Một trái tim nóng hổi - Đỗ Xuân Đông

24.03.2015

Một trái tim nóng hổi - Đỗ Xuân Đông

Đứng dậy vươn vai, vặn người, nghe các khớp xương kêu răng rắc, Anh bước ra mở cửa sổ. Gió từ sông Hàn lùa vào phòng mát lạnh, xua bớt đi mùi khói thuốc lá nồng nặc tồn đọng gần cả buổi sáng nay. “Cái gì khó, quyết làm cũng được. Nhưng bỏ thuốc, sao mà khó thế”. Anh thầm nghĩ và mỉm cười. Làm vài động tác thể dục gập người hít thở, Anh cảm thấy người khoan khoái hẳn lên. Nhìn dòng Hàn giang buổi sáng, khi mặt trời còn chênh chếch về tây, ánh nắng còn rụt rè trải trên mặt nước trong xanh, lăn tăn gợn sóng, một cảm giác lâng lâng choáng ngợp trong lòng. Sông Hàn đẹp làm sao! Đẹp hơn mọi ngày, không lời nào tả nổi, tả hết. Cái không gian, cảnh vật “đầu biển, cuối sông” này vào buổi sáng lung linh ánh nắng như hớp hồn Anh. Không thể nhớ là đã yêu dòng sông này từ lúc nào nhưng hễ mỗi lần ngắm nhìn nó vào bất cứ thời điểm nào, Anh cũng say đắm ngất ngây như mối tình đầu vậy. Nhưng bây giờ đành phải chia xa.

Anh nhớ lại ngày vừa mới lên làm Chủ tịch thành phố. Cũng vào buổi sáng như thế này, cũng đang mải ngắm nhìn dòng sông như thế này, thì nghe có tiếng gõ cửa. “Theo lịch, sáng nay mình không tiếp ai. Răng lại có người gõ cửa vào giờ này?”. Trở lại ngồi vào bàn làm việc, Anh nói: “Mời vào!”. Té ra, thằng bạn cùng học một lớp ở Trường học sinh miềnNamhồi ở ngoài Bắc sồn sột bước vào, nét mặt tươi vui.

- Nghe nói ông vừa lấy xong bằng Tiến sĩ, tôi đường đột đến chúc mừng ông đây. Tháng trước, đọc trên Tạp chí Ngân hàng, tôi thấy có bài viết của ông về phát triển kinh tế nông nghiệp thành phố, tôi biết ngay chắc ông đang làm luận án tiến sĩ. Y rứa!

Nhoẻn cười. Nụ cười nửa môi nhưng tỏ ra toại nguyện. Anh bắt tay người bạn. Bàn tay to phè, mềm, ấm. Rồi khiêm tốn nói:

- Tau không có ý định làm tiến sĩ, tiến sọt gì đâu, vì công việc bù đầu. Cái thành phố này mày thấy đấy, nhà cửa lộn xộn; đường sá nhỏ hẹp, gập gồ, bụi bặm; sông Hàn dơ dáy, chỉ có mỗi cây cầu từ thời tám hoánh đã xuống cấp, lô nhô nhà chồ bên kia sông… Nhưng thằng Vũ Hoàng nó rủ tau. Nó bảo: “Qua thực tế công tác từ cơ sở Hợp tác xã cho đến bây giờ, bọn mình đã vỡ ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Kiến thức căn bản, bọn mình có rồi; thực tế có rồi, các điều kiện về nghiên cứu, học tập càng thuận lợi. Như vậy, điều kiện cần và đủ cho việc xáp dzô này đều OK hết trọi, tội chi không tổng hợp, phân tích, đúc kết lại viết thành luận văn?”. Tau nghe cũng có lý, nên đã tranh thủ thời gian và thời cơ xáp dzô luôn. Báo mày mừng, luận văn đạt 9,3 điểm đấy. Nhưng chuyện ni chỉ thử sức chơi thôi. Thực ra, đối với tau, không quan trọng mấy. Chủ yếu là anh có nghĩ ra việc, có làm được cái việc anh nghĩ ra đó với kết quả như mong muốn hay không thôi. Tau không thơ thẩn gì, xin đọc cho mày nghe hai câu tau tâm đắc: Giáo sư, tiến sĩ rất cần. Cần hơn người biết việc làm vì Dân.

Ra cửa sổ, gọi ông bạn lại, chỉ tay về phía bên bờ đông sông Hàn, Anh nói:

- Tau sẽ xử béng cái “u” nhà chồ kia trong nay mai. Trông nhếch nhác, nhức mắt quá mày a! Xưa nay chưa ai làm. Bây giờ mình cứ xáp dzô. Bộ mặt thành phố phải thay đổi ngày càng đẹp lên chớ. Vừa rồi đã lo xong cái đường Đông –Tây. Tau cảm ơn mày đã lo giúp tau nguồn vốn đầu tư. Tau nghĩ, đó là công trình đột phá đầu tiên của tau đấy. Rồi mày sẽ xem. Câu chuyện còn dài dài…

- Ý tưởng xử cái dãy nhà chồ quá hay, quá thiết thực! Chúc ông thành công.

- Phải thành công chớ! Nhưng phải dựa vào dân, sự đồng thuận của dân. Tau đã đánh tiếng rồi. Nghe cũng thuần thuận.

* * *

Chuyện về con đường Đông-Tây này cũng trầm trầy, trầm trật lắm mới ra được cái dáng hình như thế đấy. Mới đầu, do ông Chủ tịch trước khởi xướng, nhưng bị đứng sựng lại vì không có vốn đầu tư. Anh lên tiếp quản. Bao đêm ngày trăn trở, họp bàn. Nhưng chưa nghĩ ra được phương cách tiếp tục triển khai. Sực nhớ đến thằng bạn cùng lớp này đang làm ngân hàng, Anh liền gọi điện đến. Hai thằng ra quán Ngọc Anh bên cạnh cơ quan ngồi nhâm nhi cà phê. Anh vào đề ngay:

- Mày làm ngân hàng đã lâu, mày giúp tau, được không? Nói thiệt, tau đã liên hệ với các ngân hàng, nhưng thủ tục nhiêu khê quá. Ở trong cuộc, chắc mày biết rõ đường đi, nước bước.

- Ông cho tôi xem hồ sơ dự án, bản vẽ thiết kế…mới trả lời được.

- Cần thứ gì, cần gặp ai, mày ghi lại hết cho tau. Cái rụp là có ngay.

Ông bạn lui cui ghi lại cẩn thận từng chi tiết thủ tục, quy trình vay vốn ngân hàng, vì biết tính Anh từ thời còn học phổ thông với nhau rồi. Nói là làm. Làm đến nơi, đến chốn. Trong đội bóng đá của Trường học sinh miềnNam, Anh là thủ môn, nhưng khi thấy bóng xuống ngon, Anh cũng băng theo “vượt rào” đá vào lưới đội bạn. Nói năng thì chân chất, mộc mạc, không hoa hòe, hoa sói. Đôi khi còn đốp chát thẳng thừng, không nể nang, đặc sệt chất Quảng. “Chân tôi như cái xà beng. Chị cho dép thế, tôi chèn sao vưa (vừa)”. Đó là câu thơ ứng khẩu kiểu Bút Tre của Anh khi chị lớp trưởng Ngọc Liên phát cho đôi dép theo tiêu chuẩn, nhưng nhỏ quá so với đôi bàn chân bự chát của Anh.

- Ông Tòa hả? Ông đưa toàn bộ hồ sơ dự án đường Đông-Tây cho tôi ngay bây giờ nghe! Mười lăm phút nữa thôi đó. Anh a-lô cho ông Tòa - Trưởng phòng xây dựng.

Y rằng mười lăm phút sau, vừa đốt xong điếu thuốc thứ hai, ông Tòa đã đến.

- Khi nào mày trả lời được?

- Còn tùy thuộc vào việc cung cấp các chứng cứ pháp lý về Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án của ông.

- Chiều mai có ngay. Ông Tòa nắm hết ý chưa? Chậm lắm cuối giờ trưa mai, ông trình cho tôi những cái yêu cầu này.

- Nếu chiều mai có, thì phải mất một tuần mới trả lời được. Ông bạn nói.  

- Lâu thế? Thôi cố 5 ngày đi, mày.

- Tôi sẽ cố vậy. Nhiệt như ông, ai chịu nổi.

- Phải khẩn trương mày ơi! Công trình này mỗi ngày với tau quý giá lắm. Bạn bè giúp nhau, không tính công nghe!

- Ok!

Ông bạn mang bộ hồ sơ dày cộp về nhà, chằm bẵm nghiên cứu suốt hai đêm liền. Các ngân hàng không thể cho vay là đúng. Vì thiếu nhiều yếu tố pháp lý trong việc ký kết hợp đồng tín dụng, giải ngân, thu hồi nợ và lãi vay. Phải viết lại dự án theo “mẫu ngân hàng” mới có thể thuyết phục được với cấp trên. Hơn nữa, vì dự án có vốn đầu tư khá lớn, vượt thẩm quyền phê duyệt của cấp chi nhánh. Ông bạn lại phải hì hụi chong đèn khẩn trương chấp bút mà thấy cũng sương sướng trong lòng. Được cái, ông bạn này hồi học phổ thông là học sinh giỏi văn, là kiến trúc sư học ở nước ngoài về, lại học thêm đại học tài chính-ngân hàng nữa nên vừa thông thạo lĩnh vực kinh tế - ngân hàng, vừa kỹ thuật xây dựng, vừa văn chương câu cú rành rẽ, kết cấu trình bày nội dung dự án lôgic. Đọc lên nghe xuôi tai. Cầm bản dự án được chỉnh sửa trên tay, Anh tỏ ra xúc động. Nhưng nét mặt vẫn đăm chiêu và nụ cười vẫn nửa môi.

- Cười lên chút đỉnh đi cha nội. Ông bạn nói.

- Chắc được không mày?

- Thằng dại mới hứa trước lãnh đạo khi chưa nắm được đằng cán, ông ạ. Ông bạn láu liếng chọc khoáy.

- Lãnh đạo ai, chứ tau có lãnh với đạo mày đâu. Nói thật đi!

- Chắc! Ông yên tâm! Ông bạn liều mình phang đại cho sướng cái… bụng.

Khi trình bày dự án với ông Tổng Giám đốc ngân hàng xong, ông bạn còn tham mưu cho ông Tổng này nên mua mấy lô đất của dự án nữa, khoảng 2000 mét vuông để xây dựng trụ sở chi nhánh sau này. Đây là dự án “lấy đất đổi hạ tầng” đầu tiên của thành phố. Nếu ông Tổng mà đồng ý mua đất thì được một công, ba việc. Dự án vừa có tiền vay, vừa có thêm tiền chuyển nhượng đất ngay tức thì (ngân hàng mà), kéo theo tiến độ thi công sẽ nhanh hơn kế hoạch dự án đề ra – cái việc mà Anh luôn lo lắng đau đáu suốt ngày đêm. May thay, khi nghe ông bạn trình bày rành rọt, lớp lang, có lý lẽ, dự án có tính khả thi cao, ông Tổng gật đầu đồng ý. Đến chuyện mua đất, ông bạn cũng thuyết trình hết sức trôi chảy. Nào có tính chiến lược về phát triển, mở rộng mạng lưới ngân hàng tại địa bàn đang sôi động, nào quảng bá tốt thương hiệu… Ông Tổng nghe xuôi tai, cũng vui vẻ gật đầu đồng ý luôn. Ổng còn nói với ông bạn: “Cậu là dân xây dựng, lại nắm vững kiến thức ngân hàng, sau khi nhận đất xong, cậu lập ngay dự án để xây dựng, rồi theo dõi quản lý thi công luôn đó nghe”. Nghe tin này từ Hà Nội gọi về của ông bạn, Anh mừng rơn.

- Phải rứa chứ mày! Anh nói trong điện thoại với nụ cười thành tiếng, không nửa môi, rồi nói tiếp: -Mày nói với ông Tổng, tau chỉ có quyền duyệt dưới 2000 mét vuông thôi. Tiếc quá. Chứ không có quy định này của cấp trên, ổng mua bao nhiêu, tau cũng chơi luôn.

***

Trận “hồng thủy” năm 1998, rồi tiếp đến năm 1999 ấy, toàn bộ khu vực dọc bờ sông Hàn từ cầu Cẩm Lệ xuống đến đầu đường Bạch Đằng nước dâng ngập hết. Ngập đến cả mét. Khu Công viên tượng đài trông thật thê thảm. Hôm đó, ông bạn đến nhà Anh thăm chơi tết cùng với mấy người bạn trong lớp. Khi nói về chuyện ngập lụt trong thành phố, Anh tỏ ra bức xúc. Nhìn ra đường, Anh hỏi:

- Mày có ý tưởng gì hay, nói nghe thử. Ngày xuân, con người thường sáng dạ.

Nung nấu, suy ngẫm về cái chuyện ngập lụt này từ lâu rồi, nhưng ông bạn vẫn cứ ghim trong lòng. Đợi khi nào cần mới bung ra thì sướng hơn, khoái hơn. Lơm xơm, cố tỏ ra rành việc, biết việc; cố tỏ ra cái sự thông hiểu thông thái của mình thì chỉ tổ làm người nghe nhàm nhợn thôi. Chưa nói là người ta không thèm chú ý, để tâm. Cái người ta hỏi là cái người ta đang cần. Mà đang cần thì ắt phải chú ý lắng nghe. Lắng nghe tường tận nữa ấy chứ.

- Tôi xin hiến kế cho ông đây. Ông bạn thủng thỉnh nói.

- …

- Trước hết, để ngăn được nước lũ từ sông tràn vào và từ khu vực dân cư, sân bay tràn ra sông, phải lấy lưu lượng nước lụt, mực nước lụt vừa rồi làm chuẩn nhân với hệ số an toàn 1,3 để tính toán cao trình đắp bờ kè bằng đất. Tôi nghĩ, chí ít bờ kè phải cao trên 3 mét tính từ bờ sông. Nó vừa là bờ kè, vừa là đường ô-tô từ cầu Cẩm Lệ xuống đến cầu Trần Thị Lý. Mặt kè – đường ô-tô rộng tối thiểu 10,5 mét. Một công đôi việc đó nghe. Thứ hai là phải xử lý lượng nước mưa từ khu vực dân cư và sân bay tràn ra ứ đọng…

- Bằng cách bơm ra sông như ở Hà Nội chứ gì?

- Đúng thế! Nhưng phải có hai trạm bơm công suất lớn, đặt ở hai địa điểm trũng nhất để bơm hút ra sông.

- Như vậy, lượng nước sẽ tràn qua gây ngập lụt sâu ở Hòa Xuân, Hòa Hải, Hòa Quý rồi. Mày tính sao?

Anh nheo mắt, nghiêng đầu phà khói thuốc ngoằn ngoèo lên cao, vẻ giễu cợt như để người ta tức khí. Nhưng ông bạn vẫn tỉnh bơ vì đang đuổi theo luồng suy nghĩ của mình.

- Đó là vấn đề không khó. Điều thứ ba này, tôi sẽ hiến tiếp cho ông để giải tỏa cái lo xa ấy. Do lưu lượng nước từ nguồn về quá lớn, nay lại có bờ kè ngăn dòng chảy vào phía tả ngạn nên nó sẽ tràn sang phía hữu ngạn, vùng Hòa Xuân, Hòa Hải, Hòa Quý như ông nói rất đúng. Vậy nên cần phải khai thông dòng Cổ Cò như trước đây đã từng nối với sông Hoài, Hội An. Ông bà xưa dạy: “khai sông, lấp biển”. Khai được dòng chảy này, thành phố sẽ hanh thông đấy. Nếu tính toán lượng nước đổ qua dòng Cổ Cò này còn quá lớn, vẫn gây ngập lụt bên hữu ngạn thì nên khai mở tiếp cửa thoát nước lũ ra biển Non Nước, có vách chắn bằng thép không rỉ ở địa điểm Hòa Hải…

- Ừ! Nghe được đấy!

Anh mỉm cười bắt tay ông bạn. Nhưng cũng kiểu cười nửa môi. Thảng hoặc vui lắm, nhất là khi họp khối lớp với nhau, kể lại chuyện đời xưa có thằng bạn bẻ bí, bắt gà ở trường miền Nam, Anh mới cười thoải mái, hết cỡ.

Ông bạn đoán biết Anh còn lừng khừng nên dạm hỏi:

- Hình như ông chưa thông, phải không?

- Vấn đề nữa là tiền ở đâu để làm mày ạ. Nó còn bó rọ lắm.

- Theo tôi, có nhiều nguồn đấy: về nội lực để đắp bờ kè, ông có thể huy động công ích, hoặc lực lượng thanh niên thành phố theo kiểu “Ngày lao động xã hội chủ nghĩa” như hồi bọn mình đi tham gia đắp đê, gặt lúa cho dân An Tiến, Tràng Bảng, Chí Linh ấy. Mình chỉ lo kinh phí cho phần xe tải chở đất đến đổ thôi. Đất núi bạt ngàn mà, lại gần nữa. Còn về ngoại lực thì xin vay ngân hàng trả bằng nguồn thu lệ phí qua đường. Nguồn nữa là xin vốn Trung ương hoặc xin phát hành trái phiếu địa phương thời hạn 10 năm. Nguồn nữa là kêu gọi các nhà đầu tư, theo kiểu BOT.

- Tau đang đau đầu. Tau ghi nhận điều mày nói. Bây giờ, tau đang nghĩ phải xây thêm cây cầu qua sông Hàn, nhưng cũng gay quá. Vốn trên trăm tỷ. Mày giỏi, có thể thuyết phục ông Tổng mày cho thành phố vay 50% được không? Còn lại, tau sẽ huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm, của bà con thành phố. Xã hội hóa mà!

- Để tôi rà tin, xem có được không, sẽ trả lời ông sau vậy.

- Cố nhanh lên, mày.

Nhưng rất tiếc, lần này, sau khi nghe ông bạn trình bày, ông Tổng ngân hàng đã từ chối với lý do vụ Ép cô-Minh Phụng chưa xử lý xong.

***

Thấm thoát đã hơn mười lăm năm rồi. Thành phố đã và đang từng ngày thay da, đổi thịt và rùng rùng chuyển mình hội nhập với bầu bạn năm châu. Ngó lại ai cũng thấy vui và tự hào. Những việc Anh suy tư, khi thấy đã chín thì bắt tay ngay vào làm quyết liệt, với bầu nhiệt huyết không ai bằng. Một trái tim luôn nóng hổi tinh thần xả thân vì việc chung. Có người nói: “Ăn ba làm bảy còn hơn ngồi ì ảy như pho tượng”. Hôm trước tết, nghe tin Anh được điều ra Trung ương, bạn bè muốn đến thăm. Chưa kịp gọi điện đến, thì Anh đã gọi điện mời bạn bè đến chơi nhà. Anh em hỏi nhiều chuyện, vẫn kiểu cười nửa môi, Anh bảo:

- Chuyến này ra lại Thủ đô cũng chưa biết thế nào. Được thì làm tiếp. Còn không, ba năm thì về vui thú điền viên. Các bạn đừng lo.

Quay sang chị Ngọc Liên, Anh nói:

- Quỹ lớp còn bao nhiêu chị Ngọc Liên? Thiếu, tôi đóng thêm đây. Nhớ lo tết cho thầy cô tươm tất đó nghe. Ngày tổ chức gặp mặt thầy cô, gọi cho tôi biết. Tôi sẽ về dự đấy!

Và Anh về thật.

Dòng nước Hàn giang như đang chảy vào tim Anh. Dòng nước trong xanh, mát lành. Đôi lúc vô cớ đục ngầu. Nhưng với Anh, nó luôn và đang âm thầm, lặng lẽ trở thành vựa dầu sôi sùng sục trong lòng Anh. Và trên tất thảy, sáng nay – buổi sáng của những ngày sắp chia xa thành phố - Anh cảm thấy nó đang ôm Anh vỗ về âu yếm.    

Đà Nẵng, tháng 2/2014 - 2/2015

Đ.X.Đ

Bài viết khác cùng số