Ghi chép về Nguyễn Bá Thanh – Thái Bá Lợi

24.03.2015

Ghi chép về Nguyễn Bá Thanh – Thái Bá Lợi

Con người của hành động và quyết đoán

Một buổi tối, khoảng tám giờ tôi cùng anh em ngồi ở một quán cóc thấy một người có dáng giống Chủ tịch thành phố Nguyễn Bá Thanh đi vào khu nhà các sĩ quan đã nghỉ hưu trên một con đường lớn của thành phố. Đây là thời kỳ đang mở rộng con đường này. Nghe nói khúc mắc cuối cùng là việc giải tỏa mặt bằng. Cái quán cóc này là một trung tâm thông tin vì ở đó có đủ thứ chuyện trên đời, mà tin nóng bây giờ là chuyện mở rộng con đường. Người chủ quán kể cho bọn tôi nghe chuyện ai hên, ai xui trong cái việc tân trang con đường. Có người tự dưng trong hẻm ra mặt tiền, có người đang có cái quán bia đông khách, khi mở đường mất năm mét, chỗ ngồi của khách chỉ còn lại một nửa. Chủ quán hỏi tôi:

- Ông có biết nhóm nhà bên kia vì sao giải tỏa chậm không?

- Sao biết?

- Vì bên ấy có mấy ông Từ Hải một tay xây dựng cơ đồ. Dân thường có ép một ít người ta còn chịu. Đụng mấy ông thương binh không đơn giản, khi cần các ông kiện đến trung ương.

Tôi hỏi:

- Người vừa vào căn nhà bên kia đường có phải ông Bá Thanh không?

- Ông đó chứ ai. Ba đêm rồi, đêm nào ông cũng vào mấy ngôi nhà ấy.

Sau này, khi gặp ông Thanh, tôi nhắc chuyện đó và hỏi ông vào mấy nhà đó để làm việc gì?

- Cũng là việc thường ngày. Phải vận động người ta. Giá đền bù đưa ra có hợp lý thế nào cũng có người thắc mắc này nọ. Phải nói cho mọi người đồng lòng với mình, vì sự phát triển của thành phố mọi người phải thông cảm cho thành phố một tí thì mới đi lên được. Ai cũng đòi phần lợi về mình thì một ngàn Bá Thanh cũng bó tay. Phải nói thật họ thấy tui cần cù đến vận động nhiều lần, vào sau giờ cơm tối, hôm cuối cùng họ hỏi ông Chủ tịch dùng cơm chưa? Tui nói các bác có nhất trí tui mới về nhà ăn cơm, vậy là họ nể. Trong giải phóng mặt bằng phải xác định những nơi là cứ điểm A1, giải quyết xong những chỗ này là giải phóng Điện Biên.

Một thư ký của ông Thanh có kể cho tôi nghe câu chuyện vào một ngày cuối năm. Lúc đó ông là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Ông đọc báo có chuyện một em bé dưới 10 tuổi bị ung thư giai đoạn cuối. Mơ ước cuối đời của em là bà mẹ có được một chỗ ở. Ông Thanh nói với người thư ký: “Cậu cầm tờ báo này tìm hiểu gia cảnh đứa nhỏ, nếu đúng như báo đã viết, cậu tự làm đơn xin cấp chung cư đưa cho bà mẹ ký. Phải xong trước 28 tết cho tui, để chuyển cho Ủy ban”. Người thư ký bỏ cả việc chuẩn bị tết lo cho xong công việc. Sau tết khi bệnh viện trả cậu bé về thì gia đình đã được cấp một căn hộ chung cư. Bé ở căn hộ mới với mẹ được năm ngày thì qua đời. Mơ ước của em đã được thực hiện. Người thư ký nói với tôi:

- Năm đó chú Thanh nói nên giữ kín việc này, nếu nhiều người biết thì sẽ có ý kiến này nọ, họ cho mình pi-a.

Tôi nghĩ những việc như thế này rất đáng PR. Xã hội chúng ta từ người lãnh đạo cao cấp đến người dân thường đều mang trong mình truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Hàng ngày chúng ta vẫn nghe nói nhiều về những việc làm nhân ái. Nhưng phải là người mà lòng nhân ái thấm sâu vào máu mới có thể chỉ qua một mẩu tin, với khả năng của mình đã nhạy bén giải quyết sự việc một cách gọn gàng như vậy.

Trong 15 năm, một nhiệm kỳ Chủ tịch, gần hai nhiệm kỳ Bí thư, Nguyễn Bá Thanh đã để lại nhiều dấu ấn cho Đà Nẵng bằng những chủ trương, kế sách mạnh mẽ, táo bạo. Không phải ai cũng hoàn toàn đồng thuận những việc đã xảy ra ở thành phố này. Nhưng, ai cũng biết Nguyễn Bá Thanh là một con người hành động. Quy hoạch thành phố, phát triển bán đảo Sơn Trà, xây dựng các khu tái định cư, giải quyết những điểm nóng về mặt bằng như ở Cồn Dầu. Dự rất nhiều cuộc họp với dân bàn việc giải tỏa để làm đường Nguyễn Văn Linh… nơi nào cũng có bước chân của người lãnh đạo cao nhất thành phố. Những quyết định nhanh gọn không phải lúc nào cũng chính xác và vừa lòng tất cả mọi người. Nhưng tổng thể thì đó là những việc làm hiệu quả. Một viên chức có nhiều đóng góp cho thành phố, khi có người hỏi tại sao lại bỏ công việc nhà nước ra làm ngoài đã trả lời: Ngày trước tôi nói ông Nguyễn Bá Thanh còn nghe, bây giờ ông không còn nghe tôi nữa.

Những bức xúc của đời sống xã hội đã thúc đẩy Nguyễn Bá Thanh có những quyết định không giống nơi nào. Ông vận động các doanh nghiệp, cùng với ngân sách thành phố xây dựng bệnh viện ung bướu hiện đại mà chưa tính tới sự vận hành của nó sau này vì ông không thể chịu nổi cảnh những bệnh nhân ung bướu vất vả vào thành phố Hồ Chí Minh, ra Hà Nội điều trị hai ba người một giường bệnh, có người phải nằm ở hành lang. Cái quyết định miễn phí giữ xe ở các bệnh viện là do ông Thanh nhiều ngày nuôi bệnh người mẹ già. Tất nhiên ông đến bệnh viện bằng ô tô, nhưng phải đi ra đi vào nhiều lần và ông nghĩ đến những người nghèo đi nuôi bệnh phải chi tiền giữ xe nhiều lần trong một ngày. Để có kinh phí thực hiện những quyết định đó không phải đơn giản. Nhưng đối với người dân, với những người từ xa đến đó là những điểm sáng của Đà Nẵng. Nguyễn Bá Thanh đánh giá cán bộ ở chỗ người đó có làm được những việc đem lại lợi ích cụ thể thiết thực cho người dân hay không?

Tôi cũng được nghe chuyện như sau:

Có một cán bộ cao cấp đến nói chuyện với ông Thanh về công tác cán bộ. Vị này nói Trung ương muốn điều Nguyễn Bá Thanh ra làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp có hướng phát triển lên Bộ trưởng với lý do là đúng với ngành mà ông được đào tạo. Vị này cũng nói có dư luận cho rằng ông Thanh làm nông nghiệp giỏi nhưng ít kinh nghiệm lãnh đạo thành phố. Ông Thanh hỏi: Vậy chức Chủ tịch thành phố giao lại cho ai?  Vị này nói anh cứ yên tâm, sẽ  có anh em trẻ lên thay thế. Ông Thanh từ tốn nói: Tôi là đảng viên, Đảng phân công việc gì cũng chấp hành nghiêm túc. Nhưng tôi cũng xin nói thẳng, tất cả cán bộ thành phố này, từ phó phòng trở lên tôi đều thông hiểu anh em. Ở thời điểm này chẳng có ai làm Chủ tịch thành phố hơn tôi được. Nếu điều tôi đi mà công việc còn dở dang thì thật đáng tiếc. Xin anh báo cáo với cấp trên như vậy. Vị cán bộ cao cấp hỏi: Anh có chủ quan không? Ông Thanh: Chẳng có gì chủ quan ở đây. Còn dư luận nói tui chỉ biết nông nghiệp, nông thôn, không rành thành phố thì tui cũng phải nói chẳng ai một lúc biết được mọi việc. Với tui, tui yêu Đà Nẵng và bắt mạch được hướng đi lên của nó.

Độc đáo Nguyễn Bá Thanh

Nhiều người nói ở huyện Hòa Vang cũ (nay là ba đơn vị hành chính quận Liên Chiểu, quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang) có ba người độc đáo. Đó là tướng Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh Hải quân Việt Nam, tướng Nguyễn Chơn, Tư lệnh quân khu 5, thứ trưởng Bộ quốc phòng và ông Nguyễn Bá Thanh. Tướng Nguyễn Bá Phát thì tôi không được gặp và cũng không hiểu biết nhiều về ông. Còn Thượng tướng Nguyễn Chơn thì tôi có nhiều kỷ niệm vì đã từng là lính sư đoàn 2 do ông chỉ huy. Sự độc đáo của người chỉ huy Nguyễn Chơn vốn đã nổi tiếng trong giới quân sự. Tôi chỉ kể vài chuyện. Đêm 27 tháng Ba 1975, khi chờ các trung đoàn của sư đoàn 2 vừa giải phóng Tam Kỳ đang thần tốc hành quân giải phóng Đà Nẵng, sư đoàn trưởng Chơn đã ra lệnh cho bộ phận thông tin không cần dùng mật mã nữa. Bộ đội tiến quân tới đâu trung đoàn nào đánh mục tiêu nào cứ nói thẳng trên máy như vậy địch sẽ tan rã nhanh hơn. Trưởng ban thông tin trình bày không thể như thế được vì vi phạm trầm trọng bí mật tác chiến. Nguyễn Chơn nói: đồng chí chấp hành đi, tôi chịu trách nhiệm. Quả thật quân ta tiến tới đâu, địch bỏ chạy tới đó. Chỉ khi đến Thanh Quýt, bộ đội đang hành quân trên đường 1, thì bị một khẩu đại liên nổ súng chặn lại, nhiều chiến sĩ thương vong. Sau khi đánh tan ổ đề kháng này, bắt được tù binh mới biết đại đội này hỏng máy thông tin. Một chuyện khác, sư đoàn 2 có một tiểu đoàn vận tải toàn nữ do tiểu đoàn trưởng Thao chỉ huy nên gọi là tiểu đoàn bà Thao. Nguyễn Chơn nói chuyện với chị em trong tiểu đoàn: Tôi năm nay bốn mươi tuổi, sư đoàn trưởng, nhưng chưa nói chuyện vợ con. Tôi xin hứa với các đồng chí đến ngày thắng lợi tôi sẽ lo cho các đồng chí hai ba ông chồng trở lên. Nhưng bây giờ thì phải gữi gìn. Ví như khi kiểm điểm quan hệ trai gái thì không nên đổ hết cho đàn ông. Có ai biết hát bài xâu chỉ luồn kim không? Các đồng chí như cái kim, đàn ông như sợi chỉ, nếu cái kim rung rung chỉ sao xâu vào được. Vì cái kim đứng im nên chỉ mới vào được phải không? Cho nên phải kiểm điểm cả hai phía. Sau ngày Đà Nẵng giải phóng, tiểu đoàn 4, trung đoàn 38, sư đoàn 2 được lệnh xuống tàu hải quân đi giải phóng Trường Sa. Tiễn bộ đội ở bến tàu, sư trưởng Nguyễn Chơn vỗ vai tiểu đoàn trưởng: Phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng Trường Sa, xứng danh là lính sư 2, phải có quà cho Chơn nghe. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tiểu đoàn trưởng mang quà tặng sư trưởng là một rổ trứng hải âu và một đại úy quân đội Sài Gòn quê Hòa Vang. Nguyễn Chơn lại vỗ vai tiểu đoàn trưởng: Cậu chơi tặng mình món quà độc đáo quá. – Dạ, đó là em học thủ trưởng.

Ông Nguyễn Bá Thanh độc đáo ở các góc độ khác. Những buổi họp báo hàng tháng của Chủ tịch thành phố với giới truyền thông đã thành giai thoại ở Đà Nẵng. Tôi không được dự những cuộc họp báo này, chỉ nghe các nhà báo, bạn bè kể lại, cũng có người không phải là nhà báo nhưng kể y như thật. Tôi nghĩ chắc người ta có hư cấu thêm. Những chuyện đó như sau:

Khi các nhà báo đã vào hết hội trường, ông Chủ tịch hỏi:

- Xin hỏi có đại diện của báo TN chưa?

Một người đứng lên.

- Thưa anh, có tôi.

Ông Chủ tịch im lặng một lúc rồi mới nói:

- Nếu báo các anh bán ế thì nói với anh em một tiếng, chứ ai đời lại viết Đà Nẵng đường mở tới đâu, quán nhậu tới đó. Các anh khẳng định Đà Nẵng là thành phố nhậu nhất nước. Đã gọi nhất nhì thì phải có thi. Nước ta chưa có cuộc thi nhậu cấp quốc gia, làm sao biết Đà Nẵng nhậu nhất nước.

Lại một chuyện khác.

Phóng viên:

- Bóng đá Đà Nẵng mấy năm nay phát triển mạnh, thu được kết quả nức lòng người. Thành quả này là do lãnh đạo quan tâm đến bóng đá, nhất là ông Chủ tịch. Nhưng nhiều người nói Chủ tịch thành phố chỉ đạo quá sâu vào chuyên môn làm khó cho huấn luyện viên và cầu thủ, xin ông cho biết ý kiến về điều này?

Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh:

Tui đâu có can thiệp vào chuyên môn của anh em. Có một lần tui đến thăm nhà anh Nguyễn Văn Chi, đúng lúc đội Đà Nẵng đang thi đấu. Chào hỏi xong tui coi ti vi. Anh Chi nói: Mày đến đây thăm tau hay coi bóng đá. Tui nói việc chính là thăm anh, nhưng tranh thủ coi đội nhà đá. Tui thấy Đà Nẵng để mất thế trận nên gọi cho huấn luyện viên Trần Vũ: Vũ ơi, anh thay ông cột nhà cháy ra cho tui. Tui chỉ nói vậy chứ đâu có can thiệp vào chuyên môn.

Cả cuộc họp báo cười rũ rượi.

Lại một chuyện nữa: Đại diện một tờ báo chất vấn Chủ tịch thành phố tại sao băng-rôn của báo cho một sự kiện chỉ được treo dọc các tuyến phố chứ không được treo ngang. Chủ tịch Thanh bấm máy hỏi ngay Sở Văn hóa – Thông tin (thời ấy). Ông Thanh trả lời: vì năm ngoái các anh treo ngang mà không đóng tiền, nên năm nay tạm phải treo dọc.

Tôi có hỏi ông Thanh về những chuyện này. Ông điềm đạm nói: Việc đời mà. Thiên hạ thêm bớt vào những chuyện thật thì cũng bình thường thôi.

Hồi mới khôi phục lại khu du lịch Bà Nà những năm cuối thế kỷ trước có một chuyện cũng độc đáo. Thượng tọa Thích Thiện Nguyện, trụ trì chùa Linh ứng Ngũ Hành Sơn phát tâm xây một già lam ở Bà Nà lấy tên là Linh Ứng Bà Nà. Ông Thanh muốn ngôi chùa xây ở điểm cao nhất của Bà Nà Núi Chúa, với suy nghĩ, ngôi Tam Bảo thờ Phật, phải là nơi cao nhất. Thượng tọa Thích Thiện Nguyện thì muốn xây ở khu bây giờ là Bà Nà By Night để tiện cho phật tử hành hương. Hai người không ai chịu ai, cuối cùng ông Thanh đề xuất bắt thăm. Lá thăm trúng ý của thầy Thiện Nguyện. Ông Thanh nói vui: Ở đời tui ít thua ai, nhưng chừ thua ông thầy tu. Trong những ngày ông Thanh lâm bệnh, nhiều chùa ở Đà Nẵng tổ chức cầu an cho ông. Một phật tử nói: nhà tui cũng bị giải tỏa, đền bù đâu có thỏa đáng, nhưng tui vẫn quý trọng ông Thanh vì ông là người làm đường cho con người đi, xây cầu cho con người qua sông, xây chùa cho chúng sinh có nơi tu hành, công đức lớn lắm rồi...

Còn những điều khiếm khuyết, những điều làm người khác chưa vừa lòng của Nguyễn Bá Thanh thì sao? Tôi xin bắt chước câu nói của nhà văn M.Goki về nhà văn A.Tsêkhop: Trong khi chúng ta đang đói những con người hành động, những người quyết đoán dồn hết tâm sức vào việc xây dựng đất nước giàu mạnh thì khi đói dù mì quảng có thiếu vài thứ gia vị ăn vẫn ngon (Nguyên văn lời của M.Goki: Chúng ta đang đói tình thương con người, khi đói bánh mì dù nướng chưa chín cũng ngon).

12.2014

T.B.L

Bài viết khác cùng số