Đóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng Yên

28.09.2021
Bùi Văn Tiếng

Đóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng Yên

Chân dung Phạm Phú Thứ

Phạm Phú Thứ là một danh nhân đất Quảng, được người Đà Nẵng vinh danh qua việc đặt tên ông cho một đường phố ở quận Hải Châu (nối đường Bạch Đằng và đường Trần Phú) và cho một trường trung học phổ thông ở huyện Hòa Vang. Nhân kỷ niệm 200 năm năm sinh của Phạm Phú Thứ (1821-2021), bài viết này - như một nén nhang lòng tưởng nhớ Phạm Phú Thứ - sẽ đi sâu nghiên cứu đóng góp của người trí thức tiêu biểu của Quảng Nam vào sự nghiệp đổi mới và phát triển hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương cùng thành phố Hải Phòng (theo đơn vị hành chính hiện nay), trong hơn sáu năm Phạm Phú Thứ giữ chức Tổng đốc ở đây (từ năm 1874 niên hiệu Tự Đức thứ 27 đến năm 1880 niên hiệu Tự Đức thứ 33).

Tổng quan có thể thấy Tổng đốc Hải Yên Phạm Phú Thứ đã đặt dấu vân tay của mình vào ba việc trọng tâm: Phát triển kinh tế biển, phát triển văn hóa đọc và thực thi chính sách an dân.

Về phát triển kinh tế biển

Để lãnh đạo phát triển kinh tế biển ở Hải Yên, Thự Tổng đốc Phạm Phú Thứ có hai trợ thủ đắc lực. Người thứ nhất là nguyên Tả Thị lang Bộ Lại Nguyễn Tăng Doãn quê Quảng Trị đang được phái ra Hải Dương để nghiên cứu về kế hoạch hoạt động của Nha Thương chính Bắc Kỳ. Vừa đến nhiệm sở một thời gian ngắn, Thự Tổng đốc Hải Yên Phạm Phú Thứ đã cùng Nguyễn Tăng Doãn đi khảo sát thực địa ở vùng bờ biển Ninh Hải, trước mắt là nhằm chọn địa điểm xây dựng Nha Thương chính Bắc Kỳ bên sông Tam Bạc gần chân cầu Hạ Lý/ cầu Maréchal Joffre/ cầu Lạc Long (tấm ảnh bên trên chụp cổng chính của Nha Thương chính Bắc Kỳ với ghi chú rằng trên cổng có bốn chữ “Thương chính nha môn” và tấm bia trước cổng là do Phạm Phú Thứ cho dựng); qua đó ông đánh giá rất cao năng lực của Nguyễn Tăng Doãn và từ năm 1875 niên hiệu Tự Đức thứ 28 khi Nguyễn Tăng Doãn trở thành Tuần phủ tỉnh Hải Dương - nhân vật quyền lực số hai của Hải Yên, Phạm Phú Thứ đã có được một người cộng sự giàu kinh nghiệm về thương chính.

Người thứ hai là Cử nhân Bùi Viện quê Nam Định - nay thuộc Thái Bình - đương thời cũng là người có tư tưởng canh tân và năng lực ngoại giao/ ngoại vụ. Theo tài liệu nghiên cứu về danh nhân đăng ngày 25 tháng 10 năm 2012 trên Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng, Bùi Viện đã có công giúp Thự Tổng đốc Hải Yên Phạm Phú Thứ “trong việc bố phòng ven biển Hải Dương. Với số lính được giao 200 người cùng lương thực, tiền bạc Bùi Viện đã xây dựng được một số cơ sở ban đầu của bến Ninh Hải, tiền thân của Cảng Hải Phòng bây giờ. Do yêu cầu đánh dẹp, sau 10 tháng chỉ huy xây dựng Ninh Hải, Bùi Viện phải bàn giao việc này cho người khác (“người khác” ở đây chính là Lương Văn Tiến/Tấn - BVT), để theo giúp Phạm Phú Thứ việc quân sự”.

Bùi Viện làm việc cùng với “thủ trưởng” Phạm Phú Thứ cho đến năm 1877 niên hiệu Tự Đức thứ 30 thì được điều về Kinh nhận nhiệm vụ mới cũng liên quan đến kinh tế biển: “Bản tấu của Bộ Binh ngày 9 tháng 9 năm Tự Đức 30: “Ngày tháng 7 năm nay, quan bộ Hộ và bộ thần dâng phiến xin đặt một Chánh quản đốc, một Phó quản đốc tại nha Tuần tải. Kính chuẩn cho Bùi Viện sung làm Quản đốc nha ấy, còn Phó quản đốc do ban võ lựa chọn”(1). Về việc điều động và đề bạt Bùi Viện lần này, Đại Nam Thực lục cũng chép rằng: “Tháng 8 năm Đinh Sửu 1877 - Bắt đầu đặt nha Tuần tải (chánh, phó quản đốc mỗi chức một người; bát, cửu phẩm mỗi chức một người; thư lại sáu người, mộ dõng quyền quản hai người, quyền suất sáu người, điển ty một người) lấy Biên tu (chức quan thuộc Hàn lâm viện, hàm Chánh thất phẩm, giữ việc chép sử; Nguyễn Công Trứ và bản thân Phạm Phú Thứ cũng từng giữ chức Biên tu Sử quán - BVT) lĩnh Trước tác (năm 1843 niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 mới bắt đầu đặt chức Hàn lâm viện Trước tác, hàm Chánh lục phẩm - BVT) là Bùi Viện (cử nhân ở Nam Định) sung chức Chánh quản đốc”(2).

Phan Trần Chúc trong sách Bùi Viện với cuộc Duy Tân của triều Tự Đức xuất bản năm 1942 từng mô tả làng chài Gia Viên trước khi nơi đây trở thành thương cảng Ninh Hải hiện đại so với đương thời: “Bến Ninh Hải là một thôn nhỏ thuộc địa phận tỉnh Hải Dương gần với cửa Cấm. Cho mãi đến đời Tự Đức, người Việt Nam tuyệt nhiên không ai để ý đến cái địa điểm nhỏ mọn này. Ninh Hải chỉ là chỗ hội họp của mấy nhà thuyền chài kiếm ăn ngoài bể hoặc trên các sông con. Giang sơn của họ là mấy chái lều tranh ẩn dưới bụi lau rậm, phủ lấy những đống bùn lầy chạy suốt miền duyên hải” (trang 18). Và dưới sự lãnh đạo của “thủ trưởng” Phạm Phú Thứ, cũng với ngòi bút Phan Trần Chúc, “Bùi Viện đã hăng hái mộ binh lính, dân phu, ra sức đào sông tháo nước ra biển, vượt đất lên cao làm vườn tược hay nền móng nhà. Chẳng bao lâu vùng bùn lầy hẻo lánh ít ai biết đến này đã trở nên đông đúc với đường đi lối lại trên bộ dưới nước thuận tiện, có thương điếm đánh thuế tàu thuyền ra vào, có cơ quan phòng thủ phụ trách việc giữ an ninh trong vùng, gọi là Hải biên phòng thủ (trang 47). Công lao Bùi Viện rất lớn, nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là công việc của một quan chức thừa hành/ một nhà quản lý, còn đóng góp của Phạm Phú Thứ là cống hiến của một thủ lĩnh/ một nhà lãnh đạo. Có thể nói chính Phạm Phú Thứ mới là người có công đầu trong việc biến một làng chài nghèo khó thành cảng Hải Phòng sầm uất ngày nay.  

Sở dĩ phải đặt vấn đề luận công ở đây là bởi trong sách Bùi Viện với cuộc Duy Tân của triều Tự Đức dẫn trên, Phan Trần Chúc cho rằng chính Bùi Viện mới là người có công biến làng chài Ninh Hải thành một thương cảng kiêm quân cảng, thành nơi giao thiệp với các nhà buôn ngoại quốc, rằng bến Ninh Hải là một “công trình kiến trúc” của Bùi Viện, và cũng khẳng định thượng cấp trực tiếp giao trọng trách ấy cho Bùi Viện là Doãn Uẩn (thực ra là Doãn Khuê con chú ruột của Doãn Uẩn - Phan Trần Chúc nhầm bởi Doãn Uẩn qua đời hồi đầu năm 1850 ở An Giang) chứ không hề nhắc gì đến Phạm Phú Thứ. Sau này trong khảo luận Ký sự đi Thái Tây: Phi-Li-Phê Bỉnh (1759-1830?), Phạm Phú Thứ (1821-1882) viết vào năm 2000, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Chân Quỳnh đã khách quan hơn khi đặt câu hỏi: Phạm Phú Thứ hay Bùi Viện đã biến Ninh Hải ra Hải Phòng? Và mặc dầu đi đến kết luận rằng đây vẫn là vấn đề tồn nghi bởi “thiếu tư liệu, thực sự khó mà phân biệt rõ được nhiệm vụ của hai người ở Ninh Hải”, nhưng Nguyễn Thị Chân Quỳnh đã có hướng tiếp cận rất đúng khi so sánh thực tế quyền lực của từng người: “Phạm Phú Thứ giữ chức Tổng đốc Hải Dương kiêm Tổng lý nha Thương chính có thể coi là chức quan cao nhất ở ngoài, là người chủ sự từ năm 1874; còn Bùi Viện mãi đến 1876 mới sung chức Thương chính Tham biện và Tuần-tải-nha Chánh-quản-đốc (Phan Trần Chúc cho là ngang với chức Tổng trưởng bộ Hải quân) chắc là thuộc cấp của Phạm Phú Thứ. Có thể ông là người thực hiện việc biến Ninh Hải thành thương cảng Hải Phòng nhưng Phạm Phú Thứ là người điều khiển?”. Ở đây Nguyễn Thị Chân Quỳnh vẫn thận trọng đặt vấn đề theo dạng câu hỏi, nhưng đó chính là sự thật!

Xin nói thêm ý tưởng xây dựng thương cảng Ninh Hải tuy được nêu trong Điều 11 Hòa ước Giáp Tuất ký ngày 15 tháng 3 năm 1874 niên hiệu Tự Đức thứ 27: “Triều đình An Nam thỏa thuận mở các thương cảng ở Thị Nại, trong tỉnh Bình Định, ở Ninh Hải trong tỉnh Hải Dương, tỉnh thành Hà Nội, và đường thủy vận sông Nhĩ Hà từ ngoài biển lên tới tỉnh Vân Nam. Một thỏa ước bổ túc cho bản Hòa ước cùng có hiệu lực chấp hành như bản Hòa ước sẽ ấn định các điều kiện chấp hành cho việc thông thương. Thương cảng Ninh Hải, Hà Nội và đường thủy vận chuyển tiếp sẽ được thông thương liền ngay sau khi hai bên ký chuẩn phê hoặc sớm hơn nếu có thể được; thương cảng Thị Nại sẽ được thông thương trong vòng một năm sau. Các thương cảng hoặc những đường thủy vận khác có thể được thông thương sớm hơn tùy số lượng và mức quan trọng của tình hình giao thương hiện hữu đòi hỏi cần phải như thế”; nhưng thực chất đây chính là sản phẩm “chất xám” của Phạm Phú Thứ khi ông đề nghị mở cảng ngoại thương ở Hải Yên trong bản tấu năm 1867 niên hiệu Tự Đức thứ 20. Và quan trọng hơn là giờ đây với tư cách quan đầu tỉnh Hải Dương cũng như trên cương vị Tổng lý Thương chính đại thần, Phạm Phú Thứ có cơ hội được trực tiếp chỉ đạo thi công công trình xây dựng thương cảng Ninh Hải càng sớm càng tốt để góp phần phát triển kinh tế biển khu vực Bắc Kỳ trong đó có tỉnh Hải Yên; có cơ hội hoạch định phương án hợp lý thậm chí tối ưu để phân bổ các nguồn lực - đặc biệt là nguồn nhân lực. Chính Phạm Phú Thứ đã sử dụng Ông Ích Khiêm - với tư cách Tán tương quân thứ Bắc Ninh - vào việc đảm bảo an ninh trên vùng biển Bắc Kỳ/ Hải Yên trong suốt quá trình thi công thương cảng Ninh Hải và khi công trình xây dựng thương cảng Ninh Hải - được giao cho Bùi Viện trực tiếp đôn đốc - đã cơ bản hoàn thành sau mười tháng triển khai, Phạm Phú Thứ tiếp tục sử dụng Bùi Viện để tăng cường cho “việc quân sự”, đáp ứng “yêu cầu đánh dẹp” như nêu trong tài liệu nghiên cứu về danh nhân trên Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng. Chính Phạm Phú Thứ cũng đề xuất với vua Tự Đức bố trí Lương Văn Tiến/Tấn là người tâm phúc của mình thay Bùi Viện đảm đương việc quản lý Nha Thương chính Bắc Kỳ... Và Phạm Phú Thứ đã thực sự thành công!  

Về phát triển văn hóa đọc

Trên lĩnh vực văn hóa, Tổng đốc Hải Yên Phạm Phú Thứ chú trọng hai việc - một là làm thế nào để có nhiều sách đáng đọc và hai là làm sao để trang bị năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ cho thuộc cấp. Từng được mở rộng tầm nhìn qua chuyến công du sang Pháp hai năm 1863 niên hiệu Tự Đức thứ 16 và 1864 niên hiệu Tự Đức thứ 17, Phạm Phú Thứ thấu hiểu tầm quan trọng của sách - nhất là sách dịch, càng thấu hiểu tầm quan trọng của tiếng Pháp trong giao lưu văn hóa và quan hệ ngoại thương. Chính vì thế Phạm Phú Thứ chủ trương cho phục dựng nhà in mộc bản Hải Học đường ở Hải Dương đã đóng cửa từ nhiều năm trước. Qua nghiên cứu thực tế, Phạm Phú Thứ biết rằng Hải Học đường - gắn liền với tên tuổi quan Trấn thủ trấn Hải Yên Trần Công Hiến người Quảng Ngãi - là cơ sở ấn loát đầu tiên ở tỉnh Hải Dương nói riêng và là nhà in sách hiếm hoi của cả nước nói chung. Phạm Phú Thứ nhận thức được công lao của người tiền nhiệm và quyết không để quá khứ thành dĩ vãng, thấy rõ việc Trần Công Hiến thành lập Hải Học đường ngay từ thời vua Gia Long không chỉ giúp Hải Dương lưu giữ được những tác phẩm văn chương/ sử học có giá trị như Danh thi hợp tuyển - gồm 12 quyển với 1.669 bài luật thi của các danh sĩ từ đời vua Gia Long trở về trước, nhiều nhất là các danh sĩ thời Lê Mạt, như Danh văn tinh tuyển, như Ứng chế tứ lục tuyển, như Lịch đại sách lược, như Hải Dương phong vật chí - do Trần Huy Phác biên soạn theo chủ trương của Trần Công Hiến... mà còn là tiền đề quan trọng để Phạm Phú Thứ nhanh chóng phục hồi nghề in sách, đẩy mạnh việc tổ chức dịch thuật từ tiếng Anh ra chữ Hán, kịp thời in ấn/ xuất bản một số tân thư giá trị từng được Phạm Phú Thứ trình lên vua Tự Đức và được nhà vua khuyến khích in như Bác vật tân biên (khoa học tự nhiên), Khai môi yếu pháp (Phương pháp khai mỏ), Hàng hải kim châm (Kỹ thuật đi biển), Vạn quốc công pháp (Công pháp các nước)... nhằm phổ biến rộng rãi trong giới sĩ phu Nho học các kiến thức khoa học phương Tây(3); đồng thời cũng là cách ông thể hiện khát vọng vươn lên sánh vai cùng thiên hạ: Tảo giao Ðông thổ kiêm trường kỹ/ Pha Lý, Long Đôn vị túc hiền -  Giá như Ðông phương sớm giỏi kỹ thuật/ Chắc gì London, Paris đã hơn ta? Tháng 4 năm 1878 niên hiệu Tự Đức thứ 31, Phạm Phú Thứ còn chủ trương mở trường dạy Tiếng Pháp cho những người làm việc tại Nha Thương chính Bắc Kỳ ở Ninh Hải, mỗi tháng học viên được cấp một quan tiền và một phương gạo - có thể nói đây là trường dạy ngoại ngữ đầu tiên ở nước ta do một quan chức Nam triều sáng lập -nhằm góp phần nâng cao chất lượng công vụ của nguồn nhân lực đang hoạt động trên lĩnh vực thương chính.

Về thực thi chính sách an dân

Về thực thi chính sách an dân ở Hải Yên, Phạm Phú Thứ đã làm được nhiều việc có ý nghĩa - thậm chí là có ý nghĩa nhất trong ba việc trọng tâm mà ông đang tập trung lãnh đạo. Căn cứ vào những ghi chép của Quốc sử quán Triều Nguyễn trong Đại Nam Liệt truyện Chính biên, có thể thấy ngay khi đến nhiệm sở chưa được bao lâu, Thự Tổng đốc Phạm Phú Thứ phải lo chỉ đạo giải quyết hậu quả vỡ đê Văn Giang ở tỉnh Hưng Yên - theo thống kê từ năm 1863 niên hiệu Tự Đức thứ 16 đến năm 1886 niên hiệu Tự Đức thứ 39, đê Văn Giang vỡ tới 18 lần: “Gặp lúc đê huyện Văn Giang tỉnh Bắc vỡ, nước lụt tràn cả hai phủ Bình Giang, Ninh Giang thuộc Hải Dương, dân đói phiêu lưu tản mát tới tỉnh đợi chẩn kể cho hàng vạn mà kho không còn của để. Phú Thứ xin phân trích ở kho gạo Hưng Yên (thuộc quyền Tổng đốc Định Yên - Nam Định và Hưng Yên) 5 vạn phương phát chẩn cho, lại cho dân cầm cố đồ đạc cấp cho nhà có của. Lại phái thuộc hạ đem những người khỏe mạnh tới huyện Đông Triều cày cấy khai khẩn sinh sống, chờ khi nước xuống cho về làng mục, dân nhờ đó mới sống”(4). Cách giải quyết hậu quả thiên tai vừa trước mắt vừa lâu dài như vậy đã góp phần ổn định kinh tế - xã hội không chỉ cho tỉnh Hải Dương thuộc Hải Yên do Phạm Phú Thứ trấn nhậm mà còn cho tỉnh Hưng Yên lân cận.  

 

Để kết thúc bài viết này, xin dẫn lời dụ của người đứng đầu nước Đại Nam vào năm 1881 niên hiệu Tự Đức thứ 34 khi nhà vua nghe tin Phạm Phú Thứ từ trần ở quê nhà: “Phú Thứ kinh lịch nhiều khó nhọc, đi đông sang tây, dẫu yếu đuối cũng vâng mệnh không dám từ chối. Về việc tới trông coi Thương chính ở Hải Dương, khi tới nơi công việc đều có manh mối, sau này nên lấy đó noi theo. Những lưu dân gian chỉ chứa ác ở Quảng Yên, ông tới kinh lý cũng được yên. Rồi mở đồn điền ở Nam Sách, thực là lo xa chu đáo, đó là công cán ngày thường rực rỡ đáng nêu. Gia ơn cho truy phục nguyên hàm thự Hiệp biện đại học sĩ và chuẩn cho thực thụ cũng sắc cho địa phương tới tế một tuần”(5). Rõ ràng xét toàn bộ quá trình thực thi công vụ gần 40 năm của Phạm Phú Thứ (được bổ làm Biên tu năm 1844 niên hiệu Thiệu Trị thứ 4), người đứng đầu nước Đại Nam chủ yếu ghi nhận công lao của ông đối với Hải Dương và Quảng Yên trong hơn sáu năm trên cương vị Tổng đốc kiêm Tổng lý Thương chính đại thần.

B.V.T

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchĐại dịchThương gửi ấu thơBóng Tròn lưu lạcChim khổng tước hay hótBạn tôiChiều vàng phaiTình yêu không tênĐừng buồn nghe conHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidThơ Thái HuyềnThơ Tần hoài Dạ VũThơ Bùi Viết AnhThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngNhững hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIITừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Hội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiHội họa của vua Hàm NghiNhớ Vũ HânĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnHoài niệm rừng khộp khôTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Đóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênTất cả sẽ ổnTung mồiPhút giải laoChiều muộn bên cầu tình yêuRa khơiHải đăng Sơn TràPhía bên kia thành phốVượt quaRồi sẽ bình yênHết dịch rồi về với con