Những hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIII

28.09.2021
Võ Hà

Những hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIII

Trong tập sách Hình ảnh lịch sử của Đông Dương thuộc Pháp: Tài liệu lịch sử về cuộc can thiệp của Pháp tại Đông Dương - Iconographie historique de L'indochina franeçaise: Documents sur l'histoire de l'intervention franeçaise en Indochina (do Cục Lưu trữ và Thư viện Đông Dương phát hành, được sưu tầm, biên soạn bởi Paul Boudet(1) và André Masson(2) được Nhà xuất bản G.Van Oest, Paris phát hành năm 1932), đã sưu tầm những tấm bản đồ cổ, bản khắc, tranh ảnh dân gian, bút tích, với mục đích “cùng nhau làm sống lại quá khứ của nước Pháp tại Á Châu”. Bỏ qua yếu tố tuyên truyền về vị trí, vai trò của Pháp ở Đông Dương, đây là tập sách có giá trị tham khảo về lịch sử Việt Nam nói chung, vùng đất xứ Quảng nói riêng.

Tập sách gồm có 129 hình, riêng vùng đất xứ Quảng có 16 hình, chiếm tỷ lệ 12,5% tổng số hình, đây là một số lượng chiếm tỷ lệ lớn so với toàn khu vực Đông Dương và nhóm tác giả tuyển chọn, với các thông tin giới thiệu và miêu tả hình ảnh có giá trị, chân xác; qua đó thể hiện vị trí giao thương của xứ Quảng, nhất là Đà Nẵng và Hội An. Trong bài này, theo thứ tự, chúng tôi giới thiệu 4 hình ảnh tiêu biểu nhất, từ hình số 10 đến 13 trong sách (trang 15-17), đó là hình ảnh miêu tả quang cảnh Tourane [Đà Nẵng] và Faifo [Hội An] của T. Medland, dựa theo đồ họa của W. Alexander, trích từ sách A voyage to Cochinchina - Một hành trình đến Đàng Trong của John Barrow, xuất bản tại London vào 1806, được lưu tại Thư viện Trường Ngôn ngữ Phương Đông. Tác giả của tập sách đánh giá đây là những bức hình đẹp nhất về Đông Dương từng được công bố trước thế kỷ XIX bởi William Alexander, ông chính là họa công của tòa đại sứ xa hoa của huân tước Macartney ở Trung Quốc.

Xin nói thêm, bá tước George Macartney (1737-1806), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền gần gũi hoàng đế Trung Hoa, đồng thời nhận chỉ thị từ chính phủ hòng kiến lập mối quan hệ với Vua xứ Đàng Trong. Ông ta rời Anh quốc ngày 26-9-1792 cùng một hạm đội gồm chiến hạm Lion trang bị 64 khẩu pháo, một tàu Ấn Độ là Indoustan, một chiếc thuyền hai cột buồm là Jackal. Ông ta dừng chân tại Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ ngày 24-5 đến ngày 16-6-1793. Đoạn hành trình này của Macartney được gửi cho nhà sử học John Barrow (1764-1849), ban đầu ông là giáo sư giảng dạy tại Học viện ở Greenwich và khi qua đời, ông được phong Nam tước kiêm Chủ tịch Hiệp hội Địa lý Luân Đôn.

Cảnh một vở tuồng Đàng Trong

Khi đến Đà Nẵng năm 1973, ngài Đại sứ George Macartney chưa biết nhiều về Tourane, và vì quan lại thành này muốn thể hiện sự coi trọng của họ đối với ông bằng cách tổ chức tiệc tùng nên ông chọn ngày 4 tháng 6 lên đất liền cùng với dân bản xứ ăn mừng lễ vạn thọ của nhà vua... Chúng tôi đi bộ đến một tòa nhà... vốn được xây vì mục đích này. Hai cột mái được chống bởi một dãy cột trụ làm bằng tre chia tòa nhà thành hai phần dọc theo chiều dài của nó. Hai cạnh nhà lợp phên đan kín, bên trong lót thảm bông dày với nhiều họa hình khác nhau.

Ở gian cuối của tòa nhà này, một nhóm diễn viên đang biểu diễn một vở tuồng lịch sử khi chúng tôi bước vào... Phần cuốn hút và ít ồn ào nhất của vở diễn là một màn xen giữa của ba cô gái trẻ, dường như họ là ba trong số các nữ diễn viên chính, xuất hiện trong váy áo cầu kỳ và vào vai một số vị hoàng hậu xưa, trong khi đó, một thái giám già với lối ăn mặc kỳ quái, diễn những trò hề quen thuộc, như là tung hứng hay chàng... Và cứ mỗi lần vở diễn chính ngưng nghỉ, thì ba người đẹp Đàng Trong lại phô diễn nét phong nhã trong những điệu múa kỳ công mà đôi chân của họ chỉ là phụ, bằng các tư thế khác nhau của thân thể, tay và đầu; họ tạo thành một bức họa sinh động và mọi chuyển động của họ đều được phối hợp một cách hoàn hảo(3).

Người Đàng Trong ăn chơi

Cách ăn vận của phụ nữ không theo một quy luật cụ thể gì cả. Thường là một chiếc áo vải bông thô, màu nâu hoặc xanh, dài đến giữa đùi, họ mặc cùng với một chiếc quần rộng màu đen bên trong. Họ không có khái niệm đi tất cũng như giày; nhưng những người phụ nữ có địa vị thì sẽ đi các kiểu dép xăng-đan hoặc loại giày bằng vải hoặc cói thô. Nếu là một phu nhân, trong những dịp đặc biệt, sẽ mặc ba hoặc bốn chiếc áo có màu sắc khác nhau, trong đó lớp ngoài cùng là chiếc áo ngắn nhất. Cách ăn mặc của một người phụ nữ được miêu tả trong tấm tranh số 16, cùng với một nhóm người Đàng Trong và cho ta hình dung người phụ nữ đó là một đại diện xinh đẹp tại xứ sở này. Mái tóc đen dài của họ khi thì được búi cao gọn trên đỉnh đầu, khi thì họ xõa ra sau lưng tết thành những bím tóc thường dài chạm đất.

Phục trang của nam giới thường là một chiếc áo khoác mặc cùng với quần ngắn; điểm khác nhau so với nữ giới là họ có ít món hơn. Một số người dùng vải quấn quanh đầu như kiểu khăn vấn, một số khác thì đội các loại nón có kiểu dáng và chất liệu khác nhau và hầu như tất cả đều vì muốn che nắng.

Tàu thuyền Đàng Trong trên sông Hội An

Một nhánh đặc biệt trong nghệ thuật mà xứ Đàng Trong mà có thể khẳng định vượt trội hơn hẳn, đó là thiết kế tàu bè; và trong lãnh vực này, phải thú nhận rằng họ không có loại gỗ tốt và khổ lớn. Nhưng du thuyền của họ là những kiệt tác đáng kinh ngạc: thuyền lớn dài từ 50 đến 80 thước, và có khi nó chỉ được đóng bằng 5 tấm ván, kéo dài hết cỡ từ đầu này sang đầu kia, ghép lại với nhau bằng lỗ mộng và chốt gỗ, được rịt chặt bằng sợi tre, không hề có sườn tàu hay mái vòm. Đầu và đuôi tàu thường rất cao và được trang trí bằng những hình rồng rắn quái dị, đó là một tác phẩm điêu khắc nhiều hình vẽ mạ vàng. Có rất nhiều cột buồm và những cây sào dài giăng đầy những lá cờ đuôi nheo nhiều màu và các loại cờ hiệu khác. Những chùm đuôi bò nhuộm đỏ, đèn lồng, dù lọng và các đồ trang trí khác treo lơ lửng trên hai cây gậy cao dựng hai bên con thuyền để chỉ rõ địa vị của chủ nhân... Tàu thuyền được sử dụng trong mậu dịch ven bờ, đánh bắt cá và để thu lượm hải sâm và tổ yến trên một nhóm đảo gọi là quần đảo Hoàng Sa, là những thuyền có cấu trúc đa dạng. Hầu hết trong số đó là thuyền tam bản Trung Quốc, phủ kín mành che bên dưới là các thành viên trong gia đình sinh hoạt. Những chiếc khác giống thuyền của người Mã Lai, cả về phần thân và bộ máy. Tàu buôn của họ đồng dạng với thuyền mành Trung Quốc... Hình 12 sẽ mang đến cho ta một khái niệm tương đối chính xác về các loại tàu thuyền Trung Quốc di chuyển trên sông Hội An mà cửa sông đổ vào vịnh Đà Nẵng.

Lễ cúng dâng hoa trái đầu mùa lên Đức Phật

Vào một buổi tối đẹp trời, tôi xuống bờ và vào một hang động nhỏ, trên bờ biển phía bắc của vịnh Đà Nẵng: Tôi nhìn thấy một người mặc áo dài màu vàng, đầu để trần và cạo nhẵn đang bước từng bước về hướng một cây cao và rậm rạp. Một số người nông dân đi theo sau ông ấy. Khi đến gần cái cây, tất cả đều dừng lại. Tôi để ý thấy ở phần phía trên thân cây chính (tựa cây vả Ấn hay cây chuối, mà người bản xứ gọi là cây [đa], cành của nó tự nhả rễ và trở thành thân cây); tôi trông thấy một cái lồng lưới mắt cáo lớn, với hai cánh cửa đóng gập lại được. Nó được buộc ở giữa hai cành cây, và một phần bị che khuất bởi tán lá. Bên trong có một bức tượng Phật hay Fo, làm bằng gỗ, có cùng kích thước và cùng tư thế các kiểu tượng mà ta hay thấy trong các ngôi chùa ở Trung Quốc. Một đứa trẻ đang phụ giúp vị sư thầy, bưng khay đồng chứa than đỏ. Một trong số những người nông dân vác đặt thang tre dựa vào thân cây, một người khác trèo lên và đặt vào trong chiếc lồng, trước bức tượng, hai chén gạo, một chén đường và một chén muối. Vị sư thầy lúc đó dang hai tay và ngước mắt lên trời, thì thầm cầu khấn. Sau đó, người khiêng thang quỳ xuống đất và gập người vái lạy chín lần.

 V.H

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchĐại dịchThương gửi ấu thơBóng Tròn lưu lạcChim khổng tước hay hótBạn tôiChiều vàng phaiTình yêu không tênĐừng buồn nghe conHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidThơ Thái HuyềnThơ Tần hoài Dạ VũThơ Bùi Viết AnhThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngNhững hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIITừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Hội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiHội họa của vua Hàm NghiNhớ Vũ HânĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnHoài niệm rừng khộp khôTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Đóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênTất cả sẽ ổnTung mồiPhút giải laoChiều muộn bên cầu tình yêuRa khơiHải đăng Sơn TràPhía bên kia thành phốVượt quaRồi sẽ bình yênHết dịch rồi về với con