Tuổi bốn mươi – Hồ Duy Lệ
Rời Hang đá ở Hòn Quắp - núi Hòn Tàu, xuống ranh Trà Lý. Định theo đường mòn qua dốc Dựng băng đồng đất Xuyên Thanh, lội sông Thu Bồn qua Gò Nổi thì du kích báo đường bị địch phục tắc cả tuần, giao liên không xoi được. Tôi theo giao liên xuống ngả Xuyên Trà, qua Phước Mỹ - Xuyên Tây, vòng phía Bắc quận lỵ Duy Xuyên, lội suối qua Hà Mật đến đất Điện Bàn. Những năm trước, mỗi lần đi công tác Điện Bàn, tôi thường về trụ với cán bộ, du kích xã Điện Hòa anh dũng, nơi có những tên thôn, tên làng rất quen thuộc như Phái Nhất, Phái Nhì (Quang Hiện), Bích Trâm, Bích Bắc, Đông Quan, xóm Bùng - nơi có những “bàn đạp” đột nhập vào nội thành Đà Nẵng. Trong những ngày 26 và 27 tháng 3 năm 1975, các Ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà đi tiền phương như Hồng Quang, Năm Dừa, Trần Hưng Thừa, Phan Hoan đều có mặt ở Phái Nhất. Bà con cơ sở mong cán bộ cốt cán vào nội thành để trực tiếp chỉ đạo. Họ mong bộ đội vào nhanh để trấn áp kẻ thù đang rệu rã và nắm chính quyền. Nhận được tin nóng như lửa này Bí thư Đặc khu ủy Trần Thận thúc giục mọi người nhanh chóng rời núi Hòn Tàu.
Sau khi Trần Hưng Thừa được phép vào Đà Nẵng để trực tiếp chỉ đạo lực lượng nội thành thì Hồng Quang, Năm Dừa... đứng ngồi không yên, ức như cá ức nước. Tối ngày 27 - 3, Thượng tá Tư lệnh Phan Hoan đang rấm quân ở Điện Hòa, Điện An thì thấy xuất hiện ở khu vực này hàng trăm lính Sài Gòn rã ngũ, áo quần tả tơi, mặt mày phờ phạc. Không ai kịp hướng dẫn, mấy bà mẹ ở Phái Nhất, Phái Nhì ới nhau nấu cơm cho lính rã ngũ ăn. Phần đói, phần mừng thoát chết, họ ăn ngon lành. Sáng ngày 27, nhìn lên núi Bồ Bồ thấy khói đen bốc lên. Sau đó thấy hàng tốp lính bỏ đồn xuống núi. Cái tin này hấp dẫn quá, loan đi rất nhanh, có sức mạnh thôi thúc hơn một trận đánh thắng. Dọc quốc lộ I từ cầu Bà Rén ra cầu Câu Lâu, Vĩnh Điện càng rõ hơn cảnh tan rã của quân đội Sài Gòn. Nội thành Đà Nẵng lộn xộn hơn bao giờ. Dân ùn ùn đổ vào sân bay, chạy ra bến cảng. Quân đội Sài Gòn bị đánh tan tác ở các mặt trận Trị Thiên, bị dồn ra tận cửa biển Thuận An. Có lẽ, sau trận Ban Mê Thuột, đây là đòn tấn công nặng nề nhất nên Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn có quyết định bí mật di tản quân Mỹ khỏi Đà Nẵng.
Fran Sneep chuyên viên CIA trong hồi ký Decent Interval viết về tướng Trưởng: “Sáng 29 - 3 - 1975, trời mưa bay và lạnh, biển động hơn trước... không rõ giờ này tướng Ngô Quang Trưởng, từng được coi là ưu tú nhất của quân đội Việt Nam Cộng hòa, đang bơi và trôi giữa những cơn sóng nguy hiểm ngoài khơi Đà Nẵng. Ông không phải là người bơi giỏi, người ta phải vớt ông đưa lên tàu. Trưởng ở trên tàu những ngày sau đó. Đằng xa, lính còn lại là lính của Sư đoàn mà Trưởng từng tự hào, đang cướp, phá, đốt... Hàng trăm ngàn tên lính khác bị bao vây như đàn chuột”.
Là một phóng viên được thủ trưởng Báo Giải phóng Quảng Đà phân công đi công tác Điện Bàn. Tôi xin ý kiến Hồng Quang, lúc này là Trưởng ban đấu tranh chính trị, cho tôi vào Đà Nẵng. Khi xe chúng tôi qua được cầu Đỏ vào đến khu vực Cẩm Lệ thì thấy một chiếc trực thăng UH1A đang bay vòng vòng, lấc láo trên đầu. Máy bay lên cao dần rồi lượn về phía Sơn Trà. Ai hay rằng, đó là một trong những chiếc máy bay cuối cùng rời được sân bay ra hạm đội chờ ngoài khơi. Khi chiếc cầu Delatre màu đen bắc qua sông Hàn hiện ra, tôi biết mình đang đi vào thành phố. Đường nào, phố nào cũng lạ lẫm, tôi không còn nhận ra đâu là đâu. Cầu De Lattre - chiếc cầu màu đen này đây, trong thông điệp cuối cùng của Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu vừa la, vừa chửi Mỹ, đã ra lệnh cho tướng Ngô Quang Trưởng hãy chiếm lấy đầu cầu bên phía bán đảo Sơn Trà để chuẩn bị phản kích lấy lại quận Nhất, lấy lại Đà Nẵng sắp rơi vào tay Cộng sản.
Trong lúc đó, từ Dinh Độc lập, Nguyễn Văn Thiệu đang nóng lòng chờ phái đoàn của tướng Mỹ Uây - en sang quan sát ở Sài Gòn để báo cho Nhà Trắng “xem xét khả năng và hành động có thể ủng hộ Thiệu”, thì Tổng thống Pho đang ung dung nghỉ mát ở Palm Springs. Nghe tin Đà Nẵng thất thủ, Pho tuyên bố: “Việc mất thành phố Đà Nẵng là một thảm họa của loài người”. Còn cố vấn Kissinger: “Sao họ không chết đi cho sớm hơn. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là cứ để họ sống vất vưởng”.
Cầu De Lattre - một cây cầu vĩnh cửu, bắc qua sông Hàn sớm nhất và độc nhất. Ngày 6 - 12 - 1950, chính phủ Pháp phải cử đại tướng De Lattre De Tassigny sang Đông Dương hòng cứu vãn tình hình sau những thất bại thảm hại trên đường Cao Bằng - Lạng Sơn, đương đầu vất vả với tướng Võ Nguyên Giáp và bộ đội của Việt Minh... Jean Joseph Rarie Gabriel de Lattre de Tassigny (1889 -1952) là tướng Tư lệnh lục quân thuộc Khối Tây Âu, nên tên ông được vinh dự đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Hàn lúc bấy giờ, khi Đà Nẵng là thành phố nhượng địa, mang tên Tourane, dưới quyền cai trị của Toàn Quyền Đông Dương. Đến thời Ngô Đình Diệm, là người thân Mỹ, nên không muốn để cây cầu mang tên một bại tướng người Pháp vừa bị Mỹ hất cẳng ra khỏi Đông Dương, người ta thay tên một viên tướng bị Bình Xuyên giết là tướng Trịnh Minh Thế (1922 - 1955). Những năm 1940 - 1954, Trịnh Minh Thế chỉ huy một nhóm vũ trang ở miền Nam Việt Nam, đưa một lực lượng của mình gia nhập quân đội của Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, tên gọi De Lattre quá quen thuộc với người Đà Nẵng, người miềnNamtừ bấy giờ đến sau này. Ở đầu cầu De Lattre chạy ra quân cảng Tiên Sa, có hai chuyện tôi muốn nhắc đến: Đêm đầu xuân Mậu Thân - 1968, một mũi quân của Tiểu đoàn R20 anh hùng tiềm nhập qua khu vực cỏ gai rong bèo đầu cầu để đột phá chiếm Bộ chỉ huy Quân đoàn 1, nhưng không có được chi viện của cánh quân đồng đội ở hướng cầu Cẩm Lệ nên các chiến sĩ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, không chiến sĩ nào trở về. Và, lúc 8 giờ 45 phút sáng ngày 29-3-1975, chiến sĩ Nguyễn Văn Dự, một trong những chiến sĩ dũng cảm của biệt động thành Đà Nẵng, do đội trưởng Huỳnh Ngọc Châu chỉ huy bị trúng đạn phản kích điên cuồng của kẻ thù ngã xuống khi cùng đồng đội đánh chiếm bến tàu quân sự dưới chân cầu, chặn đường tháo chạy của quân thù. (sau này là cảng Sông Thu - nay cảng này cũng sắp trở thành Công viên cho mọi người). Trưa ngày 29-3-1975, một mũi quân của lực lượng giải phóng, tiến từ hướng Đông - Nam, có cả xe tăng và pháo binh vượt qua cầu Nguyễn Hoàng tiến vào đánh chiếm Quân đoàn 1 - nay là Bộ tư lệnh Quân khu V.
Sau giải phóng năm 1975, người Quảng Nam - Đà Nẵng đặt tên cho cầu Nguyễn Hoàng là cầu Nguyễn văn Trỗi - một người Anh hùng trong chống giặc Mỹ. Và cây cầu De Lattre - Trịnh Minh Thế, nằm song song cạnh cầu Nguyễn Văn Trỗi là cầu Trần Thị Lý, một nữ Anh hùng trong chống giặc Mỹ. Nay, cầu Nguyễn Văn Trỗi trở thành di tích, được gìn giữ làm cầu đi bộ tham quan ngắm cảnh sơn thủy hữu tình “đầu biển cuối sông”. Cầu Trần Thị Lý trở thành một cây cầu trong những cây cầu dây văng lớn nhất và đẹp nhất của Đà Nẵng và miền Trung.
Biết bao điều muốn nói về những giây phút đầu tiên đặt chân vào nội thành Đà Nẵng sau mười năm xa cách. Tôi chỉ nhắc đến một hiện tượng đẹp. Lực lượng cách mạng như đã ươm sẵn tự bao giờ, những ngày tháng Ba - 1975, bỗng sinh sôi, nảy nở ở mọi đường quanh, ngõ hẹp. Lúc ấy vào khoảng 14 giờ 30, khi chiếc xe jeep của cơ sở nội thành phất phới cờ đỏ sao vàng, cờ nửa đỏ, nửa xanh, vừa chạy vừa rao loa. Anh em cầm loa rao mời đồng bào hãy treo cờ lên đón cách mạng về. Rao không ngừng, thét to đến khản cổ mà không biết mệt. Honda, xe đạp, Vespa xuất hiện nhiều dần trên các đường phố chính, nơi xe chạy qua như: Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Hùng Vương, Độc Lập (Trần Phú bây giờ), Bạch Đằng, Trưng Nữ Vương... Dân hai bên phố đổ ra đường nhìn và vẫy tay chào mỗi lúc một đông dần cho đến khi những chiếc xe tăng đầu tiên của quân giải phóng vượt qua cầu De Lattre vào thành phố Đà Nẵng tràn ngập người và xe…
Rồi hai mươi năm sau kể từ ngày về Đà Nẵng, tôi gặp em khi từ chợ Cồn ngang qua Cầu Vồng. Và là lần đầu tiên tôi đưa em qua bên kia sông Hàn không được nắm tay em vọt lên cái phà cạnh chợ Hàn, không phải đếm bước qua cầu De Lattre mà bên nhau qua cây cầu mang tên Sông Hàn. Nay, bến phà không còn, nhưng tôi nhớ câu chuyện của Mân, Rân, Quang... bạn tôi, em tôi, là những nhân chứng có mặt tại hiện trường chiều ngày 27-3-1975, khi họ đứng bên cạnh chiếc phà đang chật ém người chen lấn qua sông Hàn: Một chiếc Falcon màu đen trờ đến, chạy thẳng vào cổng Tòa lãnh sự Mỹ - ngôi nhà mà người Đà Nẵng gọi là nhà của CIA - trên đường Bạch Đằng cách chợ Hàn độ mươi cái nhà, nguyên là nhà của bà Nghĩa Lợi, một trong những thương gia giàu có nhất ở Đà Nẵng lúc bấy giờ. Mỹ thuê nhà bà để làm cơ quan Lãnh sự. Mấy phút sau đó thì chiếc Falcon chạy ra, đậu trước cổng tòa nhà. Độ một giờ đồng hồ sau, một chiếc trực thăng hạ xuống trước tòa nhà cạnh bờ sông Hàn. Người đàn ông xách chiếc cặp da đen đi ra, bước lên trực thăng... Sau đó vài tiếng đồng hồ, màn đêm buông xuống thì những ụn khói từ trong tòa nhà bắt đầu bốc lên. Nhìn ngọn khói đen bốc lên, người Đà Nẵng phán đoán nhiều điều: Mỹ đốt Tòa lãnh sự, CIA hủy tài liệu... những tin này truyền đi nhanh như điện trong những người dân Đà Nẵng tò mò. Tòa Lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng là chỗ dựa vật chất và tinh thần của những người dựa và tin vào Mỹ, vì vậy, khi tòa nhà này lặng lẽ bốc cháy, vừa âm ỉ, vừa dữ dội, thì họ xem như Mỹ đã rút chạy khỏi Đà Nẵng. Niềm hy vọng mong manh của những ai muốn trụ lại Đà Nẵng để đương đầu với quân giải phóng bỗng tan vào đám khói mù mịt như không chịu rời khỏi bầu trời thành phố. Trưa ngày 28 - 3, sư đoàn 3 Sài Gòn ở TâyNamĐà Nẵng tan rã. Ngô Quang Trưởng gọi được cho Thiệu đề nghị: “Cho tôi một sự linh động”. Thiệu không trả lời vì biết linh động có nghĩa là bỏ chạy.
Sau ngày 29 tháng Ba năm 1975, trong khi cân nhắc phân bố nhà cho các cơ quan Dân, Chính, Đảng và Quân đội, thì thành phố giành ngôi nhà có vị trí đắc địa này làm Bảo tàng Chứng tích tội ác đế quốc Mỹ. Nhưng rồi người Đà Nẵng ngày ấy, mỗi lần qua đây, tự hỏi, chứng tích tội ác đế quốc Mỹ biến đi lối nào? Nay tôi lại đứng bên bờ sông Hàn, nơi có lối đi xuống phà ngày nào, nhìn lên một tòa cao ốc ở vị trí số nhà 74, sừng sững mang tênIndochineRiversideTowers.
Vùng ven sông Hàn, từ thời chống Pháp, sau này, thời chống Diệm, rồi chống Mỹ ác liệt hơn, cơ sở cách mạng không ngừng phát triển. Ở đâu có thuyền là có cơ sở cách mạng, cả trên những cái nhà chồ lè tè ven bờ sông. Cơ sở nứt nhánh mọc cành từ quận Ba, các quận nội thành, ra ngoại thành, lên tận Cồn Dầu, Cẩm Chánh - Lỗ Sài, Trung Lương, Cẩm Lệ, Mà Đa, Nước Mặn, theo sông Hàn hướng ra biển Thuận Phước, Thanh Bình, lên Nam Ô, Thủy Tú, Trường Định… Trước năm 1954, bên kia Tòa thị chính người ta gọi là Hà Thân. Dọc ven sông có vạn ghe. Thời đánh thực dân Pháp và xâm lược Mỹ, có một tổ chức cách mạng nổi tiếng mang tên Sông Đà. Một bên là bờ sông, cạnh bên là cồn cát, trên cồn cát cây mọc lưa thưa gọi là Cồn Khoai. Có lẽ bà con trồng nhiều khoai trên cồn nên gọi là cồn Khoai. Dân chài thường đem ghe lên cồn quét dầu rái phơi nắng, lưới cũng giăng phơi trên cồn. Trận lụt năm Giáp Thìn - 1964, nước cuốn kéo trôi từng mảng đất lớn, một thời gian sau đó cồn Khoai bỗng biến mất, chỉ còn trong ký ức người dân Sông Đà - Hà Thân câu ca tiếc nuối:
Bến Hàn ngó qua Hà Thân, nước xanh như tàu lá,
Bến Hà Thân ngó lại sông Hàn, không thấy Cồn Khoai.
Đà Nẵng thay đổi và đẹp lên từng ngày từ sau hòa bình năm 1975, và rõ hơn, khi Đà Nẵng là thành phố loại 1, trực thuộc Trung ương, khi một bờ kè Bạch Đằng Đông nối tiếp những tòa cao lộng lẫy thì, tiềm năng và khả năng sáng tạo của người Đà Nẵng đã làm cho vùng đất rộng lớn bên bờ đông sông Hàn thành phường, thành phố, người dân từng ngày giàu lên. Những cây cầu mới - những tác phẩm nghệ thuật đẹp tiếp theo nhau bắc qua sông: cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Đò Xu, cầu Nguyễn Tri Phương, góp phần làm cho thành phố đẹp hơn, làm cho không còn ngăn cách giữa nội thành và ngoại ô, tạo thêm những miền đất hứa với những ngôi biệt thự tân kỳ trên cát trắng nhìn ra biển xanh, một vùng biển Sơn Trà xanh trong gió lộng gọi mời, một khu đô thị xanh màu cây trái bên bờ sông nước Hòa Xuân - Cẩm Lệ dày truyền thống cách mạng và trữ tình… Ngày nay, sáng, chiều, người người “đứng bên ni sông Hàn”, không còn thấy cảnh “nước xanh như tàu lá”, mà lòng rộn vui thấy “phố xá nghênh ngang”, bồi hồi nhìn những ngôi nhà cao vút soi bóng xuống dòng sông Hàn. Hai bên những con đường rộng mở mọc lên Bảo tàng, Thư viện, những ngôi biệt thự lộng lẫy, khách sạn 5 sao, sân vận động Hòa Xuân - thay sân vận động Chi Lăng, Khu thể thao đa năng, khu vui chơi giải trí, Métro, Khu triển lãm quốc tế… thu hút và quyến rũ con người… Qua sông, nên biết và nhớ, nơi từng là lách lầy, là bờ tre, là ruộng rau muống, là đồi cát, là nơi có máu xương và linh hồn các chiến sĩ cách mạng kiên gan… Những chiến sĩ chỉ huy vào giải phóng Đà Nẵng như Hồ Nghinh, Phạm Đức Nam, Trần Hưng Thừa, Năm Dừa, Phan Hoan, Mười Nhạn ... đều đã đi xa. Nay không thấy hầm bứa đầy rác rưởi mà là một công viên mang tên 29 tháng Ba nhiều cây cao tỏa bóng mát trên mặt nước trong xanh. Không còn cầu Vồng để hẹn hò và nhìn xuống sân vận động Chi Lăng nhưng được đi trên con đường mang tên Lê Duẩn. Không còn khu bàu Thạc Gián ô nhiễm và tre, rong, bèo - là nơi các cơ sở cách mạng ẩn mình, gặp nhau bàn công việc, thay vào đó là một khu phố thị giàu với con đường mang tên Nguyễn Văn Linh. Những con đường tráng nhựa, những chiếc xe ô tô nằm chờ chủ nối đuôi nhau. Những trai trẻ áo quần theo thời trang bon bon trên những chiếc xe đời mới… Tất cả tưởng chừng như đẩy xa dần những vết tích của ngày hôm qua. Và, em đã vào tuổi bốn mươi. Là người thân yêu của em vẫn khó mà nhận ra em của ngày mới gặp nhau, dù nay em vẫn đẹp - tuổi đẹp - chín chắn - tràn đầy sức xuân. Huống chi thành phố thân yêu của chúng ta hôm nay, ngay cả người trong cuộc, người của Hà Thân - Sông Đà, người của Hòa Đa - Nước Mặn… mỗi khi ngập ngừng dừng chân cũng thấy lạc loài, ngẩn ngơ giữa một đô thị sầm uất bán buôn, xe máy ồn ào và xa lạ cả những gì tưởng quá đỗi thân quen.
Giờ, qua lại con đường đẹp đầy hoa ven sông Hàn, bỗng:
Nhớ anh chiến sĩ Khu Đông
Một chiều sóng gió, sang sông
treo cờ
Nhớ vùng bị chiếm bơ vơ
Trăng sao đã lặn, vẫn chờ tin anh.
H.D.L