường Trường Sơn đang nối các khu du lịch Khe Sanh Lào  Thái lan- Phong Nha- Kẻ Bàng  Đà Nẵng lại với nhau, đường 9 nối với đường xuyên Á. Sự thay da đổi thịt, sự phát triển về du lịch dọc đường Trường Sơn đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển của du lịch nước nhà.

      Bỏ lại Khe Sanh phía sau, chúng tôi hướng đến nghĩa trang Trường Sơn. Tổng diện tích khu Nghĩa trang là 106 ha, trong đó diện tích chính đặt 10.263 ngôi mộ liệt sỹ là 39,8 ha, chia thành 6 khu. Sau tượng đài, một “cây bồ đề thiêng” tự mọc, cành lá xum xuê che mát tượng đài. Không khí thiêng liêng bao trùm tất cả, từ những hòn sỏi đến những cây hoang cỏ dại trong lâm viên đều nhuốm một màu thiêng liêng đến nghẹn lòng. Chúng tôi dâng hoa lên tượng đài, thắp hương cho các liệt sĩ và thoảng nghe trong tiếng gió những tiếng gọi đồng đội, những tiếng cười giòn giã, khúc khích từ các ngôi mộ không tên.

Dọc đường ra Phong Nha - Kẻ Bàng, hai bên là những cánh đồng lúa chín, những nương ngô đang mùa thu hoạch. Nhiều cô gái đang gặt lúa, bẻ ngô, nói cười, vẫy chào mà tôi cứ ngỡ là những cô gái năm xưa đang san đường cho xe chạy. Nhiều công trình đang hoàn thiện, các lò gạch nhả khói đen ngòm, những chiếc xe chở khách du lịch bóp còi inh ỏi, những chiếc xe tải, côngtenơ chở hàng, cát, sỏi, đá… phục vụ công trình…Và khi ra đến cầu Xuân Sơn(trước đây là Phà Xuân Sơn), nơi đã từng hứng chịu biết bao đạn bom, hai đầu cầu vẫn còn vết tích những hố bom mà giờ đây đã hoá thành những ao cá, ruộng muống… Dòng sông Son đang oằn mình chở du khách thăm động Phong Nha. Nhìn những chuyến xe chở khách đi thăm quan Phong Nha - Kẻ Bàng, tôi thầm tự hào về vai trò tối quan trọng của Trường Sơn đối với ngành du lịch nước nhà. Trước lúc quay về, chúng tôi không quên ngắm bức tượng 8 cô gái thanh niên xung phong đã ngã xuống trên đường 20, sừng sững giữa núi non hùng vĩ, như đánh thức bao thế hệ…

Chúng tôi không có điều kiện, khả năng để làm một cuộc hành trình xuyên suốt các tỉnh có đường Trường Sơn đi qua với chiều dài hơn 1700km để thấy hết vai trò tối quan trọng của một quốc lộ 2 xuyên việt này. Song chúng tôi vẫn cảm nhận hết được đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh đang trên đà thực hiện thành công vai trò chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa của đất nước, và đang tiếp tục cất lên những âm vang mới của thế kỉ 21.

 

TRẦN PHÚ YÊN