Phan Thanh với hoạt động nghị trường

10.06.2009

Phan Thanh với hoạt động nghị trường

Nghiên cứu, tìm hiểu cuộc đời hoạt động yêu nước cách mạng của nhà trí thức tiêu biểu Phan Thanh, trước hết cần nắm vững các đặc điểm của thời đại ông sống và hoạt động. Đó là thời kỳ vận động dân chủ của những năm 1936 - 1939, một thời kỳ quan trọng của lịch sử dân tộc đã tạo nên một bước chuyển cho cách mạng Việt Nam từ chỗ thoái trào trở thành một cao trào mạnh mẽ và sâu rộng. Thời kỳ 1936 - 1939 là cuộc tổng diễn tập thứ hai thông qua đấu tranh công khai, nghị trường tiến tới Tổng Khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi.

Cuộc vận động dân chủ trong những năm 1936 - 1939 đã diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, khi tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp đến Cách mạng Việt Nam, Mặt trận Dân chủ Đông Dương và phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ cùng cuộc vận động dân chủ đang trên đà phát triển đã ảnh hưởng tích cực đến Cách mạng Việt Nam.

Cuộc vận động dân chủ 1936-1939 là một cao trào Cách mạng dân tộc, dân chủ rộng lớn. Qua cao trào, trình độ chính trị và công tác của cán bộ và Đảng viên được nâng cao, uy tín và ảnh hưởng của Đảng được mở rộng và thấm sâu trong nhân dân, chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như đường lối, chính sách của Đảng, của Quốc tế Cộng sản được phổ biến, tuyên truyền và giáo dục sâu rộng. Các sách báo của Đảng và của Mặt trận Dân chủ đã có tác dụng lớn trong việc động viên, giáo dục, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh, đồng thời đập tan những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc và những hành động phá hoại của bè lũ phản động, làm cho chúng càng bị cô lập. Trong hoàn cảnh đó, tổ chức của Đảng đã được củng cố và phát triển. Đội quân chính trị quần chúng gồm hàng triệu người ở thành thị và nông thôn được Đảng tập hợp, xây dựng, giáo dục, đồng thời cũng bồi dưỡng được một đội ngũ cán bộ Cách mạng đông đảo, dày dạn trong đấu tranh, có nhiều kinh nghiệm.

Trên đây là vài nét về bối cảnh chung của thời đại trong đó Phan Thanh sống và hoạt động. Trong một bối cảnh rất thuận lợi để tiến hành đấu tranh như vậy, bản thân người chiến sĩ là Phan Thanh cũng đã hội đủ những đức tính cần thiết, phải có và đã có.

Nói về nhà trí thức yêu nước Cách mạng Phan Thanh có thể khẳng định rằng, ông đã được chuẩn bị sớm và vững chãi về tư tưởng, tình cảm, thái độ cho cuộc đấu tranh trong một môi trường và bối cảnh lịch sử như vậy. Có thể căn cứ vào câu phát biểu của ông tại Hội đồng Thành phố Hà Nội ngày 19/12/1938 để thấy rõ mục tiêu hành động của ông đã được xác định dứt khoát từ đầu:

“Nếu làm chính trị là đòi hỏi một sự công bằng xã hội lớn hơn, là tố cáo trong một cuộc họp bất kỳ nào đó những đặc lợi đáng phẫn nộ không thể biện minh được là bảo vệ lợi ích của những người lao động, những người thợ, người làm công, những viên chức, những tiểu thương, tiểu chủ, của những người cùng khổ mà người ta còn chưa nhận thức đầy đủ những giá trị và quyền của họ, thế thì thưa các ngài, chúng tôi không sợ gì để nói là chúng tôi sẽ kiên quyết làm chính trị”.

Và sự thật thì Phan Thanh đã làm đúng như đã nói. Cho nên có thể xem đây là một tuyên ngôn chính trị của Phan Thanh, và rõ ràng là Phan Thanh đã thực hiện đúng với lời tuyên ngôn của mình từ những ngày đầu bước chân vào con đường hoạt động Cách mạng cho tới ngày từ giã cõi đời bì bạo bệnh. Rõ ràng là thời thế tạo anh hùng, nhưng trong trường hợp Phan Thanh thì chính thời thế cũng tạo ra phương pháp hoạt động trong môi trường hoạt động mới. Trong cuộc đời yêu nước Cách mạng của mình, Phan Thanh chủ yếu hoạt động nghị trường, trực tiếp trình bày và tranh luận với đối phương. Với các ưu điểm nổi trội của mình, ông vừa là một nhà báo, một cây bút lành nghề và lão luyện, một nhà giáo giỏi đầy uy tín, một chính khách sắc sảo, hùng biện và dũng cảm trong đấu tranh công khai trên nghị trường để bảo vệ không mệt mỏi quyền lợi của quần chúng lao động và các dân tộc Đông Dương. Nhờ vào tài năng, nhân cách và uy tín, ông đã trở thành một chiến sĩ xã hội trụ cột của phong trào dân chủ, thực hiện một cách xuất sắc chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản, và vì vậy đã đóng vai trò cầu nối giữa những người xã hội (ông là Đảng viên Đảng Xã hội) với những người Cộng sản và dân chúng cần lao, nên đã được suy tôn danh hiệu cao quý là “người chiến sĩ của dân chúng”.

Thiết tưởng đó là lời đánh giá công minh và tốt đẹp nhất đối với một nhà trí thức chân chính.

 

GS. ĐINH XUÂN LÂM

Tháng 4/2009