Thơ Tần hoài Dạ Vũ

28.09.2021

Thơ Tần hoài Dạ Vũ

Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ tên khai sinh là Nguyễn Văn Bổn (còn có các bút danh: Nguyễn Văn Bổn, Nguyễn Giao Thủy, Nguyễn Kim Văn) sinh năm 1946; Quê quán: Giao Thủy, Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam; Hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh; Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng; Hội viên Hội Nhà văn thành phố

Hồ Chí Minh; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Tần Hoài Dạ Vũ đã xuất bản trên 25 tập sách trong đó có 8 tập thơ: Trên cánh tay hừng đông (tập thơ, in ronéo trước năm 1975); Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ (NXB Hội Nhà văn, 1992); Ngọn lửa quạnh hiu (NXB Trẻ, 1996); Tình yêu và vầng trăng lửa (NXB Trẻ, 1997); Suy niệm hoàng hôn (NXB Trẻ, 2005); Tình ca trong mưa (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2011); Thơ Tần Hoài Dạ Vũ (NXB Hội Nhà văn, 2016); Bài thơ vui tặng cuộc đời tôi (NXB Hội Nhà văn, 2020), 9 tập biên khảo - nghiên cứu, 4 tập hồi ký bút ký. Ông còn biên tập chung 4 tuyển tập sách và tham gia trong 10 đầu sách khác.

Tần Hoài Dạ Vũ suy nghĩ: “Ở tuổi thanh xuân, tôi đã từng nghĩ, thơ trước hết phải thực hiện trách nhiệm công dân. Sau tuổi 30, tôi quan niệm thơ là một cuộc truy tìm bản thể. Còn hiện nay, tôi nghĩ, thơ là tiếng gió gọi thức cô đơn ở khắp mọi chân trời.”

 

Hãy yên nghỉ chiếc bóng của nỗi buồn

gửi mây trắng

Em ơi, trong những ngày mưa lũ này hãy lấy nỗi buồn làm gối rồi ngày mai nỗi buồn ấy sẽ trôi theo dòng nước hay biến thành bùn đất phù sa trong trái tim em. Trái tim sẽ đưa em về êm đềm trong câu hát ru của mẹ bên vành nôi thời thơ ấu. Câu hát của niềm vui và sự thật. Sự thật là cuộc sống chưa bao giờ bỏ ta lại phía sau.

Chiếc bóng của nỗi buồn khi ta gần nhau, mùa sắp vàng và mây lợp cõi lòng ta hẹn một mùa tương phùng chưa thấy trước, khi ta yêu quý cuộc đời ta và yêu cả cái bóng của dĩ vãng êm đềm

Hãy yên nghỉ trong ký ức ngọt ngào của cả hai ta, hãy yên nghỉ trong lòng ngọn gió về bên kia chiếc cầu mong nhớ và hãy yên nghỉ trên vầng trán ưu tư của cõi lòng trung chính

Hãy yên nghỉ ngay cả khi em bảo anh là ánh hồi quang của nhân phẩm từ cha em trong bài ca của cái đẹp mà em vẫn hát trong đời

Hãy yên nghỉ hỡi chiếc bóng của nỗi buồn, chúng ta sẽ vẽ cho lòng nhân ái một hình ảnh song đôi, tiếng ca của khát vọng con người và bài ca của trái đất

Em ở xa giữa ngày bão lũ này, hãy yên nghỉ chiếc bóng của nỗi buồn,

Hãy yên nghỉ con tim không ngừng thao thức ngày mai.

 

Bài học từ bờ ruộng quê nhà

gửi làng quê Giao Thủy

Khi giấc mơ không còn là giấc mơ

tôi là người cầm ngọn đèn đã tắt

tôi đã đánh rơi từ lúc nào câu hát

khi giấc mơ đã không còn là giấc mơ

 

Đi qua những tháng năm gian khổ

đi qua nỗi buồn đi qua lửa cháy

đi ra ngoài những bàn tay bội bạc

 

khi giấc mơ đã không còn là giấc mơ

tôi chọn đi về phía tấm lòng của

những người sống chung với rác

Và tôi đã sống với điều đáng sống

từ những người quanh năm áo rách  

"Đến với một tấm lòng trong sáng

và ra đi với hai bàn tay sạch"

đó là bài ca chân thành tôi đã học được

từ thửa ruộng quê nhà.

 

Chảy tràn hương yêu

Gửi cho anh chút gió

Của lòng em bao la

Gửi cho em nỗi nhớ

Cõi tình anh không già

 

Em là chim vẫn hót

Vườn lòng anh đầy hoa

Anh là thơ rất ngọt

Trái tim em xa nhà

 

Ta yêu nhau một đời

Một đời yêu ngắn quá

Ta yêu nhau ngàn đời

Hư vô lòng băng giá

Thôi thì yêu hôm nay

Ngọt ngào hồn ân ái

Vĩnh cửu là phút này

Tình nào cần trở lại

 

Hôn nhau ngày bỗng ngắn

Đời xanh trong tay đầy

Em dòng sông bất tận

Chảy tràn hương ái ân.

 

Mở hết trái tim ta

Em thân yêu ơi, hôm nay thành phố

chúng ta đóng cửa

nhưng trái tim chúng ta không đóng cửa

bao giờ

 

Những cánh cửa cuộc đời mở toang ra

cùng nắng và gió

mở ra những đại dương

mở cả những chân trời hy vọng

 

Như trái tim em vẫn nồng nàn tin tưởng

là nguồn vui sáng tạo của đời anh

là đôi mắt của câu thơ tràn đầy tình yêu

cuộc sống.

 

Hai tay đợi chờ

Em phương trời đó môi cười

Để ta ngàn buổi còn ngồi đợi em

Nhớ người ta hóa bóng đêm

Tưởng khi môi tắm êm đềm suối hoa

Trần gian một thuở không nhà

Có em trăng mộng giang hà tiếng ru

Có em tay mở tâm tù

Hỏi ai còn biết đền bù cho ai

Phương nào giấc mộng ngày mai

Ta về ôm ngực nhớ hai tay chờ.

T.H.D.V

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchĐại dịchThương gửi ấu thơBóng Tròn lưu lạcChim khổng tước hay hótBạn tôiChiều vàng phaiTình yêu không tênĐừng buồn nghe conHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidThơ Thái HuyềnThơ Tần hoài Dạ VũThơ Bùi Viết AnhThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngNhững hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIITừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Hội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiHội họa của vua Hàm NghiNhớ Vũ HânĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnHoài niệm rừng khộp khôTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Đóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênTất cả sẽ ổnTung mồiPhút giải laoChiều muộn bên cầu tình yêuRa khơiHải đăng Sơn TràPhía bên kia thành phốVượt quaRồi sẽ bình yênHết dịch rồi về với con