Như cuốn sách mở ra bên dòng sông Hàn - Linh Thi

24.03.2015

Như cuốn sách mở ra bên dòng sông Hàn - Linh Thi

Đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng 29/3 và ngày thống nhất đất nước 30/4, thêm một lần nữa người dân thành phố lại chào đón một công trình mới đầy ý nghĩa: Cầu vượt nút giao thông Ngã ba Huế. Cây cầu không những là công trình giao thông trọng điểm, mà còn là điểm nhấn về kiến trúc, góp phần tạo cảnh quan độc đáo cho thành phố đầu tàu kinh tế của miền Trung.

Cầu nút giao thông Ngã ba Huế được khởi công vào ngày 28/9/2013, là cây cầu vượt lớn nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên, được đầu tư xây dựng với tổng nguồn vốn 1.797 tỷ đồng (tương đương khoảng 89 triệu USD). Khi đi vào hoạt động, cầu sẽ giảm ách tắc giao thông, điều tiết phương tiện lưu thông từ Nam ra Bắc và ngược lại theo lộ trình hầm Hải Vân – đường tránh Đà Nẵng – quốc lộ 14 – ngã ba Hòa Cầm…Cầu được thiết kế theo hình khối lập xuyến ba tầng, chịu được mức động đất cấp 8, tốc độ lưu thông qua nút chính đạt 60 km/h, và qua các nhánh rẽ là 40 km/h. Cầu gồm 3 tầng là tầng mặt đất và 2 tầng cầu vượt, mỗi tầng có 4 làn xe. Trong đó, tầng mặt đất dành cho các nhánh rẽ đường bộ không giao với đường sắt; tầng 1 là vòng xuyến trên cao rộng 15m, các nhánh rẽ rộng 16m; cầu vượt tầng 2 rộng 17m và ưu tiên cho 2 hướng phương tiện lưu thông từ Huế vào trung tâm Đà Nẵng và ngược lại…

Như vậy, suốt 18 năm qua, tính từ ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997), Đà Nẵng đã không ngừng đầu tư hầu hết các công trình hạ tầng kỹ thuật như các trục đường Quốc lộ 1A,  Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa, Trường Sa… Nhiều khu đô thị mới được hình thành như  Khu Tây Bắc, Thuận Phước, Khu đô thị Nam cầu Cẩm Lệ, các khu đô thị mới thuộc quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn; các Khu du lịch Bà Nà-Suối Mơ, các khu nghỉ dưỡng ven biển… Bên cạnh đó, các cây cầu sông Hàn, Thuận Phước, Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Tuyên Sơn trở thành những điểm nhấn độc đáo tạo dấu ấn đậm nét trong lòng du khách.

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, để phát huy thế mạnh sẵn có, nâng cao tính cạnh tranh, tiếp tục đưa Đà Nẵng trở thành thành phố xanh, hướng đến phát triển bền vững, Đà Nẵng cần có những định hướng  phát triển phù hợp trong thời gian sắp tới. Trong đó, bên cạnh các định hướng chính nhằm bảo đảm tính bền vững trong công tác phát triển đô thị, ông Tuấn nhấn mạnh: “Chính quyền và nhân dân Đà Nẵng còn quyết tâm đưa Đà Nẵng đi đúng hướng với nhiều chương trình mục tiêu như thực hiện Đề án xây dựng thành phố môi trường; tiếp tục thực hiện chương trình Thành phố “5 không”, “3 có”; triển khai Đề án phân bổ dân cư trên địa bàn thành phố: Đề án phát triển cây xanh, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu trở thành “Thành phố Xanh – Phát triển bền vững” trong tương lai.

Cách đây không lâu, tại  Hội thảo "Quy hoạch thành phố Đà Nẵng - Quá trình hội nhập và phát triển" nhằm tập hợp các ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học trong việc triển khai nhiệm vụ thiết kế quy hoạch đô thị đến năm 2025, tầm nhìn 2030 do thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức,  Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nêu nhận định: 

“Theo tôi, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư đáng kể cho đôi bờ sông Hàn từ khi cây cầu quay đầu tiên của Việt Nam được bắc qua dòng sông năm 2000 với những đóng góp tài chính chủ yếu từ người dân. Từ đó, những công viên, đường đi dạo mở ra dọc hai bờ, những cây cầu tiếp nhau nối liền hai bờ đông tây, những sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc tế như cuộc thi bắn pháo hoa... sông Hàn cũng đồng thời trở thành "chiếc ban công" thể hiện bộ mặt đô thị Đà Nẵng. Cũng từ đây, các dự án bất động sản hàng trăm triệu USD được đầu tư xây dựng. Các dự án xây dựng hai bên sông Hàn, đặc biệt trong khu vực trung tâm diễn ra nhanh chóng với các công trình quy mô rất lớn, hứa hẹn một hình ảnh Đà Nẵng phát triển, hiện đại”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Thúy Loan (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng: “Sự phát triển của thành phố Đà Nẵng được ví như một cuốn sách mở ra hai bên dòng sông Hàn. Dòng sông Hàn, như gáy của “cuốn sách”, như cột trụ của sự phát triển ấy đã trở thành dòng sông có ý nghĩa hơn bao giờ hết đối với Đà Nẵng về mặt không gian, kinh tế, văn hóa-xã hội”.

GS. TSKH Nguyễn Mạnh Thu, Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc sư Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh: "Một đô thị có cả núi, dòng sông đi qua giữa thành phố và bờ biển dài cát mịn, nước trong là một sự ưu đãi rất lớn của thiên nhiên.  Không gian đô thị dọc hai bên bờ sông Hàn cùng hệ thống các cây cầu trong lòng đô thị tạo nên dáng vẻ thơ mộng. Hệ thống các vị trí có độ cao được khai thác vào hoạt động nghỉ ngơi, giải trí như Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, Sơn Trà, Hải Vân. Và cấu trúc không gian đô thị được hình thành, kế thừa qua các giai đoạn lịch sử thể hiện ở di tích thành Điện Hải, khu phố Pháp...”.

 Tuy nhiên, cũng tại cuộc Hội thảo nói trên, GS. TS Hồng Kế nhận định: “Đà Nẵng đã thành công trong việc thực hiện các ý tưởng lớn của quy hoạch được phê duyệt về Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2020. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển hiện nay, Đà Nẵng có nên theo hướng như trong các thập kỷ qua nữa không? Đó là câu hỏi không dễ có câu trả lời có thể chấp nhận được. Dù vậy, với xu thế phát triển nói chung và phát triển đô thị nói riêng, có thể thấy một xu thế tất yếu là phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, hướng tới phát triển bền vững và phát triển đô thị bền vững”.

Tiến sĩ Phạm Thúy Loan cũng nêu  cảnh báo: “Những thế lực thị trường quá mạnh và năng động sẽ nhào nặn vóc dáng thành phố trở nên có vẻ hiện đại và phát triển với những cao ốc bọc kính láng bóng. Thế nhưng nó cũng chứa đựng đầy các nguy cơ làm mất đi các giá trị văn hóa, lịch sử của không gian đô thị hai bên sông. Ở đôi bờ sông Hàn đang xuất hiện những dự án nhà cao tầng ít nhiều cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến không gian và hình ảnh đô thị. Với sự phân bố công trình cao tầng hiện nay, có thể thấy các công trình này chưa tạo nên một hình ảnh tổng thể đẹp mắt, độc đáo, ấn tượng cho Đà Nẵng, nhưng lại đang có nguy cơ phá hỏng đặc điểm không gian và hoạt động trong khu vực trung tâm đô thị lịch sử do quy mô, khối tích và các chức năng mới không phù hợp”.

Bước sang những ngày đầu xuân năm 2015, với những nỗ lực không mệt mỏi, khẳng định thương hiệu Đà Nẵng, xứng đáng với thành phố động lực của khu vực đô thị kiểu mẫu của cả nước, cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á, hẳn rằng chính quyền và người dân thành phố cần có một sự đánh giá nhìn nhận đúng mức những thành quả đạt được vừa qua, để hướng đến yêu cầu đổi mới toàn diện về quy hoạch đô thị, giao thông vận tải, quản lý các loại hình dịch vụ công về tiện ích cộng đồng và quản lý tài chính đô thị.

L.T

Bài viết khác cùng số