KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY MẤT NHÀ YÊU NƯỚC PHAN THANH (1939 - 2009)

10.06.2009

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY MẤT NHÀ YÊU NƯỚC PHAN THANH (1939 - 2009)

 
PHAN THI MỸ KHANH
Bà mẹ hiền và những người con yêu nước
 

Làng Bảo An thuộc vùng Gò Nổi, huyện Điện Bàn nằm bên trên đường sắt xuyên Việt chừng 2 cây số, ven bờ sông Thu Bồn là một làng chuyên nghề dệt vải, nuôi tằm, ươm tơ và trồng mía, làm đường trước Cách mạng tháng tám. Nhân dân hầu hết làm nghề dệt, một số ít buôn bán, làm nông. Trong làng, người học hành đỗ đạt cả Hán học lẫn Tây học cũng nhiều nhưng không có quan to và không mấy nhà giàu có.

Một ngôi nhà sườn gỗ lợp tranh nho nhỏ nằm ẩn mình trong khu vườn chừng vài sào, quanh năm xanh màu cây trái, bên cạnh dỏ(1) làng Tây, đó là nhà của ông bà Biện Chín, cha mẹ của các chú Phan Nhuỵ, Phan Thanh, Phan Bôi, Phan Tháo được đông đảo bà con biết đến, ca ngợi kính nể vì lòng yêu nước thương dân, sớm giác ngộ Cách mạng.

Ông Biện là chú ruột cha tôi, nhà tôi và nhà ông bà liền nhau, chỉ ngăn cách bằng một hàng keo có chừa một khoảng trống để hai nhà qua lại. Ông tên thật là Phan Định sinh năm 1868 và mất năm 1929, con trai thứ 9 của cụ Phan Khắc Nhu, đỗ Cử nhân, làm quan đến chức Án sát nhưng từ quan, về làng. Ông cũng theo đòi Hán học nhưng không đi thi, bán mấy sào đất hương hoả làm vốn mở tiệm bán thuốc bắc và tạp hoá tại chợ Quảng Huế nay thuộc xã Đại Hoà.

Tính ông khẳng khái, cương trực và chân thật, đôn hậu. Đối với bà con và hàng xóm láng giềng, ông cư xử phải đạo, không mếch lòng ai nhưng với bọn thực dân cai trị hống hách, ông không lùi bước. Ở Bảo An thời Pháp thuộc, bà con ai cũng còn nhớ chuyện ông Biện Chín dám đánh lại thằng Tây coi đập nước Vĩnh Trinh gãy cả một cái cán dù chỉ vì nó bắt ông chào nó, ông không chào, nó bạt tai ông. Thời ấy, có mấy ai dám làm như thế nên nhân dân đặt vè đúc kết một câu nói lên sự khâm phục ông:

...Làm trai như ông hết chỗ chê

Co tay tính thử ở thôn quê được mấy người ?

Người đặt vè ấy là ông Tý điếc ở xóm tôi, một người dân không được học hành, chuyên nghề làm những chiếc đèn chai thắp bằng dầu hoả.

Bà Biện tên là Lê Thị Tiếu, con gái thứ tư của cụ Cử Lê Đăng Cung, quê làng Nông Sơn, nay thuộc xã Điện Thọ, là một nhà nho tuy có đỗ đạt nhưng chuyên dạy học, đã đào tạo nhiều học trò nổi tiếng như các ông Phạm Liệu, Trần Quý Cáp.

Bà Biện cũng như hầu hết phụ nữ thời xưa, không được học hành trường lớp tử tế, nhưng xuất thân từ con nhà nề nếp gia phong, bà về nhà chồng được tiếng là dâu hiền, vợ đảm, ăn ở với bà con thật thà, nhân hậu, được nhiều người khen ngợi. Sinh được 10 người con, vừa trai vừa gái, bà tần tảo làm ăn, hết sức cần kiệm, nuôi dạy con khôn lớn, con trai được học hành tử tế Người con trai đầu đỗ Trung học, làm tham biện thuỷ lợi ở Thanh Hoá, mất năm 24 tuổi. Các chú tiếp theo là Phan Nhuỵ, Phan Thanh, Phan Bôi, Phan Tháo đều là những nhà yêu nước, hoạt động cách mạng, bị bắt bớ, tù đày dưới thời thực dân đế quốc.

Sau khi ông Biện mất, bà không buôn bán nữa, về ở hẳn Bảo An. Thời gian từ 1935 trở đi, tôi bắt đầu đi học ở trường làng nên thường sang nhà bà chơi và rủ cháu bà đi học. Những năm ấy, chú Phan Bôi đang ở tù Côn Đảo vì vụ diễn thuyết ở Sài Gòn, chú Phan Thanh dạy học Hà Nội. Chú Phan Nhuỵ sau khi ở tù khám lớn Sài Gòn, được tha về nhưng bị quản thúc, chú cũng đi làm ăn loanh quanh trong địa phương. Bà Biện sống một mình trong căn nhà gỗ lợp tranh ấy, tự nấu ăn ở một chái bếp thấp lè tè, bên cạnh là chuồng heo, khi nào cũng có một con heo choai choai để bà chăm sóc, xắt rau, nấu cám. Thỉnh thoảng các cháu nội, con chú Phan Nhuỵ cũng giúp bà giã cối chuối, nấu nồi cơm. Nhưng bà thích mình tự làm lấy. Bà nói: Nuôi heo cho vui, không có con heo, bà chịu không được. Vì vậy, có mấy lần chú thím Phan Thanh mời bà ra Hà Nội chơi, ở năm ba tháng cho nhàn nhã. Nhưng bà chỉ ra độ vài mươi ngày, nhiều lắm là một tháng lại đòi về. Về quê, bà nói với chúng tôi: "Chẳng thà về quê, ăn rau ăn mắm mà có con gà con heo nó vui, ở ngoài nớ cả ngày ngồi không chẳng biết làm chi. Tau có sờ vô lặt cái rau thì mụ Thanh cũng không cho làm, nói: Mạ nằm nghỉ, hoặc ngồi chơi, việc gì cũng đã có u già", cho nên tau buồn quá.

Tính bà ưa lao động, ưa cái gì cũng tự mình làm, không phiền đến ai. Có hôm tôi thấy bà nấu mấy củ sắn và mấy trái chuối già, bỏ vào cối đá, giã cho mềm dẻo rồi chấm với muối mè, ngồi nhai móm mém, đó là món, tuy răng rụng mấy chiếc rồi, bà rất thích ăn.

Năm 1937, khi phong trào mặt trận bình dân lớn mạnh ở Pháp, tù chính trị được trả tự do, chú Phan Bôi về nhà. Những ngày ấy, tôi thấy bà Biện mừng rỡ, lăng xăng đun nấu trong bếp - Lần ấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy chú Phan Bôi, để rồi tôi không còn bao giờ được thấy chú nữa. Lần ấy, chú còn trẻ, khoảng 30 tuổi, gương mặt rắn rỏi, làn da hơi ngăm ngăm, thân hình hơi gầy. Chú rất ít nói, không được vui như chú Thanh. Tôi nhớ hôm ấy nhà tôi có giỗ, làm thịt một con heo nhà nuôi, không to lắm. Chú vào chỗ làm thịt, lấy một bộ phận gì trong con heo, cầm trên tay múc nước rửa sạch rồi bỏ vào miệng nuốt chửng. Sau, tôi nghe nói đó là cái mật heo, chú uống để chữa bệnh.

Chỉ mấy ngày sau, chú lại ra đi, hình như có công việc gì đang chờ chú. Bà không còn vui như những ngày chú mới về. Bà đi lên đi xuống trong căn nhà, nét mặt rầu rầu, chốc chốc lại kéo chiếc khăn nâu vắt vai lau mắt. Chú cho biết là chú đi Hà Nội, ra nhà chú Thanh. Nhưng chỉ vài ba tháng sau, chú Thanh báo về là chú Bôi đã bị bắt đày qua Madagascar. Bà lại âm thầm khóc con, nét mặt lúc nào cũng đượm vẻ u buồn, lưng bà đã còng còn còng thêm xuống.

Một lần, tôi qua chơi, bà đưa thư chú Bôi mới gởi về, bảo tôi đọc cho bà nghe. Thư là một phong bì bên ngoài đề địa chỉ bà, có dán tem nhưng bên trong không có mảnh giấy nào. Những lời thăm hỏi gia đình, người thân, mọi thông tin về sức khoẻ, sinh hoạt của người tù được viết rất ngắn ngọn ở mặt trong phong bì, chữ nhỏ, dày khít hàng. Hình như người viết cố nhốt cho hết mọi tình cảm bên trong cái khuôn khổ chật hẹp ấy. Câu cuối thư chú viết: “Mạ yên tâm, con rất khoẻ, rồi con sẽ về với mạ!" Bà nghe đọc xong, tự nói một mình, đôi mắt xa xăm: - "Biết hắn có còn sống để về không !".

Thư của tù chính trị thời ấy không dễ dàng đến tay người nhận. Nó phải qua các cửa ải là toà Mật thám, phủ nha kiểm duyệt xong, mới giao về làng cho Lý trưởng, Lý trưởng mới phát về gia đình.

Năm 1943, Tri Phủ Điện Bàn đã hai lần cho gọi bà xuống Phủ đường để hỏi: "Phan Bôi, con bà, nay ở đâu? Đó là lần thứ nhất.

Lúc này, nỗi buồn thương con bị tù đày đã tiêu tan, mà trong lòng người mẹ đau khổ chỉ còn nỗi uất ức, bà nói:

- Con tôi, các ông bắt giam từ mấy năm ni, đày đi đâu biệt tăm biệt tích, chứ răng lại hỏi tôi?.

Lần thứ hai, không lâu sau độ 1 tháng, Lý trưởng lại đưa trát đòi bà xuống Phủ. Không đợi chúng hỏi, bà nói luôn:

- Tui chỉ có cái mạng già tôi đây, các ông có làm chi thì làm, chớ đừng kêu lên kêu xuống mất công.

Rồi thôi, chúng cho bà về, không kêu nữa.

Sau nầy mới rõ lý do là chú Phan Bôi và một số bạn tù được quân Anh cho nhảy dù xuống Việt Bắc để chống Phát xít Nhật, bọn Pháp tưởng chú trốn tù, vượt ngục.

Tháng 5-1939, một nỗi đau to lớn đến với Bà, tưởng bà sẽ gục ngã. Chú Phan Thanh đang là nghị viên dân biểu được dân yêu mến, tín nhiệm, bỗng bị bệnh hiểm nghèo và qua đời rất đột ngột. Mới ngày 29-4, điện tín đánh về báo tin chú mệt nặng. Trưa 30-4, anh tôi đưa bà ra ga Kỳ Lam để cùng bà đi Hà Nội, thì bức điện tín thứ 2 báo tin chú hấp hối (Lúc này chú Phan Nhuỵ đã ra Hà Nội trước đó mấy ngày). Bà đi ngang sân tôi, vừa đi vừa lau nước mắt, lưng bà còng xuống trong chiếc áo dài đen đã bạc màu.

Trong những tấm ảnh đám tang chú từ Hà Nội gởi về, dáng bà mặc quần áo tang bước đi lom khom bên thím Xuyến, cùng hai cháu nhỏ theo sau linh cửu chú, ai thấy cũng không khỏi rơi nước mắt.

Sau đám tang vài tuần, bà trở về quê, càng buồn phiền hơn khi thấy các cháu đã lập bàn thờ thờ chú, bà con đến viếng rất đông.

Lễ truy điệu chú được Tỉnh ủy bí mật tổ chức chớp nhoáng tại nhà bà vào một buổi sáng sớm, tôi không nhớ rõ ngày nhưng khoảng chừng vào cuối tháng 5-1939.

Từ tinh mơ, đã có đông anh em công nhân, nông dân, thợ thuyền từ đâu kéo đến, lặng lẽ, hàng ngũ chỉnh tề, đứng làm mấy hàng từ hiên nhà ra đến ngõ. Đèn nến trên bàn thờ chú được thắp lên sáng rực, trang nghiêm. Một đại diện ban tổ chức đọc điếu văn, những anh chị đến từ hiệu sách Việt Quảng Đà Nẵng đều mang băng tang. Sau đó, diễn ra một phút mặc niệm và ai nấy tự ra về bằng nhiều ngã khác nhau. Mọi người vừa đi thì tên Banh, mật thám đắc lực của Reynaud, chánh mật thám Hội An đến. Lúc bấy giờ nhà chỉ còn đám trẻ con như bọn tôi và bà Biện, bà đã vào nằm trong giường.

Tên Banh gọi bà ra, hỏi về Lễ truy điệu. Bà đáp: "Mấy ngày rày tôi rầu cho con, không ăn không uống, nằm mãi đây như chết rồi, có biết cái chi! Ông muốn hỏi, để tôi kêu cháu tôi cho ông hỏi".

Rồi bà bảo chúng tôi đi gọi anh Phan Cừ, cũng là cháu bà, nhà bên cạnh Banh hỏi anh Cừ: "Ông Nhuỵ đâu? - "Bà tôi đau, chú đi cắt thuốc".

- Mới tổ chức truy điệu đây phải không ? Hương đèn còn cháy kìa? - Không có lễ lạc gì hết. Có bà con biết tin chú mất, đến phúng điếu, phải đốt đèn, thắp hương cho họ lạy.

Nó bắc một chiếc ghế dựa, ngồi sát bàn thờ, nhìn kỹ các câu liễn đối, ghi ghi chép chép gì trong sổ tay hồi lâu rồi tức tối ra về.

Sau đám tang chú Thanh và Lễ truy điệu ít lâu thì chú Phan Nhuỵ bị bắt, đưa đi an trí ở Đắc Tô. Chú Phan Tháo là con út, trước cũng bị tù tại Sài Gòn trong vụ chú Phan Bôi diễn thuyết. Sau khi mãn hạn tù, chú ra Hải Phòng làm thợ ảnh, lấy vợ, sinh được một con trai. Tổ chức phái chú đi công tác Vân Nam (Trung Quốc) rồi cũng mất tích luôn. Thời gian nầy, từ 1940 đến 1945, bao nỗi mất mác đau thương vò xé người mẹ hiền lành, nhân hậu, khiến bà trở nên lặng lẽ.

Tháng 3-1945, Nhật gây ra đảo chính, hất cẳng Pháp để chiếm lấy Đông Dương. Chú Phan Nhuỵ và một số bạn tù chính trị từ nhà lao Trà Khê trở về. Các ông cùng nhau bàn bạc tiếp tục hoạt động theo chương trình Việt Minh, đánh Pháp, đuổi Nhật, chống Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim - Từ đấy cho đến tháng 8-1945, tại nhà bà Biện Chín thường xuyên diễn ra những cuộc họp bàn về việc chuẩn bị Tổng Khởi nghĩa. Những hoạt động như đánh máy truyền đơn, tài liệu, may cờ được bí mật và gấp rút thực hiện tại căn nhà nầy, có sự tham gia của thím Lê Thị Xuyến và một số anh em thanh niên trong làng đáng tin cậy.

Bà Biện Chín tuy chưa biết rõ công việc nhưng bà rất phấn khởi vì bà nghĩ rằng sẽ có sự đổi thay lớn, người con bị tù và người con mất tích sẽ trở về. Nỗi nhớ thương người con chết trẻ cũng dần được nguôi ngoai. Quả nhiên, cuối năm 1945, bà nghe tin chú Phan Bôi đã trở về tại căn cứ Việt Bắc. Bà khấp khởi mừng thầm chẳng bao lâu nữa sẽ được gặp con, nghe nói con đã có vợ, bà càng mong được thấy mấy đứa cháu yêu thương.

Cuối năm 1946, xảy ra toàn quốc kháng chiến - Đầu năm 1947, chiến sự lan dần vào các huyện phía Nam Đà Nẵng, bà con Điện Bàn phải rời quê đi tản cư lên miền Tây Quế Sơn, Tiên Phước.

Bà Biện Chín cũng được con cháu đưa lên tạm lánh tại làng Trung Phước, và sau đó, lên làng Bình yên định cư cho đến ngày hoà bình. Tháng 4-1947, chú Phan Bôi đang công tác ở Việt Bắc, là một cán bộ trung thực, năng nỗ, được sự tin yêu của Đảng, của Bác Hồ thì lại bị tai nạn, chết đuối ở sông Lô.

Tin đau đớn đưa về Quảng Nam, các con cháu đều biết nhưng giấu kín, không nói cho bà hay, trong lúc bà đang ấp ủ nhiều hy vọng gặp chú, hoặc được đọc thư từ của chú.

Nhưng, thật tội nghiệp cho bà, người mẹ suốt đời đau khổ vì con, bà đã vĩnh viễn yên nghỉ tại làng Bình yên, nơi sơ tán sau khi mỏi mòn chờ đợi tin con.

Cuộc đời của một bà mẹ đã sinh ra và nuôi dạy được những người con giàu lòng yêu nước thương dân nhưng tài hoa mệnh bạc thật đáng trân trọng biết bao. Cùng với những bà mẹ Việt Nam anh hùng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại, bà Lê Thị Tiếu cũng đã cống hiến cho tổ quốc những tài năng kiệt xuất và bà cũng đã chịu nhiều mất mác đau thương mặc dù các con bà không ngã xuống dưới mũi súng, làn bom của giặc thù.

 

                                                               P.T.M.K

 
(1) Dỏ là nơi nhóm họp của chính quyền thôn ấp, thời Pháp thuộc - Đó cũng là điểm canh, nơi tạm giữ những người phạm tội.