Đynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồn

29.09.2021
Huỳnh Văn Hoa

Đynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồn

Đynh Trầm Ca tên thật Mạc Phụ, sinh năm 1941 tại thị trấn Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bút danh Đynh Trầm Ca là lấy từ họ mẹ ông, họ Đinh. Đynh Trầm Ca bắt đầu làm thơ từ đầu thập niên 1960, có thơ đăng trên các tạp chí, tập san như Văn học, Văn, Nguồn, Nhận diện, Giữ thơm quê mẹ, Quảng Đà...

Bên cạnh thơ ca, Đynh Trầm Ca còn có trên dưới 100 ca khúc, nổi tiếng như Ru con tình cũ, Sông quê, Bay đi những cơn mưa phùn, Dưới trời dĩ vãng, Phượng buồn, Đợi chờ vô vọng, Bên cầu nhớ mong, Mưa La Qua mưa Vĩnh Điện... từng được nhiều ca sĩ nổi danh như Lệ Thu, Khánh Ly, Hồng Nhung, Mỹ Tâm, Bằng Kiều, Bảo Phúc, Thanh Thảo, Phương Hồng Quế,... trình bày trên các sân khấu lớn hoặc trên các đĩa CD trong mấy chục năm qua.

Sau 1975, Đynh Trầm Ca về quê làm ruộng, rồi phiêu bạt nhiều nơi ở miền Tây, miền Đông Nam Bộ như Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh... Năm 2004, nhà thơ về lại Quảng Nam, mở quán cà phê “Thạch Trúc Viên”, nơi được anh em văn nghệ sĩ thường xuyên lui tới.

Tôi biết Đynh Trầm Ca vào đầu những năm 70, qua Lê Nghiêm Vũ và được nhà thơ tặng tập Mắt đêm (1970), giữ đã trên 50 năm nay. Toàn bộ thơ Đynh Trầm Ca là một cảm thức về thân phận và tình yêu. Cảm thức này, như thứ quang phổ, chiếu rọi xuống các góc nhìn, các cách chiếm lĩnh hiện thực, các hình tượng thơ ca, chi phối ngôn ngữ và giọng điệu.

Đọc thơ Đynh Trầm Ca từ buổi có Mắt đêm (1970) và cứ hình dung, đời và thơ Đynh Trầm Ca như một con tàu “suốt một đời lỡ chuyến/ đứng hắt hiu giữa đời rộng ga buồn” (Mùa xuân - Tôi và Dấu hỏi). Ông là nhà thơ, “thất thểu trong một miền bão lớn” (Cuồng ca của một người) của thời thế và văn chương.

Đynh Trầm Ca là một tiếng thơ riêng, độc đáo, không lẫn với nhà thơ nào. Tiếng thơ ấy, cả sau này, trôi dạt về phương Nam, vẫn là những khúc hát buồn về quê nhà, về thân phận làm người, về một bến bờ hạnh phúc tưởng gần mà lại xa, về niềm yêu, về một mùa thu xưa, tựa như áng mây bay qua khung trời hoài niệm.

Trong thơ Đynh Trầm Ca, ta bắt gặp những hình ảnh xúc động về quẩn quanh một kiếp người: “Sầu đeo lủng lẳng trên lưng/ Ơi con thú lạ xưa từng là tôi!...” (Chân dung tôi), thấy một quán rượu vắng vẻ, cô đơn, lòng ngậm ngùi: Quán vắng nghiêng mình bên dòng sông/ Ta ngồi im một bóng cô hồn (Về đây, uống rượu), thấy cảnh: Ta đuổi ta chạy vòng lang thang/ Trên môi tình ái cũng khô vàng/ Em nào hay biết đời cay nghiệt/ Cơm áo giăng vòng vây dã man (Di ngôn).

Đynh Trầm Ca mới chỉ in Mắt đêm, Thu Xuất bản, 1970 (Tạp chí Văn, số 158, ngày 15-7-1970, mục Giới thiệu sách báo, có giới thiệu Mắt đêm, trang 109), Khúc ca trôi dạt, Hội Văn học Nghệ thuật An Giang xuất bản, 1991, có 26 bài. Nghĩa là, Đynh Trầm Ca dường như ít/ không quan tâm lắm đến việc in thơ. Kể cũng lạ!

Những ngày tao loạn, chiến tranh, ông quẩn quanh mấy làng quê rồi phố thị xứ Quảng (Vĩnh Điện, Hội An, Đà Nẵng), bức bách, phẫn uất, có lúc ngậm ngùi thấy mình như một cánh bèo trôi nổi nơi quê người xa lạ giống như cảnh trong thơ Đoàn Nguyễn Tuấn (1750 - ? ) sống vào thời Hậu Lê, Tây Sơn, rồi nhà Nguyễn:

Mộng lý sơn xuyên thất trở tu

Quy lai dạ dạ cố viên thu

Kinh xao hà xứ khu xa hưởng

Y cựu thiên biên nhất ngạnh phù

(Thu mộng)

(Núi sông trong mộng không còn gì là xa cách/ Đêm đêm trở về cảnh thu nơi vườn cũ/ Tiếng xe đâu đây làm giật mình tỉnh giấc/ Thấy mình vẫn là cánh bèo trôi nổi nơi chân trời).

Cái thời của Đoàn Nguyễn Tuấn, như Huy Cận mô tả trong Các vị La Hán chùa Tây Phương, bao cay đắng, bao ngậm ngùi thế sự: Những bạn đương thời của Nguyễn Du/ Nung nấu tâm can vò võ trán/ Đau đời có cứu được đời đâu...

Và, cũng có thể nói, câu thơ làm tựa đề trên là câu thơ nói đúng nhất đời và thơ Đynh Trầm Ca. So với những nhà thơ cùng thời, Đynh Trầm Ca có một nỗi buồn luôn vương vấn trên nhiều câu thơ, ông tự nhận: “Ta là Ta, nghìn xưa sầu vô hạn”.

Đynh Trầm Ca là người làm thơ có tư tưởng, không thời thượng, không ngoa ngoắt ngôn ngữ. Nhiều bài thơ của ông ra đời thường có cách nghĩ, cách viết khác với bạn bè, vạch được một con đường nghệ thuật. Số phận riêng có những lận đận, long đong. Thơ có người khen, người chê, có kẻ ưa, kẻ không ưa. Đynh Trầm Ca không quan tâm đến điều đó. Những bài Cuồng ca của một người, Vùng bão rớt, Nỗi buồn, Soi gương buổi sáng, Đính chính, Mùa xuân - Tôi - Và dấu hỏi,... trong Mắt đêm, ra đời năm 1970, là những bài thơ đáng yêu của ông. Đọc thêm những bài trong Chết trên căn phần (chưa xuất bản) như Những trận chết, Về đây uống rượu, Hồi cuối, Di ngôn, Lời dưới mộ, Cuộc chơi,... thấy cuộc đời lắm đa đoan, nghẹn ngào, phận người sao hắt hiu. Có lúc, nhà thơ thấy mình như là thằng điên. Trên tạp chí Văn học, số 61, ngày

1-6-1966, bài thơ ngũ ngôn, 10 khổ, có tên Thằng điên trong thành phố phản ánh sự rạn vỡ của một tâm hồn, tâm - hồn - một - thằng - thi - sĩ - điên: hắn bắt đầu đứng dậy/ với lời ca rất buồn/ đôi mắt nhìn vụng dại/ lên khung trời mờ sương/ lũ trẻ nít vây lại/ bảo hắn hát to hơn/ một bài ca vui nhộn/ cho chúng vỗ tay ròn/ hắn trợn trừng nhìn lại/ lũ trẻ nít hò reo/ hắn bỏ đi ra phố/ lũ trẻ nít chạy theo/ hắn đứng lại mỉm cười/ bắt tay một người lính/ hắn nói chuyện ông trời/ hôm qua họp với hắn/ hắn nói ông trời nói/ nước Việt Nam của mình/ may ra chỉ có hắn/ mới ngăn được chiến tranh/ lũ trẻ nít vây lại/ bảo hắn hát đi thôi/ hắn trợn trừng khó chịu/ lũ trẻ vỗ tay cười/ hắn chợt vơ một đứa/ rồi chợt dơ lên cao/ quay như người làm xiếc/ lũ trẻ chạy kêu gào/ người ta ùa nhau tới/ hắn buông đứa nhỏ ra/ người ta ví hắn chạy/ hắn vụt trèo lên cây/ người ta vây hắn lại/ lũ trẻ ném đá lên/ hắn chợt lao đầu xuống/ - a, thằng điên thằng điên !/ người ta đỡ hắn dậy/ hắn mỉm cười thật buồn/ đôi mắt nhìn vụng dại/ lên khung trời mờ sương.

Lũ trẻ và thằng điên. Tuổi thơ và khát vọng. Hiện thực và ước mơ. Ước mơ hết chiến tranh, được nhìn lên khung trời mờ sương của đất mẹ, hút tầm và xa ngái. Đó là, một quê hương hòa bình, một quê hương “vốn cương quyết như dòng Cửu Long bất tận/ vốn dạt dào như sóng lúa Quê hương/ vốn hiên ngang như dáng núi Trường Sơn/ vốn trong sáng như trời xuân Sài Gòn nắng thu Hà Nội”. Trên tạp chí Văn học, số 42, ngày 15 tháng 7 năm 1965, có bài Kêu gọi, những câu thơ:

còn vòng tay này tôi xin mở rộng

còn trái tim này tôi xin hiến dâng

(ôi đất nước đau thương, anh em

hận thù, quê hương quằn quại)

còn hơi thở này, tôi xin kêu gọi

anh em

 

ơi những miền quê ơi những thị thành

cho tôi đứng trên cao mở lời kêu gọi

còn vòng tay này tôi xin mở rộng

còn trái tim này tôi xin hiến dâng

hỡi con cháu rồng tiên

của bốn nghìn năm văn hiến

xin chào nhau bằng tiếng nói

bao dung ...

Một giọng thơ chân thành. Một lời cầu mong tha thiết, xin mở rộng vòng tay, xin dâng hiến trái tim, kêu gọi hết đau thương, hết hận thù cho những miền quê, cho những thị thành, xin chào nhau bằng tiếng nói bao dung. Không phải một lần, nhiều lần khác nữa, trong Ước muốn của chàng khi mùa xuân (Tạp chí Văn học, số 53, ngày 1 tháng 1 năm 1966):

xin làm loài hoa đẹp

ở trên đất nước này

xin làm loài bướm đẹp

lượn trong vườn hoa này

xin làm loài chim đẹp

bay trong khung trời này

 

xin làm mặt trời sớm

trải nắng vàng xuống đây

 

xin làm em bé nhỏ

hát những lời thơ ngây

xin làm mẹ già yếu

thương đàn con khô gầy ...

 

xin làm màu nắng đẹp

trong mắt người em thương

xin em làm mùa xuân đẹp

cho đất trời quê hương

 

xin làm mùa xuân đẹp

cho đất trời quê hương

(chỉ là điều ước muốn

của một người quá buồn).

Chiến tranh vẫn đi qua. Các làng quê, các phố thị khát thèm những con đường/ đi vào tim nhân loại/ không hận thù nào vương/ khát thèm một lời ru/  không mìn chông, lựu đạn/ đi Hà Nội - Sài Gòn (Vùng bão rớt), song, cũng chỉ là điều ước muốn/ của một người quá buồn.

Mathieu Arnold, nhà phê bình văn học Anh thế kỷ 19, cho rằng, thơ ca cũng  là sự phê bình cuộc sống (Poetry is a critism of life). Thơ Đynh Trầm Ca là thứ thơ phê bình cuộc sống. Một thứ uất ức về hiện thực cuộc sống, thường hằng chạm mặt, từ đó, làm cho không ít bài thơ của Đynh Trầm Ca có khí vị cay đắng, ngậm ngùi: đôi mắt buồn chết đuối/ phải mày đó không phụ?/ làm ngọn hải đăng sầu/ phải mày đó không phụ?/ phải mày đó không phụ?/ sao trần truồng giơ xương/ sao mày chưa chịu chết/ hở phụ hở phụ/ hở phụ?/ phải mày đó không phụ?/ thằng chó đói trên đời! (Soi gương buổi sáng).

Đynh Trầm Ca là nhà thơ duy nhất của miền Trung gọi tên mình: “Phụ” (Đynh Trầm Ca, tên thật Mạc Phụ) một cách chua chát trong thơ. Rõ ràng là, cách gọi tên của Đynh Trầm Ca nhuốm không khí của thời hiện đại, một thời chiến tranh cuốn phăng đi bao khát vọng, bao ước mơ của tuổi trẻ ở những thập niên 60, 70 của thế kỷ XX.

Thơ Đynh Trầm Ca, kể cả nhạc, ta thường gặp những khái niệm về thời gian. Thời gian như một ám ảnh trong sáng tạo của Đynh Trầm Ca. Ám ảnh thời gian cũng đồng nghĩa với ám ảnh về nỗi đau phận người. Nỗi quan hoài này chi phối nhiều câu thơ, bài thơ. Ý niệm về thời gian thể hiện ý thức sáng tạo của thi sĩ, làm nên một phạm trù nghệ thuật. Trong triết học, thời gian là hình thức tồn tại của vật chất, có 3 chiều: quá khứ, hiện tại và tương lai. Thời gian tự nhiên này không thể đảo ngược. Nó chỉ vận động một chiều. Thời gian nghệ thuật thì không vậy. Bài thơ Những trận chết đã đăng trên tạp chí Văn tạo nên thế giới nghệ thuật:

Hôm qua ta bỗng chết hai lần

Té ngửa trên bờ dĩ vãng xanh

Hôm nay ta chết thêm lần nữa

Té sấp bên đường tương lai đen...

Bài thơ viết năm 1966, tại Vĩnh Điện, không phải là một kiểu chơi chữ. Những cặp đối sánh: hôm qua - hôm nay/ dĩ vãng -  tương lai/ màu xanh - màu đen/ té ngửa - té sấp/ trên bờ - bên đường/ hai lần - lần nữa ...khiến hình tượng thơ chao đảo, gập ghềnh của nẻo tử sinh.

Albert Camus (1913-1960) từng viết: Chỉ có ngày hôm qua và ngày mai còn ý nghĩa với tôi. Hiện tại, sự tồn sinh này không có ý nghĩa gì. Còn ở Đynh Trầm Ca, cả quá khứ - hiện tại và tương lai đều là: “những trận chết”. Cách nghĩ này, trước đó, trong tập thơ Điêu tàn, Chế Lan Viên từng nghĩ:

Cả Dĩ Vãng là chuỗi mồ vô tận

Cả Tương Lai là chuỗi chưa thành

Và Hiện Tại, biết cùng chăng hỡi bạn

Cũng đương chôn lặng lẽ chuỗi

ngày xanh!

(Những nấm mồ)

Với Đynh Trầm Ca, các đoạn thơ sau:  

- Ta là Ta

nghìn năm xưa cô độc

nghìn năm sau rồi cũng cứ bơ vơ

thủa làm người ta không biết tôn thờ

nên thất thểu trong một miền bão lớn

từ sinh ra giữa cuộc đời khốn đốn

Ta đã điên

Ta cười hát nghêu ngao

bóng Ta sầu sông núi cũng nghẹn ngào

Ta chợt khóc, chợt cười, rồi lại khóc

(Cuồng ca của một người)

- Mọi người nhìn tôi như con thú lạ

Từ cõi âm nào chạy ngược về đây

Ơi Nietzsche ngày xưa cô đơn là mấy!

Có bằng tôi trên cõi đời hôm nay?

 

Ở mãi Vĩnh Điện buồn, cũng chết

Muốn bỏ đi, nhưng lại biết đi đâu

Ôi, niềm vui nào là có thật?

Hay chính tôi là một khối buồn đau?...

(Những ngày ở Vĩnh Điện)

Đynh Trầm Ca băn khoăn về cái chết, cái hư vô của cuộc đời, có lúc nhận ra sự hãi hùng trong tâm trạng. Nhà thơ tự nhận, mình là con thú lạ giữa cuộc đời. Ta thường gặp những trạng thái: Khổ đau - Xao xuyến - Khắc khoải - Cô đơn - Chán chường - Ray rứt. Mỗi một khía cạnh của trạng thái tâm lý hoặc tình cảm này luôn để lại một dư âm buồn. Ngay cả ca khúc “Ru tương lai buồn”, ca sĩ Lệ Thu trình bày, cũng chất chứa nỗi niềm ”rồi mai mình vẫn cô đơn, nằm nghe lời gió chiêu hồn, nhớ về nghìn đêm lang thang...”. Đynh Trầm Ca tự vẽ chân dung của mình:

Những đêm còn lại một mình

Trong căn phòng nhỏ tôi rình rập tôi

Nhe răng tôi đánh liều cười

Âm thanh ma quỉ vừa rời mộ lên

Chênh vênh bóng lạ chênh vênh

Chơ vơ mắt tôi lênh đênh tóc rừng

Sầu đeo lủng lẳng trên lưng

Ơi con thú lạ xưa từng là tôi!...

(Chân dung tôi)

Đynh Trầm Ca là nhà thơ hay tự xét mình, tra vấn mình, đi tìm bản ngã của mình. Trong cuộc phiêu lưu của đời sống, trong bao la và im lặng của đất trời, người nghệ sĩ này, đằng sau các câu thơ, ẩn náu những tâm tình, những ước muốn vươn lên cái tuyệt hảo của mình:

từng tháng giêng nổi gió

từng tháng mười mưa bay

(tôi ngồi ôm phận mỏng

ngó đời mưa gió lay...)

bây giờ hai mươi tuổi

khát thèm những con đường

đi vào tim nhân loại

không hận thù nào vương

 

bây giờ hai mươi tuổi

khát thèm ơi khát thèm

xin ngọt hồn biển mặn

xin sáng vùng mắt đêm

(Vùng bão rớt)

Đynh Trầm Ca yêu thơ và yêu cái Đẹp của thơ ca. Xét ở góc độ mỹ học, qua thơ, ta nhận ra, với Đynh Trầm Ca, bản chất của Thơ là Đẹp. Vì thế, cảm xúc, tâm trạng, hình ảnh... trong thơ Đynh Trầm Ca mang tính thuần khiết, hướng về phía cao cả, dẫu cuộc đời trần trụi, giá buốt. Đynh Trầm Ca là nhà thơ yêu vô cùng hương sắc của mùa thu. Có một mùa thu vàng trong thơ ca và âm nhạc của Đynh Trầm Ca. Trên tạp chí Văn học số 60, ngày 15-5-1966, bài Lời ngậm ngùi mùa thu:

biết ai còn gọi tên mình,

lời chim bữa trước trên cành đã bay.

biết còn ai gọi mình đây,

lời thu đã chết trong cây cỏ buồn.

ai thương mà giận mà hờn!

bây giờ mình với cô đơn: bạn bè.

mùa thu, lá úa vỗ về,

ngủ ngoan - đừng dậy nữa nghe

đau sầu!

chẳng ai còn gọi mình đâu,

tiếng reo nước chảy qua cầu đó thôi!             

Trong tập thơ đầu tay, tập Mắt đêm, Đynh Trầm Ca ghi THU xuất bản (1970) với lời đề Tặng mùa lá vàng xưa. Trên tạp chí Văn, Giai phẩm, số chuyên đề Vấn đề văn học,1974, bài Đêm nay, một cung đàn buồn:

Không đêm nào buồn bằng đêm nay

Mưa hắt hiên ngoài, lệ xuống tay

Thu ơi, em chết phương nào đó?

Cho mộ ai xanh giữa cõi này.

Bài Thu xưa, viết năm 1990, đăng trên báo Thanh Niên, có những câu thơ đầy tâm trạng, mùa Thu hay tên người con gái sang ngang mà viết hoa chữ Thu:

... Mùa Thu sao lá không rơi

Ngồi nghe vàng rụng từ thời xa xăm

Giọt ngâu rớt trúng chỗ nằm

Em làm sao biết đời căm lạnh rồi ...

Tiếng em cười tự Thu nào

Còn nghe rúc rích bên bờ dậu thưa

Em gọi tôi ở ngoài mưa

Hay cơn gió lạ nào vừa qua sông

Sao em không chọn mùa đông

Mà đi lấy chồng lại đúng mùa Thu

Để vườn cũ giữa âm u

Để tôi sống giữa sa mù chiêm bao.

Cũng thời điểm đầu 1970, Đynh Trầm Ca có Ru con tình cũ, bài hát được những giọng ca nổi tiếng thể hiện như Lệ Thu, Thanh Thúy, Khánh Ly, Ngọc Lan, Hương Lan...

Ba năm qua em trở thành thiếu phụ

Ngồi ru con như ru tình buồn

Xin một đời thôi tiếc thương nhau

Xin một đời ngủ yên dĩ vãng

Ba năm qua em thành thiếu phụ

Ngồi ru con như ru tình sầu

Kỷ niệm nào ghi dấu trên tay

Cho lòng này dài những cơn đau ...

Đynh Trầm Ca là nhà thơ của cô độc, có giọng thơ hoài niệm, da diết yêu người, yêu đời, song bất toàn ở thời buổi chiến tranh, phân cách, bao nỗi niềm như nhà thơ đã viết:

Về đây, lòng trống, tay trơn

Người quên, cảnh lạ, thôi còn gì đâu!

Đêm hư vô xuống từ trời

Ngồi hiên đốt lá soi đời lãng du

Nghe trong thiên địa mù mù

Tiếng chuông địa phủ âm u dội về

Cây run hồn lạnh tái tê

Tường vôi rụng tiếng tắc kè

thương thân

Sương khuya bay lệ âm thầm

Gió trên vạn biến mê lầm gọi ai

Lê thê lá siết đường dài

Về đâu? Thương những ngày mai

lạnh lùng!...

(Ngồi hiên đốt lá)

Trên tạp chí Văn học, số Giai phẩm, viết về Nguyễn Du, tháng 11-1974, Đynh Trầm Ca có bài thơ dài, 11 khổ, có tên Về đây, uống rượu, viết năm 1969:  

Lòng mỏi chân rời, ta trở lại

Phố quen, người lạ, hồn chơ vơ

Buổi chiều thắt cổ trên đồi núi

Máu rụng lên hai hàng cây khô

 

Quán vắng nghiêng mình

bên dòng sông

Ta ngồi im một bóng cô hồn

Lòng trôi lênh láng trên dòng thuốc

Rượu đắng chưa làm quên cô đơn

 

Ngoài kia sương bạc bến đìu hiu

Đêm lì lợm nhai hết máu chiều

Thuyền không một lá,

người không bóng

Sao thắp hai hàng mắt đăm chiêu

 

Gió từ âm phủ bay lên cửa

Quấn quýt đôi vai, đầu tóc bù

Một đời đãng tử sá chi rét

Uống đi, ngày cạn, đời dần lu

 

Nâng cao chút nữa lòng khinh bạc

Ngửa mặt lên trời cười dã man

Sá gì mồm mép người thiên hạ

Đời họa có ta biết ngang tàng!

 

Hết một chai rồi thêm một chai

Rượu chưa say lòng chưa nguôi ngoai

Đời chưa quên được, hồn còn uất

Rủi chết luôn biết đâu là may

 

Đừng bận tâm chi chủ quán ạ

Hãy cho ta ngồi suốt đêm này

Hôm qua ta có người yêu chết

Không đưa đám được, buồn vậy thay

 

Ta uống đã nhiều lắm rồi à?

Có sao? Ta đang muốn say mà

Nhưng ta hiền lắm, tiền sẽ trả

Đời chỉ có ta đứng đắn mà

 

Cho ta chai nữa rồi đi đi

Ta đang muốn đừng thấy loài người

(Một bầy quỷ dữ cầm kinh thánh

Mẹ sinh con lầm kiếp, mẹ ơi!)

 

Đêm khuya, quán chật, đen leo lắt

Mưa hắt hiên ngoài tiếng chó tru

Thân rã tay rời đầu váng vất

Mắt trừng không suốt cõi thâm u

Rượu còn dăm giọt, lòng đã mỏi

Nhưng đớn đau nào có bay phai

Gục mặt lên bàn mong trúng gió

Kiếp sau ra gì rồi hãy hay ...

1969

Thơ Đynh Trầm Ca viết sau 1975 như một khóm lục bình, trôi về xuôi, vẫn đau đáu một khung trời, một ước mơ, một bến đỗ, chén bể dâu chưa cạn, đêm trừ tịch chưa sang, vẫn là cây đàn thương nhớ, nhiều cung bậc về tình đời, tình quê, tình yêu. Không ít bài thơ hay như Bất chợt trên bến đò ngang, Phương nam khúc ca trôi dạt, Rượu cuối năm bên bờ kênh phương nam, Qua sông uống rượu, Chén bể dâu uống một mình đêm trừ tịch, Thu xưa, Cây đàn thương nhớ... vẫn được nhiều người yêu thích, tìm đến, thuộc lòng.

H.V.H

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchĐại dịchThương gửi ấu thơBóng Tròn lưu lạcChim khổng tước hay hótBạn tôiChiều vàng phaiTình yêu không tênĐừng buồn nghe conHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidThơ Thái HuyềnThơ Tần hoài Dạ VũThơ Bùi Viết AnhThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngNhững hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIITừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Hội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiHội họa của vua Hàm NghiNhớ Vũ HânĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnHoài niệm rừng khộp khôTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Đóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênTất cả sẽ ổnTung mồiPhút giải laoChiều muộn bên cầu tình yêuRa khơiHải đăng Sơn TràPhía bên kia thành phốVượt quaRồi sẽ bình yênHết dịch rồi về với con