Miền đất không ngớt gọi mời...- Phương Mai
Năm 2015, Đà Nẵng phấn đấu đón 4,5 triệu lượt khách du lịch trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu du lịch đạt 11.800 tỷ đồng, tăng 21,2% so với ước thực hiện năm 2014. Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động nhiều công trình du lịch phục vụ du khách và người dân như bến đỗ du thuyền, cụm dịch vụ nổi và câu lạc bộ thể thao dưới nước, khu vui chơi giải trí trong nhà Tuyên Sơn, hệ thống tàu điện cao tốc trên cao, khu chợ đêm sông Hàn…
Ngay từ đêm mồng 4 Tết năm Ất Mùi (22/2/2015), trong thông điệp khai mạc chương trình diễn nghệ thuật giao hưởng đầu Xuân tại Nhà hát Trưng Vương - Thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Biểu diễn Nghệ thuật đã bày tỏ: "Đây là tình cảm ấm nồng của những người làm văn hóa, thể thao và du lịch nói chung, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói riêng đối với Đất và Người Đà Nẵng, một địa danh được bạn bè quốc tế tôn vinh là điểm đến hấp dẫn nhất của thế giới 2015. Điều đáng nói ở khu vực châu Á, bên cạnh các điểm đến trong Top 52 nhưSingapore,
SriLanka, thủ đô Seoul, đảo Shikoku và Thành Đô, Thượng Hải (Trung Quốc), Việt Nam chỉ có một địa danh là Đà Nẵng. Và đây cũng là lần đầu tiên một sự kiện âm nhạc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam thể hiện trên sân khấu Nhà hát Trưng Vương để thay cho lời chúc mừng sự thành công của Đà Nẵng-Thành phố xinh đẹp, thân thiện và giàu lòng mến khách” .
Thật vậy, nhìn lại năm 2014, ngành du lịch Đà Nẵng đã trải qua một giai đoạn không ít khó khăn, nhất là vào những ngày đầu tháng 5, khi sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã khiến lượng khách Trung Quốc và thị trường Hoa ngữ sụt giảm mạnh. Thế nhưng, bằng nỗ lực không ngừng, Đà Nẵng vẫn có những bước đi đột phá mạnh mẽ, đưa thương hiệu “ngành công nghiệp không khói” của thành phố đến với thị trường quốc tế, không những có lượt khách đến thành phố đạt con số ấn tượng, mà còn có doanh thu toàn ngành vượt xa so với năm ngoái. Cụ thể, theo thống kê Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2014, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 3,8 triệu lượt, tăng 21,9% so với năm 2013. Tổng thu du lịch ước đạt 9.740 tỷ đồng, tăng 25,1% so với năm 2013. Trong đó, đã khai thác các thị trường quốc tế tiềm năng khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và một số thị trường xa như Úc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ…Ngoài ra, ngành du lịch thành phố cũng nhạy bén lấy nguồn khách nội địa truyền thống ở hai đầu đất nước bù đắp lại sự thiếu hụt khi nguồn khách Trung Quốc sụt giảm sâu.
Như vậy, sau 2 năm liên tiếp Đà Nẵng lọt vào “Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á” do Tạp chí du lịch trực tuyến châu Á Smart Travel Asia bình chọn, vào những ngày cuối năm 2014, Đà Nẵng lại được bình chọn trong bảng danh sách top 10 địa điểm mới thu hút nhất thế giới do website uy tín về du lịch TripAdivisor công bố.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho hay: “Những kết quả đạt được trong thời gian qua của ngành du lịch thành phố Đà Nẵng chỉ mới là bước đầu. Chúng tôi đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động nhằm kịp thời tranh thủ những danh hiệu, giải thưởng trong quảng bá hình ảnh điểm đến Đà Nẵng, vừa tiếp tục triển khai khắc phục những điểm còn hạn chế của ngành (sản phẩm đặc trưng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ vui chơi giải trí cho du khách, nguồn nhân lực, môi trường an ninh-an toàn cho du khách…) nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng điểm đến Đà Nẵng. Trong đó để tranh thủ “tiếng vang” từ các trang mạng, các tạp chí đã bình chọn điểm đến du lịch Đà Nẵng, ngành du lịch đã xây dựng và tham mưu UBND Thành phố ban hành kế hoạch Xúc tiến du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020, trong đó xác định các thị trường khách trọng điểm của du lịch Đà Nẵng và sản phẩm du lịch tập trung xúc tiến quảng bá cho từng thị trường một; xác định các hình thức quảng bá phù hợp. Mục tiêu sẽ hướng Đà Nẵng trở thành Thành phố sự kiện thông qua nhiều hoạt động văn hóa, du lịch quy mô lớn như: Cuộc thi Trình diễn Pháo hoa Quốc tế, cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng, và xúc tiến tổ chức Giải đua thuyền buồm quốc tế, Giải Ba môn phối hợp (Ironman 70.3 VN), giao lưu văn hóa du lịch với các thành phố lớn trên thế giới…Đồng thời, Đà Nẵng sẽ tiếp tục duy trì các đường bay hiện có, xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế trực tiếp tới Đà Nẵng; tổ chức hội chợ chuyên đề du lịch sự kiện (MICE), xây dựng các ấn phẩm, các sản phẩm du lịch MICE…”.
Còn ông Amir Ahmad Mohamad, Tổng quản lý Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai Đà Nẵng nói rằng, trong tổng số khách đặt phòng tại khách sạn thì có đến 20% nguồn khách đặt phòng qua mạng online. Điều này chứng tỏ, việc nhận được vị trí danh giá do các trang mạng du lịch trên thế giới bình chọn sẽ khiến cái tên “Đà Nẵng” được lặp đi lặp lại nhiều lần, hình ảnh du lịch Đà Nẵng ngày càng có mặt ở nhiều thị trường du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, trước những thành quả to lớn, đáng khích lệ kể trên, thì cũng không ít vấn đề dẫn đến thách thức cho ngành du lịch thành phố, tức là làm sao để giữ vững được vị trí này trong những năm tiếp theo. Ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho rằng: “Theo tôi, đây là thời cơ quan trọng để Đà Nẵng đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển ngành du lịch hơn nữa. Trong năm 2015 và thời gian tới, ngành du lịch thành phố nên tập trung vào các giải pháp chủ yếu như tổ chức việc khảo sát, nắm rõ lượng khách thường quan tâm đến du lịch Đà Nẵng (đối tượng, lứa tuổi, châu lục nào) qua đó sẽ có được những thông tin sơ bộ ban đầu để định vị được thị trường, lượng khách sẽ đến trong thời gian tới; có kế hoạch quảng bá du lịch đến du khách mới và cũ một cách bài bản, khoa học và cập nhật liên tục; xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo. Mang đậm dấu ấn của địa phương, đa dạng các loại sản phẩm phù hợp với từng loại khách như khách đến để nghỉ dưỡng ven biển, tham quan di sản hay hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng...Bên cạnh đó, phát triển du lịch nhưng phải gắn với việc bảo vệ sự bền vững, không phá vỡ tài nguyên môi trường hay bản sắc văn hóa của địa phương, đây cũng là xu thế phát triển du lịch chung trên thế giới hiện nay; cần liên kết với các địa phương lân cận như Hội An (Quảng Nam), Huế... để tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc sắc, mới mẻ, quảng bá rộng rãi lợi thế của ngành du lịch khu vực miền Trung trong thời gian tới...”.
Đáng vui hơn nữa, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thành lập Sở Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao trên cơ sở tách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng hiện nay. Liên quan đến dự thảo Nghị định của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND thành phố Đà Nẵng hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Chính phủ trong tháng 3/2015. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thiện dự thảo trên theo hướng tạo điều kiện để thành phố Đà Nẵng phát huy lợi thế để trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của miền Trung vào năm 2020, tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị.
P.M