Thơ từ những tấm lòng

16.07.2009

Thơ từ những tấm lòng

(Đọc  tập thơ CLB thơ Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn)
 

Quận Ngũ Hành Sơn nằm trên vị thế đẹp của thành phố Đà Nẵng. Nơi đây có một vùng văn hoá, một vùng tâm linh toả ra từ 5 ngọn Non Nước. Mảnh đất được ôm ấp một bên biển xanh trong, một bên là dòng sông Hàn, sông Cổ Cò thơ mộng. Biến ấy, sông ấy, năm ngọn núi ấy quyến rũ người thơ tụ về cất lên tiếng nói từ sâu thẳm lòng mình về tình yêu cuộc sống.

Mỗi người làm thơ tưởng như bay cùng sương khói nhưng thực ra họ luôn nặng trĩu nỗi lòng. Anh Phan Minh Mẫn tâm sự: “Chẳng dễ gì gieo nỗi một mầm thơ trên cánh đồng khô hạn, đành mang niềm cô đơn đi suốt những bến bờ. Và kì diệu thay, lắm lúc tôi lại bắt gặp niềm hạnh phúc từ trong chính nỗi cô đơn của riêng mình”. Thơ nhiều khi là tiếng nói của nỗi buồn, của niềm cô đơn, khi tiếng nói được cất lên bằng lời thì nỗi buồn được hoá giải, cô đơn được hoá giải thành tiếng reo vui. “Có những lúc tưởng chừng suy sụp tinh thần buông xuôi số phận, thơ, như liều thuốc an thần, giúp tôi vượt qua khe cửa hẹp cuộc đời” - anh Võ Thành Vọng đã chiêm nghiệm từ chính cuộc đời mình như vậy.

Nhà thơ Phùng Quán khi về Đà Nẵng anh thường nói với bạn bè: mỗi khi vấp ngã trong cuộc đời anh thường “vịn câu thơ mà đứng dậy”. Thơ như điểm tựa cho tâm hồn trĩu nặng của đời người, giúp chúng ta “vượt qua khe cửa hẹp cuộc đời” tiếp tục đứng lên và sống. Chị Thanh Tùng (Phạm Thị Mai) quan niệm: “Thơ là chìa khóa mở rộng cánh cửa tâm hồn, biến những hoen rỉ xơ cứng trở thành những tính cách cao thượng, tạo màu xanh dịu mát làm đâm chồi nẩy lộc hoa trái của tình yêu”. Đó là sự kỳ diệu của Thơ, chính sự kỳ diệu đó lý giải vì sao thơ luôn đồng hành cùng dân tộc qua bao thăng trầm của lịch sử, thơ gắn liền với tình yêu và cùng cái đẹp trường tồn.

Anh Trương Quang Sinh cho rằng “Thơ phải có ích cho đời, phải gắn với cuộc sống”, điều đó không có gì bàn cãi, tuy nhiên khi thơ “gắn với cuộc sống” không chỉ “gắn” về nội dung mà có một hình thức nghệ thuật phù hợp với cuộc sống đó. Thơ có cuộc sống riêng, luôn vận động và phát triển về nội dung và hình thức nghệ thuật. Thơ Việt trong tiến trình phát triển của nó đã có những đỉnh cao về thể thơ lục bát, thơ đường luật, thơ mới (giai đoạn 1930-1945), thơ tự do (từ 1945 đến nay)… Thơ hiện đại phát triển còn mờ nhạt, gần đây bước đầu có một số nhà thơ đang tìm hướng cách tân nhưng chưa tạo được một “tiếng nói mới” cho một dòng thơ.  Chính vì thế anh Trần Quỳ, không hẳn phản đối sự đổi mới thi pháp thơ, nhưng còn băn khoăn trước một số bài thơ được gọi “tân hình thức”, “hậu hiện đại” hiện nay: “Thơ Việt Nam được cách tân ra sao? Hiện tại, có một số bài thơ đăng trên báo, tạp chí tôi thấy thơ như câu văn xuôi chưa trọn nghĩa đã qua hàng, không vần, không nhạc điệu; các tứ thơ, ngôn từ trong cùng một bài thơ không thống nhất tiêu chí; cũng có thơ như đánh đố người đọc. Tôi thiết nghĩ, thơ là tiếng nói của tâm hồn, lắng đọng trong người đọc tình cảm, ý tưởng cao đẹp về cuộc sống đồng thời là phương tiện truyền cảm xúc tình yêu nghệ thuật”.

Đối với tập thơ thuộc Câu Lạc bộ thơ Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn đặt ra vấn đề “cách tân thơ ra sao” rất là khó, nhất là trong bối cảnh thơ và người tiếp nhận thơ còn nhiều bất cập như hiện nay. Tuy nhiên, những tác giả có thơ đăng trong tập này đều trăn trở về sự cách tân thơ, như chị Hoàng Bạch Nga đã trăn trở: “câu thơ đẹp là câu thơ phải thật sự đi vào lòng người...”, như anh Phan Minh Mẫn thổ lộ “Nghe chừng tóc đã thôi xanh / Còn đem thân phận treo cành phù dung!”.

Khép tập thơ lại, trong tôi hiện lên những ánh mắt thơ tin yêu cuộc sống. Rải rác trong tập thơ còn một số câu thơ, bài thơ chưa thật chín, chưa thật mới lạ nhưng lại ẩn chứa bên trong một tấm lòng mộc mạc, chân tình.

                                                NN