Mãi mãi không quên tình người Đà Nẵng - Phạm Minh Giang
Tôi còn nhớ những ngày đơn vị tiến quân vào giải phóng thành phố Đà Nẵng bốn mươi năm về trước.
Ngay từ đêm khuya, từ hướng Đông Bắc, đơn vị tôi hành quân theo trục đường Mười Bốn, phá vỡ tuyến phòng ngự của Sư đoàn Ba, vượt qua núi Phước Tường, Hòa Khánh, rồi tiến về Tòa Thị chính. Tôi còn nhớ vì lúc ấy tôi là trung úy, trợ lý tác chiến Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Thế nhưng tình hình chiến sự diễn ra mau lẹ quá. Vả lại tôi chỉ là anh trợ lý cấp trung đoàn nên không thể nào biết hết được. Quả thật, tôi cũng không ngờ quân ta lại thắng nhanh như thế.
Sau này được cấp trên thông báo tôi mới biết là trong những ngày ấy, đơn vị tôi đã được tham gia cùng với các lực lượng và quân dân Đà Nẵng tấn công, làm chủ khu vực Hòa Hải, sân bay Nước Mặn, đồn pháo binh Hoàng Hoa Thám, rồi sau đó tiến vào giải phóng thành phố.
Nhưng riêng tôi thì chưa kịp tiến vào Tòa Thị chính, tôi đã bị thương trong một đợt tấn công yếu ớt của quân địch. Một quả pháo quái ác của kẻ thù đã nổ chỉ cách tôi có nửa mét làm tai tôi ù đặc và rồi tôi ngất đi không biết gì nữa.
Tôi tỉnh lại thì thấy mình nằm trên chiếc giường đơn trong một căn phòng nhỏ nhưng sang trọng và ấm áp. Tôi nằm trên nệm êm, đắp một tấm chăn đơn mỏng. Đầu tôi còn quấn băng trắng, và… chân trái của tôi đang bị nẹp.
Nhìn lên tường, tôi thấy ảnh một thiếu nữ trạc mười tám, đôi mươi đang mỉm cười với tôi. Tôi hít hà một mùi thơm đặc biệt. Đó là mùi hoa và một mùi thơm gì dịu dàng kỳ lạ lắm… Tôi chỉ thấy được có thế rồi lại thiếp đi…
Tôi thức dậy lần thứ hai khi căn phòng được chiếu sáng bởi ánh sáng của chiếc đèn chùm treo trên trần nhà. Một cô gái (đúng là cô gái trong ảnh) nâng tôi dậy.
Cô gái tươi cười reo lên:
- Ủa, anh đã tỉnh rồi! Anh đã ngủ suốt mười lăm tiếng đồng hồ. Kể cả lúc tiêm thuốc anh cũng vẫn không tỉnh. Bây giờ anh dậy ăn sữa nha!
Tiếng cô gái êm ái dễ thương làm sao! Thế là tôi tỉnh hẳn.
Mấy ngày sau cô gái kể cho tôi nghe là tôi bị thương trong lúc đơn vị đang tiến quân về phía trước. Đơn vị đã giao thương binh là tôi cho lực lượng tự vệ thành. Em là Mỹ Tâm, nữ sinh năm cuối cấp phổ thông trung học nhưng cũng là trung đội phó tự vệ. Với sự giúp đỡ của má có tay nghề y sĩ ở trạm xá phường, em đã nhận tôi về cứu chữa và chăm sóc. Những ngày này, các trường chưa học trở lại. Em ở nhà chăm sóc tôi. Tôi còn được biết em có ba và anh trai làm nghệ thuật trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa đang ở xa.
Những ngày đầu, má và em phải bón cho tôi từng thìa cháo, từng thìa sữa và phiền toái nhất là lúc đi vệ sinh, lúc tắm. Những lúc ấy, tôi ngượng lắm… Nhưng, tôi cảm nhận được tấm lòng thương yêu quý mến thực sự từ ánh nhìn trìu mến của má và ánh nhìn đằm thắm của em.
Từ bé đến giờ, tôi chưa được ai chăm sóc như thế này. Chỉ có mẹ. Mẹ đã sinh ra tôi, nuôi dưỡng tôi, vỗ về tôi lúc tôi còn bé. Nhưng vì nhà đông con, anh em tôi thường bị đói khát. Lên mười, từ sớm tinh mơ, tôi đã phải đeo giỏ, vác giậm đi bắt tôm, bắt tép khắp các đầm xa, đầm gần ở một vùng quê chiêm trũng. Lớn lên chút nữa, tôi được đi học đến cấp hai, cấp ba nhưng dù trường có xa đến trên mười cây số thì từ sớm tinh sương, tôi cũng nhịn đói cuốc bộ đến trường. Mười bảy tuổi, tôi tình nguyện lên đường tòng quân dù là đang học dở lớp mười, năm cuối cấp…. Hai mươi hai năm trời, tôi chưa bao giờ được một người phụ nữ nào chăm sóc như vậy, đặc biệt lại có người con gái trẻ xinh, đằm thắm có cái tên Mỹ Tâm kiêu sa – chăm sóc như ngày hôm nay.
Không! Không! Tôi không dám có ý nghĩ nào khác ngoài tình cảm biết ơn không thể nào nói nên thành lời đối với má và em. Tôi không dám có ý nghĩ nào khác ngoài tình cảm biết ơn không thể nào nói nên thành lời đối với người Đà Nẵng.
Tôi không nhớ tôi đã ở nhà em được bao nhiêu ngày. Chỉ biết rằng vết thương của tôi tương đối nặng nhưng được mẹ và em chăm sóc, cứu chữa, nay đã nhanh chóng bình phục. Tôi định bụng ngày mai sẽ theo xe của đơn vị bạn trở về đơn vị mình thì ngay sớm hôm sau, đơn vị cho xe về đón tôi…. Thế là tôi bịn rịn tạm biệt mẹ và em để lên đường.
Em khóc và dúi vào tay tôi một gói nhỏ (không biết bên trong là cái gì). Tôi nhận gói quà nhỏ từ tay em mà mắt cứ cay cay, trong lòng chỉ muốn khóc. Nhưng việc quân sự thì không thể chần chừ được. Tôi phải lên xe.
Lên xe rồi, tôi cứ vẫy tay và ngoái đầu lại mãi phía ngôi nhà ấy…
Về tới đơn vị, tôi mới mở gói quà nhỏ ấy ra. Đó là một chiếc khăn mùi soa ướp hương hoa (hình như hương sen thì phải) – thêu dòng chữ “Kỷ niệm Quê hương” và một tờ giấy trắng có viết nắn nót dòng chữ “Mãi mãi không quên”, ký tên Mỹ Tâm.
Bấy giờ tôi mới sực nhớ ra rằng tôi quên chưa hỏi cụ thể em học lớp nào, trường nào, nhà em là số nhà mấy, đường phố nào, phường nào ở Đà Nẵng… Có lẽ đơn vị tôi còn đóng quân ở Đà Nẵng một thời gian nữa để ổn định trật tự và làm công tác quân quản. Vài hôm nữa tôi sẽ xin phép thủ trưởng về thăm gia đình Mỹ Tâm, lúc ấy dứt khoát tôi phải hỏi cụ thể. Tôi còn định bụng, sau ngày hòa bình, tôi xin xuất ngũ và xin ở lại Đà Nẵng công tác. Lúc ấy tôi sẽ có điều kiện gặp Mỹ Tâm, cảm ơn Mỹ Tâm, cảm ơn má. Biết đâu, Đà Nẵng lại là quê hương thứ hai của tôi ?
Thế nhưng đùng một cái, đơn vị tôi được lệnh hành quân gấp. Đơn vị tôi được điều động phối hợp với các quân đoàn “tiến về Sài Gòn”. Rồi sau ngày hòa bình lại được giao làm nhiệm vụ tiễu phỉ, đấu tranh chống Phun-rô tại Mặt trận Tây Nguyên. Năm năm sau, tôi mới được xuất ngũ.
Cầm quyết định xuất ngũ, đeo ba lô trên vai, lẽ ra tôi sẽ một mạch về quê hương Thái Bình. Nhưng, tôi đã xuống ga Đà Nẵng.
Đà Nẵng bây giờ khác quá. Mà ngay ngày trước, tôi cũng có được biết Đà Nẵng cụ thể như thế nào đâu mà nhớ. Chỉ nhớ Mỹ Tâm, nhớ má. Còn đường phố, nhà cửa ra sao thì chỉ là láng máng… Tôi nhớ đó là một con phố dài, hai bên nhà cửa đông đúc, nhưng ít nhà cao tầng. Nhà Mỹ Tâm có cửa chính ở giữa, hai bên là hai cửa sổ trông ra đường. Cửa chính làm bằng gỗ rất đẹp. Hai cửa sổ có khung sắt uốn hình hoa văn sơn xanh. Trước cửa nhà có để một chậu sứ viền vàng trong đó có cây hoa gì màu trắng thơm đến là kỳ lạ…
Suốt năm ngày trời, tôi đi khắp các đường ngang ngõ dọc thành phố Đà Nẵng nhưng không tìm thấy nhà nào như thế. Hỏi thì không ai biết. Còn Mỹ Tâm. Có đến hàng trăm Mỹ Tâm. Có nhiều Mỹ Tâm mười tám, đôi mươi. Có nhiều Mỹ Tâm ba mươi. Có nhiều Mỹ Tâm bốn mươi, trên bốn mươi. Rồi có cả các cô, các bác, các bà Mỹ Tâm nữa… Không có Mỹ Tâm nào của tôi cả. Tôi đến nhiều trụ sở Ủy ban phường, trụ sở công an phường để hỏi. Nhưng các đồng chí đều lắc đầu, không giải quyết được. Đêm nào tôi cũng đi đến khuya đến nỗi công an giữ an ninh trật tự phải hỏi giấy mấy lần. Đêm tôi về đồn công an nghỉ tạm. Thế rồi sau năm ngày tìm kiếm vô vọng, tôi đành khoác ba lô về quê hương Thái Bình của tôi.
Tôi đã nhiều lần viết thư nhờ các đồng chí ở Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Đoàn thanh niên thành phố Đà Nẵng giúp đỡ nhưng tất cả đều không có kết quả. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không biết Mỹ Tâm và gia đình em hiện giờ ở đâu ?
Nhưng Mỹ Tâm ơi! Anh luôn luôn ghi nhớ lời em dặn. Suốt đời, anh “mãi mãi không quên” Mỹ Tâm, “mãi mãi không quên” má. Suốt đời anh “mãi mãi không quên” tấm lòng của má và em, suốt đời anh “mãi mãi không quên” tình người Đà Nẵng.
P.M.G