Chân dung những người lính dưới ngòi bút của Trần Đăng Khoa - Đỗ Thị Cẩm Nhung

24.03.2015

Chân dung những người lính dưới ngòi bút của Trần Đăng Khoa - Đỗ Thị Cẩm Nhung

Nói đến những bức chân dung về người lính của Trần Đăng Khoa, ta nhớ ngay đến bài thơ Bàn chân thầy giáo trong tập thơ Góc sân và khoảng trời. Ở đó, chân dung người thầy giáo thương binh đẹp đến diệu kỳ. Bài thơ như một câu chuyện kể về ngôi trường của Khoa trong chiến tranh, bom Mỹ dội xuống, phượng đổ, trường sập, mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi. Người thầy cầm súng ra trận, tạm biệt học trò và trang giáo án dang dở để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Tàn bom đạn, người thầy trở về với học trò xưa, vẫn vẹn nguyên tình cảm, vẹn nguyên tấm lòng, nhưng “một bàn chân không còn nữa”, máu xương người thầy đã hòa cùng đất nước cho ngày hòa bình:

Năm nay thầy trở về

Nụ cười vẫn nguyên vẹn như xưa

Nhưng một bàn chân không còn nữa

Ôi bàn chân

In lên cổng trường những chiều giá buốt

In lên cổng trường những đêm mưa dầm

Dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo

Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo

Như nhận ra cái chưa hoàn hảo

Của cả cuộc đời mình.

Một cậu bé 10 tuổi lại có sự chiêm nghiệm sâu sắc mà người lớn có khi không nghĩ được như thế, quả là độc đáo. Chân dung của người thầy thương binh với chiếc nạng gỗ bên mình mỗi giờ lên lớp đã tạo sự ám ảnh lớn trong tâm trí của cậu học sinh nhỏ, để từ đó anh tìm được lời giải đáp ý nghĩa cho chính cuộc đời mình:

Em lắng nghe thầy giảng từng lời

Rung động bao điều suy nghĩ

Nghe thầm vọng bàn chân đi đánh Mỹ

Nghe âm vang tiếng gọi của chiến trường

Em đi suốt chiều dài yêu thương

Chiều sâu đất nước

Theo những dấu chân người thầy năm trước

Và bàn chân thầy, bàn chân đã mất

Vẫn dẫn chúng em đi trọn vẹn cuộc đời...

Bàn chân người thầy như một sức mạnh vô hình đã giúp cậu bé Khoa trở thành một người lính. Anh càng hiểu và yêu những người lính nhiều hơn. Từ đó, anh viết rất nhiều về người lính trong các tập Đảo chìm, Người thường gặp. Và chân dung Bùi Quang Thận, người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 gây cho người đọc nhiều ấn tượng, và hiểu thêm về người lính. Bùi Quang Thận đã trở thành huyền thoại trong lịch sử dân tộc, nhưng mấy ai được ngắm thật gần bức chân dung của anh? Trần Đăng Khoa đưa chúng ta về lại ngày trọng đại này của dân tộc để ngắm nhìn anh ở một góc độ thật bất ngờ, thú vị. Đó là những giờ cuối cùng của chiến tranh để đến với độc lập, vậy mà anh vào Dinh cắm cờ với một thái độ rất nhẹ nhàng: “Các cậu ở lại, mình vào Dinh nhé. Nếu không thấy mình quay ra, cũng không thấy lá cờ này nhô lên, thì tức là mình đã chết ở trong Dinh rồi!” [1,tr.116]. Sau này Trung tá Nguyễn Huy Thông nói: “Thực tình, chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ cho việc cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập này. Đơn vị được chọn làm công việc cuối cùng của cuộc kháng chiến cứu nước ấy là một Đơn vị Anh hùng. Người được chọn cắm cờ cũng là người có đầy những kỳ tích… Nhưng rồi chiếc xe tăng chở lá cờ lớn được chuẩn bị rất kỹ ấy lại đi lạc, rồi lại phải đánh nhau rất dữ dội ở mãi ngoài Dinh. Và rồi Giời đã thay người cắm cờ ấy bằng anh lính nông dân Thái Bình Bùi Quang Thận”.

Việc anh vào Dinh cắm cờ được Trần Đăng Khoa kể lại cũng hết sức thú vị: “Khi dứt lá cờ ngụy, thoạt đầu anh định ném xuống sân. Nhưng nhìn lại, thấy vứt đi phí quá. Cái cờ chẳng ra quái gì, nhưng vải rất tốt, dày đến mức có thế làm chăn đắp được. Thế là anh cuộn lại, định bụng mang về quê, dùng để lót ổ thay cho rơm rạ hay lá tre khô”. Sau này, lịch sử cần biết đích xác người cắm cờ, mới biết là có quá nhiều người cắm cờ ở rất nhiều nơi xung quanh Dinh Độc Lập. Nhưng ai là người cắm lá cờ trận mạc, lá cờ Quyết chiến quyết thắng trên nóc Dinh kia. “Thì tôi cắm đấy mà”, Bùi Quang Thận trả lời thật giản dị. Khi hỏi bằng chứng, Bùi Quang Thận chợt nhớ đến cái lá cờ của địch mà anh cuộn lại, định mang về quê Thái Bình trải ổ. Người ta khớp vết xé với những nút sắt buộc trên cột cờ và công nhận. Anh cười hiền lành: “Ôi dào, có gì đâu. Tôi chẳng nghĩ gì khi làm điều đó. Đấy là một việc rất đỗi bình thường của một người lính trận. Anh nào trong hoàn cảnh ấy cũng sẽ làm như tôi. Đơn giản thế thôi. Có gì mà các bố cứ lằng nhằng rắc rối cho nó hóa to chuyện!”.

Trần Đăng Khoa tìm đến Bùi Quang Thận để hỏi thêm về chuyện cắm cờ ấy của anh, thì lại bùi ngùi kể về một người đã khuất. Đó là Ngô Văn Nhỡ. Và chân dung một người lính nữa lại được dựng lên tuyệt đẹp. Ngô Văn Nhỡ là đại úy, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 xe tăng, lữ đoàn 203, binh đoàn Hương Giang. Sáng ngày 30/4/1975, tiểu đoàn 1 do anh chỉ huy tiến vào Sài Gòn. Trận đánh diễn ra rất khốc liệt. Chiếc tăng nào của ta nhô lên cầu Sài Gòn cũng bị địch bắn cháy. Trong hoàn cảnh đó, anh Nhỡ đã bật cửa xe, nhô hẳn người lên trong làn mưa đạn mù mịt để quan sát địch và chỉ huy đơn vị vượt cầu. “Hãy nhằm thẳng Sài Gòn! Tiến lên!”, đó là tiếng nói cuối cùng của anh vang lên trong cõi đời này. Cả tiểu đoàn ào ạt vượt cầu, vừa tiến, vừa tiêu diệt địch, theo khẩu lệnh của người chỉ huy đứng sừng sững trên  tháp  pháo xe tăng. Không ai ngờ Ngô Văn Nhỡ đã hy sinh ngay ở trên cầu. Một viên đạn AR15 đã bắn giữa trán anh. Và Trần Đăng Khoa đã kể tiếp câu chuyện cảm động này: “Ngô Văn Nhỡ đã đi vào cửa ngõ Sài Gòn, ngay trong ngày toàn thắng như thế. Anh không biết vào chính giây phút lịch sử ấy, người vợ hiền thảo, thủy chung của anh đang chuyển dạ. Và đứa con trai, giọt máu cuối cùng của anh, đã chào đời. Đó là sự hiện diện của anh trong ngày đoàn tụ”.

Và Ngô Văn Việt, cậu con trai của người tiểu đoàn trưởng ra đời trong ngày bố hy sinh ấy, đến nay đã hơn ba mươi tuổi. Năm Việt tròn 18, chị Loan, vợ liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ đã đưa con trai về trung đoàn 203: “Tôi còn mỗi giọt máu này, cũng là giọt máu của anh Nhỡ đây, tôi trao nó cho các anh. Các anh cho cháu được tiếp bước bố cháu, được làm lính xe tăng như bố nó ngày xưa...”. Câu chuyện như một huyền thoại nhưng là huyền thoại của một dân tộc anh hùng: ViệtNam!

Trong những bức tranh về những người lính, có lẽ chân dung những người lính Đảo chìm mang đến cho độc giả nhiều ấn tượng nhất về những người lính bình dị nhưng cao đẹp vô cùng. Ấn tượng đầu tiên phải kể đến là anh lính trên đảo Thủ đô Trường Sa. Gọi là đảo nhưng nó chỉ là một vũng cát lờ phờ, to chừng một cái nong phơi thóc, vừa đủ chỗ để dựng một cái lều bạt dã chiến. Nó bé đến nỗi, một nhà thơ đã phải thốt lên: "Đảo nhỏ quá, nói một câu là hết". Vị Tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương ra thăm đảo, thương cho cuộc sống vất vả nơi đây, nhưng ông cũng căn dặn lính: “Khổ nỗi đây lại là Tổ quốc, là đất đai hương hỏa của ông cha, thì dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này, ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một li không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu...”. Không ngờ một anh lính lại trả lời rất ma mãnh: “Bố cứ cho con mượn tạm cái xẻng. Chỉ ba tiếng là con giấu xong đảo thôi! Mà không đến ba tiếng đâu. Chỉ tiếng rưỡi đồng hồ là con xúc xong chỗ cát này cho xuống biển, đố kẻ thù nào nhìn thấy đảo, có muốn cướp đảo cũng chịu!” [2,tr.19]. Vị Tư lệnh cười giàn giụa nước mắt. Lát sau, ông mang tặng anh lính một chiếc xẻng mới cứng. Sớm hôm sau, khi Tư lệnh trở lại đảo thì thấy anh chàng đang cởi trần, sì sụp lặn ngụp cùng với chiếc xẻng, nhưng anh không xúc cát đổ xuống biển, mà lấy cán xẻng khẽ bẩy từng tảng đá san hô chìm sâu dưới nước, lụi cụi khuân lên, đắp quanh chân đảo, giữ cho cát khỏi bay. Khi được hỏi, anh lại trả lời một câu thứ hai cũng ma mãnh không kém: “Dạ, báo cáo bố, con mở mang bờ cõi ạ! Mà, đúng ra con chỉ “buông neo” cho Tổ quốc khỏi bị trôi dạt thôi!” [2,tr.17]. Một hành động và một câu trả lời chỉ có thể có ở những con người thật sự yêu đất nước mình mà thôi!

Ấn tượng đẹp nhất mà Trần Đăng Khoa dành cho những anh lính Đảo chìm là chân dung Trần Văn Hai. Anh bơi lặn như rái cá: “Quê cu cậu nghe đâu ở cầu tõm HàNam, cái vùng quê quanh năm lụt lội. Cánh lính đồn rằng, Hai đẻ rơi dưới nước, nên cậu ta biết bơi trước khi biết bò. Tên cúng cơm là Hai. Ra đảo, cánh lính nối thêm cái đuôi thành thằng Hai ùm”. Hai bảo Trần Đăng Khoa:

Quần áo là vật xa xỉ phẩm của xã hội, ông anh ạ! Mình "quàn" trong một đống vải là vì thiên hạ, chứ có phải vì mình quái đâu. Mà tức nhất đồ đạc của thiên hạ, nhưng thiên hạ lại bắt mình cứ phải suốt ngày đeo vác lỉnh kỉnh, nom ti tiện như cái gã bủn xỉn, lúc nào cũng lo sợ mất trộm. Ở đây, chẳng có thiên hạ nào hết, nên mình lại nhẹ nhõm, lại hóa anh tự do.

Với cái giang sơn Tổ quốc vỏn vẹn có mấy mét vuông đất, nhàn cư vi bất thiện, nên chính trị viên Thuận đưa ra chiếu chỉ là ba ngày phải có một tờ báo tường, phải có chục bài thơ dán kín quanh cái thùng phuy neo ở cột lều. Mà thơ phú lại là công việc của tài năng. Mà tài thơ thì ở đây, giời lại chỉ dồn cho chàng Hai ùm. Hai có thể xuất khẩu thành chương, đọc vanh vách ra vần ra điệu. Vì vậy, thần dân của đảo cứ phải đến khấu đầu trước Hai, xin ngài Hai ùm nhón tay làm phúc, ban cho một bài thơ để dán lên báo tường. Chỉ khổ cho những cậu đến xin chữ mà trong tay lại trắng lốc, chẳng có gì. Nhưng được cái, mấy cha đó cũng láu. Không ít cha còn vác cả chị gái, em gái ra để cầm cố cho Hai: Thật, tớ thề là em gái tớ xinh lắm. Tớ sẽ bảo nó thư cho cậu. Bao nhiêu vệ tinh vo ve quanh nó, tớ sẽ cho đi tàu ngầm hết. Nó là á hậu thanh lịch ở huyện tớ đấy!

Hai ùm từng tâm sự với Trần Đăng Khoa, nghe bảo hải âu là bạn thủy thủ, nhưng nó chỉ ở gần bờ, nên thấy hải âu là nghe mùi đất liền, và “nếu không may, có phải hy sinh trên biển, được thấy bóng hải âu chớp qua mắt trước khi nước khép mặt thì mừng lắm, vì có thể hy vọng những mẩu xương tàn của mình sẽ được sóng táp vào đất liền”. Vậy mà trong trận bão biển dữ dội, Hai đã không nghĩ đến sự nguy hiểm cho bản thân, chỉ lo cho “tài sản” của người đồng đội đã hy sinh: “Thằng Thiêm chỉ có mỗi chút đó thôi. Nếu mất, biết nói gì với mẹ nó, cực thế. Vả lại, còn một tí tư trang ấy, cũng có thể cho vào cái tiểu sành, đắp cho nó ngôi mộ. Vẫn còn chút gì của nó để có thể thắp cho nó một nén hương”. Anh đã lao về đảo để tìm, và cơn bão dữ đã cướp mất chàng thi sĩ tài ba của Đảo chìm khiến Trần Đăng Khoa phải nấc lên trước nỗi đau mất đồng đội: Thế là lại thêm một người lính nữa chết ở Đảo chìm. Cầu mong trước khi nước khép mặt, Hai được nhìn thấy cánh chim hải âu. Lần đầu tiên, tôi mới hiểu vì sao nước biển lại mặn đến thế. Và có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở Đảo chìm. Mặn như máu...

Đ.T.C.N

(*) Các đoạn trích trong bài này trích từ tác phẩm Người thường gặp (ghi chép), NXB Thanh niên, 2001 và tác phẩm Đảo chìm (In lần thứ 14), NXB Văn hóa thông tin, 2006 của Trần Đăng Khoa.

Bài viết khác cùng số