Đào Chuông xuống núi - Từ bốn hướng nhìn... - Nguyễn Đình Vĩnh

24.03.2015

Đào Chuông xuống núi - Từ bốn hướng nhìn... - Nguyễn Đình Vĩnh

1. Nghĩ dọc Sông Hàn được ấn hành vào tháng 3 năm 2004, Đào chuông xuống núi trình làng trong tháng 7 năm 2014. Vậy là hành trình sông-núi của Bùi Văn Tiếng ngót nghét mười năm có lẻ. Mười năm trong cảm thức nhìn-lại-bóng-trăm-năm để tìm những vẻ đẹp ngời sáng nơi nguồn cội của văn hóa, con người Đà Nẵng. Mười năm trong ý hướng vạch kẻ những cung đường để tiếp tục dấn thân, bước tới và nghĩ tiếp…

Đào chuông xuống núi gồm 78 bài viết, luận bàn về nhiều vấn đề khác nhau và được tác giả khu biệt vào bốn tiểu mục: Trên hành trình hình thành thương hiệu Đà Nẵng - Đà Nẵng phát triển nguồn nhân lực - Đà Nẵng giữa hiện tại và quá khứ - Đà Nẵng nhìn từ nơi xa Tổ quốc. Nắm bắt sự phân chia để dõi theo dòng nghĩ của tác giả cuốn sách là một yêu cầu quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải trả lời cho bằng được câu hỏi: Đâu là những điểm hấp dẫn làm nên giá trị của tác phẩm này?

2. Trước hết, có thể nói đó là hình bóng của cái-tôi-tác-giả thể hiện khá rõ nét. Cái tôi Bùi Văn Tiếng với ký ức tuổi thơ của ngày đầu đi học khi được mẹ nắm tay dẫn đi trên đường Trưng Nữ Vương, từ chợ Vông Đồng đến kho xăng dầu Shell Nại Hiên một buổi sáng mùa thu năm 1960 để lần đầu vào dự học tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn Đà Nẵng khi tản mạn về những khoảnh-khắc-lòng-bâng khuâng-lạ- trong đời đi học; cái tôi Bùi Văn Tiếng khi giới thiệu “Giáo sư Lê Trí Viễn thầy tôi là một người Quảng Nam xa quê nhiều năm, chừng hai phần ba đời người” để bàn về chuyện làng quê, dòng họ và văn hóa làng; cái tôi hiện hữu qua cảm giác về nỗi sợ vô hình ở tác giả khi nhỏ mỗi lúc ngang qua Bảo tàng Chăm và, cảm giác không-bị-sao-cả khi dám đứng chụp ảnh, đưa tay sờ vào chiếc bụng tròn của tượng thần Ganesa. Cũng có khi cái tôi tác giả hiện lên mờ bóng trong làng-Nại Hiên-của-tôi, trong thành phố Đà-Nẵng-chúng-tôi, dân xứ-Quảng-chúng-ta. Hình bóng cái tôi tác giả trong khởi mạch và liên hệ ở bài viết đã góp phần gia tăng yếu tố thực, dễ dẫn nhập cảm xúc cho mạch văn và cho cả người đọc.

Cái-tôi-tác-giả còn được thể hiện qua kiểu tư duy tư biện với tôi nghĩ vậy, tôi nghĩ là, theo tôi đó là, theo tôi nên hiểu là, theo tôi nên chú ý, theo tôi nên có…và bằng một giọng văn hào sảng, đầy nhiệt huyết. Đề cập về cái mới của Đà Nẵng khi thiết kế cầu Rồng có hình ảnh rồng phun lửa thực: “Nếu truyền thuyết Việt Nam từng xuất hiện hình ảnh con ngựa sắt của Thánh Gióng phun lửa thiêu đốt kẻ thù trong chiến trận xưa kia, thì con rồng sắt của người Đà Nẵng ngày nay cũng có thể phun lửa - ngọn lửa tượng trưng cho nhiệt huyết sục sôi của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, hiểu rất rõ cái giá của một ngày bình yên nhưng khi cần lại biết sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ vùng trời vùng biển thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mình” (trang 32). Đề cập về việc xây dựng thương hiệu nụ cười: “Trong con mắt của du khách phương xa, nụ cười vừa có văn hóa vừa có tính chuyên nghiệp của hướng dẫn viên du lịch nói riêng và của những người làm việc ở mặt tiền nói chung chỉ chứng tỏ nơi đây đang và sẽ có nhiều nụ cười dành cho họ, còn nụ cười có văn hóa tương tự mà người bản địa dành cho nhau mới khẳng định nơi đây đã có thương hiệu nụ cười” (trang 63); về quá trình sáng tạo của người họa sĩ: “Chộp được toàn bộ cuộc sống sinh động vào đúng một khoảnh khắc nhất định/cố định, tác phẩm tạo hình thường có sức hấp dẫn công chúng nghệ thuật, thường mang lại cho họ những ấn tượng thẩm mỹ sâu sắc. Nhưng cái khó của người nghệ sĩ tạo hình là phải chộp đúng khoảnh khắc ấy - chứ không phải những khoảnh khắc trước và sau đó” (trang 189-190).

Cái-tôi-tác-giả còn được thể hiện ở tư cách là người có dự cuộc vào những vấn đề của văn-hóa-thời-sự ở Đà Nẵng với yếu tố thời gian là đang diễn ra, vừa diễn ra. Do vậy mà bài viết luôn có chất tươi mới.

3. Điểm hấp dẫn thứ hai ở Đào Chuông xuống núi là việc khai thác tối đa khả năng biểu đạt của hình thức văn bản với những dấu gạch chéo (/), những chữ được gạch nối (dùng dấu gạch nối đầy ý thức), dấu ngoặc đơn ( ), những chữ được in nghiêng…Những tín hiệu này trước hết tạo sự chú ý là, khi đọc đến những vị trí này người đọc phải thay đổi giọng văn, thường thì chậm lại. Và quan trọng hơn là, trong ý đồ của người viết, trường nghĩa của câu văn, lời văn được nhấn mạnh, mở rộng.

Để nối mạch liên tưởng, và cũng để mềm hóa giọng văn là trong khi bàn bạc về các vấn đề, Bùi Văn Tiếng đã dẫn thơ Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Bùi Giáng…và cả thơ của mình; dẫn ca dao, tích truyện, câu đối, châm ngôn, kinh sử, nghị quyết.

Nhìn từ góc độ cấu trúc các bài viết của Bùi Văn Tiếng thường được tạo dựng bởi những luận điểm rõ nét, có tính nâng cấp tầng bậc, điểm nhìn được di chuyển ở nhiều giác độ (như nhìn cán bộ nữ từ yêu cầu của nhà lãnh đạo, yêu cầu của cơ cấu, yêu cầu của lao động, yêu cầu của giới). Phần kết luôn có tính gợi mở, định hướng một sự kết nối mới.

4. Một nét khác thu hút người đọc đó là khi bàn về những vấn đề của Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng thường đặt trong sự đối sánh, liên tưởng. Liên tưởng trong nội tại trường sự vật, hiện tượng và mở rộng ở những góc nhìn khác. Bàn về bún Đà Nẵng thì nhắc đến bún Huế, bàn về chợ ở Đà Nẵng thì nhắc đến chợ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Bàn về cây xanh ở Đà Nẵng thì liên hệ đến cây xanh ở Nga, ởCanada. Bàn về chuyện đầu tư cho giáo dục ở Đà Nẵng hiện nay thì liên hệ với chính sách phân bố đầu tư cho giáo dục tại Nhật. Bàn về phát triển Hải Vân Quan giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng thì nhớ lại mô hình phát triển của thành phố Texarkana nằm giữa biên giới hai tiểu bang Texas và Arkansas ở miền tây nam nước Mỹ.

Và cũng có khi trong những chuyến viễn hành, đang trước cảnh và người nơi đất khách, Bùi Văn Tiếng lại miên man nhớ về Đà-Nẵng-xứ-mình. ỞMelbournemà lại nhớ đến Bà Nà. Đang nghe thuyết minh và đứng bên con sông Hàn chảy giữa lòng thành phố Seoul mà nhớ về con sông Hàn chảy bên thành Điện Hải; đang nhìn ảnh biển Kawasaki mà nghĩ về biển Đà Nẵng. Thấy những ngôi nhà cao tầng và san sát trên sườn núi tại Busan mà ngùi ngùi về cảnh quê nhà nơi Sơn Trà mây phủ…

Bùi Văn Tiếng nhìn Đà Nẵng luôn trong trường vận động, trong tư thế rừng núi dang tay với tỉnh Thừa Thiên Huế, với tỉnh Quảng Nam, với các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, với các tỉnh của Lào và cả Thái Lan, Trung Quốc; nhìn văn học trong ý thức kết nối với du lịch; đề xuất hướng dẫn khách tham quan bảo tàng kết hợp với tham quan không gian thực địa của chứng tích.

5. Điều hấp dẫn nhất trong Đào chuông xuống núi là cái nhìn về con người, về văn hóa, về sự phát triển của Đà Nẵng. Nhìn Đà Nẵng trong từng năm: Tản mạn những chiều cuối năm 2009, Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn năm Quý Mùi 2013, Đào chuông xuống núi dịp Tết 2014…,  trong mạch nguồn ký ức: Bảo tàng Chăm và ký ức tuổi thơ tôi, Mới đó đã mười năm; lại tản mạn về Đà Nẵng 10 năm đô thị loại I, Mười lăm năm phát triển Đà Nẵng-nhìn lại một chặng đường; Đà Nẵng ngày hăm chín tháng ba-39 năm nhìn lại; Cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải - một trăm năm mươi lăm năm sau nhìn lại…Và trong cái nhìn mai hậu: Đà Nẵng trong tầm nhìn mười lăm năm tới. Nhìn Đà Nẵng trong sự kết nối không gian: Thành phố và những cây cầu; Bảo tồn văn hóa-lịch sử huyện Điện Bàn thông qua kết nối với hai thành phố Đà Nẵng và Hội An; Rừng núi dang tay nối lại biển xa; Để cho người giỏi đến nơi này; Bàn thêm về việc người tiếp cận người Việt Nam ở nước ngoài; Làng quê, dòng họ và văn hóa làng; Đà Nẵng trong trái tim người Tokyo. Dù nhìn Đà Nẵng dưới góc độ thời gian hay không gian, Bùi Văn Tiếng cũng luôn đặt trong trường văn hóa Đà Nẵng, văn hóa xứ Quảng.

Tác giả Đào chuông xuống núi cũng đã đi tìm những nét riêng con người Đà Nẵng. Đó là “khát vọng không ngừng vươn đến cái mới, cái khác trước”, “luôn săn tìm ý tưởng sáng tạo và quan trọng hơn là luôn chung tay nâng tầm ý tưởng ấy” nhìn-nghĩ nghiêm túc, cầu thị và không tự mãn. Con người Đà Nẵng không đặt nặng tính hình thức, luôn ý thức vượt qua tư duy cũ mòn, luôn đặt lại tính hiệu quả của những điều đã làm, cách đã làm, điều đã có, cách đã có; đặt vấn đề danh phải đi đôi với thực, nhiệt tình hưng phấn nhưng không vồ vập bốc đồng. Và cao hơn cả là ý thức dựng xây thương hiệu Đà Nẵng: “Thành phố của những cây cầu”, “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, “Thành phố xanh”, “Đà Nẵng-Thành phố đáng sống”…Để làm được điều đó thì Đà Nẵng phải “đi tiên phong trong việc tạo nên sự khác biệt” như sự khác biệt của cây Cầu Rồng có con rồng thép phun nước phun lửa và phải về sức thu hút, sức lan tỏa để không bao giờ đơn độc trong quá trình phát triển.

Bùi Văn Tiếng cũng chỉ ra một số lý do để Đà Nẵng có được những thành tựu lớn như ngày hôm nay. Đó là nhờ sự giao thoa mà vốn liếng văn hóa thêm giàu có, đa dạng; đó là ý chí, khát vọng khẳng định mình của những lưu dân nơi miền đất mới; đó là vị trí địa lý tự nhiên có nhiều thuận lợi; đó là các chính sách hậu thuẫn đúng lúc của Trung ương. Nhưng cái chính là “Đà Nẵng đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo và công chức thừa hành đồng tâm nhất trí vì đại cuộc, trên dưới một lòng nhất hô bá ứng; và từ nhân hòa trong đảng bộ và chính quyền thành phố mà gầy dựng được nhân hòa trong đông đảo người dân Đà Nẵng” (trang 57).

Anh hình dung về con đường phía trước: “Muốn hình thành thương hiệu một vùng đất, người Đà Nẵng phải đặt dấu vân tay đô thị của mình lên từng món ngon trên bàn ăn của thực khách” (trang 115); “trong cuộc chạy đua trải thảm đỏ nhằm thu hút người giỏi đến với thành phố bên bờ sông Hàn, cần không ngừng đổi mới cách tạo hấp lực sao cho không chỉ thu hút được người giỏi mà còn giữ chân được người giỏi để họ có thể đồng hành lâu dài cùng Đà Nẵng” (trang 128). “Tuy nhiên giải pháp mang tính quyết định để thu hút và giữ chân người giỏi là phải làm cho Đà Nẵng thực sự trở thành một đô thị phát triển theo hướng hiện đại văn minh - hiểu theo nghĩa là biết lấy con người làm trung tâm và luôn thân thiện với môi trường” (trang 131). Anh nhắc nhở các bạn trẻ: “Tối ưu mấy thì công nghệ thông tin cũng chỉ là một công cụ…Nhưng điều mà các quan hệ giao tiếp thực của đời sống cộng đồng cần hơn cả là công nghệ thông …tim - thông từ trái tim đến trái tim. Tôi mong các bạn thế hệ @ Đà Nẵng không chỉ biết sử dụng thuần thục công nghệ thông tin mà còn sở hữu một trái tim giàu lòng trắc ẩn, không vô cảm trước sự thống khổ của đồng bào mình nói riêng và của nhân loại nói chung” (trang 147-148). Khi bàn về một cách đào tạo cán bộ lãnh đạo, anh đặt nặng về ý thức tự đào tạo: “Muốn đào tạo ý thức tự đào tạo, nhà trường phải đổi mới phương pháp dạy - học và phương pháp kiểm tra thi cử để buộc người học nếu không có ý thức tự đào tạo thì không thể theo học được và không thể thi đỗ được; rồi bản thân người học cũng luôn nung nấu hoài bão vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức, luôn khao khát sáng tạo những giá trị mới trên cơ sở vốn tri thức đã tiếp thu, tích lũy” (trang 195-196).

Ngày 15 tháng 01 năm 2015 vừa qua, tại Nhà hát Trưng Vương, Thành ủy Đà Nẵng đã  tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Năm văn hóa văn minh đô thị. Hội nghị có đông đảo cán bộ các cấp của Thành phố tham dự, được phát sóng trực tiếp trên các kênh của Đài truyền hình Thành phố với hy vọng tạo ra cú huých mang tính đột phá về những đổi thay trên lĩnh vực văn hóa, văn minh ở Đà Nẵng. Trong dòng mạch chung đó, Đào chuông xuống núi có thể xem như một điểm nhìn tham chiếu nhiều ánh gợi…

N.Đ.V

Bài viết khác cùng số