Khi người cha khóc

16.07.2009

Khi người cha khóc

Truyện ngắn
 

Cha tôi rất nghiêm khắc. Ông là giám đốc một công ty lớn. Mẹ tôi ở nhà, chăm lo nội trợ. Mẹ rất thương và chiều chuộng tôi.

Giữa giấc, tôi tỉnh dậy xuống nhà dưới. Cha đang ngồi đó, trên chiếc ghế bành vẫn giành riêng cho ông, mỗi khi ông tiếp khách, hay khi cả nhà quây quần nói chuyện. Cha ngồi đó, mặt hơi cúi xuống. Ông lấy tay áo dụi mắt liên tục rồi ngước lên, nheo nheo nhìn và hỏi.

Con đi vệ sinh à!?

- Không. À vâng! - Tôi đáp và tiến lại phía cha. - Con thấy hơi đói...

Tôi ngạc nhiên vì mắt cha đỏ hoe. Tôi cảm thấy sợ.

- Cha ngồi đây à!? - Tôi hỏi.

- Ừ! Cha ngồi đây. - Ông đáp.

- Cha khóc à!? - Tôi lấy hết can đảm hỏi.

- Ừ! Cha khóc - Ông đáp.

- Dạ!... Có phải vì con không? - Tôi hỏi.

Cha tôi cúi xuống rút cái chai dưới gậm bàn lên, rót vào chén. Ông hơi lập cập, làm rượu tràn ra bàn. Ông uống một chén rượu, lại thêm một chén nữa. Rượu làm mắt ông ướt hơn.

- Cha cảm thấy rất hoang mang - Ông nói.

- Con hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa mà - Tôi nói.

- Cha tin con nhưng cha vẫn lo - Ông nói - Năm nay con tròn 18 tuổi, như thế là trưởng thành rồi. Hôm đưa mẹ con đến bệnh viện để sinh con, mưa bão rất to cha cảm thấy rất sợ, cha cũng suýt khóc.

- Con hứa với cha, con sẽ không bao giờ tái phạm nữa - Tôi nói.  - Xin cha đừng lo.

- Cha không thể cầm roi đánh con như hồi còn bé nữa - Ông nói - Con đã có cách suy nghĩ riêng, hành động riêng...

- Xin cha tin con - Tôi nói.

- Cha tin con - Ông nói - Nhưng cuộc sống bây giờ nhiều cạm bẫy lắm, trong quá trình vật lộn để có cơ nghiệp như hôm nay, cha rất hiểu.

- Cha ạ! - Tôi nói - Cha phải tin con, con cũng có bản lĩnh của mình chứ.

- Ừ! Cha tin con của cha - Ông nói - Nhưng cha vẫn lo. Đấy là quyền của cha. Cha lo cho con của mình.

- Xin cha đừng lo - Tôi bắt đầu cảm thấy giọng run run, tôi thấy nước bắt đầu làm mờ mắt mình - Xin cha tin con, cha tha thứ cho con.

- Ồ! Con trai - Cha nói - Đàn ông mà khóc là xấu lắm. Đàn ông mà khóc là không phải đàn ông.

- Cha cũng đừng khóc nữa - Tôi vừa nấc vừa nói.

- Cha khóc vì cha là cha - Ông nói - Lâu lắm rồi, dễ có đến hai chục năm, kể từ ngày ông nội mất, đây là lần đầu tiên cha khóc.

- Cha sợ mẹ và các em nhìn thấy à - Tôi hỏi.

- Ừ - Ông nói - Cha không ngủ được, cha sợ mẹ và các em nhìn thấy nên cha ra phòng khách, để cha khóc.

- Cha là trụ cột gia đình mà - Tôi nói - Nếu thấy cha khóc, mọi người chắc sẽ sợ lắm. Thấy cha khóc, con cũng cảm thấy sợ, rất sợ.

- Con không được sợ - Ông nói - Cha không muốn con của cha sợ hãi trước bất cứ điều gì. Con có muốn uống một chút rượu không!?

- Thế sao cha khóc? Cha cảm thấy sợ hãi ư? - Tôi hỏi.

- Không. - Ông nói - Cha không sợ hãi. Cha chỉ cảm thấy lo lắng. Cha cảm thấy hối hận nữa.

- Cha hối hận vì không quan tâm đầy đủ đến gia đình ư!? - Tôi hỏi.

- Ừ! Ông nói - Cha còn hối hận về tuổi trẻ của cha, về những điều cha đã đối xử không đúng với ông, bà nội của con. Bác con trốn đi bộ đội rồi hy sinh. Còn cha thì bỏ làng lên thành phố. Ngày ấy, cha cũng trạc tuổi con bây giờ.

- Con không ngờ sự thể lại ra như thế - Tôi nói - Quả thực con không ngờ.

- Cha chỉ cảm thấy lo thôi - Ông nói - Công an họ gọi điện đến, cha cảm thấy rất lo.

- Chỉ là sinh nhật thằng bạn con thôi mà - Tôi nói - Nó cũng là con nhà tử tế. Nhà nó giàu lắm. Cha biết mà.

- Ừ! Cha biết - Ông nói - Cha có biết gia đình cậu bạn đó của con.

- Bọn con đang nhảy - Tôi nói - Thế rồi công an ập vào. Quả thực con không biết chuyện gì xảy ra, họ đẩy chúng con lên xe...

- Ừ! Cha biết cả rồi - Ông nói - Cha chỉ lo thôi. Cuộc sống nhiều cạm bẫy lắm, nhưng con của cha đừng lo.

- Công an họ lấy tên tuổi, địa chỉ, làm test thử gì đấy, rồi họ cho con về - Tôi nói - Con không hề ngờ chúng nó dùng thứ đó. Quả thật, chúng nó cũng rủ nhưng con không dùng. Uống thứ đó vào, bọn chúng nhảy nhót dữ quá.

- Ừ! Cha biết cả rồi. - Ông nói - Con không phải thanh minh nữa.

- Nếu cha lo - Tôi nói - Con sẽ không chơi với mấy đứa đó nữa. Con sẽ không bao giờ đến vũ trường nữa. Con sẽ không bỏ lớp học thêm buổi tối để đi chơi nữa.

- Không! - Ông nói - Cha không cấm con chơi với các bạn. Cha không cấm con đến vũ trường, nếu thứ đó là cần thiết cho xã hội, và được luật pháp cho phép. Cha chỉ lo con của cha một phút yếu lòng, một lần không may, con của cha sẽ vướng vào điều xấu nào đó, rồi con sẽ trượt dài theo nó, con hiểu không!? Cuộc sống bây giờ nguy hiểm hơn cuộc sống ngày xưa. Mà con của cha hãy còn trẻ. Vả lại, con tiêu tiền như thế là hơi nhiều.

- Chỉ là hội hè thôi cha ạ - Tôi nói.

- Ừ! - Ông nói - Con của cha cũng phải có bạn bè chứ. Mà con của cha chưa đi vệ sinh à. Con đi vệ sinh đi.

- Con không muốn đi vệ sinh nữa - Tôi nói.

- Nhịn đi vệ sinh lâu là có hại đấy con ạ - Ông nói.

Tôi đi lại kéo rộng rèm cửa. Ngoài sân, màn đêm đã chuyển sang màu xám nhạt. Tôi trông thấy rõ những chậu hoa cảnh, hòn non bộ, mấy giò phong lan đu đưa, một người bán bánh mì rong đạp xe thoáng qua cổng. Tôi nhìn cao hơn, xa hơn vượt lên trên những biển hiệu cửa hàng, những nóc mái lô nhô, có vài đám mây ửng đỏ ở nửa kia của bầu trời... Trong tôi chợt có một điều gì hé rạng.

- Bình minh rồi cha ạ - Tôi ngoảnh lại nói với ông.

- Bình minh lên rồi hả con - Ông nói - Bình minh là một điều tốt lành. Cha rất thích bình minh. Thôi, con đi vệ sinh rồi vào ngủ đi, mẹ con cũng sắp dậy rồi đấy. Cha phải ra tập thể dục, hít thở một chút rồi đi làm.

- Vâng cha ạ! - Tôi nói.

Tôi đi vệ sinh, rồi quay vào phòng ngủ lại. Hôm nay là chủ nhật. Tôi không hề cảm thấy buồn ngủ. Nơi cái ghế bành bệ vệ, cha ngồi đó. Tôi đã thấy nhiều người nhờ cậy, quỵ lụy cha, có người còn khóc trước mặt cha. Nhiều người nói cha tôi là kẻ sắt đá, kẻ không tim. Trước đây, tôi không hề ngờ cha tôi biết khóc.

 
Vinh, ngày 10 tháng 3 năm 2008

ĐẬU HẢI NAM