Đất nở Hoa
Khi mới thành lập làm gì có những thứ này, khổ trăm bề, cái máy để in văn bản cũng chẳng có đâu…nhất là lúc các em đau ốm, anh em phải chạy ngược chạy xuôi…
Ông Hoàng Xuân Thanh- Phó ban điều hành Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố thành phố Đà Nẵng chỉ tay một vòng khắp văn phòng, bộc bạch với tôi như thế. Uống ngụm nước, ông lại chỉ lên những tấm bảng treo trên tường có ghi tên các tổ chức, nhà nhân đạo đã tài trợ cho trung tâm suốt thời gian qua.Tôi nhẩm được trên dưới 40 cái tên, chủ yếu là các tổ chức của người Pháp.
- Không có những nhà tài trợ này thì…có em phải mổ tim tận trong bệnh viện Sài Gòn, mất đến hơn 5 ngàn đô…
Ở tuổi nghỉ hưu, ánh mắt và giọng nói của người cựu phóng viên báo Đà Nẵng năm xưa ấy vẫn ấm áp và còn khỏe khoắn như bậc trung niên dẫu đã gần hai mươi năm trời, luôn dõi theo bước đi của biết bao mảnh đời bất hạnh, đã phải gánh vác bao sự lo toan cho tương lai của những người con từ tấm bé đến lúc trưởng thành.
- Thời ấy, tôi thấy trẻ em lang thang, ngủ đường, ngủ chợ nhiều quá, thế là bàn với một số anh em thành lập trung tâm, ban đầu anh em phải bỏ tiền ra mà lo cho các em, vì tài trợ có hạn. Đưa các em về đây rồi thì công việc tối mặt, nào sắp xếp cuộc sống cho các em, chạy đi tìm nhà tài trợ…toàn là những em lang thang bụi đời, mồ côi, trộm cắp… Từ khi Thành phố quyết thực hiện "5 không" thì trẻ em lang thang hầu như không còn, giờ tìm đâu ra trẻ em ngủ vỉa hè, ngủ chợ?
Ông Thanh vừa đẩy li trà về phía tôi vừa cao giọng như thế. Câu chuyện sôi nổi dần lên, nhất là khi ông kể về việc xây trường nghề cho các em, phải lên gặp Bí thư Thành Ủy Nguyễn Bá Thanh để xin mảnh đất rộng hai ngàn rưỡi mét vuông như thế nào, rồi chuyện đưa các em đi bệnh viện cực khổ thế nào, chuyện làm báo, chuyện đời với những băn khoăn, buồn vui lẫn lộn…
Chiều hôm ấy, ánh nắng chứa chan, con đường Lê Văn Hiến ồn ào xe cộ và bụi bay mù mịt, khiến tôi nhận rõ một điều: Cuộc sống đang vận động không ngừng với nhịp điệu khẩn trương và sôi động. Tôi rẽ vào một con hẻm nhỏ, lặng lẽ, đầu hẻm không có bảng tên đường, đi hết con hẻm vô danh đó, tôi có cảm giác như vừa đi một chuyến xe dài từ thành thị ồn ào đến một vùng thôn quê xa lắc nào đó, bởi trước mặt tôi lúc này là một mảnh vườn nhỏ với tán cây che phủ dọc lối vào, một dãy nhà hai tầng bình dị, một bầu không khí yên bình, những bóng nắng xuyên qua tán lá nhảy múa dọc lối đi, cùng những làn gió nhẹ tựa lời ru của mẹ năm nào. Cảm giác bình an bỗng ngập lòng mà tôi chỉ có được trong mỗi lần về thăm quê, nơi có người mẹ tảo tần sớm hôm, người bố hiền từ, những tình cảm thân thương của mọi người và với bóng nắng nhảy múa dọc đường làng râm mát trong những buổi tản bộ đến trường.
Trước mặt tôi là người phụ nữ có nước da bánh mật, ánh mắt dịu hiền, đầy ắp tình thương và giọng nói dịu ngọt. Cô Nguyễn Thị Nhung, trưởng gia đình số1 và gia đình số 5 ở đây. Mặc dù đã tròn năm mươi và làm bố làm mẹ của biết bao mảnh đời bất hạnh suốt mười tám năm qua, nhưng đến giờ cô vẫn còn độc thân. Nâng li trà mời tôi, với giọng đầy cảm xúc, ánh mắt cô lúc xa xăm, lúc gần gũi.
- Khi trung tâm vừa thành lập, cái gì cũng thiếu thốn, khổ sở lắm. Hồi đó cô mới chỉ là cô giáo trẻ dạy tiểu học, đến dạy từ thiện ở đây và sau một thời gian ngắn, cô quyết định đến ở đây, làm bố làm mẹ của các em luôn…
Giọng của cô Nhung lúc bổng lúc trầm, hòa vào không gian êm ả của buổi chiều, như tạo thành những giọt tình thương thiêng liêng cảm hóa hồn người.
- Hồi đó, cô và những bố mẹ khác thường đến những nơi họp chợ để đưa các em về, đa số là những em bụi đời, trộm cắp, dẫn gái, đánh nhau… lúc đầu, các em đâu có tin mình, ban đêm về đây ngủ rồi lại đi, có em đi chán rồi lại về, các bố các mẹ chỉ biết cố gắng dành tình thương cho các em, luôn luôn chờ đợi, và sẵn sàng là chỗ dựa tinh thần cho các em bất cứ lúc nào. Phải mất một thời gian dài, các em mới chịu tin mình, mới chịu để cho mình chăm sóc, vì mặc cảm quá mà, có em vì mặc cảm quá mà đi tự tử, may mà cứu được…
Thời gian thầm lặng trôi qua, mới đó mà đã mười tám năm rồi, cô giáo trẻ chưa chồng năm xưa bây giờ đã là một phụ nữ với cái tuổi năm mươi tròn trĩnh. Mười tám năm thời gian đủ để một em bé gái trở thành một thiếu nữ đầy sức sống, cũng chừng ấy thời gian, người ta có thể tạo nên biết bao điều kì diệu. Những bố, những mẹ và cô Nhung ở trung tâm này cũng đã tạo nên những sự kì diệu, nhưng họ vẫn thầm lặng với thời gian, cuộc đời, thầm lặng đến nỗi người đời rất dễ bỏ qua những kì tích mà họ đã tạo được ở trung tâm nhỏ bé này. Âm thanh của những quả xoài rơi qua tán lá cùng với những tiếng cười nói của các em đang hái xoài tạo nên một bầu không khí ấm cúng của một gia đình thực sự. Chỉ tay về phía từng em, cô Nhung cố nói cao giọng như để át đi sự nghẹn ngào đang dâng ngập trong lòng.
- Con bé đó khi về đây mới học mẫu giáo, bố mẹ li dị… Thằng nhỏ này lúc mới về đau ốm thường xuyên, bố mẹ đều mất rồi…
- Sao cô không chịu lấy chồng?
- Duyên số thôi con ạ!
Hai tiếng “duyên số” trong câu nói của cô Nhung ẩn chứa nhiều điều lắm! Cũng có thể cô Nhung chưa tìm được người như ý, nhưng việc cô Nhung tự nguyện làm bố làm mẹ của các em và hy sinh mọi thứ để chăm lo cho tương lai của các em hẳn không là “duyên số” hay sao? Bao nhiêu tình cảm, thời gian cô đều dành cho các em hết rồi, còn đâu nữa mà nghĩ đến chuyện yêu đương, gia đình! Cô Nhung đưa tôi đi thăm mọi thứ ở đây, nào phòng bếp, phòng ăn, phòng đọc sách, xem ti vi đến thư viện sách, những chiếc máy tính nối mạng internet, những đồ chơi trẻ em, tất cả đều gọn gàng ngăn nắp và đang làm bệ phóng cho các em vào tương lai. Nhìn hình ảnh của hai ông bà Jackgraziani và Renecgarziani, người Pháp, nhà tài trợ cho trung tâm từ năm 1995 đến 2008, căn phòng của nhà tài trợ mới cũng của người Pháp và cô sinh viên Anne đến từ thành phố Lille của nước Pháp đang nhảy dây cùng các em, tôi bỗng liên tưởng đến một sự trái ngược giữa thực dân Pháp và những người Pháp thời nay, nếu thực dân pháp khi xưa tống vào nhà tù những con người lương thiện và biến họ thành những kẻ bất hạnh thì những người Pháp bây giờ đang góp phần không nhỏ vào công cuộc biến những kẻ lang thang bụi đời thành những người có ích cho xã hội, và phải chăng đó cũng là quy luật của cuộc đời?
Bước đi bên cạnh cô Nhung trong ánh nắng chiều đầy sức sống rải nhẹ xuống sân, với những làn gió thoang thoảng tôi có cảm giác như đi bên mẹ mình, tình yêu thương của người mẹ hiền nơi cô Nhung như đang lan sang tôi với một cảm giác êm dịu vô cùng.
- Mỗi lần cô dắt xe ra là các em lại hỏi: “Mẹ đi đâu vậy!Mẹ đi có lâu không! Khi nào mẹ về!”, những lúc ấy cô cảm động lắm, mình phải hy sinh tất cả cho các em thôi con ạ, và mặc dù bây giờ, những khoảnh khắc buồn nơi các em rất ít nhưng nỗi mặc cảm thì biết bao giờ mà xóa hết được!
Bước về phía các em, cô vẫy tay gọi một em lại gần, xoa đầu và ôm em vào lòng.
- Thằng bé này bị dị tật bẩm sinh, lên trường học không được, nhà trường cho về học ở nhà, bây giờ cô phải kèm nó thôi… trong việc dạy dỗ các em thì cốt yếu nhất là làm cho các em biết thế nào là làm người, biết tự mình đối phó với những cám dỗ ngoài xã hội, biết vươn lên, hướng đến một tương lai tốt đẹp, đừng bao giờ áp đặt các em, cô vẫn thường xuyên kể về nguồn gốc của các em cho các em nghe…
Hoàng hôn đang buông dần nhưng các em vẫn còn hái xoài trong tiếng cười trong trẻo và sắp xoài vào thùng để đem biếu những bạn khác ở các gia đình của trung tâm. Thấy tôi vẫy tay, Thúy An bỏ thùng xoài lại bên thềm, nhẹ nhàng bước đến ngồi tựa vào chiếc ghế. Trước mặt tôi lúc này là cô gái có làn da trắng mịn, ánh mắt đen và sáng, khóe cười như hoa nở. Tên đầy đủ của em là Ngô Hoàng Thúy An, sinh viên năm thứ hai, khoa Anh văn, trường Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng, Thúy An có giọng nói thanh thoát và đầy cảm xúc.
- Bố là ai thì em vẫn chưa biết, mẹ em trước đây là thanh niên xung phong, quê ngoài bắc… hồi đó, mẹ thường lấy khăn địu hai chị em, đứa trước bụng, đứa sau lưng để làm ở dưới chợ cá gần sông Hàn, tối lại chỉ ngủ ở chợ, em thấy nhiều anh chị ban ngày thì trộm cắp, đêm về ngủ ở đó…Em vào trung tâm từ năm 1996 và bắt đầu học lớp một…
Kể được chốc lát, Thúy An lại ngưng như để kìm nén sự xúc động.
- Bây giờ em coi đây là nhà mình rồi! Đi đâu cũng thấy nhớ, muốn về ngay!
- Thúy An thích sau này sẽ làm gì ?
- Em muốn trở thành một thông dịch viên ạ!
Đó là nghề rất cao quý và đòi hỏi chuyên môn cao, nhưng với Thúy An thì đó là ước mơ cháy bỏng, là cái đích mà em sẽ phấn đấu để đạt được trong tương lai, tôi tin là Thúy An sẽ thực hiện được. Thúy An kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện, nào chuyện học hành, chuyện đi dạy kèm, chuyện đi học bị bạn trêu chọc… nhưng nhiều nhất vẫn là những dự định trong tương lai, và qua Thúy An, tôi được biết các em ở đây hầu hết đều học khá, có em là học sinh giỏi, xuất sắc mấy năm liền, có em nhờ học giỏi mà được sang Pháp du học, và từ khi thành lập trung tâm(1991) đến nay, có biết bao ngườì con trưởng thành từ đây, hầu như ai cũng có việc làm ổn định, có người giờ là kỹ sư, sỹ quan, ông chủ xưởng cơ khí hẳn hoi…Và mặc dù trường học, chỗ dạy kèm có xa đến mấy, Thúy An vẫn lặng thầm với chiếc xe đạp của mình mỗi ngày, em còn dành thời gian kèm cặp những em khác ở trung tâm, giúp việc nhà…tất cả những gì mà cô sinh viên Thúy An đang cố gắng từng ngày đều vì một tương lai tươi sáng, dù vất vả hay đắng cay, đôi mắt trong sáng của Thúy An vẫn luôn hướng về những chân trời mới, và tôi nhận thấy trước mặt mình là bông Huệ Trắng đang bắt đầu tỏa hương cho đời. Rồi đây, Thúy An sẽ là một thông dịch viên cho những đoàn ngoại giao của các nước đầu tư vào nước mình, biết đâu Thúy An cũng có thể trở thành một nhà ngoại giao góp phần đưa nền kinh tế đất nước hòa nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới…
Trước đây, mỗi khi nhắc đến trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố, nhiều người cho rằng đó chỉ là những đứa bé tội nghiệp và yếu đuối, mà ít ai biết rằng Thúy An và những mảnh đời bất hạnh khác ở đây đang tự đứng lên, biết kìm nén nỗi đau mà vươn tới những vì sao lung linh vẫy gọi, còn gì đáng phục hơn?
Bữa cơm tối được bày ở ngoài sân, cùng ngồi với tôi có Sơn- học tiểu học, bố không còn, mẹ vào tù…Thái- học tiểu học, mẹ không còn, bố làm thuê…Phúc- mồ côi từ nhỏ, đang học tiểu học…một đĩa thịt, một đĩa cá, một đĩa rau muống luộc…các em đều đẩy về phía tôi và ngồi khiêm nhường chờ tôi bưng bát lên, các em mới cầm đũa. Bữa cơm rôm rả lên bởi những câu nói hài hước của các em, hễ tôi hỏi về ước mơ của ai thì những em khác liền đùa xen vào một cách tinh nghịch: “Nó sẽ buôn ma túy như mẹ nó…nó sẽ đạp xích lô như ba nó…" Rồi tất cả cùng cười, những tiếng cười rạng rỡ, đầy tự tin như dội thẳng vào lòng tôi, nghe ra như tiếng của những thiên thần vừa rũ sạch được nỗi đau trần thế. Phải chăng các em chưa hiểu đó là những nỗi đau đớn nhất, hay các em đã đau quá rồi nên giờ nhìn lại chỉ cảm thấy bình thường? Phải chăng các em đã lớn thực sự, đã biết kìm nén nỗi đau để hướng về những điều cao cả? Tôi cảm giác như đang có sự vươn lên mạnh mẽ trong những tâm hồn thơ ngây ấy, ánh mắt nào cũng trong sáng và có cái gì đó của sự chín chắn, của khao khát, của những hoài bão tốt đẹp… Tôi và các em vừa ăn vừa nói chuyện về tương lai rất nhiều, em nào cũng hào hứng lắm, em thì thích vẽ, em thích nhạc, em thích khoa học… tuy mỗi em có một sở thích riêng nhưng em nào cũng đều mong muốn: lớn lên có nhà cửa, được học hành tử tế, được sống cùng anh chị em mình… vì các em rất sợ phải tiếp tục lang thang.
So với những em khác ở những gia đình bên ngoài xã hội thì các em ở đây có được ý thức cao hơn, mọi sinh hoạt từ việc học hành đến lao động, giúp việc nhà, từ việc xếp bàn ghế, rửa bát, quét nhà…chăm sóc cây, vật nuôi, các em đều cắt phiên làm một cách nghiêm túc,tôi bỗng liên tưởng đến câu nói của một ai đó: "Ở đời không có đường cùng mà chỉ có những ranh giới, điều quan trọng là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới đó". Các em và biết bao người con trưởng thành từ đây là những người thuộc câu nói đó nhất, họ đã biết vượt qua đau thương để đến với những thành công, và những nhành Huệ Trắng ấy vẫn tiếp tục trổ bông, tỏa hương, tôi chợt nghĩ đến cái tâm và cái tài của những bố, những mẹ ở trung tâm này, họ xứng đáng là những nhà giáo dục học, nhà tâm lí, nhà xã hội học…họ có trái tim với tình thương yêu bao la…
AN THƯỢNG