Chuyện một người lính khố đỏ

10.06.2009

Chuyện một người lính khố đỏ

Lâu nay, bạn đọc chúng ta hầu như mới được tiếp xúc với những hồi ký, hồi ức của các vị lãnh đạo, các tướng lĩnh, các nhà văn nghệ, báo chí viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của chúng ta. Những tác phẩm này giúp cho người đọc hiểu thêm về giá trị cũng như tầm vóc cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc ta. Tuy vậy, sẽ đầy đủ và khách quan hơn nếu ta có thêm những hồi ức của những người có một thời ở bên kia chiến tuyến, sẽ giúp cho chúng ta thêm một cái nhìn đa chiều, càng tôn vinh thêm giá trị của độc lập tự do mà bao thế hệ người Việt Nam phải đổi lấy bằng xương máu.

Chuyện một người lính khố đỏ là những trang viết của một người như thế. Xuyên suốt tác phẩm là hình ảnh một người luôn khao khát hướng thiện nhưng ngay từ tuổi trẻ đã bị cuốn vào dòng xoáy của lịch sử. Do hoàn cảnh cơ cực mà phải đi lính khố đỏ để có chút lương mang về giúp mẹ ốm chữa bệnh. Thế rồi, anh ta bị trôi dạt từ bắc vào nam, hết ở lính Pháp tới làm lính đánh thuê cho Mỹ. Do cùng đường không trả nổi một món nợ tội vạ mà phải đào ngũ, lang thang khắp Sài Gòn để kiếm sống. Đau khổ, nhục nhã nhưng dù ở hoàn cảnh nào anh ta vẫn giữ được phẩm cách cứng cỏi, quyết không làm điều xấu, điều ác, trái với lương tâm và đạo lý con người.

Sau ngày miền Nam giải phóng, gia đình người lính này dẫu chịu nhiều gian nan vất vả, nhưng đã bắt đầu có cuộc sống mới, cuộc sống do chính mình tạo ra. Anh ta cùng gia đình được ngẩng cao đầu để khẳng định nhân cách, phẩm giá con người. Một cuộc sống tương lai tốt đẹp đang mở ra khi cuốn tự truyện được khép lại.

Tác giả Phạm Khải Tri cho ra mắt cuốn tự truyện ở vào tuổi 80 sau nhiều năm nghiền ngẫm, nung nấu. Cuốn sách được viết với giọng văn mộc mạc, trong sáng, giàu xúc động, lôi cuốn người đọc từ trang đầu đến trang cuối.
 
Hoà Quang