Đạo diễn Nguyễn Văn Khánh một nghệ sĩ - chiến sĩ kiên cường
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Văn Khánh sinh ngày 20-9-1918 là một nhân cách sáng tạo đáng kính, người có công gầy dựng phong trào kịch hát bài chòi ở các tỉnh miền Trung trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Là một bàn tay tổ chức giỏi, đã xây dựng nhiều đoàn nghệ thuật trong thời chiến, ông được anh chị em văn nghệ quí mến vì ông chăm lo đến đời sống của họ. Ông là niềm tự hào của con cháu đã phát triển gien (gène) nghệ thuật của mình: con gái là NSND Trà Giang, cháu ngoại là nghệ sĩ dương cầm tài danh Bích Trà.
Đầu Cách mạng tháng Tám, đoàn ca kịch Ngọc Sương được thành lập tại Phan Thiết để lập quỹ nuôi quân. Cũng từ đấy bắt đầu sự nghiệp sân khấu của Nguyễn Văn Khánh. Bạn bè gọi ông là Khánh cao vì tầm vóc cao lớn. Ông nổi lên qua vai diễn Nguyễn Thái Học trong ca kịch “Bức màn Yên Bái” của Đoàn. Trong một trận càn, bà Ngọc Sương cùng một số diễn viên bị địch bắt nên đoàn Ngọc Sương tan vỡ. Thôi ở đoàn, ông được lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng và phụ trách Đoàn tuyên truyền văn nghệ Mặt trận Việt Minh tỉnh Bình Thuận. Sau đó ông lập Đoàn Tuyên truyền võ trong Quân Dân chính “Sao vàng”. Bị địch bắt trong một trận càn, ông không chịu khuất phục kẻ thù. Vượt ngục, ông về Bà Rịa, công tác tại Ty văn hóa Thông tin tỉnh này. Trở lại Bình Thuận ông tái thiết đoàn Sao vàng, phát triển các hoạt động ca nhạc, kịch, triển lãm để tuyên truyền vận động nhân dân trong tỉnh. Ông xây dựng thêm bộ phận nhiếp ảnh, phim đèn chiếu để phục vụ chiến trường. Ông làm Phó Trưởng Ty Văn hóa Thông tin Bình Thuận và phụ trách Phân hội văn nghệ tỉnh này. Do những khó khăn về tài chính, Tỉnh ủy, và Ủy ban Nhân dân Bình Thuận điều động bộ phận nhiếp ảnh, đèn chiếu và một số anh chị em Đoàn Sao vàng ra Liên Khu V theo đường biển. Từ năm 1953 đến năm 1955 ông xây dựng và phụ trách Đoàn văn nghệ Tổng đội thanh niên xung phong Liên khu V phục vụ công trình làm đường chiến lược Tây Nguyên.
Tập kết ra Bắc, sau một thời gian phụ trách phòng tổ chức biểu diễn của Vụ sân khấu, ông về làm chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn dân ca Liên Khu V. Qua hai lớp đạo diễn của hai chuyên gia Liên Xô Vasiliev và Monokhov, ông làm trợ lý đạo diễn cho chuyên gia Liên Xô Padrize dàn dựng vở Ôpêra Epghênhi Ônêghin của nhà hát ca múa nhạc Việt Nam.
Những năm chống Mỹ cứu nước (1966-75) ông đưa một bộ phận của Đoàn dân ca Liên Khu V và của Đoàn Tuồng Liên khu V về phục vụ chiến trường Liên Khu ấy. Ông mở những lớp ngắn hạn đào tạo đạo diễn, diễn viên sân khấu cho cái tỉnh miền Trung Trung bộ. Phụ trách trường nghệ thuật sân khấu Liên Khu V rồi làm Phó Chủ tịch, Ủy viên Đảng đoàn Hội văn nghệ giải phóng Liên Khu V, ông cùng một số cán bộ tổ chức tập huấn cho 4 đoàn:
1- Đoàn ca nhạc kịch Trị Thiên
2- Đoàn ca múa nhạc miền núi Quảng
3- Đoàn Tuồng B
4- Đoàn dân ca B
Đầu năm 1973, đoàn thứ nhất về chiến trường Trị Thiên, ba đoàn kia về chiến trường Liên Khu V hoạt động cho đến ngày Miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Sau 1975 ông được bầu vào Ban chấp hành Hội sân khấu Việt Nam, phụ trách bộ phận phía Nam của tạp chí Sân khấu tại thành phố Hồ Chí Minh. Bốn năm sau ông ra miền Trung giúp đỡ phong trào sân khấu dân ca kịch cho đến khi nghỉ hưu.
Đạo diễn Nguyễn Văn Khánh là người đặt những viên gạch đầu tiên cho nghệ thuật đạo diễn sân khấu kịch hát bài chòi, một đặc sản văn hóa tinh thần của Liên khu V. Đành rằng sân khấu kịch hát này manh nha từ thời kháng chiến chống Pháp ở Liên khu nhà nhưng từ khi có Đoàn Dân ca Liên khu V mà ông là Phó Trưởng đoàn - Chỉ đạo nghệ thuật, các vấn đề học thuật về kịch hát dân ca này mới từng bước được giải quyết trên cơ sở thể nghiệm. Với một tập thể sáng tạo gồm nhà biên kịch Nguyễn Tường Nhẫn, các nhạc sĩ Hoàng Lê, Trương Đình Quang, biên đạo Vĩnh Huế, Quỳnh Hoa, các diễn viên chính Lệ Thi, Đinh Thái Sơn, Nguyễn Kiểm, NSUT Nguyễn Văn Khánh liên tiếp thành công trong công tác đạo diễn các vở dân ca kịch bài chòi như:
1- Thoại Khanh Châu Tuấn Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu lần thứ nhất (1958)
2- Đội kịch Chim chèo bẻo Huy chương bạc Hội diễn sân khấu
3- Bông trắng Huy chương vàng Hội diễn khu vực các tỉnh phía
Ngoài ra ông còn dàn dựng cho Đoàn dân ca kịch Phú Khánh:
- Dưới chân núi đá bia
- Trần Quốc Toản
- Sóng ngầm vùng biển lặng
Và dàn dựng cho Đoàn dân ca Kịch Thuận Hải:
- Bông trắng
- Một mạng người
- Trong vòng tay
- Nghêu Sò Ốc Hến
Ông cho thử cách diễn một vài loại vai theo phong cách kịch hát bài chòi và rút kinh nghiệm. Về sau các vai ấy được các đoàn dân ca Kịch ở Liên Khu V coi như vai mẫu và những thể nghiệm này được tổng kết thành lý luận để giảng dạy ở các lớp tập huấn diễn viên kịch hát thời chống Mỹ cứu nước. Mở trường nghệ thuật sân khấu Liên Khu V, ông có điều kiện kiểm chứng từ thực tiễn những kết quả thể nghiệm của mình về dân ca kịch bài chòi.
Là một đạo diễn được đào tạo một cách hệ thống ở hai lớp đạo diễn của Vasiliev, Monokhov rồi ở lớp đạo diễn điện ảnh (ông cùng học với Hải Ninh, Trần Vũ, Huy Thành) qua công tác trợ lý đạo diễn cho chuyên gia Liên Xô Padrize dàn dựng vở Ôpêra “Epghênhi Ôneghin” ông được trang bị những kiến thức cơ bản về nghệ thuật đạo diễn nên không còn bỡ ngỡ khi bước lên con đường mới “xây dựng loại hình ca kịch bài chòi”. Đến nay loại hình dân ca kịch này đã có đời sống sân khấu và được nhân dân Liên Khu V yêu thích. Tuy còn nhiều việc phải làm tiếp như xây dựng:
1. Hệ thống lý luận làm cơ sở lịch sử, lý luận và phương pháp cho ca kịch bài chòi.
2. Hệ thống làn điệu đặc trưng cho loại hình dân ca kịch này.
3. Hệ thống động tác hình thể đặc trưng cho loại hình này
Kịch hát bài chòi - một loại hình dân ca kịch Liên Khu V - đã có chỗ đứng trên sân khấu dân tộc Việt bên cạnh Tuồng, Chèo, Cải lương.
NSƯT Nguyễn Văn Khánh thuộc lớp đạo diễn tiền bối của dân ca kịch Liên Khu V.
Nói đến ông, ngoài phần tài năng, còn có đạo đức. Là một đảng viên kiên định lập trường cách mạng, không chịu khuất phục trước kẻ thù, ông đã ba lần suýt chết:
1. Lần bị bắt trong một trận càn, ít lâu sau ông trốn thoát được. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Lựu - bị địch bắt giam thay cho chồng.
2. Lần ông đi từ Khu 8 về căn cứ Ôrô, có tin ông bị phục kích và hy sinh cùng đồng đội. Cơ quan ở nhà làm lễ truy điệu ông và báo tin cho bà Lựu. Gia đình lập bàn thờ, để tang ông. Cũng may lần này ông thoát nạn.
3. Lần bằng ghe bầu, gia đình ông vượt biển từ Hàm Tân ra Bình Định đúng lúc giặc Pháp đổ bộ lên Tam Quan. Tưởng là ghe bầu của địch, dân quân du kích rút chốt lựu đạn định ném. Ông Khánh phải bảo Trà Giang- con gái mình - bế em hét to lên: “Chúng tôi là dân Bình Thuận mới vừa ra đây, chứ không phải theo giặc đâu”. Dân quân không ném lựu đạn lên thuyền. Thế là thoát chết.
Từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vào Nam, lại ra Bắc, vào Nam, trong kháng chiến chống Mỹ ông không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng đến mọi nơi theo yêu cầu của tổ chức. Có lần bị thương nặng trên chiến trường Liên Khu V, ông phải trở ra Bắc điều trị. Ông dày công xây dựng phong trào dân ca kịch bài chòi cho các tỉnh miền Trung, Khán giả Liên Khu V có dịp gặp lại ông Khánh “Sao Vàng” qua các vở Bông trắng, Một mạng người, Nghêu Sò Ốc Hến, Dưới chân núi đá bia.
Ông Khánh nói năng dễ nghe, có khả năng tập hợp quần chúng và đoàn kết lực lượng, nên thường được cấp trên giao nhiệm vụ tổ chức và lãnh đạo các đoàn nghệ thuật trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Ông biết người biết việc, công minh chính trực, quan tâm đến đời sống cán bộ diễn viên trong đoàn nên họ rất quí mến ông. Theo ông, văn nghệ sĩ cần được quan tâm một cách thiết thực để con tằm có thể nhả tơ dệt nên lụa là gấm vóc cho xã hội. Đừng để đến khi họ chết rồi mới khóc thương. Hãy có trách nhiệm khi họ sống cơ cực hoặc hoạn nạn, hãy làm gì để giúp họ vượt qua khó khăn.
Là một nghệ sĩ - chiến sĩ bất khuất trước kẻ thù xâm lược, đạo diễn Nguyễn Văn Khánh gắn cuộc đời mình với sân khấu ca kịch dân tộc Việt. Sự năng nổ nhiệt tình của ông đối với phong trào nghệ thuật quần chúng Liên Khu V làm cho tên tuổi ông quen thuộc với những người yêu thích ca kịch bài chòi. Danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, huân chương độc lập hạng ba, những huân chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những huân huy chương chiến thắng các hạng, những huy chương vàng, bạc tặng cho các vở kịch hát bài chòi nói lên sự cống hiến lớn lao của ông và niềm tin của Đảng, Nhà nước đối với một nghệ sĩ - chiến sĩ kiên cường, suốt đời phấn đấu cho nền nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt Nam.
GS.TSKH LÂM TÔ LỘC (1)
(1) Trong lúc chúng tôi lên khuôn bài viết này, BBT nhận tin GS-TS Lâm Tô Lộc lâm bệnh nặng và qua đời ngày 23-5-2009, thọ 81 tuổi. Tạp chí Non Nước gửi lời chia buồn cùng gia quyến GS-TS Lâm Tô Lộc.