Hoài niệm rừng khộp khô

29.09.2021
Nguyễn Thị Thu Thủy

Hoài niệm rừng khộp khô

(Nhân đọc “Chinh chiến nơi miền đất lạ”, Nguyễn Tam Mỹ, NXB Đà Nẵng, 2021)

Tôi có người anh rể từng tham gia chiến đấu tại chiến trường K; biết bao lần ở quê nghe tin đồn đơn vị anh hi sinh hết, cả nhà tôi quặn thắt, bàng hoàng. Một ngày giữa năm 1986, anh khoác ba lô trở về trong niềm rưng rưng mừng tủi của gia đình, bạn bè. Qua những mẩu chuyện rời rạc về đời lính nơi đất nước Chùa Tháp của anh, tôi hình dung phần nào về sự hi sinh, gian khổ của quân tình nguyện Việt Nam trong những năm tháng ấy để một Campuchia toàn vẹn như hôm nay. Và như một sự tình cờ, giữa mùa đại dịch, tôi tìm đến với sách giải khuây, để rồi cuốn hút cùng bước chân ra trận qua trang sách “Chinh chiến nơi miền đất lạ” của người lính - nhà văn Nguyễn Tam Mỹ. Cùng với những tiểu thuyết đã xuất bản hơn chục năm trở lại đây: “Máu và tội ác” (2010), “Dưới tán rừng thốt nốt” (2017), “Sấp ngửa bàn tay”, “Tứ trụ kinh thiên” (2018); “Chinh chiến nơi miền đất lạ” là tập truyện ký lưu lại trong tâm hồn độc giả những cảm xúc khó tả về những năm tháng không thể nào quên của đời trai chiến binh nơi xứ sở xa lạ.

Dằng dặc những cánh rừng xa

Mỗi câu chuyện trong tập sách là một phần đời tác giả đã sống, gắn bó cùng những ngày hành quân rúc rừng khộp khô, có đợt ròng rã cả ba tháng trời. Nơi miền đất lạ xa xôi đó, anh tân binh Nguyễn Tam Mỹ đã từng trải qua cảnh “...những nốt phồng rộp vỡ ra và chai lại, tất cả lính mới đều có đôi chân vòng kiềng do mang vác nặng” (tr 47). Những mùa khô thiếu nước, sốt rét rừng đeo bám, chưa kể phải vượt qua những địa danh heo hút từng gây bao ám ảnh: “nếu ở Anlong Veng thì... Tôi chợt rùng mình... Gian khổ vô cùng. Ác liệt vô cùng. Sự sống và cái chết mong manh như chiếc lá. Mười người lính đến đó có hơn phân nửa nhanh chóng quay ra bằng võng cáng” (tr 175). Đọc từng trang ký của nhà văn, người đọc nín thở hồi hộp trước sự căng thẳng của những trận băng rừng, vật lộn bao chướng ngại vật để truy lùng dấu vết bọn tàn binh Pôn Pốt và cùng đẫm nước mắt khi đọc những câu chuyện viết về sự hi sinh của những đồng đội “mãi mãi tuổi hai mươi”. Anh Nguyễn Văn Dũng, lính 80, người Tiên Phước trên đường chuyển công tác, qua sông Sê Kông bị lật ghe nước cuốn; anh Phạm Quang Vinh đi trinh sát Ốs Kanđa gặp tấn công lén của bọn lính áo đen và biết bao chàng trai dẫm mìn chết trẻ ...Sự tàn khốc của những ngày ở chiến trường K đã từng được nhà thơ Ngân Vịnh ghi lại: “Giọt sương tan dưới ánh mặt trời/ Vài bông hoa cỏ trắng/ Từ giọt máu nơi anh nằm xuống/ Để đồng đội anh có chỗ đặt bàn chân” (Sương đẫm lá khộp khô). Tính mạng của người lính bị đe dọa đủ điều nhưng với sức thanh xuân dào dạt họ vượt lên tất cả.

Khác với “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, truyện ký của Nguyễn Tam Mỹ không thiên về những góc khuất của chiến tranh. Gian khó là vậy, nhưng trang viết của anh không hề sa đà kể khổ; những câu chuyện rất thực về đời lính được thuật lại bằng giọng điệu khá dí dỏm. Trong 25 chương của “Chinh chiến nơi miền đất lạ”, người đọc ấn tượng với những mẩu chuyện hóm hỉnh ở chương “Chuyện nhặt giữa rừng hoang”. Đó là những trang viết sống động về chứng bệnh hắc lào phổ biến trong lính rúc rừng nơi chiến trường K mà tác giả gọi là “hoa nở trên da”, là tràng cười tinh nghịch khi nhìn “quả đầu tổ ong vò vẽ” qua tài xắn tóc “quá đỉnh” của đồng đội, là hồi ức về lần trúng độc cá mã tiền suýt chết của hai anh nuôi, những lần được chứng kiến “voi gọi đàn, cọp bắt cá”, làng mạc “Phum nhơn- trắng ởn xương người”... Những trần trụi của đời sống chiến đấu được tái hiện cụ thể qua giọng kể tếu táo, rặt chất lính của Nguyễn Tam Mỹ, đem lại cho độc giả hứng thú khó cưỡng.

Mênh mang nỗi nhớ, bao la tình người

Bên cạnh những trang viết tỉnh táo về hiện thực chiến trường; nhà văn Nguyễn Tam Mỹ chìm đắm trong hoài niệm về những “năm tháng tươi xanh”. Kỉ niệm về những cánh rừng bạt ngàn cùng con người giàu tình nặng nghĩa cứ lung linh trong kí ức của anh. Giọng kể ở những mẩu chuyện này trở nên chậm rãi, dường như anh muốn dừng lại để suy ngẫm, để lắng sâu hơn tình đất, tình người bởi “khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (CLV). Những cánh rừng nơi anh đã từng chinh chiến hiện ra rõ mồn một trong trí nhớ và được phục dựng bằng ngôn ngữ giàu chất tạo hình: “Tưng bừng và náo nhiệt là giọng điệu của chim muông. Gần là tiếng vỗ cánh phần phật của chim đớp muỗi, tiếng kêu rờn rợn của chim cú mèo...Tiếng mang tác khi gần khi xa. Tiếng vượn hú từng hồi thống thiết. Tiếng gầm thét “tét... huờ” của đàn voi gọi bầy” (tr 224). Bản hợp xướng của rừng đêm được lọc qua đôi tai thính nhạy và một trái tim chan chứa ân tình.  

Thái độ chấp nhận gian lao cùng khát vọng trải nghiệm qua những chuyến công tác đã giúp ngòi bút Nguyễn Tam Mỹ ngày càng tươi rói chất hiện thực nhưng cũng đậm đà chất trữ tình bởi được kết đúc từ nỗi nhớ, từ tình yêu. Anh nhớ những cái Tết Nguyên Đán xa nhà nhưng không hề tẻ nhạt, bởi nơi đó có những con người vào sinh ra tử cùng tình đồng chí keo sơn: “Sương giăng bảng lảng khắp nơi. Và cái lạnh se se của mùa khô ở đất nước Chùa Tháp bắt đầu ùa về lúc màn đêm buông xuống. Theo lệnh anh Tấn “hề”, B trinh sát đốt một đống lửa to ở giữa sân, tổ chức ăn uống, đón đợi giao thừa... Mọi người ngồi quanh vừa vỗ tay hòa nhịp, vừa lấy chén đũa, xoong nồi leng keng, lụp bụp đệm theo tiếng hát, lời ca” (tr 90). Bức tranh sinh hoạt đời lính xa nhà hiện lên sống động qua ngôn từ giàu chất thơ, lay động tâm hồn người đọc bởi cách kể chân thành, gần gũi. Đặc biệt trang viết khiến tôi cay mắt khi Nguyễn Tam Mỹ hoài niệm về sự quan tâm đặc biệt của đồng bào ở Phum X're Kaxan dành cho bộ đội tình nguyện Việt Nam. Đó là me Pâu, ông già người Hoa, em Sô khây, I Xậy, Chăn Thi, Pha Lếch đã xem người lính Tiểu đoàn 12 là “người nhà”. Những món quà nho nhỏ, những cái bắt tay, những giọt nước mắt trong giờ phút chia tay “Aị Tài” xuất ngũ là minh chứng rõ nét những ân tình gắn kết người lính và người dân nơi miền đất xa lạ đó.

Chất liệu hiện thực sống động, chọn bối cảnh hợp lí, giọng kể đa dạng cùng những hiểu biết phong phú về ngôn ngữ, tập quán nơi xứ sở Chùa Tháp đã giúp truyện ký “Chinh chiến nơi miền đất lạ” để lại dấu ấn không phai trong lòng độc giả. Cầm tập sách với trang bìa là một bức tranh mang tính biểu tượng có gam màu xám lạnh gợi hình dung về mảng sáng tối của đời lính chiến chinh; lật từng trang chữ bạn sẽ bị lôi cuốn bởi cuốn phim được quay bằng ngôn từ về những ngày tháng bi tráng khó quên của người lính tình nguyện Nguyễn Tam Mỹ. Gấp trang cuối cùng của “Chinh chiến nơi miền đất lạ”, trong tôi vang mãi lời tâm sự của người lính chiến trường K: “Xuất ngũ tao về quê lấy vợ rồi làm ngôi nhà nhỏ nơi gò đồi” (tr 182). Ôi, cái ước mơ thật đơn giản, nhỏ bé nhưng với anh Nguyễn Văn Dũng, anh Phạm Quang Vinh và bao người lính trẻ ấy sao quá đỗi xa vời! Các anh đã ngã xuống, mãi mãi gửi lại thanh xuân nơi rừng lá khộp giữa mùa khô những năm 80 của thế kỉ XX cho một Campuchia hồi sinh hôm nay.

N.T.T.T

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchĐại dịchThương gửi ấu thơBóng Tròn lưu lạcChim khổng tước hay hótBạn tôiChiều vàng phaiTình yêu không tênĐừng buồn nghe conHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidThơ Thái HuyềnThơ Tần hoài Dạ VũThơ Bùi Viết AnhThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngNhững hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIITừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Hội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiHội họa của vua Hàm NghiNhớ Vũ HânĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnHoài niệm rừng khộp khôTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Đóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênTất cả sẽ ổnTung mồiPhút giải laoChiều muộn bên cầu tình yêuRa khơiHải đăng Sơn TràPhía bên kia thành phốVượt quaRồi sẽ bình yênHết dịch rồi về với con