Cao Bá Quát Những dấu xưa trên vùng Đà Nẵng - Nguyễn Nhã Tiên
Trong l ịch sử văn học ViệtNamnửa đầu thế kỷ 19, sự xuất hiện của Cao Bá Quát được ví như một cơn gió lớn có sức làm lung lay cả thành quách triều Nguyễn. Và còn hơn thế nữa, dư ba của cơn gió ấy xuyên suốt tâm thức Việt Nam, biểu thị một giá trị nhân văn, một tư tưởng người hùng, thẩm giá của một nhân sinh quan cao cả. Từ trong tro than của cái án tru di tam tộc khốc liệt, may mắn thay trong tro tàn bút tích, thơ văn của Cao Bá Quát bị thiêu đốt, đời sau còn sưu tầm lại được: Chu Thần thi tập, Mẫn Hiên thi tập, Cúc Đường thi thảo... Đặc biệt là bài phú “Tài tử đa cùng”, Cao Bá Quát sáng tác vào thời điểm tuổi hãy còn thư sinh, nhưng lại là một tác phẩm mà nội hàm có tính dự báo toàn bộ cuộc đời thơ Cao Bá Quát.
Từ thuở “Hôi miệng sữa tuổi còn giọt máu, chòm tóc xanh còn chấm ngang vai”, con đường của một số phận tài hoa lênh đênh phiêu dạt trong sự nghèo khó thanh bần “Áo Trọng Do bạc thếch, cơm Phiếu mẫu hẩm xì”. Nhưng nỗi bần hàn ấy không ngăn được hoài bão, khát vọng của một tài năng “Tươi nét mặt thư sinh lồ lộ, bưng mặt trần toan đạp cửa phù đồ. Rửa buồng gan du tử nhơn nhơn, giương tay tạo rắp xoay cơn khí số”.
Chúng ta đều biết Cao Bá Quát (1809 - 1855) tự là Chu Thần, hiệu Cúc Đường, còn có biệt hiệu là Mẫn Hiên, quê làng Phú Thị huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh, ngày nay thuộc huyện Gia Lâm – Hà Nội. Năm 1831 ông thi Hương đậu Á nguyên, nhưng sau bộ Lễ lại hạ xuống hàng cuối bảng. Năm 1841, Cao Bá Quát được triệu về kinh, làm Hành tẩu bộ Lễ. Cùng năm này, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Tại đây, do nhận thấy một số bài thi hay nhưng phạm húy, ông và một đồng sự đã dùng muội đèn chữa lại 24 quyển, việc bại lộ, ông bị bắt giam và khép vào tội chết. Nhưng vua Thiệu Trị đã giảm án cho ông từ tội trảm quyết xuống tội giảo giam hậu (tức là giam lại chờ lệnh).
Sau ba năm tù tội, ông được tha, nhưng phải đi phát phối tại Đà Nẵng, chờ ngày đi dương trình hiệu lực đoái công chuộc tội. Tháng 12 năm 1843, triều đình Huế cử hai phái đoàn đi công cán một số nước thuộc vùng Đông – Nam Á. Đoàn mà Cao Bá Quát đi theo đến vùng Giang Lưu Ba (Indonesia) do Tả Tham tri Bộ Hộ Đào Trí Phú và viên Ngoại lang Nội vụ phủ Trần Phú Dĩnh làm chánh, phó đoàn. Trước ngày xuống tàu theo đoàn công cán, Cao Bá Quát đã có những ngày ở Đà Nẵng.
“Cảo thơm lần giở” thơ văn người xưa, để rồi lần theo cái dấu “của tin gọi một chút này làm ghi” (Nguyễn Du), để thấy thấp thoáng bóng đời tài hoa và đầy bi kịch của Chu Thần thi sĩ trên thành phố sông Hàn.
Bài “Chuhành há Thanh Khê, nhân cố nhân ký biệt tòng du chư đệ tử” có lẽ là bài thơ đầu tiên khi từ Huế vào phát phối ở Đà Nẵng trước ngày đi dương trình hiệu lực, Cao Bá Quát đã có dịp dừng chân ở Thanh Khê.
Chưtử phục bất xả,
Luyến luyến tòng ngã du.
Thần tịch ý vị thiếp,
Tài tửu tùy khinh chu.
Ngũ Hành tại chỉ xích,
Tương vọng các di du.
Thảo thảo thiệp sơn kính,
Đồ thử niệm minh sưu.
Trướng nhiên tâm thưởng vi,
Hận dữ thanh giang lưu.
Nhân sinh cảm ý khí,
Tự tán khởi tự mưu.
Ngô thi cố thường vân,
Ngã sơ vô hành lưu.
Cố nhân Đạt Thuận ông,
Tống ngã khước trạo đầu.
Nhân thanh tạ bằng lữ,
Phiền tác trí thư bưu.
Vân quan khứ bất viễn,
Hồi thủ vân du du!
Ưng liên nhất phiến nguyệt,
Dạ dạ đáo ngân câu.
Dịch nghĩa:
Thuyền xuôi Thanh Khê, nhân có người quen gởi lời từ biệt các học trò
Các anh vẫn chưa chịu chia tay,
Cứ quấn quít đi theo tôi mãi.
Hết sớm lại chiều vẫn chưa thỏa lòng,
Lại còn tải rượu theo thuyền tôi.
Núi Ngũ Hành chỉ cách gang tấc,
Nhìn nhau đều tỏ vẻ dùng dằng.
Rồi rảo bước đi lên sườn núi,
Định bụng cứ lần mò thế mà đi.
Bỗng lòng bùi ngùi mất hứng thú,
Mối hận tràn theo dòng sông trong.
Ở đời người ta cảm nhau vì ý khí,
Sum họp hay chia phôi có tính
được đâu.
Trong thơ tôi thường nói,
Tôi chả bao giờ định ra đi hay ở lại.
Nay ông bạn Đạt Thuận,
Đi tiễn tôi rồi trở về.
Tiện gởi lời cảm ơn các bạn,
Dám phiền ông làm trạm chuyển thư.
Đèo Hải Vân không còn xa mấy,
Ngoảnh đầu lại thấy mây bay lững lờ.
Đáng yêu một mảnh trăng kia,
Cứ đêm đêm soi hoài trên dòng bạc.
(Theo thơ chữ Hán Cao Bá Quát, NXB Văn học 1970).
Dịch thơ:
Các anh không nỡ dứt,
Vẫn quấn quít chẳng rời.
Sớm chiều cũng chưa thỏa,
Tải rượu theo thuyền tôi.
Núi Ngũ Hành gang tấc,
Nhìn nhau những bồi hồi.
Dẫm bừa theo lối đá,
Mò mẫm định tìm nơi.
Đang vui bỗng hóa tẻ,
Mối hận theo dòng xuôi.
Cảm nhau vì ý khí,
Tan hợp mặc cơ trời.
Trong thơ tôi từng nói,
Chẳng định tiến hay lui.
Nhân có bác Đạt Thuận,
Tiễn rồi thuyền quay mui.
Gửi tạ lòng các bạn,
Nhờ bác chuyển giùm lời.
Ngẫm nhìn mây đèo Hải,
Ngàn mây trôi vẫn trôi !
Đa tình có chị Nguyệt,
Dòng bạc đêm đêm soi !
(Hoàng Tạo dịch)
Bài thơ thứ hai là bài “Phái vãng dương trình chu hành phó Đà Nẵng tẩu bút lưu biệt thân thức”. Có lẽ đây là bài thơ Cao Bá Quát viết lúc xuống thuyền trên bờ biển Đà Nẵng để bắt đầu theo đoàn công cán vượt trùng dương. Người viết căn cứ vào nội dung từng bài thơ để sắp xếp trước sau.
Đà dương dao vọng nhật đông biên
Đảo dữ thương mang lộ kỷ thiên
Tử khuyết vân yên thường ngọ mộng
Thiên phai cầm kiếm thị đinh niên
(sđd)
Dịch nghĩa và thơ: Hành trình trên biển Đà Nẵng viết mấy lời từ biệt người thân
Biển Đà Nẵng vọng về phương đông
Đào cồn lớp lớp đường thiên lý
Kinh thành mây khói mộng ban trưa
Cầm kiếm bên trời thân trai tráng.
(Đàm Văn Chí dịch)
Sau hơn năm tháng theo đoàn công cán, gian truân công việc trong vai người giúp việc lênh đênh ở hải ngoại, tháng 7 năm 1944, đoàn về lại Việt Nam, Cao Bá Quát được phục chức nhưng rồi lại bị thải hồi về quê quán. Năm 1947 – cuối đời Thiệu Trị, ông lại được triệu về kinh đô sung vào Hàn Lâm viện. Như tuổi trẻ ngày xưa ông lại hăm hở lên đường, rồi lại được triều đình cử vào Hội An cho đến Quảng Ngãi. Tại những nơi này vẫn còn lưu dấu trong thơ ông, nhưng đó thuộc về một chương khác ở những vùng đất khác.
N.N.T