Một tiếng chim kêu sáng cả rừng

16.07.2009

Một tiếng chim kêu sáng cả rừng

Trong bài "Màu xanh và màu chàm", nhắc lại lời Xuân Diệu giới thiệu Khương Hữu Dũng: "...Người thi sĩ là người làm được những câu thơ hay. Xem những đoạn, những câu thơ hay của Khương Hữu Dụng, tôi phải gật gù đắc ý. Tôi rất biết tài của người đã làm những câu thơ súc tích như:

Một tiếng chim kêu sáng cả rừng

Lên đường chân lại nối theo chân

Đêm qua đầu chụm run bên đá

Nay lại cùng mây sưởi nắng hừng...

Đỗ Bạch Mai viết: Hãy nhớ rằng câu thơ Một tiếng chim kêu sáng cả rừng  đã được viết từ những năm 1947-1948. Thật hiện đại, thật mới mẻ! Và nhà thơ Khương Hữu Dũng cho đến tuổi tám mươi lăm hiện nay, vẫn không ngừng tạo nên những điều bí ẩn diệu kỳ như vậy trong sáng tạo của mình".

Trong bài "Khương Hữu Dũng tám mươi tuổi trẻ", đọc lại "Từ đêm Mười chín", đến câu Một tiếng chim kêu sáng cả rừng, Võ Quảng và Công Uẩn viết: "Câu thơ long lanh một cách lạ... Nó long lanh soi suốt bản Trường ca như một ánh trăng. Câu thơ kỳ ngộ mà khi đọc, người ta như muốn soi lên xem ở dưới những chữ bình thường, dưới lớp giấy giang nghèo nàn kia có ẩn náu cái gì không mà sáng thế, ngân nga thế!".

Trong "Từ đêm Mười chín tới giờ vẫn thơ", Thanh Thảo viết "Từ đêm Mười chín", Già Khương đã có Một tiếng chim kêu sáng cả rừng là một câu thần cú giữa những câu thơ hừng hực"... Trong "Khương Hữu Dụng 73 năm thơ", Thanh Thảo lại viết: "Khương Hữu Dụng đã có Một tiếng chim kêu sáng cả rừng, tiếng chim ấy là Trường ca "Từ đêm Mười chín" nổi tiếng. Cảm hứng sử thi, sự xúc động ngột ngạt trước một đại cảnh hào hùng và bi thương khi toàn dân vùng lên kháng chiến đã chắp cánh cho Trường ca của Khương Hữu Dụng những thăng hoa tư tưởng, thăng hoa hình ảnh, thăng hoa ngôn từ".

Đến bài "Nhà thơ Khương Hữu Dụng", Thế Gia lại viết: "Trong thơ ca kháng chiến, "Từ đêm Mười chín" của Khương Hữu Dụng đúng là Một tiếng chim kêu sáng cả rừng văn chương Việt Nam".

Trong bài "Trăm năm trong cõi người thơ" Hoài Anh lại viết: "Một tiếng chim kêu sáng cả rừng chính là đã tạo được tương giao (corespondance) giữa âm thanh, màu sắc và ánh sáng như quan niệm của Baudelaire. Nhưng đọc liền cả bốn câu, lại thấy hơi thơ cổ phong rất luyện. Khổ thơ này là sự kỳ ngộ giữa hồn thơ Đường và hồn thơ Pháp, nhưng được chắt lọc trong hồn thơ Việt".

Ngay từ nhan đề bài viết của mình, Như Bình đã hình tượng hóa "Khương Hữu Dụng, nhà thơ sống gần mười thập niên" thành "Một tiếng chim kêu sáng cả rừng".

Trong Lời nói đầu tập "Từ đêm Mười chín" tái bản năm 1996, Nguyễn Chí Trung viết: "Từ đêm Mười chín" - Một tiếng chim kêu sáng cả rừng đã in dấu về một thời hùng tráng và đẹp vô cùng của dân tộc... "Từ đêm Mười chín" xuất bản lần này để Kỷ niệm 50 năm ngày Toàn quốc Kháng chiến, mừng nhà thơ Khương Hữu Dụng đại thọ, tròn 90".

Trong bài "Một cuộc hành quân", Trinh Đường viết: "Chủ trì một phong cách thơ Khương Hữu Dụng, ta thấy ông nhà nho yêu nước qua những bài thơ họa với cụ Phan Bội Châu, ông bập bẹ bên ba với tập thơ "Bi bô", ông bô lão trước bàn cờ "Côn Sơn", ông quạnh quẽ với "Đèn khuya thương bóng ma", ông tài tình trong Một tiếng chim kêu sáng cả rừng để ra trận với "Một cuộc hành quân". Hội tụ trong đoạn trích này âm điệu ly tao, màu sắc biên tái của Sầm Tham, bút lực "Bắc chinh" của Đỗ Phủ trên cơ sở một nền thi học uyên thâm... Với những thành công to lớn của ông trong sáng tác và trong dịch thuật, chỗ ông đáng được ngồi hình như chưa được bố trí, nhưng chỗ đứng trên thi đàn Việt Nam cận đại, nếu không có ông thì có ai?".

Đến ngày vĩnh biệt nhà thơ Khương Hữu Dụng, trong bài "Người trăm tuổi về cõi trăm năm", Thanh Thảo lại viết: "Từ Một tiếng chim kêu sáng cả rừng (Từ đêm Mười chín) đến Khẽ gửi đường dây một nụ hôn (Nghe điện thoại), thời gian đã tròn 50 năm mà thơ Khương Hữu Dụng vẫn hồn nhiên trong trẻo như vậy, điều đó đã nói lên tất cả về độ sáng của tâm hồn một Nhà thơ biết Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa cháu nhi đồng như Lỗ Tấn từng dạy".

Trong bài "Người đi dọc thế kỷ XX", Anh Ngọc viết: "Phải đến bản anh hùng ca "Từ đêm Mười chín", thơ Khương Hữu Dụng mới vượt đèo Hải Vân bay ra miền Bắc và cũng là vượt biên giới của thời gian để đến với thế hệ cầm súng chống Mỹ chúng tôi:

Rồi dốc, rồi truông, leo rồi leo

Rồi khe, rồi lạch, vòng cong queo

Lên, bám vào mây, xuống, bíu gió

Trượt chân, suối cuốn một làn rêu!

... Một tiếng chim kêu sáng cả rừng

Lên đường chân lại nối theo chân

Đêm qua đầu chụm run bên đã

Nay lại cùng mây sưởi nắng hừng...

Và với chúng tôi, cho đến bây giờ, nghĩa là 30 năm sau ngày chấm dứt chiến tranh, quay nhìn lại, hình ảnh trèo đèo lội suối bắt đầu từ cái đêm 19 ấy trong thơ Khương Hữu Dụng mãi là hình ảnh tiêu biểu của những thế hệ con dân nước Việt đem thân đi cứu nước, trở thành bức tượng đài dựng lên lồng lộng trên đỉnh Trường Sơn nóc nhà của Đất Nước và cũng là của thế kỷ XX".

Trong bài "Nhớ thương vô hạn, buồn vô hạn", Chu Thụy viết: "Giữa hàng nghìn câu người đọc vẫn bất ngờ bắt gặp những đoản khúc đẹp đến ngơ ngẩn như trong "Từ đêm Mười chín": Một tiếng chim kêu sáng cả rừng .../ Nay lại cùng mây sưởi nắng hừng"...

Trong bài "Lão Xuân", Hữu Mai viết: "Tôi chú ý tới bác vì nhớ câu thơ Một tiếng chim kêu sáng cả rừng trong Trường ca "Từ đêm Mười chín".

Trong "Khương Hữu Dụng, một đời thơ nối đầu hai thế kỷ", Nguyễn Thụy Kha viết: "Nhiều người thích câu thơ Một tiếng chim kêu sáng cả rừng trong Trường ca này. Tiếng chim "Từ đêm Mười chín" đã làm sáng cả rừng thơ chống Pháp"(1)

Và chỉ riêng câu thơ dưới đây cũng đã làm sáng tỏ ước nguyện trọn đời của Nhà thơ:

Chỉ ước trọn đời khi nhắm mắt

Được câu thần cú đủ vui rồi

            (Tám mươi rồi hả? Xuân 1987)

Nhưng không chỉ có thế. Điểm lại các thời kỳ sáng tác của Nhà thơ, chúng ta thấy rõ sự tiếp nối dòng thơ yêu nước của cụ Phan Bội Châu với những câu thơ khó quên về Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp: Tức tối tím đen gan thiết thạch / Não nồng sôi đỏ lệ tang thương...//Hoa lan đành cháy mùi lan đượm/ Thân trúc dầu thiêu lóng trúc còn. Tiếp theo là sự chuyển biến mang tính cách mạng của Nhà thơ khi làm Thơ Tranh đấu với những tác phẩm tiêu biểu như "Tìm đâu?" (hay "Vú em"), "Cái nghèo với bốn phương và Con đường sống": Con đường sống của bọn nghèo ta / Có một, và duy chỉ một, là / Tranh đấu luôn và tranh đấu mãi / Cho ngày mai đẹp hơn ngày qua. Điều đáng chú ý ở đây là sự chuyển biến của Nhà thơ sang dòng thơ cách mạng ngay từ đầu, khác hẳn với lớp nhà thơ công khai đang bị cuốn theo phong trào Thơ Mới. Nếu ở tập "Sương" bao phủ nỗi buồn tiễn biệt giữa những người bạn có chí hướng cách mạng thường bị nhà cầm quyền thuyên chuyển về các vùng khí hậu độc hại, với bài thơ tiêu biểu nhất là bài "Tiễn Nguyễn Đình bị đổi đi Di Linh" thì ở tập "Lệ", đó là nỗi đau mất vợ với các bài thơ tiêu biểu như "Ai có ngờ", "Hương còn", "Mở cửa mả". Có hiểu rõ ý chí kiên trì dòng thơ cách mạng ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, chúng ta mới càng thêm thấm thía về những thành tựu đầu tiên và xuất sắc của nhà thơ Khương Hữu Dụng trong những năm đầu Cách mạng và Kháng chiến với hai tác phẩm "Kinh nhật tụng của người Chiến sĩ" và bản anh hùng ca "Từ đêm Mười chín", với tư cách là những tác phẩm đặc sắc đầu tiên của Văn học Cách mạng và Kháng chiến, trong khi hầu hết các nhà thơ Mới còn đang trần mình "lột xác" để có thể hòa nhịp với những đòi hỏi của Cách mạng và Kháng chiến. Nếu "Kinh nhật tụng của người Chiến sĩ" đã trở thành "cẩm nang" ứng xử của các chiến sĩ cách mạng, nhất là những ai bị sa vòng tù ngục của thực dân đế quốc thì "Từ đêm Mười chín" là bản anh hùng ca đầu tiên và tiêu biểu chẳng những trên chiến trường Liên Khu 5 mà còn là của cả nước, xuất hiện ngay từ những năm đầu Toàn quốc Kháng chiến. "Từ đêm Mười chín" đã nhận được giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1951-1952, được đánh giá là "một thành tựu đáng chú ý trong bước tiến của cả nền Văn học" lúc bấy giờ. Thành tựu kép của cặp tác phẩm này quả là một vinh dự đặc sắc hiếm có đối với Nhà thơ đã sớm chọn và kiên trì con đường Thơ Cách mạng.

Nhân Kỷ niệm ngày Toàn quốc Kháng chiến năm 2003, mừng thọ nhà thơ Khương Hữu Dụng 98 tuổi, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đến thăm và chúc sức khỏe Nhà thơ với bức ảnh Đèo Hải Vân gợi nhớ trận Đèo Hải Vân trong "Từ đêm Mười chín". Đồng chí nói với giọng cảm động: "Bác làm thơ hơn 70 năm, bác có nhiều thơ, nhưng tôi nhớ nhất hai tác phẩm "Từ đêm Mười chín" và "Kinh nhật tụng của người Chiến sĩ". Trong đánh nhau có nhiều trận ta thắng nhưng cũng có những trận gặp khó khăn, thất bại. Tôi rất tâm đắc 6 câu thơ: Địch mạnh ta yếu, có hề chi / Địch nhiều ta ít, có lo gì / Ta, ngoài bộ đội còn dân chúng / Bức thành muôn thuở không nao núng / Ta, ngoài vũ khí còn nhân tâm / Sức mạnh muôn đời chống ngoại xâm. "Kinh nhật tụng của người Chiến sĩ" đề cao vai trò của Nhân dân, có những câu tôi thuộc: Trọng ở nơi Dân là gốc rễ/ Nước không Dân hồ dễ được ru?... Non sông là của cộng đồng/ Nước chung phải để Dân chung trị vì. Bác là Nhà thơ nói lên Tiếng Dân, nói về cái Tâm. Chúc Bác sống với con cháu và Nhân dân nhiều xuân nữa. Đời người rồi sẽ qua, nhưng tác phẩm và nhân cách thì sống mãi".

Từ "Những tiếng thân yêu" ngân vang tình yêu Đảng: Lòng nôi nào không ấm /Giấc mơ nào không thành / Tiếng chim nào không trong / Khi đời ta có Đảng... "Đọc "Ánh sáng và phù sa", Nhà thơ tâm sự với Chế Lan Viên: Hoan ơi! Không có Đảng ta / Dễ đâu ánh sáng chan hòa trang thơ... Ca ngợi Cây gạo bao nhiêu năm chia lìa, hoa vẫn đỏ / Tình yêu không biết chừa / Tình yêu mạnh hơn đau khổ/ Cho đến ngày đau khổ chết dần đi (Dưới gốc cây gạo). Ca ngợi "Tình ong" say hoa: Băng lối tìm hoa núi lại núi/ Ong ôm nhụy rũ dưới mưa sa/ Sống vì hoa chết cũng vì hoa. Tiêu biểu nhất là "Đợi anh về", một bài ngũ ngôn với ba khổ thơ ngắn gọn mà tình ý tràn đầy: Xin một nụ trên cành / Ủ kín nào thương nhớ/ Em để dành Mùa Xuân / Đợi anh về mới nở. Bỗng vang ngân lời thơ giật giọng: Bác mất rồi sao? Bác, Bác ơi! / Bác đang nói đó, Bác đang cười / Bác vừa xuống xã mùa chiêm trước / Bác mới lo đê trận lụt rồi / Lời Bác còn trên trang báo Đảng/ "Miền Nam luôn ở trái tim tôi"/ Trái tim của Bác, tim thời đại/ Đời Bác nằm trong mỗi cuộc đời (Bác, Bác ơi!).

Về cuộc đời, nghe reo vang chùm "Thơ Ông cháu", "Bi bô" với những "Bé trèo cây", "Bé thắc mắc", "Cô mẫu giáo", "Ba đều", "Quả bóng", "Ông cháu làm thơ", "Ghen với bướm", "Bé và ong"... Đến đây, thơ lão trượng đã đạt đến mức "cải lão hoàn đồng"! Đến tuổi 90, "Nghe điện thoại", Nhà thơ vẫn Khẽ gửi đường dây một nụ hôn / Nụ hôn ủ kín giữa tâm hồn/... Tình ta nồng nhiệt hơn dòng điện / Dù ở hai đầu vẫn ấm hơi".

Không chỉ trong sáng tác mà cả trong thơ dịch, tiếng thơ Khương Hữu Dụng vẫn lảnh lói một tiếng chim kêu sáng cả rừng dịch thuật Việt Nam. Khương Hữu Dụng Tuyển tập - Phần Thơ dịch, không chỉ đồ sộ về số lượng (1414 trang in khổ 14,5x20,5cm) mà còn đặc sắc về chất lượng cả ba phần dịch Thơ Đường, Thơ Tống; Thơ chữ Hán của các tác giả Việt Nam và Thơ Pháp. Đặc biệt công phu là bản dịch "Tỳ Bà hành" của Bạch Cư Dị, sau bản dịch lưu loát của Phan Huy Vịnh, theo quy luật bổ sung, Khương Hữu Dụng phải đợi đến cái tuổi ngoài 80 mới dám công bố bản dịch của mình đã sửa đi sửa lại ròng rã 30 năm. Quả là một kỳ công!

 
HỒ HOÀNG THANH
 
(1) Những trích dẫn từ đầu bài đến đây đều lấy từ "KHƯƠNG HỮU DỤNG - MỘT ĐỜI THƠ", tập Phê bình và Tiểu luận của nhiều tác giả - NXB Đà Nẵng, 2005.