Hội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩm

28.09.2021
Huỳnh Thạch Hà (thực hiện)

Hội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩm

Nhạc sĩ Trương Duy Huyến

Âm nhạc Đà Nẵng thời gian qua đã có những bước phát triển đáng chú ý, nhiều ca khúc được công chúng trong và ngoài nước biết đến. Đó là nhờ sự lao động nghiêm túc của các hội viên trong Hội Âm nhạc Đà Nẵng. Hiện nay, Hội đã có trên 100 hội viên, trong đó có 40 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam thuộc các lĩnh vực: sáng tác, lý luận, biểu diễn, đào tạo. Với số lượng nhạc sĩ nhiều nhất trong các tỉnh thành miền Trung, lại có nhiều tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao đã khẳng định sức sáng tạo từ tài năng của nhạc sĩ Đà Nẵng, góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn hóa nghệ thuật thành phố. Trong những năm qua, Hội Âm nhạc Đà Nẵng tiếp tục phát huy thế mạnh của sáng tác ca khúc thanh nhạc, từng buớc nâng tầm, khuyến khích sáng tác khí nhạc, hợp xướng, thể nghiệm và tìm kiếm những phương cách mới trong sáng tác, trong hình thức biểu hiện. Đặc biệt, Hội thường xuyên tổ chức trại sáng tác, thực tế sáng tác, tọa đàm theo từng chủ đề cụ thể. Ngoài ra, Hội còn tổ chức giao lưu, giới thiệu tác phẩm mới trên sóng phát thanh - truyền hình và ở những cơ quan, đơn vị, trường học trong và ngoài thành phố. Từ những thành tựu đạt được, hội viên Hội Âm nhạc Đà Nẵng đang ngày càng có thêm nhiều sáng tác được công chúng ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì âm nhạc Đà Nẵng còn có nhiều hạn chế ở một số lĩnh vực như phê bình âm nhạc, thiếu những ca khúc có ảnh hưởng mang tầm thời đại... Để hiểu rõ hơn về những vấn đề này, chúng tôi gửi đến bạn đọc bài phỏng vấn Nhạc sĩ Trương Duy Huyến - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật - Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng.

Phóng viên (PV): Đà Nẵng được coi là vùng đất trữ tình, có một kho tàng âm nhạc dân gian phong phú như bài chòi, dân ca, hò, vè... điều này có ảnh hưởng gì đến việc phát triển các lĩnh vực âm nhạc Đà Nẵng không thưa ông?

Nhạc sĩ Trương Duy Huyến (NS.TDH): Có thể nói, thành phố Đà Nẵng được tạo hóa ban tặng không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hài hòa, vừa có núi cao, có rừng, có sông và có biển rộng, có những con người chất phác, thật thà; mà còn được thừa hưởng một kho tàng âm nhạc dân gian phong phú như bài chòi, bả trạo, sắc bùa, những điệu hò, điệu lý của liên khu Năm nói chung, Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng... Đây chính là mảnh đất màu mỡ, có nhiều ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển các lĩnh vực âm nhạc như sáng tác, nghiên cứu lý luận phê bình cũng như biểu diễn... Từ trước đến nay, có nhiều ca khúc lấy chất liệu, âm hưởng từ dân gian đã làm phong phú thêm thể loại sáng tác như: Hát bả trạo chào bình yên, Điệu lý quê em... của nhạc sĩ Thái Nghĩa, Biển khơi lưới vây của nhạc sĩ Thanh Anh, Thương em chín đợi mười chờ của Nhạc sĩ Minh Đức, Âm vang điệu hò ba lý của nhạc sĩ Hoàng Dũng, Sông Hàn giọng hát hò khoan của nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, Đà Nẵng tình người của nhạc sĩ Đình Thậm, Non Nước đẹp tươi của nhạc sĩ Trương Duy Huyến, Làng chài quê tôi của nhạc sĩ Nguyễn Đức, Đà Nẵng của tôi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám, Rằng thương thì về Hòa Vang của nhạc sĩ Thái Phú,... Về mảng lý luận, nhạc sĩ Trương Đình Quang có nhiều bài lý luận, phê bình âm nhạc đăng tải trên báo chí, một số công trình nghiên cứu, sưu tầm ký âm dân ca như: Dân ca Khu V (3 tập), Dân ca Chăm, Tai nghe trống chiến trống chầu, Dân ca bài chòi, Hò bả trạo... Nhạc sĩ Trần Hồng đã có bộ sưu tập khá dày dặn những giá trị âm nhạc truyền thống của xứ Quảng như: Nhạc tuồng, Dân ca Quảng Nam (2 tập), Dân ca đất Quảng, Hát đồng dao, Những điệu hò xứ Quảng, Hát sắc bùa ở Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), Âm nhạc kịch dân ca, Nhạc đàn kịch dân ca, Hát bả trạo... Nhạc sĩ Văn Thu Bích cũng vừa xuất bản tập sách Âm nhạc dân gian vùng biển Đà Nẵng...

PV: Âm nhạc Đà Nẵng những năm gần đây phát triển mạnh về mảng sáng tác ca khúc, ông có thể cho biết nhiều hơn về mảng này không?

Tác phẩm Mênh mông sông Hàn của nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, biểu diễn Mỹ Phượng và tốp múa 

NS.TDH: Đúng vậy! Điều này có thể lý giải: Một là so với với các chuyên ngành lý luận, biểu diễn và đào tạo thì số lượng Hội viên mảng sáng tác là đông nhất! Chiếm hơn 50% hội viên. Hai là trong những năm gần đây, Ban Chấp hành Hội đã có sự năng động trong việc liên hệ các đơn vị, các địa phương trong và ngoài tỉnh để các nhạc sĩ có những chuyến thâm nhập thực tế sáng tác như: thành phố Tam Kỳ, Huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Tây Giang (Quảng Nam); Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hòa Vang, Hải Châu... (thành phố Đà Nẵng); bên cạnh đó các nhạc sĩ cũng tích cực tham gia các cuộc thi do các tỉnh, thành phát động như thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hội An, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu,... Ba là Ban Chấp hành Hội cũng đã tổ chức nhiều buổi báo cáo tác phẩm được tổ chức hàng năm trong các dịp Ngày Thơ Việt Nam, Ngày Âm nhạc Việt Nam, tổ chức giao lưu với các đơn vị... những hoạt động này cũng đã động viên các nhạc sĩ trong việc sáng tác ca khúc mới.

PV: Ca khúc có số lượng tương đối nhiều nhưng vẫn thiếu những ca khúc có sức ảnh hưởng mang tầm thời đại, theo ông là vì sao?

NS.TDH: Điều này chỉ đúng một phần thôi! Bên cạnh số lượng nhiều thì chất lượng các ca khúc của nhạc sĩ Đà Nẵng cũng rất cao. Bằng chứng là số lượng tác phẩm của Hội viên Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng chiếm tỉ lệ cao nhất trong giải thưởng Âm nhạc hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng như các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác của các đơn vị, các tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên theo tôi, những năm gần đây các nhạc sĩ sáng tác ca khúc đã bị lôi cuốn theo “đơn đặt hàng” ví dụ khi sáng tác “địa phương ca” thì không thể thiếu địa danh của địa phương đó, liệt kê càng nhiều càng tốt (có người nói vui là nhạc sĩ vẽ bản đồ khi sáng tác); không những viết cho các đơn vị địa phương mà còn viết để dự thi. Trong tư duy sáng tác, các nhạc sĩ đã vô tình nghĩ rằng viết như thế nào để “hợp đồng” được thanh lý cũng như viết thế nào để đạt giải thưởng!... Thậm chí khi đọc một thông báo về cuộc thi, cuộc vận động sáng tác thì rất nhiều nhạc sĩ đã xem rất kỹ phần cơ cấu giải thưởng, số tiền thưởng là bao nhiêu trước khi tham gia. Đây cũng chính là hậu quả mặt trái của “Cơ chế thị trường” trong sáng tác âm nhạc. Theo tôi, để có một tác phẩm chất lượng cao, trước hết người nhạc sĩ phải có thói quen đi tìm cảm hứng, sự rung động thực sự của tâm hồn.

PV: Hội Âm nhạc hiện nay có số lượng hội viên khá đông, có nhiều thế hệ cùng sinh hoạt trong một mái nhà Âm nhạc - Xin ông cho biết vài nét về các nhạc sĩ trẻ hiện nay ở thành phố Đà Nẵng.

Tác phẩm Mời em về thăm phố biển (thơ Mai Hữu Phước; nhạc Quỳnh Hợp) do ca sĩ Quang Hào biểu diễn

NS.TDH: Đúng vậy! Hội Âm nhạc hiện nay có số lượng hội viên khá đông, chỉ sau Hội Kiến trúc sư và Hội Nhà văn. Căn cứ vào tuổi tác hội viên có thể chia thành 3 thế hệ - Thế hệ nhạc sĩ thời chống Pháp - Mỹ, thế hệ trưởng thành sau 1975 và thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên sau năm 1975. Có thể nói các nhạc sĩ được sinh ra sau năm 1975 là những nhạc sĩ trẻ, rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ trong đội ngũ này được đào tạo bài bản, chính quy hơn các thế hệ đi trước. Đặc biệt họ có nhiều sáng tạo, bức phá trong các lĩnh vực, luôn luôn xông xáo, nhanh nhẹn, tiên phong trong các phong trào của Hội. Có nhiều nhạc sĩ trẻ đã thể hiện được năng lực sáng tác trong các cuộc thi sáng tác ca khúc; giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng hằng năm. Ở lĩnh vực sáng tác có thể kể đến Thái Phú, Trương Quang Đức, Cao Tâm, Nguyễn Nhẫn, Trần Lành, Nam An, Võ Đình Nam, Nhật Thanh, Minh Trí,... Chúng ta có thể tin tưởng thế hệ nhạc sĩ  trẻ đủ năng lực để kế thừa và phát triển sự nghiệp âm nhạc của thành phố. Tuy nhiên vẫn còn một số ít nhạc sĩ chưa qua các lớp đào tạo chính quy về chuyên môn nên cần phải trau dồi nhiều hơn trong các kỹ năng sáng tác âm nhạc với các thể loại có tính nghệ thuật cao hơn như: romance, khí nhạc, hợp xướng... Bên cạnh những nhạc sĩ trẻ hăng say trong sáng tác, “cháy” hết mình với tác phẩm, với đứa con tinh thần của mình thì rải rác vẫn còn vài nhạc sĩ sống thực dụng chạy theo xu hướng “thời thượng rẻ tiền” hoặc chạy theo đơn đặt hàng... thậm chí có người tưởng mình nổi tiếng nên đã đánh giá không đúng về bản thân mình, coi thường, chê bai các nhạc sĩ khác. Đâu đó vẫn có vài nhạc sĩ có lối sống chủ quan, bằng lòng với hiện tại, thiếu sự cầu thị thì rất khó phát triển trên bước đường nghệ thuật.

PV: Quá trình hoạt động của Hội Âm nhạc Đà Nẵng cho thấy, có rất ít những tác phẩm phê bình âm nhạc, ông có thể cho biết nguyên nhân nào đã dẫn đến hai mảng sáng tác và phê bình không cân bằng không ạ?

NS.TDH: Đây cũng là nỗi lo chung không riêng gì chuyên ngành âm nhạc mà các chuyên ngành khác cũng vậy. Riêng về Hội Âm nhạc thì trước hết là số lượng hội viên chuyên ngành lý luận vừa rất ít, vừa lớn tuổi. Có những nhạc sĩ chuyên viết phê bình như nhạc sĩ Trương Đình Quang, nhạc sĩ Trần Hồng thì đã trên 90 tuổi, cái tuổi cần được nghỉ ngơi, hưởng nhàn... Lớp trẻ hơn có hai nhạc sĩ lý luận cứng cáp nữa là Văn Thu Bích và Lê Thị Quyên thì khá bận rộn với công việc cơ quan, công việc nhà cửa... Các nhạc sĩ trẻ thì không mặn mà với công việc này lắm. Vì vậy trong thời gian gần đây các tác phẩm phê bình xuất hiện không đều. Tuy nhiên, mặc dù lớn tuổi và bận rộn nhưng các nhạc sĩ vẫn miệt mài với công việc. Nhạc sĩ Trương Đình Quang, Văn Thu Bích 5 năm gần đây đều đạt giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với nhiều bài lý luận, phê bình trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương.

PV: Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài khá phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác sáng tác, quảng bá âm nhạc, xin nhạc sĩ cho biết Hội Âm nhạc Đà Nẵng có những dự định hoạt động như thế nào trong thời gian tới?

NS.TDH: Chúng ta đang ngồi đây, nhưng bên ngoài, trên cả nước hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp và chúng ta cũng chưa nói trước được điều gì! Năm 2021, kế hoạch hoạt động của Hội có rất nhiều điểm mới so với các năm trước như tổ chức nhiều hơn các chuyến thâm nhập thực tế như: Biển đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cồn Cỏ, Đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị) nhân dịp 27/7; Các huyện miền núi Nam Giang, Nam Trà My (Quảng Nam), các chương trình giao lưu, giới thiệu quảng bá tác phẩm, các chương trình phối hợp... nhưng đã ngưng lại hết. Từ nay đến cuối năm, công việc trước mắt là tiến hành chấm chọn các tác phẩm âm nhạc tham gia dự thi Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Thành phố 5 năm lần thứ IV; tham mưu với lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật và Sở Văn hóa Thể thao tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc về phòng chống đại dịch Covid 19; và nếu tình hình dịch bệnh lắng dịu thì Hội Âm nhạc sẽ tiến hành tổ chức các hoạt động như: Tổ chức chương trình nghệ thuật nhân Ngày Âm nhạc Việt Nam (3/9), tham gia liên hoan Âm nhạc khu vực tại Đăk Lăk do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức và sẽ tổ chức một chuyến thâm nhập thực tế để sáng tác và một hoạt động nghệ thuật tại huyện Hòa Vang.

Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trao đổi. Chúc ông và Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng vượt qua những khó khăn và thách thức để sáng tạo nên nhiều ca khúc hay được công chúng đón nhận.

H.T.H

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchĐại dịchThương gửi ấu thơBóng Tròn lưu lạcChim khổng tước hay hótBạn tôiChiều vàng phaiTình yêu không tênĐừng buồn nghe conHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidThơ Thái HuyềnThơ Tần hoài Dạ VũThơ Bùi Viết AnhThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngNhững hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIITừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Hội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiHội họa của vua Hàm NghiNhớ Vũ HânĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnHoài niệm rừng khộp khôTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Đóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênTất cả sẽ ổnTung mồiPhút giải laoChiều muộn bên cầu tình yêuRa khơiHải đăng Sơn TràPhía bên kia thành phốVượt quaRồi sẽ bình yênHết dịch rồi về với con