Bóng Tròn lưu lạc

28.09.2021
Trần Trung Sáng

Bóng Tròn lưu lạc

Còn vài tuần nữa là Giải bóng đá xóm Chùa sẽ chính thức khởi tranh, để tiến đến tham gia Giải vô địch Liên xóm. Nếu may mắn lọt vào vòng chung kết, thì bọn trẻ xóm Chùa có quyền tiếp tục mơ ước chạm chân vào những Giải cao hơn. Thậm chí là Giải thành phố, Giải Thiếu niên khu vực miền Trung, Giải quốc gia, Giải quốc tế U13... Chính vì vậy, mà suốt những ngày này, cứ mỗi buổi chiều sau giờ tan học, bọn trẻ con xóm Chùa lại tụ tập nhau đến bãi đất trống trước sân Chùa làng, để chia ra những nhóm nhỏ tập luyện lừa bóng, sút bóng vào gôn.

Trong những pha tập luyện, bọn nhỏ thích nhất là thực hiện quả sút 11 mét. Tí Ròm, vừa là cầu thủ số 10 của đội bóng vừa là chủ nhân của quả bóng, thường dành phần làm điều này nhiều hơn cả. Mỗi lần đứng trước quả bóng đối mặt với thủ môn, Tí Ròm chừng thoáng đôi giây trầm ngâm mơ mộng, tưởng tượng mình đang đứng trên đôi chân của Maradona, Ronaldo, Messi... Và giờ đây, sau ba lần sút bóng, thì có hai quả đối phương bắt được, một quả văng vào bụi cây..., Tí Ròm tỏ ra khá căng thẳng, cẩn thận nâng niu thì thầm cùng quả bóng, rồi mới đặt xuống đất.

Bụp...

Đó là lần đầu tiên Bóng Tròn nhận ra một cảm giác mạnh mẽ như vậy tống vào thân mình. Nó bay thẳng vào bầu trời xanh bao la... Đến chừng, nghe một tiếng la í ới của một phụ nữ kề bên mặt: “Banh với bóng ở đâu thế này, vấy bẩn hết thau quần áo của tôi rồi!”. Tròn hiểu rằng, nó vừa bay vượt qua rất nhiều mái nhà, và bây giờ đã rơi tọt vào một sân thượng trên lầu cao, hất tung thau quần áo mà người phụ nữ đã giặt giũ đang chuẩn bị phơi khô. Mặc dù bị sức cản của thau quần áo, nhưng Tròn vẫn còn nẩy tung lên nền gạch mấy lần mới chịu dừng. Nó cố gắng bày tỏ thái độ thân thiện nhất với người phụ nữ: “Em xin lỗi chị, em không cố ý như vậy. Chỉ là em ở bên xóm Chùa...”. Nhưng xem ra, người phụ nữ chẳng chịu lắng nghe. Chị tóm lấy Bóng Tròn, ném thẳng vào không gian phía trước, kèm theo câu nói: “Banh với bóng! Đi đâu thì đi cho khuất mắt!”.

Chẳng rõ người phụ nữ có ý đồ ném Bóng Tròn về những mái nhà lân cận, hoặc ném vào một khoảng sân nào khác, nhưng Tròn lại thấy mình đang rơi vào một khu chợ nhộn nhịp, đông đúc người qua kẻ lại...

Lần này, Bóng Tròn khá cẩn thận, cố gắng nhảy nhót vào khoảng trống, tránh đụng chạm vào mọi thứ xung quanh. Vậy mà cũng chẳng yên. Từ một xó chợ, bỗng xuất hiện hai gã đàn ông trung niên, quần áo lấm láp chạy theo tranh bóng. Họ không lừa bằng chân, mà đuổi bắt bằng tay, giống như chơi bóng rổ. “Ê hết chỗ chơi, chơi bóng giữa chợ vậy tụi bây”. Mặc cho những lời phàn nàn, xua đuổi, hai gã đàn ông vẫn say sưa tung hứng Bóng Tròn cho đến khi nó rơi vào một chiếc xe tải chở hàng hóa đang nổ máy. Hai người đàn ông ùa đến, đòi trèo lên xe tìm trái bóng, nhưng người tài xế bóp còi, xẵng giọng: “Xe tôi chở đi giao hàng ngay bây giờ, kẻo chiều tối đến rồi. Ai biết banh bóng gì đâu!”. Nghe vậy, Tròn hốt hoảng la toang: “Ôi không, cho cháu xuống mấy chú ơi! Cháu muốn về lại xóm Chùa. Tí Ròm ơi...”. Nhưng không ai nghe thấy những lời gào khóc của Bóng Tròn. Xe chuyển bánh. Nó đành nằm yên một chỗ, bên cạnh những bao, gói hàng hóa lỉnh kỉnh trên thùng xe tải.

Lần đầu tiên, sau những giây phút lưu lạc rời khỏi xóm Chùa, Bóng Tròn bắt đầu cảm thấy âu lo: Rồi làm sao mình quay lại với Tí Ròm, với Xóm Chùa đây? Nó nhớ lại, những ngày đầu tiên nó về cùng nhà Tí Ròm. Đó cũng là lần đầu tiên, kể từ sau khi xuất xưởng, sau thời gian nằm lặng lẽ trưng bày trong chiếc tủ kiếng cho khách qua lại nhìn ngắm, nó được chuyển đến bàn tay ấm áp của một người đàn ông, và sau đó chuyển vào tay Tí Ròm: “Đây là quả bóng chú tặng cho cháu, để vui chơi trong mùa hè năm nay, nhưng đừng vì vậy mà lơ là chuyện học hành nhé!”. Người chú của Tí Ròm còn đưa cho Tí cây bút dạ ghi tên “Tí Ròm” vào lưng Bóng Tròn để khẳng định chủ quyền. Lần ấy, Tròn nhớ mãi, nó cùng Tí Ròm đầy hạnh phúc với sự chào đón của bọn trẻ Xóm Chùa... Vậy mà vài ngày tới..., bọn trẻ lấy bóng đâu để tập luyện tranh Giải đây?

Không rõ, hành trình xe tải ngang qua những nơi đâu, thời gian bao lâu? Mãi đến khi Bóng Tròn cảm nhận ra có tiếng nói lao xao gọi nhau: “Trời sáng rồi, mau ra xe chuyển hàng vào kho”, nó mới bừng tỉnh. Người tài xế xe tải không quan tâm đến Tròn. Những người bốc vác và chủ kho hàng cũng không quan tâm đến nó. Tròn lại lọt vào tay một nhóm trẻ khác, có lẽ là con cái của người chủ kho hàng.

Lại một buổi tập luyện mới. Thi thố lừa bóng. Sút 11 mét... như Tí Ròm cùng bọn trẻ ở xóm Chùa. Sân chơi nằm trên lề đường không mấy rộng rãi, nhưng bọn trẻ vẫn cố tận dụng thực hiện những phần việc của môn chơi bóng đá. Lại Bụp... Trời ơi! Cú sút này nghe quen quen, nhưng Tròn không có cảm giác bay bổng đến gần trời xanh, mà nó xé rít trong không khí chừng theo một chiều thẳng. Và thật nhanh chóng, Tròn nghe thân mình va ầm vào một vật cản nào đó với những tiếng thủy tinh vụn vỡ, tạo thành các âm thanh hỗn độn. “Cái gì đó? Vỡ tủ kính rồi? Trái bóng của con cái nhà ai đó? Tìm lũ ranh đó cho tao?”. Sau tiếng gào thét của chủ nhân hiệu tạp hóa có chiếc tủ kính vừa bị vỡ, lại có những giọng nói xôn xao qua lại bàn tán, dường như đang tập trung truy tìm những kẻ gây ra vụ việc.

Đối mặt với Bóng Tròn, chú Công An trẻ có gương mặt cáu kỉnh, chừng như muốn hỏi nó: “Mày từ đâu đến đây? Đứa nào xúi mày đập phá tủ kính nhà người ta?”. Tròn khóc tỉ tê: “Cháu không cố ý làm vậy chú ơi. Cháu từ xóm Chùa đi lạc đến đây. Xin chú đừng bắt cháu. Giúp cho cháu trở về chú ơi!”. Nhưng chú Công An chẳng buồn nghe, tiếp tục nói: “Mày không khai ra đứa nào cầm đầu, thì tao sẽ lập biên bản, xử phạt mình mày”. Nghe thế, Tròn lại càng hoảng lên: “Xin đừng phạt cháu, không phải lỗi cháu chú ơi! Cháu chỉ đi lạc đến đây. Xin cho cháu về xóm Chùa”. Chú Công An đưa tay kéo hộc bàn, chừng muốn tìm bút giấy để ghi biên bản, vừa lúc ấy một chú Công An khác lớn tuổi hơn bước vào hỏi: “Lúc nãy mới có chuyện gì xảy ra vậy?”. “Dạ báo cáo sếp, mấy đứa nhỏ nào đấy vừa đá bóng vỡ tủ kính một hiệu buôn phía trước, người ta phàn nàn dữ lắm!... Chắc phải tịch thu quả bóng để răn đe tụi nó một lần”. Người lớn tuổi nhìn chằm chằm Bóng Tròn. Nó nhận ra ông chú này có nét thân quen. Chợt ông ta nâng bổng nó, sờ tay vào nét chữ bút dạ, reo lên: “A! Trái bóng của Tí Ròm, sao nó lưu lạc tận đây?”. Thì ra, chính xác đây là chú của Tí Ròm, người đã lần đầu giải cứu Tròn ra khỏi tủ kính trưng bày trao cho Tí. Ông ta lập tức rút điện thoại gọi về gia đình Tí Ròm...

Chiều hôm sau, Bóng Tròn lại cùng Tí Ròm trở lại sân tập Xóm Chùa trong tiếng hò reo cuồng nhiệt của bọn trẻ. Cả đội lại nỗ lực, khát khao, mơ ước... như chưa từng có cuộc chia ly.

T.T.S

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchĐại dịchThương gửi ấu thơBóng Tròn lưu lạcChim khổng tước hay hótBạn tôiChiều vàng phaiTình yêu không tênĐừng buồn nghe conHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidThơ Thái HuyềnThơ Tần hoài Dạ VũThơ Bùi Viết AnhThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngNhững hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIITừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Hội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiHội họa của vua Hàm NghiNhớ Vũ HânĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnHoài niệm rừng khộp khôTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Đóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênTất cả sẽ ổnTung mồiPhút giải laoChiều muộn bên cầu tình yêuRa khơiHải đăng Sơn TràPhía bên kia thành phốVượt quaRồi sẽ bình yênHết dịch rồi về với con