Những mẩu chuyện về Bác Hồ

10.06.2009

Những mẩu chuyện về Bác Hồ

Chiếc kẹo Bác cho

Tháng 6 năm 1957, Bác về thăm bộ đội và nhân dân tỉnh Quảng Bình. Buổi tối, Bác dự buổi liên hoan năm văn nghệ "cây nhà lá vườn" với một đơn vị bộ đội. Hôm đó, một anh lính trẻ mạnh dạn lên mở đầu cuộc vui bằng việc đọc bài thơ Hoa hồng không có gai. Nghe đọc xong, Bác thưởng cho một cái kẹo và hỏi vui:

- Cái cô gái trong bài thơ ấy chắc là "đối tượng" của chú, có phải không? Tất cả anh em đều cười sảng khoái. Câu nói của Bác làm cho đám lính tráng mạnh dạn hẳn lên trong không khí đầm ấm, chan hòa tình cha con.

Bác nhìn một lượt, ánh mắt hiền từ:

- Đã là thơ thì nên ngâm, đúng không?

- Vâng ạ ! - Tất cả đồng thanh.

Liền đó, một anh lính trẻ khác tên là Lư xung phong ngâm bài thơ Thương nhất anh nuôi của nhà thơ Lưu Trùng Dương. Bác chăm chú nghe, tới hai câu:

Thương đồng chí, giúp đồng bào.

Mình làm cách mạng, việc nào cũng vinh.

Bác vỗ tay khen hay và thưởng liền cho hai cái kẹo. Đồng chí Lư ăn một chiếc, chiếc còn lại, ngay sáng hôm sau, xin phép đơn vị ra bưu điện gửi về tặng vợ mới cưới của mình.

 ---------------------------------------------------------------------------------------

Được gặp Người, chúng ta trở nên tốt đẹp hơn
 

Đầu tháng 2 năm 1958, Bác Hồ dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng. Chính phủ ta đến thăm đất nước Ấn Độ tươi đẹp và mến khách. Các tầng lợp nhân dân Ấn Độ cảm thấy hết sức gần gũi Bác Hồ. Câu chuyện Bác Hồ từ chối không ngồi chiếc ghế vàng dành để tiếp đón Người, mà ngồi cùng ghế như những người bình thường; Bác đến tận nơi bắt tay người lái tàu còn đầy than bụi; Người đi bộ đến nói chuyện với các nhà báo... những tin tức đó đã nhanh chóng được truyền đi ở nhiều nơi trên đất nước Ấn Độ. Có tờ báo xuất bản tại Ấn Độ lúc ấy đã viết "Người là chiến sĩ vĩ đại vì tự do"

Tờ báo Tri-bu-ne Am-ba-la xuất bản tại Niu Đê-li (ngày  8 tháng 2 năm 1958) viết:

"Thật là một đặc ân cho nhân dân Ấn Độ được vinh dự chào mừng Tiến sĩ (1) Hồ Chí Minh. Với sự giản dị và chân tình của mình, Tiến sĩ Hồ Chí Minh đã khiến mọi người yêu mến ở bất cứ nơi nào ông đến!".

Còn Nê-ru, Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ, qua tiếp xúc, gặp gỡ và làm việc với Bác Hồ trong những ngày Bác sang thăm Ấn Độ đã ca ngợi:

"Chúng ta đã được tiếp xúc với một người. Người ấy là một phần của lịch sử châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta đã gặp một mảng lịch sử của lịch sử. Do đó, có lẽ chúng ta không chỉ được tăng thêm về suy nghĩ của chúng ta, mà chúng ta còn tăng thêm tầm vóc. Được gặp người ấy là một người từng trải, khiến chúng ta trở nên tốt hơn.

Thật là một điều vui sướng, khi được một con người vĩ đại và đáng yêu đến với chúng ta. Mặc dù trong thế giới ngày nay còn có những khác biệt và xung đột, song thật vui sướng và cảm thấy rằng đã có một cái như lòng tốt của con người: "Tình bạn bè và thân ái. Cái đó sẽ vượt qua những gì là khác biệt".

Bác Hồ kính yêu của chúng ta là vậy !

 

(1)     Tiến sĩ: danh hiệu nhân dân Ấn Độ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

 ---------------------------------------------------------------------------------------

Đã leo phải leo tới đỉnh

Hồi Bác thăm nước cộng hòa Ấn Độ, nước bạn mời Bác thăm tháp Qut Mi-nar. Đây là một ngôi tháp cổ được xây dựng từ năm 1199. Tháp được xây bằng đá có 5 tầng, cao 76 mét. Nếu muốn leo từ chân tháp đến đỉnh tháp phải leo 379 bậc. Thông thường khi chủ nhà dẫn khách quý đến tham quan tháp, khách được dẫn lên vài bậc ngắm nhìn quang cảnh xung quanh rồi ra về. Hôm đó, Bác mặc bộ quần áo ka-ki giản dị, chân đi dép cao su theo các bậc đá leo mãi. Người hướng dẫn, quan chức chủ nhà đi tháp tùng và khách Việt Nam bị bất ngờ, cứ tưởng Bác chỉ leo tới trăm bậc là đã lập kỉ lục rồi. Đáp lại những ánh mắt dò hỏi, Bác nói:

- Được thăm tháp cổ kính, một công trình kiến trúc đặc biệt thế này, đã leo thì phải leo tới đỉnh.

Đó là lúc 10 giờ 30 phút ngày 7 - 2 - 1958.

Sáng hôm sau tất cả các báo Ấn Độ đều đăng ảnh Bác thăm tháp và hết lời ca ngợi sự kiện "có một không hai" này.
---------------------------------------------------------------------------------------
Đây là cánh cửa hòa bình

Đêm đó, Bác Hồ rời Thủ đô Niu Đê-li (Ấn Độ) bằng xe lửa đặc biệt để thăm thành phố Bom Bay. Đông đảo đại diện ngoại giao các nước và quần chúng Thủ đô Ấn Độ ra tiễn Bác. Các thành viên của đoàn ta lên các toa trước để khi Bác đến là tàu có thể chuyển bánh được ngay. Bác đến, rồi đi chào các đại diện ngoại giao đang xếp hàng ngang trong phòng khách của nhà ga. Khi ra sân ga chỉ có Bác, Thủ tướng Ấn Độ Nê-ru và ông Vụ trưởng Vụ lễ tân của Ấn Độ. Bước đến toa dành riêng cho Bác, Bác không vào ghế ngồi ngay mà đứng lại ở cửa, nói một vài câu chuyện với Thủ tướng Nê-ru. Khi còi tàu nổi lên báo hiệu tàu sắp chuyển bánh. Thủ tướng Nê-ru thân mật và ân cần nói với Bác:

- Chủ tịch hãy cẩn thận, tàu sắp chuyển bánh đó.

Tươi cười và rất hiền hòa, Bác Hồ nói với Thủ tướng Nê-ru:

- Ông bạn thân mến cứ yên tâm, đây là cửa của hòa bình.

Nghe Bác nói, Thủ tướng Nê-ru cười vui vẻ, cảm kích và trả lời Bác:

- Thưa Chủ tịch, cửa hòa bình luôn luôn rộng mở.

Câu chuyện rất thân mật này giữa hai người đứng đầu hai quốc gia, đồng thời cũng là hai người bạn yêu chuộng hòa bình, luôn đấu tranh cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc, đã làm cho các nhà báo Ấn Độ và nước ngoài có mặt hôm ấy rất chú ý.

Sáng hôm sau, các báo lớn của Ấn Độ đăng lại cuộc đối thoại lí thú này và làm cho dư luận vô cùng chú ý. Nhiều báo nhắc lại câu nói của Bác: Đây là cánh cửa của hòa bình./.