Người thích làm chỉ huy

16.07.2009

Người thích làm chỉ huy

Truyện ngắn
 

Tôi vừa đẩy xe máy vào đến sân, đứa con gái út chạy từ trong nhà ra. Thay bằng lời reo “A, bố về”, nó nói:

- Bố ơi, bác Hà về hưu rồi!

Tôi sững người ngạc nhiên bởi Hà và tôi là bạn từ lớp vỡ lòng đến hết phổ thông, cùng nhập ngũ một ngày, cùng tiểu đội trong chiến tranh biên giới Tây Nam, rồi đuổi Phun-rô ở Tây Nguyên. Chuyển ngành, mỗi đứa một việc. Nhưng vì cùng xóm, con gái đầu của tôi lại là con dâu Hà nên chúng tôi càng thân nhau. Hà còn khỏe, mới 50 tuổi cơ mà?

Tôi vội sang nhà Hà, Đã lên ông nội, ngoại, chúng tôi vẫn thấy mình như còn trẻ trung, vẫn cứ thân mật mày tao:

- Sao mày về hưu? Về sớm buồn bỏ mẹ!

Hà im lặng một lúc, sau khi thở một hơi dài, cái giọng nghe buồn buồn:

- Tao không chức không quyền, về lúc nào chả được! Có chức quyền như mày, ở bao lâu càng tốt!

Biết anh bạn có tâm sự riêng, tôi không gợi chuyện nữa, nói lảng sang chuyện khác. Buổi chiều, tôi có việc xuống ủy ban xã, trở về đã thấy Hà đứng ở sân với thằng cu nhà tôi. Hai bác cháu nói chuyện gì mà mặt ai cũng vui. Thấy tôi, thằng con vội đi chỗ khác. Hà nói luôn:

- Tao về hưu là đúng, Đức ạ! Ở cũng vẫn là cái anh cán bộ tổng hợp của văn phòng ủy ban huyện, dưới quyền cái cậu phó văn phòng mới ba mươi. Cách đây sáu năm, chánh văn phòng về hưu, cứ ngỡ chức chánh hoặc phó sẽ đến tao. Ai ngờ... Ngay lần đó, tao không cay cú nữa, tự xác định ở huyện đã vào tuổi 44 mà không có vị thế gì rồi thôi. Cố sáu năm cho đủ 50. Thế mà, loáng một cái... Thời gian nhanh thật!

Nghe bạn kể, tôi hiểu bạn cũng thích danh vọng. Nhưng không được nên xin về sớm. Bạn tôi sống ngay thẳng quá, dễ mất lòng cấp trên. Nói vậy không có nghĩa là người nào trung thực cũng bị trù úm. Có ai đó nói, đó là số phận. Tôi tiếc cho Hà, một người tài hoa...

... Ngày Hà chuyển từ quân đội về quê cho gần vợ con. Ở ủy ban huyện, thiếu một cán bộ văn phòng. Họ nhận Hà. Ngày đầu tiên đến nhận công tác, ông chủ tịch huyện đã phủ đầu:

- Anh 32 tuổi, đại úy, lương một trăm một tháng, hơn lương chủ tịch huyện. Tớ nói trước nhé, chỉ bảo lưu lương sáu tháng thôi, sau đó sẽ xếp lại, tất nhiên thấp hơn đại úy nhiều đấy!

Hà chấp nhận, bởi có hai con nhỏ, gần nhà bằng ba bậc lương. Thoắt đấy đã hai mươi năm. Bốn đời chủ tịch huyện, ba đời chánh văn phòng về hưu, Hà vẫn là cán bộ tổng hợp. Giá cứ ở quân đội, bét ra Hà phải là thượng tá. Hà bảo:

- Nếu tớ ở quân đội, dù là thượng tá, chắc gì đã là thủ trưởng? Chắc cũng chỉ trợ lý mà thôi!

Một buổi chiều chủ nhật, Tính - vợ Hà sang nhà tôi, nói:

- Ông Hà cứ buồn vì không được làm chỉ huy, lãnh đạo. Đánh Pôn-pốt và Phun-rô được hai Huân chương chiến công hạng Nhất. Tiểu đội trưởng, trung đội trưởng hy sinh, anh ấy là tiểu đội phó cũng chả được lên thay. Nói không thích danh vọng là nói bậy, không đúng với lòng mình. Biết làm sao được, tôi thi không đỗ đại học, hai năm sau ở nhà làm vợ ông ấy. Chỉ cần ở với nhau một thời gian ngắn, tôi đã thấy đức ông chồng của tôi không thể làm được chỉ huy.

- Sao bà nói vậy?  tôi hỏi

Tính càng nói, tôi càng bị cuốn hút bởi lối kể chuyện rõ ràng, pha hình ảnh minh họa làm câu chuyện có sức nặng:

- Là đàn ông mà chăm chăm xem có cái áo nào của vợ con đứt cúc, tuột chỉ không, rồi tự tay cầm kim chỉ. Việc này kém gì đàn bà. Xưa khó khăn đã vậy, nay cứ bắt vợ con ra chợ mua quần áo may sẵn cho rẻ. Mua vải may thì công thợ nhiều bằng tiền vải. Thế này nữa chứ, lúc nào cũng nhắc vợ phải lo cái chuyện hai đứa con khi thay răng sữa, đừng để nó bị khễnh. Ăn cơm thì bắt con ăn cháy trước. Ông ấy không chịu hiểu bây giờ đã hết khó khăn mà cứ bắt ép con cái, cháy cơm còn thừa thì cho gà. Là một người chỉ huy phải lo toàn cục trận đánh, vạch kế hoạch cho lính làm. Vừa làm  tướng vừa làm quân, coi sao được.

Tôi nói:

- Nhưng cái bé mà không chú ý nhiều khi xé ra to đấy bà ạ!

Tính vẫn giữ ý kiến của mình:

- Nói  gì thì nói, người đàn ông mà chú ý toàn những việc nhỏ thì vứt!

Tính còn dẫn chứng nhiều việc nhỏ chồng mình làm, từ đó cho rằng Hà không thể làm chỉ huy là đúng. Biết không giải thích được, tôi để Tính nói hết. Tính về rồi tôi nghĩ đến Hà. Ngoài mặt trận, Hà có cách đánh rất thông minh, phán đoán hướng súng nổ chính xác ở chỗ nào, để vận dụng cho mình. Ngày ấy, đánh trên đất Cam-pu-chia, lính ta không thông thạo địa hình lắm, nhưng Hà đã tìm hiểu và nắm quy luật hoạt động của bọn chúng, báo cáo lên ban chỉ huy, trận nào ta cũng thắng. Hà có ba lần mạo hiểm vào tận hang ổ bọn Phun-rô, bắt sống tên chỉ huy. Tướng mạo Hà oai phong. Tư lệnh mặt trận có lần còn ngỡ Hà là chỉ huy cấp sư đoàn. Về ở ủy ban huyện, người mới đến còn tưởng là chủ tịch. Ông chủ tịch thật thì người nhỏ bé, thấp, ăn mặc xuềnh xoàng, không đúng với vị thế. Tôi nhớ cách đây mười năm, Hà cho tôi xem một dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện giai đoạn 1995-2005. Tôi kinh ngạc vì sự hiểu biết của Hà về tình hình trong huyện, mà lúc đó tôi là trưởng phòng một sở quan trọng trong tỉnh phải thán phục. Sau lần xem dự án nửa tháng, gặp Hà, tôi chưa kịp hỏi, Hà đã nói với vẻ mặt buồn như thời bao cấp mất phiếu thịt:

- Cái dự án ấy tao xé bỏ rồi!

- Sao lại xé?  - tôi hỏi giật giọng

Hà cho tôi biết khi trình thường trực ủy ban, các ông ấy bảo để xem đã. Hà đề nghị xem ngay thì các ông bảo Hà trình bày. Các ông đầu gật gù ra vẻ hài lòng. Hà hỏi các anh cho ý kiến thì họ bảo cứ cầm về đi. Hà bực mình cầm về luôn. Tôi hỏi:

- Thế sao cậu không để lại cho họ?

- Ngu gì mà để - Hà nói - họ sẽ chép của mình rồi trả lại và bảo không dùng được. Một thời gian ngắn nữa, họ nói đấy là của họ thì sao? Mày biết rồi đấy, hồi đánh giặc, bao nhiêu sáng kiến của tao thì đại đội trưởng nhận hết.

- Mày không tin lãnh đạo nên khó tiến bộ, lẽ ra mày bàn với tao đã. Chưa chi đã vội xé, khi cần lấy đâu?

- Tao xé nhưng vẫn nhớ cơ bản, nếu cần viết lại được. Thôi mà, số tao chỉ đến thế !

Sau dự án của Hà hai năm, trên sở nhận được dự án của huyện, chúng tôi xem so với của Hà thì thua xa. Trách ai bây giờ? Trách Hà không có niềm tin ở cấp trên chưa hẳn đã đúng, bởi Hà bị ám ảnh cái chuyện đánh giặc từ hai mươi năm trước nên cứ nghĩ ai là lãnh đạo cũng cướp công của lính.

... Hà vui vẻ trở lại sau hai tháng về hưu. Hôm có việc về thành phố Hà ghé đến chỗ tôi.

- Chào giám đốc sở nhé!

- Giám đốc cái con c..., bạn bè thôi! Mày có gì vui vậy?

Hà cho biết vợ chồng vừa đi du lịch ba tuần ở Nha Trang, sau đó lên Đà Lạt một tuần. Để 60 mới về thì gân cốt đâu mà đi như vậy. Ở lại làm lính cái cậu chánh văn phòng mới 30 tuổi, chỉ là đồ sai vặt cho nó. Nó sai quét nhà, đun nước, pha trà, lau cửa kính, đưa công văn. Đi muộn về sớm một tí là nó nhắc, trong khi nhiều lần nó đi rất muộn, có buổi trưa uống say, chiều nghỉ luôn, ai dám nói. Mình có việc xin nghỉ một ngày cũng thấy rất khó khăn. Đi tham quan học hỏi, giao lưu nơi khác, chả bao giờ mình được đi... Thôi, không tiếc nữa. Mày còn có thể tiến, cứ ở. Sẵn xe nhà nước, đi đâu thoải mái!

Tôi bảo làm gì có chuyện đó, đâu có phải thủ trưởng cơ quan nào cũng tùy tiện như vậy. Cơm nước xong, tôi và Hà còn hàn huyên lâu. Bắt tay ra về. Hà nói:

- Tao thích danh, nhưng không bằng mọi giá như mọi người. Mày thế là được. Chứ như những thằng khác, sao tao lại thèm thông gia với mày!
 

THANH HƯƠNG