Mấy lời bàn thêm với PGS. TS Đỗ Lai Thúy về bài: Phan Khôi và bước chuyển từ chính trị sang văn hóa - Phan Nam Sinh

24.03.2015

Mấy lời bàn thêm với PGS. TS Đỗ Lai Thúy về bài: Phan Khôi và bước chuyển từ chính trị sang văn hóa - Phan Nam Sinh

Tạp chí Xưa & Nay số 451, tháng 9 năm 2014 có đăng bài Phan Khôi và bước chuyển từ chính trị sang văn hóa của PGS. TS Đỗ Lai Thúy. Bài viết này sau đó đã được chính Giáo sư trình bày tại Hội thảo khoa học về Phan Khôi, tổ chức tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hôm 6-10-2014. Với bài viết này, Giáo sư đã chọn một đề tài chưa có mấy nhà nghiên cứu đề cập tới, nghĩa là còn rất mới và cũng không phải dễ khi nghiên cứu về Phan Khôi. Đó là “bước chuyển từ chính trị sang văn hóa” ở ông. Dù vậy, Giáo sư cũng đã có những nhận xét, không hẳn đã mười phần đúng nhưng là những nét đặc thù trên con đường chuyển từ chính trị sang văn hóa ở Phan Khôi so với những nhà văn hóa khác có cùng hoàn cảnh. Ấy là những khi Giáo sư nói về chỗ khác nhau giữa hai ông Đào Duy Anh (1904 - 1988) và Nguyễn Kiến Giang (1930 - 2013) so với Phan Khôi: “có điều đáng nói là bước chuyển của Đào Duy Anh, Nguyễn Kiến Giang đều do “một cú hích của Thượng đế”, tức ít nhiều bị động, còn của Phan Khôi thì hoàn toàn chủ động”; hay là chỗ khác nhau giữa Phan Khôi với các nhà văn hóa khác ở Việt Bắc trong mấy năm cuối của cuộc kháng chiến (1946 - 1954): “Trong hai yếu tố làm nên con người ông, thì cá nhân bị thủ tiêu, hay đúng hơn bị đẩy lui vào bên trong và bị giam giữ ở nơi yên lặng, không có tiếng nói. Nhưng nhân cách thì vẫn còn, vì con người nhà nho ở ông không mất đi đâu cả, trong khi ở một số trí thức Tây học khác thì mất cả hai: cá nhân lẫn nhân cách”. Hẳn độc giả sẽ rất bất ngờ và cũng rất thích thú khi đọc những nhận xét có chiều sâu nhưng lại dễ đụng chạm, có khả năng gây sốc với không ít người đến vậy! Tuy thế, chẳng cần phải là người tinh tế cho lắm, bạn đọc cũng có thể nhận ra những nhầm lẫn về chi tiết hay những nhận định chưa thỏa đáng của Giáo sư, cần được trao đổi để làm sáng tỏ. Dưới đây là mấy lời người viết muốn bàn thêm và thưa lại với Giáo sư:

1- Về thời gian Phan Khôi thôi hoạt động Duy tân theo đường lối Phan Chu Trinh, chuyển sang làm báo Nam phong rồi làm thư ký cho công ty vận tải đường thủy của Bạch Thái Bưởi, Giáo sư viết: “Nhưng đến năm 1914, ông chấm dứt hẳn hoạt động này (hoạt động Duy tân theo đường lối Phan Chu Trinh) để đến năm 1916 ra Hà Nội lần thứ hai, tìm con đường làm báo. Đầu tiên ông làm thư ký cho Công ty Vận tải Đường thủy của Bạch Thái Bưởi. Rồi nhận thấy đây không phải là đường đi của mình, Phan Khôi kiên quyết từ chối sự níu kéo của nhà tư sản dân tộc này, rời Hải Phòng lên Hà Nội. Ở đây, ông gặp Nguyễn Bá Trác, người cùng quê và/ là bạn học cũ. Ông này đang chuẩn bị vào Huế nhậm chức, nên giới thiệu Phan Khôi vào thế chân mình ở báoNamphong. Thấy đây là cơ hội để mình có điều kiện phát triển một hướng đi, Phan Khôi nhận lời”.

Vậy là theo Giáo sư, Phan Khôi chấm dứt hoạt động cho phong trào Duy tân theo đường lối Phan Chu Trinh vào năm 1914, ra Bắc lần thứ hai vào năm 1916; trước xuống Hải Phòng làm cho Công ty đường thủy của Bạch Thái Bưởi, sau mới trở lên Hà Nội viết cho báo Nam phong của Phạm Quỳnh.

May mà các mốc thời gian Giáo sư đề cập đến, mấy năm sau đó đã được chính Phan Khôi ghi lại trong ba tài liệu quan trọng là: Tự thuật tiểu sử sơ lược, Kiểm thảo sơ bộ và Tự kiểm thảo ông viết trong đợt chỉnh huấn hồi năm 1953 tại Việt Bắc mà gia đình còn giữ được; xin trích một vài đoạn làm bằng chứng để tiện trao đổi với Giáo sư:      

“Năm 1913-1914, tôi thấy làm như thế này chẳng biết bao giờ mới thành công, mà tư tánh của mình cũng không thích hợp với công việc cho lắm, nên chọn đường khác thích hợp hơn. Bấy giờ tôi xin phép và từ giã anh em, về nhà mở trường dạy học, vừa dạy vừa học thêm, dự định tương lai viết sách làm báo, phục vụ Tổ quốc về mặt văn hóa”. (Kiểm thảo sơ bộ).

“Năm 1918, trước khi Đại chiến kết liễu, tôi được thư Nguyễn Bá Trác ở Hà Nội gởi về rủ tôi ra đó làm báoNamphong... Làm báoNamphong không đầy một năm, tôi thấy mình không thể đi cùng đường với hai vị chủ bút báo ấy được, tôi xin thôi, tạm về nhà quê”. (Tự kiểm thảo).

“Bắt đầu viết báo từ năm 1918, báoNamphong. Ban đầu tưởng là nên, sau thấy nó chỉ là cơ quan “bịp dân” của chính phủ thực dân, viết được tám tháng thì từ chức”. (Tự thuật tiểu sử sơ lược)

“Năm 1920, tôi lại ra Hà Nội rồi xuống Hải Phòng làm thư ký cho công ty Bạch Thái Bưởi. Chính trong lúc này tôi đọc báo Courrier d' Haiphong thấy nó “chửi” Bônchevit ở Nga liên hồi, thì tôi hoài nghi không tin, tôi lý luận rằng nếu đảng Bônchevit vô đạo như báo ấy nói thì sao lãnh đạo được nhân dân toàn quốc chống mười bốn nước tấn công? Tôi biết có chủ nghĩa cộng sản từ đó, nhưng chưa hề đọc được một chữ sách nói về chủ nghĩa ấy”. (Tự kiểm thảo).

Như vậy, năm Phan Khôi chấm dứt hoạt động Duy tân theo đường lối Phan Chu Trinh có thể là năm 1914 như lời Giáo sư nhưng cũng có thể sớm hơn một năm, tức năm 1913 như cách nói nước đôi của Phan Khôi chắc vì ông nhớ không chính xác lắm.

Lần thứ hai Phan Khôi ra Bắc sớm nhất cũng phải là năm 1918 chứ không phải năm 1916 bởi như ông cho biết sau khi ở tù ra (1911) ông không chỉ bị chính quyền thực dân quản thúc vô thời hạn mà còn bị chính gia đình quản thúc nữa. Và lần này Phan Khôi ra Hà Nội là để làm báoNamphong theo thư rủ rê của Nguyễn Bá Trác chứ không phải để làm việc cho công ty vận tải đường thủy của Bạch Thái Bưởi như Giáo sư viết.         

Năm 1920 Phan Khôi trở ra Hà Nội lần thứ ba và lần này mới là để xuống Hải Phòng làm thư ký cho hãng tàu biển Bạch Thái Bưởi.

Vậy là người viết có đủ bằng chứng để kết luận Giáo sư đã nhầm lẫn các mốc thời gian và thứ tự trước sau các công việc mà Phan Khôi làm trong thời gian này như đã nói ở phần đầu bài viết. Đấy là chưa nói tới lý do vì sao Phan Khôi ra Bắc lần thứ hai, rồi cộng tác với báoNamphong. Nó khá đơn giản chứ không rườm rà, chi tiết nhưng không chắc đúng như lời Giáo sư kể.

2- Giải thích việc Phan Khôi sau ngày Toàn quốc kháng chiến đã đi về phía Việt Bắc, tham gia kháng chiến chống Pháp liền trong 9 năm cho tới ngày hòa bình, về lại Thủ đô, Giáo sư viết: “Nhưng rồi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, trong hoàn cảnh không thể làm kẻ ngoài cuộc được nữa, Phan Khôi thấy theo Việt Minh là hơn cả, vì ít ra Việt Minh, theo ông nghĩ, cũng là một mặt trận chứ không phải là một đảng phái”.

Vậy theo Giáo sư, lý do để Phan Khôi đi kháng chiến cũng tức là đi với Việt Minh chỉ vì Phan Khôi nghĩ Việt Minh là một mặt trận chứ không phải là một đảng phái. Nếu chúng tôi không lầm thì điều đó cũng có nghĩa là lúc này Phan Khôi không hề biết Việt Minh là tổ chức do Cộng sản lập ra và nếu biết, không chắc ông có đi với Việt Minh hay là với kháng chiến không? Có nhiều lý do để chúng tôi không đồng tình với cách giải thích này của Giáo sư:

Một người từng trải và lịch lãm như Phan Khôi, vào cuối những năm hai mươi, đầu ba mươi của thế kỷ trước đã có không ít bài viết về chủ nghĩa cộng sản, về phong trào cộng sản Việt Nam và thế giới; hai người con trai lớn của ông hồi đầu Cách mạng tháng Tám năm 1945 là người của Việt Minh, hoạt động ngay trong nhà của ông thì lẽ nào ông lại ngây thơ tới mức không biết Việt Minh là tổ chức do Cộng sản lập ra; đi với Việt Minh, với kháng chiến cũng tức là đi với Cộng sản? Xin trích một đoạn trong Kiểm thảo sơ bộ do chính Phan Khôi viết sau đó mấy năm, tại đợt chỉnh huấn hồi năm 1953 ở Việt Bắc để thấy là ngay cả lúc ấy Phan Khôi cũng không ngây thơ như Giáo sư tưởng: “Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, chính phủ lâm thời thành lập...tôi hết sức tán thành, nhưng tin tưởng thì ít lắm, vì tôi nghĩ bọn đế quốc đang bao vây chung quanh, lẽ nào nó để cho Việt Minh (bấy giờ hiểu là cộng sản) độc lập nước Việt Nam?”. Một người đã biết Việt Minh bấy giờ hiểu là cộng sản thì không thể nào mơ hồ về mối quan hệ giữa hai tổ chức này được. Thêm một đoạn trích từ Tự kiểm thảo để càng thấy Phan Khôi không ngây thơ, mù mờ về hai tổ chức này: “Ít lâu trước cách mạng Tháng Tám 1945, tôi bắt đầu biết có Việt Minh. Tôi không rõ thành phần của nó là hạng người nào, đảng phái nào, chỉ biết trong cơ hội này có một đoàn thể đứng ra mưu độc lập cho nước là mình phải theo. Đến khi thấy tờ tuyên ngôn độc lập, thành lập chính phủ lâm thời, trong đó có nhiều cái tên mà tôi biết là người của đảng cộng sản, tôi buột miệng nói: À ra thế!”. Sự thực rành rành là Phan Khôi tuy có chậm nhưng không phải ông không biết Việt Minh lúc bấy giờ cũng chính là cộng sản. 

Thực ra, lý do để Phan Khôi đi với kháng chiến cũng khá đơn giản như ông viết trong Tự thuật tiểu sử sơ lược: “Cách mạng tháng Tám nổi lên, biểu đồng tình lắm, nhưng đến ký Hiệp định sơ bộ thì thất vọng lắm, phản đối. Có gia nhập Quốc dân đảng Quảng Nam Quảng Nghĩa, cốt vận động chống Pháp. Tháng 7 năm 1946 ra Hà Nội, thấy Việt Nam Quốc dân đảng ở đó không ra hồn gì cả, càng thất vọng. Chưa biết mình sẽ làm gì, làm thế nào, thì súng kháng chiến bùng nổ, lấy làm vừa ý lắm, bèn bỏ Hà Nội, lên Việt Bắc. Tám năm nay, càng ngày càng tin tưởng ở sự lãnh đạo, ở chính phủ, ở Đảng Lao động, ở kháng chiến thành công”.

Vậy là trước khi đi với Việt Minh hay đi với kháng chiến, Phan Khôi đã từng trải qua nhiều sự lựa chọn, không phải là không nhọc nhằn, vất vả. Thất vọng bởi Hiệp định sơ bộ vì nhận lầm Việt Minh đã thỏa hiệp với Pháp, không dám chống Pháp, Phan Khôi đi với Quốc dân đảng, nhận lời làm Chủ nhiệm chi bộ hai tỉnh Nam - Nghĩa vì thấy đảng cương của đảng này có điều đánh Pháp, giành độc lập, nhưng khi ra Hà Nội, tận mắt thấy Trung ương Việt Nam Quốc dân đảng ở đó không ra hồn gì...mấy tay lãnh đạo vì không đồng ý với Hiệp định sơ bộ đã chạy ra ngoài cả, ông lấy làm quái, nghĩ: không chịu hòa Tây thì lo việc đánh Tây, chứ chạy đi đâu rồi từ bỏ hẳn tổ chức này, định vận động lấy giấy máy bay đi Vân Nam, rồi đến ở một nước nào đó, chẳng để làm gì, chỉ để khỏi thấy giặc Pháp giày đạp Tổ quốc lần nữa. Lại tới khi tiếng súng Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, đêm ấy Phan Khôi đang ở một nhà gần dốc Láng, nghe súng pháo đài Láng nổ, đếm được hơn sáu chục tiếng rồi không đếm nữa, phơi phới cả người, mấy tuần sau thì gia nhập đoàn văn hóa kháng chiến đi Phú Thọ, như sau này có người gọi văn vẻ là đi về phía Việt Bắc. Xem đó thì đối với Phan Khôi lúc này, vấn đề không phải là Việt Minh hay Cộng sản, thậm chí là Quốc dân đảng nữa cũng chẳng sao, miễn là tổ chức nào có thực tâm chống Pháp, đủ thực lực giành thắng lợi trong cuộc chiến, đưa độc lập về cho dân tộc là ông ủng hộ, ông đi theo; bởi như ông từng thừa nhận trong bản Tự kiểm thảo hồi năm 1953 tại Việt Bắc: “Cho đến ngày toàn quốc kháng chiến, tôi cũng còn cứ giữ cái tư tưởng hẹp hòi là chủ nghĩa quốc gia. Tôi tin kháng chiến, tin trường kỳ kháng chiến, nhưng tôi cứ đứng trên lập trường quốc gia dân tộc mà kháng chiến”. Đọc kỹ mới càng thấy ngay cả lúc đã đi với kháng chiến, Phan Khôi vẫn không câu nệ vấn đề mặt trận hay đảng phái nào lãnh đạo kháng chiến. Dầu có biết và trên thực tế có biết Việt Minh là Cộng sản thì Phan Khôi vẫn quyết tâm đi theo bởi ông tin rằng vào thời điểm đó không tổ chức nào có thực tâm và đủ thực lực để lãnh đạo cuộc kháng chiến, đưa độc lập về cho dân tộc như Mặt trận Việt Minh. Điều này giúp ông toàn tâm toàn ý đi suốt với cuộc kháng chiến chín năm cho tới ngày toàn thắng, về lại Thủ đô; không như số ít văn nghệ sĩ khác chỉ đi với kháng chiến một thời gian ngắn rồi trốn về Hà Nội, tới ngày hòa bình (1954) lại bỏ vào Nam hoặc chạy ra nước ngoài.

3- Vào phần cuối của bài, có đoạn Giáo sư viết: “Từ việc tham gia viết bài đến việc nhận làm chủ nhiệm tờ Nhân văn, tôi nghĩ, là một việc làm có ý thức, tuy Phan Khôi còn ít nhiều băn khoăn về cách làm báo không theo quy củ của Lê Đạt, Trần Dần cũng như những cách tân thơ của họ, hoặc xu hướng thiên về chính trị của Nguyễn Hữu Đang. Bởi thế, tôi không đồng ý với ý kiến của Lê Đạt cho rằng hành động nhận lãnh chủ nhiệm Nhân văn của Phan Khôi chỉ như một nghĩa cử, một đứng ra gánh vác việc chung của người quân tử, hoặc đa số ý kiến của những người trong gia đình, hoặc những người yêu mến Phan Khôi (hẳn vì muốn minh “oan” giúp ông), cho rằng ông đã ngây thơ về chính trị, thậm chí ông bị lừa. Phan Khôi là một người trách nhiệm, trước với bản thân sau với xã hội. Đừng hạ thấp ông dù một lý do “chính đáng” nào”.

Đồng ý với Giáo sư, việc Phan Khôi tham gia viết cho Giai phẩm rồi              nhận làm chủ nhiệm Nhân văn là việc làm có ý thức, có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Ông cũng không phải là người ngây thơ về chính trị, để đến nỗi bị người khác lừa hay qua mặt. Mọi mưu toan biến ông thành một con người khác trong mắt độc giả, dù là bởi tà tâm hay thiện chí đều có hại cho hình ảnh Phan Khôi, hay nói như Giáo sư là “hạ thấp” ông. Tôi cũng tán thành với Giáo sư rằng Phan Khôi còn ít nhiều băn khoăn về cách làm báo không theo quy củ của Lê Đạt, Trần Dần cũng như những cách tân thơ của họ, hoặc xu hướng thiên về chính trị của Nguyễn Hữu Đang. Tôi còn biết thêm là Phan Khôi cũng không đồng tình với lối sống có phần buông thả của một số nhà thơ, nhà văn trẻ đang viết cho Giai phẩm và Nhân văn lúc ấy. Nhưng điều đó đâu có mâu thuẫn gì với việc ông đứng ra nhận làm chủ nhiệm Nhân văn như một nghĩa cử của người quân tử theo như nhận xét của Lê Đạt? Vì vậy, tôi nghiêng về ý kiến của nhà thơ Lê Đạt hơn là ý kiến của Giáo sư bởi so với những người trong Giai phẩm và Nhân văn, Phan Khôi là người lớn tuổi nhất, uy tín nghề nghiệp cũng cao hơn thì việc ông đứng ra lãnh trách nhiệm đầu tàu hay như một thứ lá chắn, phòng những khi sóng to gió lớn cũng là điều phải lẽ, không có gì là hạ thấp hay làm giảm uy tín của Phan Khôi như Giáo sư nói mà hiệu quả có khi còn ngược lại là khác! Điều này lại càng đáng tin hơn khi biết trong 5 số Nhân văn, Phan Khôi chỉ có một bài duy nhất ở số 1 mà nội dung chỉ là để trả lời, đúng hơn là để phản bác những lời vu khống ông là đầy tớ Việt cộng đăng trên tờ Cách mạng quốc gia của chính quyền Sài Gòn lúc đó.

Cũng như Giáo sư, tôi biết hiện nay có một số ít người do thiếu hiểu biết về Phan Khôi hay vì quá yêu mến ông, đã vô tình đi lại con đường của những người chống ông trước đây, thành kẻ bịa chuyện, vơ cái hay vào mình, bôi nhọ người khác, ngỡ là đề cao Phan Khôi hóa ra lại chẳng mang lại vinh dự gì hơn cho ông. Có điều không như Giáo sư nghĩ, trong số con cháu ông có sách hay bài viết về ông dù đã in hay chưa in đều không một ai có ý định “minh oan” cho ông cả! Có thể ở đâu đấy còn một vài chi tiết hay nhận định không thật chính xác, chưa đủ độ tin cậy, khiến người đọc hiểu lầm là do lỗi của cá nhân người viết. Còn con cháu ông, tất cả chỉ vì muốn nói lên một sự thật, muốn dựng lại hình ảnh một Phan Khôi đúng như ông đã tồn tại trên đời. Có thể chưa làm bạn đọc thỏa mãn hay vừa ý nhưng từ khi đặt bút viết dòng đầu tiên cho đến lúc chấm hết, tất cả đều tâm niệm lời ông: nói láo với người khác còn chưa là đê tiện mấy; nói láo với lương tâm mình mới thật là đê tiện. Ngay cả khi viết bài này để thảo luận với Giáo sư, tôi cũng chỉ mong mọi người, trong đó có Giáo sư hiểu đúng Phan Khôi mà không hề có ý định “minh oan” cho ai cả.

5-01-2015

P.N.S

Bài viết khác cùng số