Thương gửi ấu thơ

28.09.2021
Như Hạnh

Thương gửi ấu thơ

Tranh sơn dầu của Kiệt Tấn

Những câu chuyện xưa nhưng chẳng bao giờ cũ cứ dội về như con sóng khiến trái tim phải đập nhanh hơn thường ngày. Ấu thơ bao giờ cũng như chiếc gối êm để tuổi già gối đầu hoài niệm không nguôi.

1. Đêm qua, ấu thơ rủ nhau về trên từng phiến lá. Những phiến lá lấp lánh màu trăng thượng huyền thanh khiết ướp đầy hương nguyệt quế. Nàng nhìn qua ô cửa. Bên ngoài trời rộng đến vô cùng. Bóng trăng chênh vênh huyền ảo bên trời đưa nàng về vùng trời thơ dại...

Nàng nhớ những bước chân trần chạy vô tư nơi bến Cát ướt mềm bên bờ sông Cẩm Lệ. Hàng tre hai bên đường uốn cong thành vòm râm ran tiếng ve. Nhớ con đường đi ngang xưởng dệt Hòa Thọ (ngày ấy có tên là SICOVINA Hòa Thọ) đầy những cây trứng cá chín đỏ, ngọt lịm hấp dẫn lũ chim và bọn con gái. Thỉnh thoảng cả bọn rủ nhau năn nỉ bác bảo vệ cho vào hái trứng cá. Năn nỉ không được thì rình lúc vắng người chui rào vô hái trộm. Giữa một rừng trứng cá mênh mông mọng đỏ, bọn con gái như bầy chim đội mũ ríu rít trên cây ăn trái chín. Mỗi lần bị bảo vệ bắt được thì khóc lóc xin chừa. Mà có chừa được đâu. Dăm bữa nửa tháng lại rủ nhau đi hái trộm trứng cá giống như đi coi đại nhạc hội “chùa” ở rạp hát Cẩm Lệ...

Hồi đó lớp 5A của nàng rặt con gái. Lớp 5B bên cạnh thì toàn con trai. Hai lớp cứ cành nanh nhau. Ra chơi, nửa thế giới bên này nhảy dây, đánh nẻ, cò cò hay chơi năm mười. Nửa thế giới bên kia chơi rô cầy, con quay và dí nhau chạy loăng quăng khắp sân trường. Lỡ mà đụng nhầm “lãnh thổ” nhau là các chị đại to con của lớp dàn hàng ngang sẵn sàng “chiến đấu”. Mà hồi đó lớp nàng có mấy đứa con gái lớn xác oai ra phết. Đó là lý do chẳng đứa con trai nào dám đụng tới “vương quốc nữ” của bọn nàng...

2. Ngày ấy, Trường Tiểu học Bình Khuê Cẩm nằm ngay góc ngã tư Cẩm Lệ. Một bên là rạp hát, một bên là bến xe lam. Giờ tan học, học trò ùa ra cổng như chim vỡ tổ rồi đi bộ về nhà. Hồi đó nhà cửa thưa thớt chứ không chen chúc như bây giờ. Đường về nhà qua các ngã ba đường rợp bóng tre mát rượi. Lúc chia tay nhau bọn con gái thường hát khúc đồng dao tinh nghịch: “Ta đi đường ni có bông có hoa. Mi đi đường nớ có ma đón đường. Ta đi đường ni có bụi chùm rùm (chụm rụm). Mi đi đường nớ có hùm (cọp) chụp mi...”. Cho đến bây giờ, mỗi lần có dịp đi qua ngôi trường cũ, nàng lại bật cười khi nhớ lại câu hát ngộ nghĩnh thuở thiếu thời.

Từ sau ngày giải phóng 1975, đám con gái nhỏ lớp nàng tan tác mỗi đứa một phương. Hầu như đều cùng gia đình trở về quê cũ mà không kịp nói với nhau một lời tạm biệt. Có đứa bặt tin như cánh chim bay cuối trời không để lại dấu một lần đập cánh. Nhiều lần nàng đem tấm ảnh cũ trắng đen đã phai màu vì năm tháng ra xem, lục tìm trong ký ức và cố đọc tên mỗi gương mặt một cách khó khăn như đứa trẻ mẫu giáo tập đánh vần. Mỗi gương mặt, mỗi cái tên là một trời kỷ niệm đau đáu trong lòng. Có thể lâu nay đã ngủ quên đâu đó trong lẽ mưu sinh đời thường mà mỗi người không nhận ra. Để rồi một lúc nào đó, nghe một câu hát, đọc một quyển sách quen mới thấy rằng ấu thơ là vùng trời một chiều. Một khi đã bước ra khỏi sẽ không bao giờ quay lại được!

3. Đôi lúc nàng thầm cám ơn mạng xã hội, bởi nhờ đó mà bọn con gái lớp nàng tìm được nhau, kết nối với nhau thành một lớp như xưa dù có khi cách xa nhau nửa vòng trái đất. Mỗi lần liên lạc được với một bạn học cũ là cả lớp líu ríu “lên” nhóm Zalo chuyện trò rôm rả. Những câu chuyện xưa nhưng chẳng bao giờ cũ cứ dội về như con sóng khiến trái tim phải đập nhanh hơn thường ngày. Ấu thơ bao giờ cũng như chiếc gối êm để tuổi già gối đầu hoài niệm không nguôi.

Trẻ con bây giờ đi học không còn hát đồng dao, không còn chơi bắn bi, nhảy cầu, hái lá thuộc bài ép vào vở như thời của nàng nữa. Thay vào đó chúng thích đọc Rap, hát Rock, thích xoay Rubic, thích ngồi “chiến” game hơn. Nhưng nàng chắc rằng tuổi hoa niên ở bất cứ thời nào cũng đầy mật ngọt. Để mỗi khi nhìn lại, mỗi người đều nở nụ cười hồn nhiên mà vui sống.

Đêm qua, trong giấc mơ nguyệt bạch, đứa con gái nhỏ ngày xưa trong nàng thức dậy, ngồi đong đưa hai chân trên nhành cây trứng cá. Tiếng cười thanh tân rơi xuống gốc cây sóng sánh ánh vàng... Bầy sẻ trên ngọn cau ngủ vùi trong giấc mơ đầy gió. Nàng nghe đâu đó tiếng thì thầm: “Gái nhỏ ơi! Bao giờ gặp lại?”...

N.H

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchĐại dịchThương gửi ấu thơBóng Tròn lưu lạcChim khổng tước hay hótBạn tôiChiều vàng phaiTình yêu không tênĐừng buồn nghe conHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidThơ Thái HuyềnThơ Tần hoài Dạ VũThơ Bùi Viết AnhThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngNhững hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIITừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Hội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiHội họa của vua Hàm NghiNhớ Vũ HânĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnHoài niệm rừng khộp khôTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Đóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênTất cả sẽ ổnTung mồiPhút giải laoChiều muộn bên cầu tình yêuRa khơiHải đăng Sơn TràPhía bên kia thành phốVượt quaRồi sẽ bình yênHết dịch rồi về với con