Ký ức thời gian: Khắc khoải những âm giai hoài niệm
Xuất thân từ ngành Sư phạm Âm nhạc, song nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh đã sớm bước vào lĩnh vực sáng tác. Hơn 30 năm qua, anh miệt mài hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và cả miền Trung.
Mặc dù khá bận bịu với cương vị Trưởng phòng văn nghệ - thể thao Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, song anh đã toàn tâm, toàn lực sáng tác hàng trăm ca khúc và đã tuyển chọn giới thiệu trong một CD cùng tuyển tập ca khúc thiếu nhi “Lạc vào thế giới tuổi thơ”. Với quá trình 6 năm liên tục tích cực truyền dạy dân ca cho thiếu nhi, có thể nói anh đã đóng góp không nhỏ vào hoạt động âm nhạc và văn nghệ dân gian của địa phương cũng như Trung ương.
Giới yêu nhạc tuổi thơ cả nước từng biết đến anh qua các ca khúc: Cánh diều tuổi thơ, Thìa la thìa lẩy, Ông giẳng ông giăng, Đà Nẵng - điểm hẹn tuổi thơ… trong các chương trình Tuổi đời mênh mông, Đồ Re Mi phát trên sóng VTV. Bên cạnh đó, những ca khúc dành cho người lớn của anh cũng có chỗ đứng trong công chúng, tiêu biểu như các ca khúc : Hội An mùa Xuân nhớ, Ký ức làng quê ( phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh), Ngàn đời con nhớ mẹ mẹ ơi ( phổ thơ Huy Hạnh)…
Quê hương xứ Quảng thân thương đã hiện diện trong nhiều ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh. Mảnh đất anh hùng Phú Túc, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng cũng từng làm xốn xang tâm hồn anh trong một lần đến thăm chiến khu xưa, nơi đây là căn cứ địa cách mạng, nơi hoạt động của nhiều nhà cách mạng lão thành Quảng Nam - Đà Nẵng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ.
Đã trải qua 30 năm gắn bó với mảnh đất này, cảm xúc trong anh thật sự dâng trào trước thiên hiên hùng vĩ, thiêng liêng; nơi từng dưỡng nuôi, chở che bao chiến sĩ cách mạng kiên cường chiến đấu đợi chờ ngày đất nước thống nhất, vẹn toàn. Tất cả tình yêu đối với miền đất này đã được anh gửi gắm qua ca khúc Ký ức thời gian.
Với giọng Ré thứ, nhịp 2/4 tác giả đã sử dụng chất liệu âm nhạc sâu lắng từ làn điệu hát ru Nam Trung Bộ, những thanh âm man mác, nhẹ nhàng từ hợp âm chủ R- Fa-La- Re thật sự đi vào lòng người.
Trong ca khúc này, anh đã vận dụng thủ pháp đảo phách, khắc hoạ được nỗi ray rức từ hoài niệm quá khứ, Giai điệu liền bậc ở những âm ổn định trong phần mở đầu ca khúc thật da diết, trữ tình như dẫn đưa người nghe quay về vùng đất thâm trầm mà anh hùng vang tiếng.
“Dòng sông Yên đợi ai! Nước cứ lặng trôi, Núi Chúa đứng chờ ai! Mà mây gió vờn quanh…”
Phần kết đoạn A ở bậc V (át âm) tạo thêm tính phát triển cho giai điệu, làm cho nét nhạc thêm sống động, lung linh.
Trong ca khúc, ẩn hiện hình ảnh cô gái Hoà Vang thuỷ chung son sắt, ngày ngày vẫn lặng lẽ bên dòng sông Yên êm trôi, nơi còn lưu dấu bao kỷ niệm một thời đấu tranh hào hùng của các chiến sĩ cách mạng trên cuộc hành trình gian khổ, dành lại độc lập tự do cho người dân xứ Quảng kiên cường.
“ Nồng nàn là anh, tình đầu là em….đợi chờ thuỷ chung ơi cô gái, cô gái, cô gái Hoà Vang”.
Chuyển qua đoạn B, âm nhạc tiến dần lên âm vực cao miêu tả những bậc đá chông chênh dẫn lê đỉnh cao hùng vĩ của chiến khu một thời, giữa mênh mông sương khói của cảnh cũ quạnh hiu, hình ảnh người xưa chợt quay quắt hiện về trong tâm thức người ở lại. Thời gian tưởng chừng như mãi mãi ngừng trôi…
“Lời hứa xưa câu dân ca đâu đây vọng mãi, em sẽ chờ vì một ngày mai, trong vòng tay ngày vui chiến thắng, thương ai tôi về vẫn đợi vẫn mong…..Ngày xưa ơi! Còn mãi mãi trong tôi. Thời gian ơi! Đẹp mãi một tình yêu”
THS. VĂN THU BÍCH