Bạn tôi

28.09.2021
Nguyễn Duy Khoái

Bạn tôi

Minh họa Hồ Đình Nam Kha

Khang!

Đang đi, tôi bỗng giật mình vì tiếng kêu giật ngược. Tiếng gọi ngạc nhiên, mừng rỡ, vừa gấp gáp lại vừa nghi ngại e dè. Tôi quay lại, chỉ sau một cái nhíu mày, tôi đã nhận ngay ra Đốc, và tôi cũng ngạc nhiên, mừng rỡ vì cuộc gặp gỡ hết sức bất ngờ này.

Với cá tính và cách sống của mình, tôi may mắn có nhiều bạn bè. Bạn bè tôi nhiều người có cuộc sống thật kỳ lạ, không bình thường mà lại giống nhân vật hư cấu từ phim ảnh hay tiểu thuyết. Và trong số đó, Đốc là duy nhất, là điển hình, bao giờ cũng đem đến cho tôi nhiều bất ngờ đến khó tin, ngay cái tên cũng lạ. Hồi đó, chúng tôi học lớp Đệ thất (lớp 6 bây giờ). Học sắp hết tháng đầu tiên, một buổi sáng, thầy giám thị dẫn một trò mới vào lớp, giới thiệu:

- Đây là bạn mới của các em vừa từ Đại Lộc ra, tên là La Văn Đốc.

La Văn Đốc, cái tên đó, cùng những câu chuyện kỳ lạ không giống ai theo chúng tôi suốt một thời cắp sách, đã trở thành Lạ và Độc, cái tên gợi nhớ trong ký ức chúng tôi những kỷ niệm êm đềm, đôi lúc xót xa, nhưng không bao giờ quên được.

Trong lớp, Đốc học không đều, học lực cũng không xuất sắc lắm, nhưng theo tôi, Đốc đặc biệt thông minh, nhiều khi trong giờ kiểm tra, cả lớp phải bật cười với những câu hỏi rất dễ, có sẵn đáp án trong sách, câu trả lời của Đốc lại đi lạc cả ngàn cây số, rất nhiều lần cả lớp nín thinh vì một câu hỏi quá khó, Đốc trả lời rõ ràng, khúc chiết, đến nỗi cả bọn chúng tôi, và cả thầy cũng thấy bị hấp dẫn.

Việc giành vị thứ cao với Đốc như một trò chơi. Tháng này, vị thứ của Đốc là 23 trên 45, Đốc cược với chúng tôi, tháng sau chắc chắn sẽ giành vị trí đầu bảng. Tháng sau, trúng phóc. Tháng sau nữa, Đốc cược mình sẽ ở vị thứ 27.

Không biết bằng cách nào, Đốc lại làm cả lớp “đứng hình” với vị thứ cao hơn 26, thấp hơn 18 bạn cùng lớp...

Thời gian trôi. Lên Đệ nhất, 18 tuổi, lác đác vài ba đứa biết yêu. Thỉnh thoảng trong hộc bàn bọn con gái, có đứa “để quên” một gói ô mai hay một chùm đào, đôi khi một trang thư viết bằng mực tím. Bọn con trai chúng tôi bắt đầu nhìn bạn gái cùng lớp bằng một cái nhìn khác. Đặc biệt, lớp chúng tôi, có Hoàng Ny, một bông hồng làm chúng tôi càng thêm lưu luyến, mộng mơ những ngày sắp phải chia tay. Con nhà giàu, xinh đẹp, lại chăm học và học giỏi, lớp phó Hoàng Ny, làm chúng tôi ngẩn ngơ với những mơ mộng cao vờ, ngây thơ của tuổi học trò.

Thời gian này, phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh nổ ra khắp miền Nam. Xuống đường, bãi khóa, tuyệt thực, biểu tình, truyền đơn theo bước chân sinh viên học sinh bay trắng phố phường, biểu ngữ, thép gai giăng đầy đường phố trong những ngày đấu tranh đòi tự do độc lập, đòi dân chủ học đường, đòi quyền sống, chống áp bức bất công. Các cuộc hội thảo, mít ting, buổi sáng xuống đường biểu tình, ban đêm đốt lửa đấu tranh, tiếng hát sinh viên học sinh làm cả thành phố sục sôi. Thỉnh thoảng, có tin hôm qua một người bạn bỏ phố vô rừng, hay có thằng hôm kia bị bắt vì kêu gọi xuống đường, với biểu ngữ, truyền đơn phản chiến...

Trong trường, ngoài đường phố, cuộc sống đi qua những ngày tháng ngột ngạt không làm bọn con trai lớp chúng tôi thôi hết mơ mộng với hình bóng cô bạn Hoàng Ny. Chỉ riêng La Văn Đốc, vẫn dửng dưng đứng ngoài mọi chuyện.

Cho đến buổi sáng ngày hôm ấy. Trong giờ dạy Triết của thầy Nguyễn Sanh, khi đầu óc bọn chúng tôi đang trộn lẫn Kant, Descartes, Sartre, Marcel với lớp phó Hoàng Ny xinh đẹp, giữa chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử với những mơ mộng, những âu lo cho kỳ thi tới, thì thầy giám thị bước vào lớp cùng một người đàn ông đội mũ phớt trắng và đeo gương đen...

Cả lớp lặng yên, lo lắng và khi thầy giám thị gọi tên, tất cả đều lạnh người. Tiếng thầy giám thị mất cái vẻ dõng dạc nghiêm khắc hàng ngày, run run, ngập ngừng như người có lỗi:

- Đại tá quận trưởng cho mời giáo sư Nguyễn Sanh và học sinh La Văn Đốc!

Thầy giáo Sanh, bình thản như đã biết trước, xếp lại cuốn sổ điểm danh, đặt cây thước ngay ngắn lên bàn, nhìn thẳng vào chúng tôi:

- Thầy xin tạm biệt, cũng có thể sẽ không bao giờ được gặp lại các em nữa, thầy chúc các em tiến bộ, đạt kết quả tốt trong kỳ thi và luôn nhớ lời thầy, phải luôn luôn yêu đất nước mình, vì đất nước mình. Đừng bao giờ quên điều này.

Nói xong, thầy quay qua nhìn Đốc, Đốc không chút ngạc nhiên. Thầy nói:

- Em Đốc hãy luôn nhớ những lời thầy dạy, thầy tin ở em.

Đốc đáp lời thầy rồi nhìn chúng tôi chào từ giã, ánh mắt của Đốc dừng lại lâu hơn ở Hoàng Ny, lúc này chúng tôi cũng bất ngờ, Hoàng Ny đứng dậy nhìn Đốc, hai mắt đỏ hoe...

Cái tin giáo sư Nguyễn Sanh và học sinh La Văn Đốc bị bắt làm nổ ra những cuộc xuống đường bãi khóa mới. Bạn bè ai cũng ngạc nhiên, có cái nhìn khác về Đốc, có phần ngưỡng mộ. Sau một thời gian, nghe tin đồn thầy Sanh đã bị kêu án tù Côn Đảo, còn Đốc, trên đường chuyển trại giam, đã đảo thoát, cáo thị tầm nã dán khắp nơi. Có tin nói là Đốc đã bí mật bỏ vô rừng. Và thế là chúng tôi bặt tin Đốc một thời gian dài, không biết Đốc ra sao, ở đâu...

Cho đến một ngày vào năm 1980, nhờ có chút năng khiếu sáng tác, tôi được giới thiệu về huyện Đại Lộc thực tế để viết bài. Tại đây, đang có nhiều nhân vật điển hình, anh hùng trong chiến đấu hôm nay lại tiên tiến trong lao động dựng xây. Báo chí ngày nào cũng đưa tin bài về những đổi mới tích cực cần nhân rộng của huyện Đại Lộc, mà người tiên phong phất lá cờ đổi mới là một phó chủ tịch trẻ, năng động, nhiệt huyết và táo bạo. Đó là La Văn Đốc.

Tôi không ngạc nhiên lắm về cuộc gặp gỡ bạn tôi. Cái tên La Văn Đốc cả mấy tháng nay xuất hiện hàng ngày trên các trang báo. Tôi chỉ bất ngờ trước những tâm sự của Đốc trong lần chúng tôi gặp mặt. Sau lời chào hỏi thân tình của hai thằng bạn học ngày xưa, không giống một cuộc phỏng vấn để tìm hiểu thực tế khi về địa phương, Đốc kéo tôi ra quán má Tư, cái quán nhỏ từng bí mật nuôi Đốc những ngày đầu mới thoát ly. Đốc khác xưa nhiều lắm, cứng cỏi, khắc khổ, có vẻ tiếu lâm bất cần đời, không như hình ảnh tôi tưởng tượng về một phó chủ tịch năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của một miền đất anh hùng.

- Mình đưa cụ ra đây, nói chuyện cho thoải mái, viết chi được thì viết, không thì thôi. Chỉ cốt hai điều: Một là ngắn gọn, đúng ý mình, đừng thêm bớt đừng tô vẽ, hai là nói răng cho mấy ổng nhìn ra được cái thực trạng của quê mình, chứ cứ khen miết thì không ra việc, cụ về đây cũng như không.

Và bên ly rượu, Đốc càng nói càng say, càng cố kìm nén, càng bộc lộ những cảm xúc lâu lắm rồi mới được nói ra.

- Khang thấy đó, chiến tranh qua rồi, bắt đầu phải xây dựng, phải cần những con người tài năng, nhiệt huyết, mà nhiều chuyện tiêu cực, dốt nát xảy ra hàng ngày, nghĩ mãi không ra... Nếu có viết thì viết cho đúng ý dân, không thì thôi...

Tôi hiểu những bức xúc, dồn nén của Đốc, một thằng bạn thẳng tính, gan liều, thời học sinh dám vô rừng cầm súng theo lý tưởng của mình, mà đành uất ức cam chịu trước những bất bình.

Tôi hỏi, chỉ để làm dịu lại cơn nóng của Đốc:

- Thôi, chuyện bài vở tính sau, mình hiểu ý Đốc, mình sẽ không bôi đen, cũng không tô hồng cái nơi mà Đốc đã hết lòng thương yêu lo lắng như thế. Còn chuyện vợ con, đã lâu không nghe tin của Đốc, có phải ngày đó, cậu và Hoàng Ny...

- Đúng là hồi đó, hai đứa có thương nhau nhưng chỉ có hẹn hò đi cà phê hay ăn chè thôi. Say mê cũng không dám, sợ nhà Ny bắt gặp. Nhưng rồi thôi chuyện không thành. Biết ba Ny là ai không? Là ông Đại tá Quận trưởng ký giấy bắt mình đó. Năm 75 mình về, có tìm Ny, nhưng gia đình đã chuyển nhà đi mất rồi...

Lặng yên rất lâu, rồi chúng tôi lặng lẽ cụng ly. Và từ đó, tôi không còn gặp Đốc nữa, trong một thời gian rất dài, dù đã hỏi thăm nhiều nơi. Cuộc đời nhiều khi thật lạ, như một vở kịch, không ai lường được những đột biến, những sắp xếp đầy bất ngờ. Một ngày, qua câu chuyện với một người bạn, tôi nghe tin về Đốc. Một cái tin khiến tôi ngỡ ngàng không biết vì bất mãn với cuộc đời, đùa giỡn với số phận hay muốn tự mình tìm con đường giải thoát, Đốc cạo đầu, mặc áo nâu, xin vào một ngôi chùa ở Long An. Nhìn tấm ảnh của bạn, trong lớp áo nâu sồng, tôi không thấy được vẻ an nhiên tĩnh tại của một nhà tu. Cặp mắt của Đốc vẫn u uẩn, vẫn đau đáu như trong lần gặp trước một thời sống cho niềm tin trong sáng tuổi thanh xuân, không lẽ giờ đây, Đốc dễ dàng bỏ cuộc, tìm chốn bình yên cho riêng mình? Tôi không tin, biết chắc có ngày sẽ gặp lại Đốc, Đốc của những ngày xưa...

Đó là câu chuyện đã lâu lắm rồi. Sau này hỏi thăm về Đốc, chỉ trong những lần họa hoằn họp lớp. Và về Đốc chỉ là những hồi ức, những câu hỏi không ai trả lời, chỉ cái tên Lạ và Độc là còn trong chúng tôi một hoài niệm tươi tắn có đôi phần xót xa...

 

- Khang!

Đang đi, tôi bỗng giật mình vì tiếng kêu giật ngược...

Và trước mắt tôi là Đốc, Đốc của một buổi chiều mùa hè, năm hai ngàn không trăm hai mươi mốt.

Không còn bóng dáng của một nhà tu hành với đôi mắt ưu ẩn đầy nỗi niềm, cũng không còn vẻ bức xúc, cay đắng của anh cán bộ huyện khô khan năm nào. Đốc vui vẻ, trẻ trung, sôi nổi làm tôi rất ngạc nhiên và vui mừng vì biết Đốc đã tìm lại được niềm tin yêu cuộc sống. Đốc tỏ ra vui mừng, bất ngờ với những đổi thay của Đà Nẵng. Đốc hồ hởi:

⁃ Mình vẫn mơ một ngày về như thế này. Đà Nẵng đổi mới quá nhanh, đến nỗi không nhận ra. Đúng là thành phố đáng sống.

Niềm vui của Đốc làm tôi vui lây, chúng tôi vui vẻ kéo nhau vào một quán nhỏ bên đường. Dưới vòm lá phượng xum xuê nở đầy hoa đỏ, câu chuyện của Đốc đưa tôi về Long An, miền đất Đốc đã chọn làm quê hương thứ hai. Ở đó, nhà tu trẻ sau hơn một năm nấp bóng dưới mái chùa với nhiều trăn trở, suy tư, một ngày đi hành thiện theo nhóm thanh niên Phật tử, tự thấy mình không có duyên theo Phật, khi trái tim còn quá mẫn cảm với cuộc đời. Vâng theo lời khuyên của Sư phụ trụ trì, Đốc rời chùa, ra đi tìm cho mình con đường mới. Với sự giúp đỡ của nhiều người, Đốc nhanh chóng tìm được việc làm ở một công ty kinh doanh tốt, có nhiều hoạt động xã hội. Và từ một nhân viên, với sự thông minh, tài năng và nhiệt tình, Đốc dần dần thăng tiến, bây giờ Đốc đã là một phó giám đốc được lòng tin của lãnh đạo và của công nhân.

Trong quán nhỏ bên đường, chúng tôi ôn lại chuyện ngày xưa, thời học sinh sôi nổi, ai còn ở lại ai đã đi xa. Niềm vui, nỗi nhớ, bâng khuâng bồi hồi, chúng tôi chưa muốn chia tay. Bỗng có tiếng còi ô tô bên kia đường, Đốc vội vàng đứng dậy, đưa nhanh cho tôi số điện thoại, địa chỉ liên hệ, rồi ôm tôi chào từ giã.

- Thôi, rất tiếc, mình sẽ gặp lại sau. Mình phải đi gấp để nhận thêm một số hàng bà con Đà Nẵng chuyển cho Bắc Giang, Bắc Ninh chống dịch. Thôi, mình đi nghe, chắc chắn sẽ gặp lại.

Chuyến xe chở Đốc, bạn tôi, ra Bắc mang theo tấm lòng miền Nam. Tôi còn ngồi lại rất lâu một mình trong quán. Vừa buồn, vừa vui, nhưng lại thấy tin yêu cuộc đời hơn...

N..D.K

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchĐại dịchThương gửi ấu thơBóng Tròn lưu lạcChim khổng tước hay hótBạn tôiChiều vàng phaiTình yêu không tênĐừng buồn nghe conHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidThơ Thái HuyềnThơ Tần hoài Dạ VũThơ Bùi Viết AnhThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngNhững hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIITừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Hội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiHội họa của vua Hàm NghiNhớ Vũ HânĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnHoài niệm rừng khộp khôTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Đóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênTất cả sẽ ổnTung mồiPhút giải laoChiều muộn bên cầu tình yêuRa khơiHải đăng Sơn TràPhía bên kia thành phốVượt quaRồi sẽ bình yênHết dịch rồi về với con