Chủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đại

28.09.2021
Nguyễn Phương Khánh

Chủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đại

Sự lên ngôi của chủ đề dịch bệnh trong văn học và điện ảnh Hàn Quốc đương đại

Thử khảo sát một số tác phẩm văn học dịch của Hàn Quốc ở Việt Nam và các bộ phim do Hàn Quốc sản xuất, được trình chiếu ở rạp hoặc trên các nền tảng trực tuyến (như Netflix), chúng ta có thể thấy ngay số lượng “kha khá” các tác phẩm về chủ đề thảm họa, dịch bệnh, tận thế... vừa giàu tính hiện thực lại đậm chất giả tưởng. Tất nhiên nếu so sánh với các sáng tác của phương Tây thì còn khá khập khiễng, song có lẽ, ở khu vực châu Á, Hàn Quốc gần như đi đầu trong việc khai phá mảng chủ đề liên quan đến thế giới Dystopia (phản địa đàng). Chẳng hạn hàng loạt các bộ phim điện ảnh có doanh thu lớn, khuynh đảo phòng vé như Chuyến tàu sinh tử, Ký sinh trùng... hoặc series phim trên Netflix như Kingdom (Vương triều xác sống) bối cảnh thời trung đại và phim lẻ gần đây Alive (Tôi còn sống) lấy bối cảnh dịch thây ma ở thành phố, các khu chung cư cao tầng đều có sức thu hút lớn.

Phim Ký sinh trùng (Deranged, 2012) là bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc về đề tài thảm họa bệnh truyền nhiễm. Bộ phim nói về một loại ký sinh trùng liên tục biến đổi có tên gọi “Yeongasi” có khả năng phá hủy cơ thể vật chủ bằng cách kiểm soát dần bộ não và cuối cùng dẫn đến phá hủy hoàn toàn. Kim Myeong-min đóng vai Jae Hyuk, nhân viên một công ty dược nỗ lực tìm cách cứu gia đình anh thoát khỏi đại dịch này.

Mật ngữ diệt vong (Doomsday Book, 2012) kể về sự tự hủy diệt của con người trong kỷ nguyên công nghệ cao hiện đại, giành giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Fantasia năm 2012. Phim theo kiểu science-fiction anthology film này gồm 3 câu chuyện về sự biến dạng của con người - trở thành xác sống do nhiễm virus, một con robot RU-4 tên là In-myung muốn đi tu hay mưa thiên thạch khiến con người phải sống trong hầm trú ẩn...

Đại dịch cúm (Flu) là một bộ phim thảm kịch năm 2013 của Hàn Quốc do Kim Sung-su viết kịch bản và làm đạo diễn, kể về sự bùng phát của một chủng H5N1 đột biến gây chết người trong vòng 36 giờ kể từ khi ủ bệnh, làm quận Budang của thành phố Seongnam, nơi có dân số của gần nửa triệu người rơi vào hỗn loạn. Bộ phim ngoài yếu tố hư cấu phóng đại một đại dịch cho virus gây ra (như một dự báo) còn phản ánh thái độ ứng xử của con người trong tình thế bi đát và cách đối phó của chính quyền trong thảm họa.

Năm 2016, bộ phim Chuyến tàu sinh tử (Train to Busan) của Hàn Quốc được Netflix giới thiệu là phim bom tấn “có doanh thu nội địa cao nhất năm 2016 và là phim điện ảnh ăn khách đầu tiên của Hàn Quốc về thây ma”(1). Phim lập kỷ lục phòng vé với hơn 10 triệu lượt vé được bán ra và doanh thu hơn 95 triệu USD trên toàn thế giới(2). Phim viễn tưởng kinh dị này của Hàn được so sánh với Thế chiến Z (World War Z, 2013)(3) hay The Walking Dead(4), The Road, trong đó pha trộn thêm các yếu tố hành động rượt đuổi kinh hoàng như trong phim Mad Max: Fury Road(5)... Với bộ phim này, Hàn Quốc đã thực sự chen chân vào được địa hạt zombie vốn là đất diễn của phim ảnh hay tiểu thuyết phương Tây, là một phần không thể thiếu trong văn hóa đại chúng phương Tây, chứng tỏ rằng người Hàn tuy đến sau nhưng rất biết cách đứng trên vai những người khổng lồ Hollywood.

Phần 2 của Train to Busan là Peninsula (2020), nối tiếp bối cảnh thế giới sụp đổ vì dịch xác sống, cũng do Yeon Sang-ho đạo diễn. Phim đạt doanh thu trên 35 triệu USD(6) trên toàn cầu.  

Cuộc chiến thây ma được tiếp tục với phim Dạ Quỷ (Rampant) do Kim Sung-hoon đạo diễn, lấy bối cảnh cổ trang khá độc đáo, thêm sự góp mặt của các diễn viên có tiếng như Hyun Bin, Jang Dong-gun...

Đề tài zombies cổ trang này còn xuất hiện trong loạt phim truyền hình Kingdom (Vương triều xác sống) sản xuất năm 2019, đến nay đã có 2 mùa chiếu trên Netflix. Kingdom lấy bối cảnh thời Joseon của Hàn Quốc, 3 năm sau trận chiến Unpo Wetland nổi tiếng, nơi 500 binh sĩ Hàn Quốc, do Thống đốc Ahn Hyeon chỉ huy, đánh bại đội quân 30.000 quân xâm lược Nhật Bản nhờ vào việc sử dụng một loại cỏ phục sinh, biến những người dân làng Sumang bị bệnh thành những thây ma hung dữ. Thái tử Lee Chang đã nỗ lực giúp người dân của mình chiến đấu với xác sống, đồng thời chống lại âm mưu tranh đoạt quyền lực trong cung cấm. Thây ma trong Kingdom và Rampant có đặc điểm chung là sợ ánh sáng, chỉ hoạt động về đêm. Sau đó, người Hàn tiếp tục tưởng tượng những con zombies đô thị mù lòa trong bóng tối nhưng nhạy cảm với tiếng động, đặc biệt chúng còn lưu giữ những khả năng như lúc còn sống (leo trèo, mở khóa cửa, chạy nhanh...) trong bộ phim mới #Alive do đạo diễn Cho II-hyeong thực hiện cùng với Zip Cinema và Perspective Pictures sản xuất. Phim có sự tham gia của 2 diễn viên nổi tiếng Yoo Ah-in và Park Shin-hye và được công chiếu tại Hàn Quốc từ ngày 24 tháng 6 năm 2020. Netflix sau đó đã mua bản quyền và phát hành toàn cầu vào ngày 8 tháng 9 năm 2020 với tên tiếng Việt là #Alive: Tôi còn sống. Theo tờ The Wall Street Journal, #Alive xếp thứ 4 trong số 10 phim nước ngoài được xem nhiều nhất trên Netflix tại Mỹ trong năm 2020 (Gamerman. 2020).

Ngoài ra, công chúng Việt Nam và thế giới còn biết đến những bộ phim lấy đề tài thảm họa với đặc trưng hành động kịch tính, kinh dị tăm tối đỉnh cao của Hàn như: The Host (Quái vật sông Hàn, 2006), Haeundae (Sóng thần ở Haeundae, 2009), The Tower (Tháp lửa, 2012), Tunnel (Đường Hầm, 2016), Baekdu Mountain (Đại Thảm Họa Núi Baekdu, 2019), Exit (Lối thoát trên không, 2019)... Đặc biệt là bộ phim Snowpiercer (Chuyến Tàu Băng Giá, 2013) - dự án phim nói tiếng Anh đầu tiên của đạo diễn tài năng Hàn Quốc Boon Joon Ho (đạo diễn của Parasite giành Oscar 2020) - cũng lấy đề tài biến đổi khí hậu. Phim này sau đó được Netflix dựng thành series phim truyền hình với dàn casting chủ yếu là người phương Tây. Snowpiercer của Boon Joon Ho tưởng tượng bối cảnh năm 2031, nhân loại bị huỷ diệt trong băng tuyết, trở về kỷ băng hà lạnh giá, chỉ còn đoàn tàu lầm lũi chở những con người sống sót đi vòng quanh trái đất. Thế giới của đầu tàu và đuôi tàu hoàn toàn đối lập với sự đối lập giai cấp sâu sắc, bộ phim như một ngụ ngôn chính trị ảm đạm pha lẫn hài hước, đúng kiểu Boon Joon Ho.

Trong vòng hơn thập kỷ, điện ảnh Hàn Quốc đã chứng tỏ sự trỗi dậy mạnh mẽ về mặt thương mại và những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ, cho thấy họ không chỉ có các thể loại ngôn tình, phim truyền hình cho các bà nội trợ. Những bộ phim về thảm họa, dịch bệnh còn cho thấy một cách nhìn tinh tế và thái độ thẳng thắn đối với các vấn đề xã hội tế nhị của Hàn Quốc, những mặt trái của xã hội tư bản giàu có đang lên, đấy cũng là một cách “phản ứng” đối với thực tại, một ẩn dụ không che đậy về một thế giới phản địa đàng không hề giống các câu chuyện về chàng hoàng tử - giám đốc và cô gái nghèo mộng mơ giữa đô thị xa hoa.

Còn về tác phẩm văn học, hiện nay có 2 tiểu thuyết khai thác thế giới hư cấu giả tưởng liên quan chủ đề dịch bệnh là Tro tàn sắc đỏ (Pyun Hye-Young, 2010), 28 (Jeong You- Jeong) được dịch ở Việt Nam. Cả hai cuốn sách đều lấy đề tài dịch bệnh nhưng có hướng khai thác cốt truyện khác nhau. Tro tàn sắc đỏ của Pyun Hye-Young mang màu sắc trinh thám, kể về một nhân viên không tên được cử đi công tác sang nước C, nhưng ngay khi xuống sân bay, anh đối mặt với tình cảnh đất nước đang rối ren tăm tối vì bệnh truyền nhiễm, cộng thêm việc một thông tin vợ anh bị giết và nghi phạm lại chính là anh khiến nhân vật bị đẩy vào một trốn chạy không có hồi kết. Câu chuyện kết thúc không có lời giải về vụ án, sau khoảng thời gian dài tồn tại vật vờ giữa thế giới hỗn loạn, anh được cứu và sống luôn ở nước C bằng cái nghề giết chuột, chứng kiến “căn bệnh truyền nhiễm lan rộng như ngọn lửa cháy rừng, rồi lắng xuống và để lại lớp bồ hóng bao phủ khắp nơi, anh cũng thấy cỏ non lại đâm chồi, mọc lên um tùm trên chính những nơi ám đen tro bụi đó” (tr.255). Con người nước C giữa cơn dịch với tỷ lệ tử vong không ngừng tăng cao, xác định một thái độ sống bình thản, chấp nhận tình thế.

Còn tiểu thuyết 28 của Jeong You- Jeong, một nhà văn đương đại từng có nhiều năm phục vụ trong ngành y, đã vẽ ra một viễn cảnh đen tối khi bệnh dịch mắt đỏ lan rộng. Căn bệnh truyền nhiễm lây từ chó, khiến mắt sưng đỏ, máu tụ toàn thân gây nên cái chết khủng khiếp kinh dị. Đại dịch bùng phát và trở thành thảm họa khi thông tin bị chính quyền bưng bít. Những người mắc kẹt trong thành phố Hwa Yang bị nhốt lại và bị đối xử không khác gì loài vật. Quyển sách mô tả 28 ngày kinh hoàng với nhiều tuyến nhân vật đa dạng, cho thấy một thế giới tàn bạo phi nhân tính trong cuộc đấu tranh sinh tồn, ngay cả những con người bị cách ly, bị rơi vào tình cảnh khủng hoảng cũng dẫm đạp lên nhau tìm đường sống riêng. Thành phố Hwa Yang yên bình trong khoảnh khắc biến thành thế giới tận thế khi bị phong tỏa, trong đó con người giãy giụa vừa chống chọi với bệnh tật vừa đấu tranh với những mưu toan chính trị, sự lộ mặt của nhân tính suy đồi, sự kiểm soát tàn bạo của chính quyền và sự tận cùng của một “thế giới không có con người” (từ cuối trong phần kết của tiểu thuyết).

 

Cuộc đối thoại toàn cầu và tiếng nói của thể loại sci-fi trong văn học châu Á

Những tác phẩm văn học và điện ảnh của Hàn Quốc theo đuổi chủ đề thảm họa, dịch bệnh, tận thế... như đã đề cập ở trên rõ ràng là không mới trên thế giới. Những hư cấu trên chính là một tầm nhìn về tương lai với những xã hội đang trong cơn đại hồng thủy suy tàn, với những nhân vật chiến đấu chống lại sự hủy hoại môi trường, sự kiểm soát công nghệ và sự áp bức của chính phủ chuyên chế. Tiểu thuyết hay điện ảnh lấy đề tài phản địa đàng Dystopia có thể thách thức người đọc/ người xem suy nghĩ khác về tự nhiên, xã hội, chính trị và nhân tính ở bối cảnh hiện tại, và trong một số trường hợp, thậm chí có thể truyền cảm hứng cho hành động. Cách đây một thập kỷ, có thể người đọc/ người xem hoàn toàn nghĩ nó thuộc về khoa học giả tưởng, nhưng chỉ 2 năm gần đây, những câu chuyện tỏ ra hư cấu phi lý có vẻ đã trở thành lời tiên tri, và tất cả chúng ta có thể đánh giá chúng là các diễn ngôn mới về thực tại.

Các đặc điểm của dòng Dystopia Fiction thường gắn với các vấn đề như: [1] thái độ của nhà cầm quyền, liên quan đến sự kiểm soát và thống trị để tạo ra xã hội hoàn hảo (Government control), [2] sự hủy diệt của môi trường đưa tới các thảm họa hoặc dịch bệnh (Environmental destruction), [3] việc mất quyền lực của con người đối với kỹ thuật công nghệ do chính họ tạo ra (Technological control), [4] bản năng sinh tồn (Survival) và [5] sự mất mát của con người cá nhân, quyền tự do, sự tha hóa bản thể (Loss of individualism). Văn học và điện ảnh Hàn Quốc cũng tập trung vào các vấn đề này, trong đó nổi bật nhất có các chủ đề [1], [2], [4] và [5]. Một thế giới đổ sụp trong và sau các thảm họa và những triết lý đằng sau tình trạng vô chính phủ hay những nỗ lực sinh tồn hậu tận thế gây ám ảnh người thưởng thức, nhất là trước những gì thế giới đang trải qua giữa cơn bão đại dịch Covid. Cũng giống như các tác phẩm Dystopia của phương Tây, những sáng tạo của người Hàn Quốc không chỉ đơn giản nhằm mục đích giải trí, mà là cuộc đối thoại nghiêm túc với các thể loại “dòng chính” (mainstream), đồng thời gợi nhắc sự nhìn lại những vấn đề của nền văn minh, của chủ nghĩa tư bản tiêu dùng, của thời đại kỹ trị, của các cuộc đua về công nghệ, về chính trị..., hoặc nhìn trước những khả thể của loài người, một cú trả ngược cho những tham vọng ích kỷ và hành động tàn bạo trong quá khứ.

Điều này khiến cho những tác phẩm của Hàn Quốc dù có lấy bối cảnh ở Hàn hay không cũng mang rõ rệt đặc tính “quốc tế hóa”, một Dystopia is Everywhere. Ngọn lửa đỏ khắp nơi để thiêu xác người trong tiểu thuyết Tro tàn sắc đỏ chẳng khác gì những giàn thiêu rừng rực ở Ấn Độ trong những ngày cuối tháng 4/2021. Tình trạng cách ly diễn ra khi có đại dịch cúm (Flu) hay dịch mắt đỏ (tiểu thuyết 28) cũng đã diễn ra trên toàn thế giới, khiến thế giới văn minh phải bàng hoàng khi buộc lockdown mọi hoạt động. Và điều đáng sợ nhất của con người là phải chịu đựng nỗi cô đơn, sự xa lánh của cộng đồng (như Franz Kafka đã mô tả một cách bi đát qua số phận con bọ đáng thương Samsa - khi anh ta biến thành bọ, anh ta đã bị gia đình nhốt lại trong phòng riêng), một lần nữa đã hiện diện với quy mô rộng khắp, với sự tàn bạo đáng kinh ngạc, với các quyết định vô cảm của các thế lực cầm quyền. Đó chính là các Pandemic (đại dịch toàn cầu), xuất hiện ở bất cứ đâu, lan rộng nhanh chóng. Điều này gợi liên tưởng đến cuốn sách Mù lòa của nhà văn Tây Ban Nha đạt giải Nobel José Saramago, khi một cơn dịch “mù” đột ngột ập đến, tất cả người mù bị đẩy vào các khu cách ly và từ đây một thế giới phi nhân, ngập ngụa bẩn thỉu và bạo lực được phơi bày sau lưng cánh cửa cô lập. Dường như các tác phẩm của Hàn Quốc hay của phương Tây đều cho thấy một điểm đáng bàng hoàng trong niềm tin về nhân tính rằng: con người là những sinh vật yếu đuối, vô minh, dễ dàng bị “tha hóa”, dễ dàng bị chà đạp, và sẵn sàng bộc lộ bản chất man rợ trong cõi tăm tối hỗn loạn. Đó không hề là viễn cảnh của các lý thuyết Utopia luôn mơ về các cộng đồng hoàn hảo bởi con người vốn là các thực thể siêu việt. Và có lẽ, so với Nhật Bản - quốc gia được xem là “Tây hóa” sớm nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, Hàn Quốc bắt kịp phương Tây muộn hơn, song các vấn đề đằng sau một xã hội tư bản hóa nhanh chóng, chọn con đường phát triển mũi nhọn bằng ngành công nghiệp giải trí với mục tiêu toàn cầu, đã được thể hiện và bày tỏ bằng các hình thức nghệ thuật khác nhau, đặt trong một diễn ngôn mang tính quốc tế, mục đích hướng đến khán giả/ độc giả toàn cầu, và cũng bởi câu chuyện trên phim đấy, trong truyện đấy... đều có thể là hiện thực - hoặc sẽ trở thành hiện thực - ở bất cứ đâu dưới vòm trời này. Nhật Bản đề cập đến các vấn đề Dystopia sớm hơn do hậu quả của Thế chiến 2, của bom nguyên tử và của một đất nước bằng mọi cách đứng lên sau thảm họa. Chủ đề phản địa đàng đã hiện diện trong các truyện tranh manga, hoạt hình anime... song trong các tác phẩm văn học chính thống lại ít thấy khai thác. Có thể hành trình của anh chàng Shimamura trong Xứ tuyết của Kawabata Yasunari (nhà văn Nhật Bản đầu tiên đạt giải Nobel năm 1968) cũng là một bức tranh nhói lòng về sự tàn lụi của cái đẹp vốn dĩ là “bản lai diện mục” của tâm hồn Nhật Bản, với hình ảnh chói gắt của ngọn lửa thiêu cháy cô gái đẹp Yoko giữa nền tuyết trắng mênh mông. Và dải ngân hà lấp lánh ma quái tuôn chảy với tiếng thét gầm dằn dữ là một dự báo cho sự mất mát và hủy diệt của cả nền văn hóa, hay của chính tâm hồn con người. Nhà văn Oe Kenzaburo (với giải Nobel thứ 2 của Nhật) cố gắng mô tả một nước Nhật với tính phân cực sâu sắc, sự méo mó nghịch dị ngột ngạt bằng thủ pháp “vật hóa” (tất cả hình ảnh trong tiểu thuyết Một nỗi đau riêng đều được so sánh với loài vật, nhân vật chính còn có tên là Điểu), bằng bi kịch tha hóa nhân hình, nhân tính... cũng có xem như một bức tranh Dystopia kiểu Oe. Tuy nhiên, có lẽ những tác phẩm của Hàn Quốc cố ý khai thác các vấn đề có tính toàn cầu hơn, bằng thái độ phản ánh dữ dội và u tối hơn. Vì vậy, khi đọc Tro tàn sắc đỏ hay 28, người đọc không khỏi thảng thốt bởi tính chất tàn bạo, yếu tố kinh dị được tô đậm từ đề tài cho đến nhân vật và bối cảnh. Trong tiểu thuyết 28, một thế giới trộn lẫn người - chó, chó - chó, người bệnh, chó bệnh... rừng rực màu đỏ của mắt bệnh, của máu tươi, của sự càn quét, dồn cả người cả chó vào cách ly, vào hố chôn, vào cõi phi nhân hồng hoang. Với lối kể dán ghép, cắt và chuyển mạch nhanh, nhiều điểm nhìn đan chéo từ các nhân vật khác nhau: một anh lính cứu hỏa, một cô y tá, một bác sĩ thú y hay một con chó..., nhà văn Jeong You- Jeong gây chóng mặt, “buồn nôn” cho người đọc giống như khi ta xem các cảnh tượng trong phim Ký sinh trùng hay Đại dịch cúm. Và cuối cùng, 28 ngày dã man đi qua, chính quyền bình thản yêu cầu người dân “tạm dừng các công việc thường ngày và tập trung tại Tòa thị chính...” và thế giới lãng quên nỗi đau của Hwa Yang: “Như thể chôn người chết xuống ba tấc đất, thế giới này đã chôn Hwa Yang vào sự quên lãng của thời gian, sau đó lại tiếp tục cuộc sống thường ngày của bản thân mình.” (You - Jeong, 2018). Hwa Yang trở thành một khu rừng rậm toàn những khối bê tông và xác chết. Bệnh Mắt đỏ đã thiêu đốt Hwa Yang như hỏa ngục, tội ác loài người gây ra cho nhau ở khắp nơi, chính quyền thì đem súng máy thảm sát người dân... Nhưng rồi tất cả sẽ trở thành phế tích, mọi người sẽ lãng quên Hwa Yang, nhưng liệu rằng những ám ảnh mà cuốn sách để lại không nhắc nhở ta điều gì về tương lai của loài người trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay?

Trong Tro tàn sắc đỏ, nhà văn Pyun Hye-Young còn không dành cho nhân vật chính một cái tên (hay ít nhất phải được một chữ cái K. như nhân vật của Franz Kafka), và xuất hiện nhiều con người vô danh chỉ được gọi bằng con số, hoặc có tên nhưng chưa từng hiện diện. Bi kịch bị kết án như anh nhân viên ngân hàng Joseph K. quay trở lại với nhân vật của Pyun Hye-Young, một anh nhân viên quèn, được cất nhắc nhờ hành động giết chuột (và các hình ảnh về chuột, các lý luận về sự tràn lan của chuột xuất hiện khắp cuốn sách, chính tác giả đã nói rằng mình được gợi cảm hứng từ tiểu thuyết Của chuột và người, một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Mỹ John Steinbeck). Bối cảnh dịch bệnh diễn ra ở một đất nước có ký hiệu là C (rồi cả chi tiết một nước T nào đó nơi vợ chồng anh từng du lịch). Đó có thể là bất cứ ai, ở bất cứ địa điểm nào. Câu chuyện mở đầu theo kiểu trinh thám, khi nhân vật được cử đi công tác qua nước C một cách đáng ngờ, sau đó lại nghe tin vợ bị giết và người ta đang nghi ngờ thủ phạm là chính anh. Trong lúc vật vờ tìm nơi trú ẩn giữa khói bụi mịt mù ở đất nước xa lạ đang ngập dịch bệnh, anh ta bị mất vali một cách bí ẩn, thất lạc mọi liên hệ, sau đó lại có 3 người lạ đến gõ cửa phòng (khiến ta liên tưởng đến 2 anh cảnh sát và 2 đao phủ đến tìm K. trong tiểu thuyết Vụ án của Kafka), giữa hoang mang bối rối và sợ hãi, anh đã chạy trốn bằng cách nhảy từ trên ban công xuống đống rác bên dưới và từ đây lang thang trong chốn bẩn thỉu vô chính phủ, mịt mù khói thuốc khử độc. Cuốn tiểu thuyết tưởng đi theo thể loại trinh thám này hóa ra lại không hề “trinh thám”, bởi câu chuyện không đi theo hướng giải quyết vụ án, để đến cuối tác phẩm, nó tự “chìm xuồng” như số phận biết bao con người đã sống - chết - bị thiêu sống - bị vứt xác khắp nơi trong thành phố dịch. Giữa mịt mùng khói thuốc khử khuẩn, các vùng nước cống ngầm đen ngòm đầy xác chuột, giữa tro bụi rừng rực của bãi thiêu xác... nhân vật không ngừng hoài nhớ quá khứ (dù anh ta không thể nhớ được đầy đủ mọi ký ức), tìm cách lý giải sự đứt gãy các mối quan hệ, đặc biệt là giữa anh và vợ (chính xác là vợ cũ, vì hai người đã ly hôn), rốt cuộc nhận ra mình thèm khát phút giây bên nhau, nói chuyện với nhau dù có thể chỉ là nói chuyện với người chết, nói về cái chết: “... Hẳn cô sẽ muốn nói với anh giây phút cảm nhận được cái chết, cô đã sợ hãi đến mức nào, khi lưỡi dao thọc vào người -...- cô đã đau đớn biết bao, rồi khi nhận ra mình vẫn còn thoi thóp ngay cả đã bị đâm túi bụi khắp người như thế, cô đã đau khổ tới mức nào, và khi thở hắt ra, gắng chút hơi tàn cuối cùng mà mở mắt nhìn kẻ sát nhân, cô đã khiếp hãi tới nhường nào. Cũng như anh đã thấy sao mà cô đơn vì không thể nói được với vợ cũ về nỗi cô đơn của bản thân, cô hẳn cũng đã thấy thật cô đơn vì không thể nói được với ai về cái chết của mình.” (Hye - Young, 2017).

Nỗi cô đơn, xa lạ hiện sinh một lần nữa lại được khắc họa một phần như một vấn đề nhức nhối của loài người - không bao giờ cũ, không bao giờ kết thúc. Con người đơn độc lọt thỏm giữa những tòa nhà chọc trời, những đường sá dọc ngang, giữa những bệnh dịch hết cơn này lại đến cơn khác(7). Chủ nghĩa toàn trị, bàn tay thép của chính quyền lại dẫn tới tình trạng hỗn loạn như nơi “diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới” (Hard-Boiled Wonderland and the End of the World)(8). Vì vậy, người ta có thể đọc Tro tàn sắc đỏ như một diễn ngôn có tính globalization, đối thoại lại quan niệm một tác phẩm văn học phải là tiếng nói đặc trưng của giới, của dân tộc và định kiến về tính giải lãnh thổ (deterritorialization). Văn chương sẽ tự giải biên cương (borderless) để xác lập những ranh giới mới trong thời đại toàn cầu hóa.

N.P.K

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchĐại dịchThương gửi ấu thơBóng Tròn lưu lạcChim khổng tước hay hótBạn tôiChiều vàng phaiTình yêu không tênĐừng buồn nghe conHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidThơ Thái HuyềnThơ Tần hoài Dạ VũThơ Bùi Viết AnhThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngNhững hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIITừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Hội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiHội họa của vua Hàm NghiNhớ Vũ HânĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnHoài niệm rừng khộp khôTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Đóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênTất cả sẽ ổnTung mồiPhút giải laoChiều muộn bên cầu tình yêuRa khơiHải đăng Sơn TràPhía bên kia thành phốVượt quaRồi sẽ bình yênHết dịch rồi về với con