Thơ Thái Huyền

28.09.2021

Thơ Thái Huyền

Thái Huyền sinh năm 1960, là bút hiệu của Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trú trì chùa Quán Thế Âm - quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng. Thơ Thái Huyền từ trước năm 2000 đã thường xuất hiện trong các diễn đàn sinh hoạt văn hóa Phật giáo. Đặc biệt liên tục 30 năm nay thầy là người chủ trương Giai Phẩm Diệu Âm xuất bản thường kỳ vào dịp Lễ hội Quán Thế Âm tổ chức tại Đà Nẵng.

Thi phẩm “Cưỡi sóng phiêu bồng” là tác phẩm đầu tay của Thái Huyền do nhà xuất bản Đà Nẵng cấp phép ấn hành vào mùa xuân 2021.  

Tạp chí Non Nước trân trọng giới thiệu một chùm thơ của Thái Huyền rút từ tập “Cưỡi sóng phiêu bồng”.

 

Chèo qua sông núi Ngũ Hành

Chênh vênh núi đá đêm mờ

Lênh đênh sông nước thuyền mơ bềnh bồng

Nhịp chèo ta hát bên sông

Trăng sao rụng xuống mênh mông cõi bờ

 

 Nước non khuya bỗng là thơ

 Sương tan thành rượu đôi bờ nghiêng say

 Chìm trong phố thị ngàn mây

 Đèn xa vọng sáng về đây nhạt nhòa

 

 Bụi bờ cồn bãi cỏ hoa

 Cá chim ếch dế hòa ca đất trời

 Quê hương tình tự muôn đời

 Còn nghe điệp khúc tuyệt vời hôm nay

 

 Rằng xưa chàng Lý thơ say

 Yêu trăng ta cũng ngất ngây giang đầu

 Tử sinh giấc mộng cơ cầu

 Còn nghe điệp khúc nhiệm màu tiêu dao

 Gió vờn bên ngọn đèn chao

 Tri âm mấy gã còn nao nức tình

 Quê hương đây khúc thanh bình

 Chùa non cao tiếng chày kinh trầm hùng

 

 Triều xa âm vọng vô cùng

 Lạnh hồn lữ khách muôn trùng quan san

 Quê hương trụ vũ ngút ngàn

 Hoài trong mắt cũng mang mang cõi lòng

 

 Nghiêng vai cho núi xuống dòng

 Ngàn thu sông suối một lòng biển xanh

 Về đây Non Nước Ngũ Hành

 Mùa trăng trẩy hội đêm thanh bình về

 

 Dạt dào khúc nhạc tình quê

 Mười phương lữ khách cùng về hòa chan.

 

Chuối môn thương nhớ mẹ

Cây môn bên bụi chuối

Ao vườn cá vờn sen

Nắng hồng hoa tím dại

Đời vui nên ngọt ngào

 

Mẹ ơi! Yêu thương mẹ

Dạt dào cõi quê tình

Mưa mưa hiu hiu gió

Bao mùa nên ý thơ

 

Mai hồng tia nắng ấm

Trưa hè về đong đưa

Hoàng hôn niềm sương khói

Khuya nhạc trùng ca ngân

 

Xanh môn vàng buồng chuối

Bữa cơm bên vườn nhà

Nhớ thương rơi giọt lệ

Mẹ xưa chừ đã xa.

 

Chùa quê

Chiều nay bàng bạc màu sương khói

Đâu đây trầm dịu câu kinh thề

Tôi đi đâu cũng mang thương nhớ

Vườn chùa xưa cũ đượm tình quê

 

Nắng mưa dầu dãi màu gian khổ

Ngây ngơ tình trắng áo lam mơ

Tôi yêu cây cỏ con chim hót

Sợi nắng vàng thu trăng xõa mờ

Chùa quê nghèo lắm nhưng tôi mến

Mộc mạc tâm hồn với cỏ cây

Mà sao thân thiết bao trìu mến

Ngày lành thường lắm chuyện hay hay

 

Có đêm thức trắng ngồi dăm đứa

Hương trà thiền vị mộng với thơ

Bây chừ người ở nơi nao nhỉ

Không nhớ thì thương chớ hững hờ

 

Nơi đây xa vắng phồn hoa quá

Cửa tùng u tịch tiếng chuông rơi

Ai đi trong cõi vô cùng đó

Tri âm còn đợi khách ngàn khơi

 

Vài lời thơ ngắn làm sao xiết

Diệu vời hiền hạnh mái chùa xưa

Ở chưa lâu lắm làm sao biết

Làng quê tình tự mấy cho vừa

 

Quên thôi thế sự đa đoan lắm

Bạn xưa chùa cũ vẫn tình quê

Tìm chi ảo mộng nhân gian mãi

Người tình quê ơi! Hãy trở về.

 

Tặng em

Tặng em một cánh đồng xanh

Ngôi nhà mộc mạc mái tranh ven đồi

Tặng đàn cò trắng bay chơi

Tự do tung liệng giữa trời mênh mông

 

Tặng con thuyền nhỏ qua sông

Một đời trôi chảy nhẹ thong dong lùa

Tặng con đường có nắng mưa

Mái chùa che chở bốn mùa nên thơ

 

Tặng cho mây núi sương mờ

Một vầng dương sáng tinh mơ yên bình

Mai đào xuân sắc tươi xinh

Nhạc xuân em hát trong tình hoan ca

T.H

Bài viết khác cùng số

Đà Nẵng - Những ngày phòng tránh dịchĐại dịchThương gửi ấu thơBóng Tròn lưu lạcChim khổng tước hay hótBạn tôiChiều vàng phaiTình yêu không tênĐừng buồn nghe conHòa Xuân, những ngày tránh dịch CovidĐà Nẵng ơi, bình yên sẽ trở vềTrên đỉnh đèo Hải Vân trong những ngày dịch CovidThơ Thái HuyềnThơ Tần hoài Dạ VũThơ Bùi Viết AnhThơ Thái Bảo - Dương ĐỳnhThơ Huỳnh Thị Quỳnh NgaĐi tìm “Gió hoang vu” trong truyện và ký của Mỹ AnLá Quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở Đà NẵngNhững hình ảnh tiêu biểu nhất xứ Quảng thế kỷ XVIIITừ góc nhìn văn hóa, nghĩ về dự án “Vườn Mẹ”Hội Âm nhạc Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng tác phẩmDi tích Phong Lệ: Suy nghĩ về tiềm năng và phát triển du lịch văn hóa - nghệ thuật Champa tại Đà NẵngChủ đề dịch bệnh trong văn học và phim ảnh Hàn Quốc đương đạiHội họa của vua Hàm NghiNhớ Vũ HânĐynh Trầm Ca, lỡ chuyến... giữa đời rộng ga buồnHoài niệm rừng khộp khôTiếng gọi bản ngã trong “Người yêu ơi”Đóng góp của Phạm Phú Thứ đối với Hải Dương và Quảng YênTất cả sẽ ổnTung mồiPhút giải laoChiều muộn bên cầu tình yêuRa khơiHải đăng Sơn TràPhía bên kia thành phốVượt quaRồi sẽ bình yênHết dịch rồi về với con