Di tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà Nẵng

28.09.2021
Trần Kỳ Phương

Di tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà Nẵng

Thần Siva múa phát hiện tại Phong Lệ, thế kỷ 10, sa thạch. Trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh Trần Kỳ Phương.

Di chỉ Phong Lệ là một di tích quan trọng của khảo cổ học Champa tại tại Đà Nẵng cũng như của miền Trung. Giá trị nổi bật của di tích này là hệ thống nền móng kiến trúc của một ngôi đền Ấn Độ giáo được phát lộ với nguyên vẹn cấu trúc của kỹ thuật và vật liệu xây dựng. Trong thời Pháp thuộc, các nhà khảo cổ học chỉ khai quật được một vài di chỉ Champa có cấu trúc nền móng, chẳng hạn tại

PoNagar Nha Trang hay tại Trà Kiệu. Tuy nhiên những chứng cứ vật chất phát hiện được trong các cuộc khai quật đó không được phong phú vì thế những hiểu biết về cấu trúc nền móng tháp Chàm vẫn còn hạn chế.

Trong cuộc khai quật tại di chỉ Phong Lệ vào những năm 2011 - 2012 các nhà khảo cổ học của Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (BTĐKCĐN) đã phát hiện được một tổ hợp gồm nhiều kiến trúc đền -tháp Ấn Độ giáo, trong đó, quan trọng nhất là hệ thống cấu trúc nền móng trong lòng tháp của ngôi đền chính mà tiếng Chăm gọi là “kalan”. Những phát hiện mới này giúp các nhà khảo cổ học và lịch sử nghệ thuật Champa có cơ sở vật chất để nghiên cứu về kỹ thuật kiến trúc đền - tháp, là một vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ. Nghiên cứu sâu vấn đề này sẽ góp phần nâng cao hiểu biết của chúng ta về trình độ phát triển kỹ thuật của nền văn minh vật chất Champa, cũng như làm sáng tỏ tư duy sáng tạo của cư dân bản địa trong sự tiếp biến văn hóa đa dạng đến từ các nền văn hóa bên ngoài.  

Di tích Phong Lệ được biết đến từ đầu thế kỷ 20, một số tác phẩm điêu khắc đã được phát hiện và trưng bày tại BTĐKCĐN bao gồm tượng linga trang trí rất đẹp, các phù điêu thể hiện thần Siva-múa điệu vũ trụ, thần Bảo tồn Visnu bốn tay, bò thần Nandin, sư tử... có niên đại thế kỷ 8/9 - 12/13. Việc di chỉ Phong Lệ được xếp hạng di tích cấp thành phố là một tin vui đến với công chúng và giới chuyên môn vì quyết định này tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ di tích không bị xâm phạm và góp phần khẳng định giá trị của nó cũng như giúp định hướng bảo tồn di sản Champa và phát triển văn hóa du lịch tại Đà Nẵng trong tương lai.

Camille Paris (1856-1908) có thể được xem là người đầu tiên phát hiện di tích Phong Lệ khi ông mở đồn điền trồng cà phê ngay tại làng Phong Lệ. Paris là một viên chức của chính quyền thuộc địa Pháp, tham gia xây dựng đường dây điện báo ở An Nam năm 1885-1889, ngoài ra ông còn thiết kế bản đồ, nghiên cứu khảo cổ học và dân tộc học. Những tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật của Phong Lệ đã được Paris tìm thấy và đem về trưng bày tại “Vườn hoa Tourane” (Le Jardin de Tourane) là tiền thân của BTĐKCĐN. Camille Paris được biết đến nhiều nhất vì đã tái phát hiện thánh địa Mỹ Sơn vào năm 1889, đặt nền tảng cho ngành khảo cổ học Champa. Những thông tin mà ông công bố chứa đựng nội dung quý giá, chúng đã trở thành những tài liệu cơ bản đối với các nhà nghiên cứu

ở giai đoạn tiếp theo như Henri Parmentier, người đã trực tiếp thực hiện khai quật và bảo tồn Mỹ Sơn, cũng như giới thiệu di tích Phong Lệ trong những công trình kinh điển của ông về nghệ thuật và kiến trúc Champa.

Một trong những tác phẩm nổi bật nhất của di tích Phong Lệ là bức trán cửa (tympan) thể hiện thần Siva với điệu múa vũ trụ Tandawa.

Thần được thể hiện trong tư thế tribhanga hay tư thế quý phái. Mười sáu cánh tay được thể hiện cân đối quanh thân thần mà mỗi bàn tay đều thủ ấn vayumudra biểu thị cho không khí vận hành trong vũ trụ và chính điệu múa của thần Siva mang đến niềm hân hoan cho khắp hoàn vũ. Mũ đội dạng jata-mukuta ba tầng với lọn tóc vén sang hai bên, ở tầng thứ hai mang biểu tượng vành trăng khuyết tượng trưng cho quyền năng và trí tuệ siêu việt của thần. Thần mang đồ trang sức rất phong phú, hai bả vai của đôi tay chính và hai cổ chân của thần đeo dây rắn còn gọi là nagendra haara, biểu trưng cho minh triết và sự vĩnh hằng chỉ có ở thần Siva. Đôi hoa tai to như kết thành chùm hoa, ngực và cổ đều đeo trang sức. Trang phục dạng sampot của thần là một kiểu thức độc đáo, được trang trí thành năm tà rời, có lẽ tượng trưng kim loại quý, buông dài và phủ bên ngoài sampot trông có vẻ mềm mại như lụa, đây là kiểu phục sức duy nhất xuất hiện trong điêu khắc Chàm. Theo phân tích của Jean Boisselier, một nhà lịch sử nghệ thuật Đông Nam Á nổi tiếng, khuôn mặt của Siva trên bức phù điêu này được miêu tả có râu quai nón, đây là một đặc điểm nghệ thuật ảnh hưởng từ những yếu tố tạo hình của phong cách Koh Ker trong nghệ thuật Khmer vào khoảng đầu thế kỷ 10. Thật vậy, khuôn mặt với râu quai nón chỉ xuất hiện trong điêu khắc Chàm một giai đoạn ngắn mà thôi. Những yếu tố tương đồng trong nghệ thuật tạo hình đã chỉ ra mối giao lưu văn hóa gần gũi giữa hai vương quốc láng giềng trong thời kỳ này. Hình tượng sáu người rắn naga như xuất hiện từ đại dương, chắp tay xưng tụng điệu múa thiêng của thần Siva cùng với đó là hai ca sĩ và hai nhạc công dùng âm nhạc để tán tụng công đức của thần. Hai nhạc công sử dụng thụ cầm và một bộ trống gồm ba chiếc mà đồng bào Chăm ngày nay gọi là ba-ri-nưng. Đây là một trong những kiệt tác mang những đặc trưng nghệ thuật của điêu khắc Champa vào đầu thế kỷ 10 cùng với sự giao tiếp rộng rãi với nghệ thuật Nam Ấn và Đông Nam Á.

Một tác phẩm độc đáo khác của di tích Phong Lệ là tượng jatalinga một biểu tượng đặc trưng của thần Siva trong phối hợp với thần Sáng tạo Brahma và thần Bảo tồn Visnu để trở thành Tam vị Nhất thể.

Tượng jatalinga phát hiện ở Phong Lệ, thế kỷ 8-9, sa thạch. Trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh Trần Kỳ Phương

Linga của Phong Lệ có ba phần đều nhau, phần hình trụ vuông bên dưới là biểu tượng Brahma, hình bát giác ở giữa biểu tượng Visnu, thần Siva được thể hiện hình tròn đặt ở đỉnh. Đặc biệt biểu tượng jata chạm ở phần chóp biểu trưng cho sức mạnh vũ trụ của Siva. Loại linga được trang điểm hay jatalinga, thường chỉ xuất hiện trong nghệ thuật Chàm vào giai đoạn nghệ thuật sớm khoảng thế kỷ 8 - 9. Vì thế có thể suy luận rằng di tích Phong Lệ được thiết lập rất sớm, và bức phù điêu Siva múa có thể thuộc về một ngôi đền được xây mới hoặc trùng tu vào đầu thế kỷ 10.

Hệ thống di tích Champa tại Đà Nẵng được phát hiện dọc theo những dòng sông chính của thành phố như sông Hàn, sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò, v.v..., có thể phác họa diện mạo của các hoạt động văn hóa tại thành phố này trong các thế kỷ 8/9 cho đến 12/13. Nổi bật là một tấm văn khắc rất giá trị có niên đại vào đầu thế kỷ 10 được tìm thấy tại di tích Khuê Trung, hay Hòa Khuê, trong đó nhấn mạnh vai trò tổ chức của hoàng gia Champa cũng như việc xây dựng một tu viện đạo Siva tại đây. Nhờ văn khắc này các học giả về lịch sử và tôn giáo Đông Nam Á có thêm chứng cứ về hoạt động đương thời của đạo Siva bên cạnh Phật giáo Mật tông Đại thừa tại vương quốc Champa.

Cùng với hơn mười di tích Champa khác trong vùng như Non Nước, Quá Giáng, Cấm Mít, Túy Loan, An Sơn, Xuân Dương, v.v..., di tích Phong Lệ góp phần hình thành một phức hệ đền-tháp Champa được xây dựng từ thế kỷ 8/9 đến 12/13 tạo nên bề dày lịch sử của thành phố này. Tuy nhiên, nổi bật nhất chính là Bảo tàng Điêu khắc Chăm nơi đã trở thành địa chỉ du lịch chính của thành phố, hằng năm thu hút hàng vạn khách du lịch trong và ngoài nước.

Bên cạnh những hoạt động phong phú và có hiệu quả của BTĐKCĐN thì các di tích Champa khác trên địa bàn thành phố vẫn chưa được kết nối thành một hệ thống. Nếu tổ chức và quản lý tốt các di tích Champa này thì có thể hình thành một tour du lịch - văn hóa mang tính độc đáo của riêng nó; và có thể bổ sung kiến thức để tìm hiểu giá trị của sưu tập BTĐKCĐN.

Để phát huy giá trị của di tích Phong Lệ, chúng ta có thể lập bản đồ quy hoạch tổng thể về cảnh quan văn hóa khảo cổ của khu vực này kéo dài ra đến bờ sông Cẩm Lệ bao gồm ngôi miếu cổ thờ Bà nằm sát cạnh di tích. Một số tác phẩm điêu khắc trưng bày tại BTĐKCĐN như các hình tượng thần Siva múa, jatalinga, bò thần Nandin, thần Visnu, sư tử, trụ cửa, v.v... cùng với các hiện vật mới phát hiện trong cuộc khai quật vào năm 2011 - 2012. Các di vật đó có thể được sao chép thành nhiều phiên bản bằng chất liệu như composite, thạch cao, xi măng, v.v... phục vụ trưng bày ngay tại di tích, kèm theo các chú thích giảng giải ý nghĩa, thần thoại cũng như công năng của từng loại hiện vật. Bổ sung các bản vẽ chi tiết về thiết kế mặt bằng và mặt cắt của di tích, hình ảnh của các cuộc khai quật, và các tài liệu có liên quan đến di tích.

Tượng các vị thần Hindu được phục chế và trưng bày tại di tích Khao Srivijaya, Thái Lan. Ảnh Trần Kỳ Phương.

Cách phục dựng di vật cho di tích này mang lại hiệu ứng rất tốt để thu hút du khách mà nhiều di tích ở Thái Lan đã thực hiện, chẳng hạn di tích Wat Khao Srivijaya thuộc tỉnh Sura Thani. Tại quần thể di tích bằng gạch này, các nhà khảo cổ học Thái đã phát hiện nhiều pho tượng quý chất liệu đá và đem về trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Bangkok, thay vào đó là các hiện vật được sao chép bằng xi-măng đặt trưng bày ngay tại di tích, nhằm phác họa lại diện mạo ban đầu của di tích nổi tiếng này để phục vụ khách tham quan.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Boisselier, Jean (1963), La Statuaire du Champà: recherches sur les cultes et l'iconographgie. Publications de l'École Française d'Extrême-Orient 54. Paris: École Française d'Extrême-Orient.

Lemire, Charles (1892), 'Les anciens monuments des Kiams en Annam et au Tonkin'. L'Anthropogie 3, Tome Troisième: 133-136. (Éditeur) G. Masson. Paris: Libraire de L'Académie de Médecine.

Parmentier, Henri (1919), Catalogue du Musée Cam de Tourane. BEFEO 19: 1-114.

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchĐại dịchThương gửi ấu thơBóng Tròn lưu lạcChim khổng tước hay hótBạn tôiChiều vàng phaiTình yêu không tênĐừng buồn nghe conHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidThơ Thái HuyềnThơ Tần hoài Dạ VũThơ Bùi Viết AnhThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngNhững hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIITừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Hội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiHội họa của vua Hàm NghiNhớ Vũ HânĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnHoài niệm rừng khộp khôTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Đóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênTất cả sẽ ổnTung mồiPhút giải laoChiều muộn bên cầu tình yêuRa khơiHải đăng Sơn TràPhía bên kia thành phốVượt quaRồi sẽ bình yênHết dịch rồi về với con