Đà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịch

28.09.2021
Trần Thu Thủy

Đà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịch

Tranh Lê Sa Long, màu nước, 30x40cm

PHONG TỎA

Nhiều đêm sau ca trực, một mình tôi lặng lẽ trên phố. Những con đường thân quen đông đúc nay bỗng rộng dài hun hút, từng ngọn đèn đường làm nên những quầng sáng khiến tôi thân thuộc từng dáng lá hình cây. Tất cả vắng lặng nhưng chẳng thể bình yên. Những con số về người mắc một ngày, một tuần làm đông cứng suy nghĩ. Sau năm 1975, đây là lần đầu thành phố mới có cảnh không có người ra đường sau 6 giờ chiều.

Dịch như sợi dây nghiệt ngã trói cứng mọi hoạt động của con người. Hơn một nửa quận Sơn Trà phong tỏa y tế tăng cường, cả thành phố áp dụng biện pháp giãn cách mạnh. Mỗi ngày đọc số ca mắc mà lo, mà sợ. Chốt và “thông chốt” thành hoạt động chủ yếu trên đường, đó là nói chung, chứ còn 5 phường phía Bắc của quận Sơn Trà, mọi hoạt động bị ngưng hẳn.

Bạn có khi nào thấy một cái chợ bị phong tỏa tuyệt đối? Những sợi dây trắng đỏ mỏng manh nhưng đủ uy lực đóng cứng các cửa ra vào chợ. Như là sự phân bổ tự nhiên, mỗi phường thường có ít nhất một cái chợ, dẫu trên mỗi con đường đều có siêu thị, nhưng chợ vẫn là cái biểu đồ quan trọng nói lên sức vóc kinh tế của một địa phương. Ngày trước, “chợ tan thì làng mạt”, nay dịch không làm tan chợ, không làm mạt làng nhưng buộc phải dừng hoạt động. Ồn như cái chợ vậy mà hôm nay “trước sau nào thấy bóng người”...

Hai năm rồi không có ngày khai giảng. Bài tập đọc mà hầu như ai cũng thuộc: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường”, lẽ nào sẽ thôi ngân lên? Năm học mới bắt đầu theo cái kiểu chuẩn bị xa lạ mà nay đã thành quen. Online, trực tuyến ngồi học một mình như một định dạng mới cho việc “đi học” từ xa. Sự tự giác của một người sắp thành tú tài nó rất khác với những bạn lớp Một, lớp Hai. Ai có con sắp vào lớp Một mới thấy hết sự lo lắng học hành con cái trong những ngày mắc dịch này nó dữ dội như thế nào.

Nhìn những lọ tro cốt sau hỏa thiêu, được bỏ ngổn ngang trong thùng nhựa sau xe gắn máy để giao lại cho thân nhân càng thấy rõ hơn mức độ chết người của dịch. Được giãn cách vẫn còn là may. Không được tự do đây đó mới thấy quý hơn những ngày bình yên. Cảm ơn chiếc lá còn xanh để tôi thấy xanh hơn bầu trời tháng Tám, những con đường thênh thang để tôi quý hơn những ồn ào, tất bật mưu sinh. Cảm ơn ánh mắt như cười của bạn mà chiếc khẩu trang chưa che hết tầm nhìn. Cảm ơn những ngày được bận rộn. Những ai tất bật một tuần mới thấy hết cái sung sướng của giấc ngủ thong dong ngày chủ nhật. Dịch nhắc ta về sự mong manh...

 

GIỮ MÌNH TRONG SẠCH

Tranh Lê Sa Long, chất liệu pasteltreen giấy Canson, 60x80cm

Chắc chắn dịch sẽ bị kìm chế và đẩy lùi, nhưng lúc nào đang là câu hỏi của sự lo âu. Các chuyên gia y tế WHO dự đoán dịch sẽ hết vào giữa năm 2022, nghĩa là còn cả năm nữa. Kinh tế và cuộc sống rồi sẽ trở lại bình thường, người với người rồi sẽ thôi giãn cách. Phố sá sẽ tấp nập đông vui, nhưng trước hết là phải biết giữ gìn. Yoga cũng là cách bảo vệ. Dĩ nhiên tác động tâm lý và ảnh hưởng xã hội của đại dịch không phải ngày một ngày hai. Tôi nghĩ về hơi thở của mình và càng nghĩ hơn về những số phận không còn được thở, nhiều hơn là những người không biết mình đang thở. Thở là biểu hiện quan trọng nhất của sự sống, yoga dặn tôi giữ mình cũng chính là giữ hơi thở.

Đều đặn 5 giờ sáng tôi chào ngày mới bằng một giờ yoga tại nhà. Trong 24 giờ của một ngày, tôi dành cho sự trở về với tôi một tiếng. Động tác thì cũ cho 60 phút, nhưng tôi làm mới trong từng cử động. Tập không quan trọng bằng nghĩ về việc mình đang tập, đang thở. Mỗi phút ta thở 12 đến 20 lần. Một đời ta thở bao nhiêu lần? Chính chúng ta đang giữ chìa khóa về số lần cuộc đời mình được thở. Covid không cho ta thở, yoga tôi nghĩ cũng là cách tích cực để giữ lại cái quý nhất của thân thể mình là được thở.

Khi yoga một mình tôi càng thấy rõ hơn sức mạnh của hơi thở. Từng giây phút tôi biết mình đang thở, cũng là lúc tôi ý thức mình đang có trạng thái bình yên. Yoga dạy tôi phải biết về hành vi của mình. Đi, tôi cố tập biết rằng tôi đang đi. Ngồi, làm việc… biết trong từng hơi thở về trạng thái đang diễn ra. Có hơn 2.800 động tác yoga, một đời tinh tấn cũng khó có ai thuần thục hết chừng ấy động tác, nhưng khó hơn là giữ được tâm hồn mình thiện lành, biết nghĩ về người khác trong sự bao dung, sẻ chia.

Qua bốn đận giãn cách, nhưng lần này nghiêm trọng hơn nhiều. Những sợi dây trắng đỏ mỏng manh giăng khắp nẻo đường báo hiệu sự cẩn trọng đi lại. 6 giờ chiều thành phố ngừng đi lại hết đêm. Chưa bao giờ dịch ám ảnh và đe dọa sức khỏe và tính mạng con người như lần này. Tôi sợ và mọi người sợ. Không phải là sự bất an mà hơn thế nữa, cả thành phố bước vào hành trình chống dịch mới. Người có tuổi, mấy ai mà không có bệnh nền. Trong nỗi lo sợ dịch, yoga và sách như là biện pháp để tôi giữ cân bằng.

Dịch ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam nặng nề, càng cảm thấy sự chịu đựng, bấp bênh của tầng lớp yếu thế trong xã hội nó lớn dường nào. Hai vợ chồng trẻ ẵm đứa con vừa sinh được 9 ngày chạy xe máy cả ngàn cây số để về quê tránh dịch, hay cả nhà 5 người ngồi xe ba gác về quê và chẳng may gặp nạn giữa đường… Hàng vạn người tao tác vì dịch, nhưng cũng trong khó khăn, hoạn nạn, càng xúc động những tấm lòng nhân ái. Một chị đi dép lê cầm xấp tiền trao cho mỗi người về quê tờ năm trăm ngàn, hay có chị âm thầm mỗi ngày để hàng trăm túi gạo cho ai cần thì đến lấy. Rất nhiều những tấm lòng như ngọc. Tất cả nhẹ nhàng, đồng cảm sẻ chia. Lòng trắc ẩn không phải là trách nhiệm mà là sự lên tiếng từ tâm.

Mặt trời rựng đỏ ngoài hiên, tôi có tôi ngày mới trong rất đầy ý nghĩ về bạn. Bình an không phải sự năn nỉ, mà là sự mong đợi lớn nhất lúc này. Được tự nhiên ra chợ, đến quán cà phê, được gặp nhau mỗi dịp cuối tuần... chao ơi điều đơn giản của những ngày bình thường sao mà xa xôi quá. Yoga giúp tôi cố giữ được sự cân bằng.

NHỚ NHỮNG CON ĐƯỜNG

Tranh Lê Sa Long, chất than trên giấy canson, 50x70 cm

Những ngày bó gối. Những sợi dây trắng đỏ giăng mắc đó đây khiến mình chỉ quanh quẩn mà nhớ, mà lo. Những lúc không được đi mới thấy quý biết bao những ngày đây đó bình yên. Không nhiều, nhưng những con đường tôi có dịp tha thẩn như những bàn tay ấm trong lòng, ân cần và tận tụy làm nên ký ức. Tôi nhớ những con đường.

Dịch như một phần số phận con người. Có lẽ việc phân biệt “dịch” và “bệnh” cũng tương đối, nhưng có một chuyện càng ngày càng thấy rõ là đã bệnh thì phải có thuốc, trong trường hợp hiện tại thì trước hết phải có vaccine. Tôi mang máng hiểu tình cảnh hiện nay, tôi im lặng chấp hành những quy định chặt chẽ về giãn cách, về các biện pháp chống giặc covid. Tôi không muốn tôi là nguồn lây nhiễm cho bạn bè. Tuyệt đối và nghiêm túc. Thời gian có ít cho công việc? Không, ngược lại. Thời gian có nhiều cho bạn bè? Không, tôi đi làm và tôi im lặng. Trong các nỗi nhớ là nhớ những con đường.

Khi cuộc sống trói mình trong lo sợ, mọi ý nghĩ đều mong cầu cho đến ngày bình yên. Chắc khó có ai trả lời chính xác bao giờ hết dịch, bao giờ cuộc sống trở lại bình thường, hết những giãn cách, những “F1”, “F2”, những ngày đi chợ theo phiếu, những “bán mang về” vẫn còn là một may mắn... Chỉ mới đây thôi, mỗi ngày nghe vài chục, vì trăm trường hợp mắc đã bần thần, nay mỗi ngày vài ba ngàn mà bàng hoàng thương quá đất người phương Nam.

Mấy lần về Đại Bường. Con đường trung du trưa vắng như cổ tích. Con chim gù tin cậy trên cành, nhìn trái sầu riêng tư lự trên cây mà lạ lùng mùi vị. Tôi có những chiều thật sâu trong khuôn viên những ngôi chùa Huế. Sóc ơi mấy múi mít trên cây có đủ thơm lòng trắc ẩn hiên chùa? Rồi cung đường đẹp như tranh khi đến Mai Châu. Bạn có khi nào thấy mây quấn trong chân khi co ro trong heo may ở một lán ven đường ở Thung Khe đáng nhớ? Tôi đã có những phút giây ngất ngây nhìn những đồi chè ngút mắt, xanh bất tận trong bình minh. Những gốc chè bảy - tám - mươi - năm như hút bao chịu đựng tảo tần để làm nên cái mùi thơm thần thánh của chén trà ban mai. Rồi những lần xuôi theo những con kênh miền Tây, nhìn cây trái hai bờ sà xuống mà thấm thía sự trù phú quê hương...

Nhớ đường cũng có nghĩa là nhớ người. Đi mới thấm sự thân thiết với người lạ. Sự tử tế của người dưng khiến lòng mình như mắc nợ, nhiều khi chỉ một nụ cười rất hiền của cô hàng cơm trong một phố cổ Hà Nội. Những quả cà muối ăn với canh mồng tơi nấu nõn, lát thịt ba chỉ ghém với mắm tôm, dưa giá lạ lùng ở một góc đường Sài Gòn. Hình như ai sợ tôi không quen mùi vị quê mùa mà không biết trong bụng tôi đã âm thầm chắc một tin yêu. Đường ở đâu cũng vậy, ngoài việc để đi, đường còn làm nên kỷ niệm, mà giờ đây nỡ nào đã thành hoài niệm.

Lòng tôi thênh thang theo những triền đồi, ở đó có những con đường cỏ hoa như cổ tích. Còn vài tháng nữa là đến mùa dã quỳ. Bao lần tôi đã ướm lòng sẽ có một chuyến thong thả theo những con đường đất đỏ bazan Tây Nguyên để lịm mình trong dữ dội dã quỳ thương nhớ. Tôi hỏi trong ngập ngừng, khoảng ba tháng nữa cho một chuyến đi dự định, những con đường mới có được không tôi?

LẶNG IM

Hôm nay bắt đầu 7 ngày không đi ngoài phố, 1,2 triệu dân Đà Nẵng sẽ “lặng im” tuyệt đối để ngành y tế lượm các virus Covid ra khỏi cộng đồng. Nếu kể từ hôm 31-7 thì đến nay giãn cách xã hội triệt để được hơn nửa tháng, nhưng vốn là kẻ thù giấu mặt nên nó cứ dùng dằng mỗi ngày 50, 70 ca. Hy vọng rằng sau 7 ngày “ai ở đâu ở đó”, với các biện pháp có lẽ là mạnh nhất từ trước đến nay, cuộc sống và hoạt động của thành phố trở lại bình yên.

Cuộc sống có những điều lạ lùng. Tất bật cả tuần thì trông có ngày nghỉ, chỉ để ngồi thật nhẹ nhàng bên ô cửa, để nhâm nhi ly cà phê, hay đơn giản được ngủ một giấc cho đã, nhưng đến khi phải khép cửa ở nhà thì nó lại mệt hơn đi làm. Quanh quẩn vào ra, ở không mà mệt. Nghe xong bản nhạc cứ áy náy như mình là người có lỗi. Quanh ta từng ngày thét gào dịch bệnh mà lòng dạ nào nhấn nhá, dẫu rằng tôi đã nghe cả ngàn lần “dừng chân quán năm xưa, uống nước dừa hay nước mắt quê hương” (PTM), mà mỗi lần ngân lên trong tôi biết bao hoài niệm, nhưng hôm nay không còn lòng dạ nào để dào theo tiếng hát liêu trai ấy. Sách cũng vậy, chưa tới 200 trang mà cứ xếp góc làm dấu cả chục lần. Ngược lại, cái điện thoại như một thứ say không phải của ma, của quỷ, chắc cũng không phải của thánh thần, nhưng nó bu cứng lấy bàn tay, từ sớm tinh mơ cho đến tối mịt.

Thông tin thì vô tận. Vui và buồn, lo và giận. Chuyện trục lợi từ lòng trắc ẩn, chuyện cô giáo từng dạy tôi phải nghỉ việc, chuyện chân trời góc bể, có chuyện đọc chỉ “cho biết”, nhưng nhiều chuyện khiến mình suy nghĩ. Một ngày của một tuần, một tuần của một tháng... Dịch làm đông cứng suy nghĩ. Ai cũng sợ chết, cũng sợ dịch. Những ngày ta sống trong dịch, lo và buồn phiền. Hơn ba tháng nữa là tròn hai năm đại dịch. Vaccine không phải là thuốc chữa bệnh, nó chỉ là thứ tạo điều kiện miễn dịch, dĩ nhiên là quyết định cho việc đẩy lùi cơn điêu đứng này.

Trên mạng kháo chuyện, do dịch tai nạn giao thông giảm 90% nhưng cãi lộn trong nhà tăng lên cũng 90%. Chắc có người rảnh việc, tẩn mẩn không có chuyện chi làm mà nghĩ ra vô số chuyện để cười. Thôi thì đủ chuyện tiếu lâm từ đặt lời lô cho bài hát, chuyện đi lại, ăn uống, chuyện trò... nhưng xem chừng chuyện đi và được đi nó trở thành hoạt động chính yếu con người. Hết ăn rồi lại nằm, nhiều khi tôi nhìn đăm đắm cái ô nắng ngoài sân. Nhìn nhưng không phải để thấy.

Không ra khỏi nhà bảy ngày là thử thách chưa từng có cho hơn 1,2 triệu dân. Sẽ bí bách đi lại, công việc, sinh hoạt... nhưng ai cũng nghiêm túc chấp hành. Tôi có 4 ngày để chuẩn bị “lặng im”, trước đó là 2 tuần trong giãn cách, nhìn tấm biển “nơi cung ứng hàng chống dịch” trống không mới biết việc chuẩn bị cho gần 400.000 hộ có đủ thực phẩm thiết yếu trong 7 ngày không chỉ là lời kêu gọi. Chỉ có điều mong sao sau 7 ngày này sẽ có chuyển biến tích cực, mà lớn nhất là được đi bình thường.

BAO GIỜ HẾT DỊCH

Ảnh Lê Hải Sơn

Một ngày trôi qua nhiều khi bàng hoàng chợt nhận ra sự khốc liệt của sự im lặng. Cảm nhận có chân mà không được đi, có mắt mà không có cái để nhìn, niềm vui và cả nỗi lo đều từa tựa nhau. Ở không mà chẳng ở không. Im lặng một mình để nghe nỗi nhớ mênh mông. Rất nhiều khi nhìn sững ra đường. Nhìn nhưng không phải để thấy. Nhìn như là tự nghĩ về mình trong từng ngày xa lạ. Rằm tháng Bảy không thắp được cho Ba cây nhang, không được chải mái tóc mà vài năm lại đây trắng đi nhiều của Mẹ, mà xa xôi chi cho cam, chỉ cách một con sông. Con gái ở Sài Gòn, không nói ra chứ mỗi ngày đọc báo mà lòng như xé. Cứ sợ, cứ lo.

Thế là lại thêm mười ngày giãn cách nữa. Hầu như cả nước đều có dịch, có giãn cách nhưng “nhà ai ở nhà nấy” tuyệt đối (16+++) thì hình như chỉ có nơi đây. Con số nhiễm trong cộng đồng ngày giảm ngày tăng nhưng nhìn chung chưa thấy xu hướng tích cực tuyệt đối. Tôi không ra khỏi nhà nên không biết đường phố vắng vẻ như thế nào, nhưng thông tin hằng ngày cho tôi biết sự chấp hành triệt để của dân chúng. Dịch và chết thì ai cũng sợ, không đi ra đường là cách thiết thực nhất để không bị nhiễm, cũng như không mang sự lo âu cho “ngoài đường”.

Tác động về mặt kinh tế khi một phần công nhân phải nghỉ việc, nguồn cung khó và cả thị trường ảnh hưởng... số liệu thống kê sẽ phản ánh, nhưng tác động về tâm lý xã hội, về những ngày đứng im này chắc sẽ âm ỉ lâu dài. Sẽ khó có một báo cáo nào về chấn động tâm lý xã hội. Thành phố duy trì sự hoạt động theo yêu cầu “đứng im”, đường phố vẫn sạch, công viên vẫn xanh, biển vẫn đêm ngày vỗ sóng, những cơn gió vẫn mơn man hàng cây trong phố... nhưng tất cả giờ chỉ là sự ngậm ngùi xa vắng. Nỗi sợ đã ngứt tôi ra khỏi những con đường thân quen, đã khép lại cái cổng chợ mà mỗi ngày những cộng hành, hạt tiêu làm nên ý vị bữa cơm... tất cả chờ ngày rã đông.

Cuối ngày tôi thường ghi chép việc từng ngày với một tâm trạng bần thần. Khởi động cho ngày mới là thời gian yoga một tiếng. 6 giờ 30 loay hoay cho bữa sáng cả nhà. 7 giờ 30 là thời gian cho góc vườn, lọ mọ chút cây chút lá, nhưng phân tro hết từ lâu nên cây hình như cũng chẳng thèm tươi thèm mỡn. Rồi lại lọ mọ cơm trưa, cơm tối như một lời nhắc về đò giang cách trở, dĩa xào không có hành lá mới nhận ra cái vô duyên khi trơn trợt mùi vị, sắc màu. Dĩ nhiên là công việc cơ quan vẫn giống như có mặt ở cơ quan. Ngày trực cũng phải 11 giờ đêm mới tạm yên. Tôi cũng được đôi lần tham gia chuyển đồ thiết yếu cho dân. Nhìn các cụ già đứng chờ ngoài cửa mong nhận chiếc bánh mì của người hảo tâm, thấm thía hơn cái nghèo, cái khổ còn không ít quanh ta...

Biết bao công việc, biết bao biến động một ngày. Nỗi lo như sợi dây chết chóc buộc cứng từng người. Dịch và bệnh là khoảng cách mong manh, cách ly là cách kiểm soát lây lan, còn chữa trị là thuốc men, y tế và sự đề kháng mỗi người. Trái bí, củ khoai là những thứ giàu nghèo giờ ai cũng thấy quý. Ăn uống là thuốc tốt nhất cho việc tạo đề kháng. Mỗi ngày cứ loanh quanh với những điều lo, nghĩ. Ở không mà chẳng thể tập trung.

Sắc thu ngập tràn. Trời trong veo rất đẹp. Năm học mới bắt đầu. Mỗi cây mỗi hoa, chẳng có nỗi lo, sự nghĩ nào giống nhau, chỉ thấy thời gian lặng lẽ trôi trong dịch nó như một sự réo gào về sự chờ đợi mênh mông. Bao giờ tôi lại được đi trên những đường quê, được bình yên nhìn ngắm đồi rộng sông dài, hay bình thường được nghe âm thanh ồn ào quen thuộc nơi chợ nhỏ, được nghe tiếng rao hôvilô đêm đêm da diết theo ngọn đèn bão tảo tần. Lặng im mà xáo động tâm can: bao giờ hết dịch...

DỊCH VÀ SÁCH

Gấp lại cuốn sách với một chút thẩn thờ. Gần 250 năm rồi mà sao “Nỗi đau của chàng Werther” vẫn còn lay động? Những câu văn đầy chất thơ ngày ấy mà sao hôm nay đọc vẫn da diết trong lòng. Gần như ở mỗi trang bạn đều phải gạch chân để nhớ những câu hay đến mức mình không muốn rời. Nó như một ám ảnh để tâm hồn mình giàu có hơn.

Giãn cách, đại dịch làm thay đổi tất cả. Những ngày ngồi im kéo dài thành mười ngày, giữa chết và sống, giữa bình yên và dịch bệnh thì buồn, vui nào có nghĩa gì. Những ngày không bước ra khỏi cửa này rồi đây sẽ thành nỗi ám ảnh cuộc đời. Ngồi đếm từng ngày mong chóng qua trong khắc khoải mỗi chiều đọc tin số người nhiễm. Cầm túi rau, củ mà tổ dân phố treo ngoài cửa mới thấy ân nghĩa biết bao những tấm lòng thơm thảo. Chờ cuộc sống rã đông, tôi có mấy ngày thênh thang với Werther.

“Nỗi đau của chàng Werther” của Goethe xuất bản năm 1774, Quang Chiến dịch sang tiếng Việt (NXB Văn học 1998) là một câu chuyện tình rất buồn. Điều khiến tác phẩm trở thành kinh điển không phải ở sự ly kỳ cốt truyện mà chính ở việc mô tả tâm trạng của nhân vật, Werther, một chàng thanh niên đa cảm đem lòng yêu Lotte ngay từ lần đầu gặp mặt, vẻ đẹp rực rỡ nhưng hồn nhiên đầy nội tâm đã khiến Lotte như một thiên thần, éo le Lotte đã là hôn thê của Albert, một thanh niên tốt bụng, hiền lành và chẳng có một khiếm khuyết nào, nhà giàu, học giỏi và có một tương lai vững chắc. Lotte có cảm tình đúng mực với Werther, tìm thấy nơi người bạn trai sự tin cậy, cảm phục và sự chân thành. Còn Werther cũng có quan hệ đúng mực với Albert. Sự phân thân và bế tắc trong tình yêu, cuối cùng Werther phải tìm cho mình cái chết để giữ lại hình ảnh nguyên sơ của người mình yêu.

Chuyện chỉ có vậy mà sao trở thành cơn sóng lay động cho lớp lớp thanh niên bấy giờ ở Đức và cả châu Âu? Goethe viết tiểu thuyết này khi mới 25 tuổi, mang tâm trạng của chính mình để làm cho nhân vật trở nên một phần đời sống của thời ông sống. Ông đã nói được sự bế tắc, bất lực của lớp trẻ trước một xã hội mà giới quý tộc không còn là chuẩn mực. Họ muốn dấn thân, muốn là chính mình, chịu trách nhiệm với sự rung động cá nhân, họ khao khát về một chân trời hạnh phúc, họ muốn tự họ biết cái đúng cái sai. Họ muốn trở lại với thiên nhiên, muốn nhìn thấy ánh trăng đêm đêm dát vàng trên những triền đồi, cái mùi lá cây ủ mục, đóa đinh hương khe khép nở những cánh mong manh như đang mơ màng trong nắng sớm. Những con đường quê, những con ngựa nghiêm nghị đang kéo những chiếc xe chở đầy những nụ cười sau một đêm vũ hội...

Tôi muốn nhắc bạn chi tiết này, Napoleon vị tướng thiên tài mà tới nay có hơn 200 ngàn tác phẩm viết về nhân vật lịch sử này. Napoleon đã mang theo “Nỗi đau của chàng Werther” để đọc sau những trận đánh long trời lở đất. Bạn biết không, vị tướng ấy đã đọc Werther tới 7 lần! Và khi gặp Goethe, Napoleon đã chỉ ra vài chi tiết chưa chính xác, nhưng cái chính là để bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tác phẩm mà ông ta cho là hay nhất. Một khía cạnh khác “Nỗi đau của chàng Werther” mở đầu cho một khuynh hướng sáng tác trong trường phái Bão táp và Xung kích. Chính các trường phái sáng tác là sự thôi thúc quan trọng cho sáng tạo văn chương.

Tôi có những ngày đứng im đầy xao động với Goethe “những gì của trái tim sẽ đến với trái tim”.

T.T.T

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchĐại dịchThương gửi ấu thơBóng Tròn lưu lạcChim khổng tước hay hótBạn tôiChiều vàng phaiTình yêu không tênĐừng buồn nghe conHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidThơ Thái HuyềnThơ Tần hoài Dạ VũThơ Bùi Viết AnhThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngNhững hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIITừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Hội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiHội họa của vua Hàm NghiNhớ Vũ HânĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnHoài niệm rừng khộp khôTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Đóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênTất cả sẽ ổnTung mồiPhút giải laoChiều muộn bên cầu tình yêuRa khơiHải đăng Sơn TràPhía bên kia thành phốVượt quaRồi sẽ bình yênHết dịch rồi về với con