Những mẩu chuyện về Bác Hồ

16.07.2009

Những mẩu chuyện về Bác Hồ

 

Đem tiền nhuận bút tặng chiến sĩ

Trong những năm tháng giặc Mĩ leo thang ra bắn phá miền Bắc, cả đất nước sống trong không khí sôi sục chiến đấu bừng bừng quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược. Các nhà máy, cơ quan, trường học và nhân dân ở Hà Nội đều sơ tán về các địa phương.

Bác Hồ vẫn làm việc tại ngôi nhà sàn trong Phủ Chủ tịch. Hằng ngày Bác theo dõi sát tình hình chiến sự xảy ra trên cả hai miền Nam, Bắc.

Một ngày hè nóng nực, Bác đi công tác về. Khi xe qua quảng trường Ba Đình, cái nắng hầm hập phả hơi nóng như thiêu đốt. Bỗng Bác nhìn lên nóc nhà Hội trường Ba Đình, thấy các đồng chí bộ đội ngồi trực chiến trên mâm pháo, Bác bảo đồng chí giúp việc cùng đi:

- Chú lên xem các chú trực chiến ở trên cao có đủ nước uống không?

Đồng chí giúp việc khẩn trương đi kiểm tra ngay. Gặp các chiến sĩ trực chiến, được biết anh em nhiều khi không đủ nước uống. Ngồi trực chiến trên cao, cái nắng, cái nóng như tăng lên bội phần. Biết tình hình, đồng chí giúp việc về báo cáo lại với Bác. Bác bảo đồng chí kiểm lại số tiền nhuận bút viết báo đem gửi tiết kiệm bấy lâu nay đưa cho Bộ Quốc phòng chuyển tặng các chiến sĩ phòng không dùng để mua nước giải khát cho các trận địa.

 
Bài học Bác dạy về cách đối xử với trẻ em

Nhớ hồi năm 1957, một hôm Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ:

- Chú Kỳ có bao giờ đánh con không?

Không dám giấu Bác, đồng chí Kỳ thú thật:

- Thưa Bác! Khi nóng giận cũng có lúc tôi đánh dọa vài roi ạ.

Giọng Bác vẫn nhẹ nhàng nhưng nghe thấy nghiêm khắc hơn:

- Thế là dã man đấy chú ạ.

Sau lần ấy, anh Kỳ suy ngẫm thấy rất đúng. Anh nói với anh chị em trong cơ quan:

- Bác nhìn nhận khuyết điểm, nhược điểm của con người một cách bình tĩnh như hiểu cái lẽ tự nhiên "bàn tay có ngón dài ngón ngắn vậy". Tấm lòng Bác mở rộng, bao dung cho tất cả...

Sống gần Bác trong nhiều năm, nhưng không bao giờ nghe Bác nói trẻ em hư, mà chỉ nói có một số trẻ em chậm tiến, có chỗ chưa tốt, chưa hay lắm. Cái chưa hay, chưa tốt ấy cần được uốn nắn một cách chân tình và kịp thời thì các em sẽ thành tốt hơn, đúng hơn. Không nên đánh trẻ em, mà phải biết tôn trọng các em.

Quan niệm đó được Bác thể hiện sinh động trong ứng xử với mọi lớp người, nhất là với trẻ em.
 

Tất cả cho các cháu

Trước khi đi thăm nước ngoài, Bác cho gọi kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, người được giao trọng trách thiết kế và thi công nhà sàn, dặn rằng:

- Khách của Bác có nhiều, có lúc Bác phải tiếp đông các cháu, vì vậy chú thiết kế cho Bác một hàng ghế xi-măng bao quanh.

Vâng lời Bác, các đồng chí đã thiết kế hàng ghế đó. Mỗi lần các cháu đến, các cháu quây quần bên Bác và được Bác chia bánh kẹo.

Một hôm, Bác nói với đồng chí giúp việc:

- Chú xem, khách "tí hon" của Bác khá nhiều, để các cháu vui thì phải có cái gì đó cho các cháu xem cho đỡ chán, chú gắng kiếm một chiếc bể về nuôi cá vàng làm cảnh cho các cháu.

Vâng lời Bác, đồng chí giúp việc đi tìm mua một bể nuôi cá đặt tại hành lang của tầng dưới ngôi nhà sàn và thả cá vàng rất đẹp.

Hằng ngày, sau giờ làm việc, Bác vẫn dành thời gian chăm sóc và cho cá vàng ăn.

Bác thường căn dặn:

- Cá cũng như người, mùa đông phải giữ nhiệt độ đủ ấm, chú nên làm một chiếc nắp đậy bể cá để bảo đảm độ ấm cho cá. Khách đến nhà thăm Bác, dù là khách người lớn hay là khách "tí hon" đều dừng chân ngắm bể cá vàng.

Nay Bác đã đi xa nhưng bể cá vẫn được giữ gìn, chăm sóc chu đáo. Hằng ngày các cháu và đồng bào cả nước đến thăm nhà sàn của Bác vẫn thấy những con cá vàng bơi trong bể như ngày nào Bác Hồ vẫn sống và làm việc ở đây.

Để cho có tiếng người

Một hôm vào đầu giờ làm việc buổi sáng, Bác bảo chú Kỳ bật đài, vì giờ đó có buổi ca nhạc thiếu nhi. Lắng nghe hết bài hát Bác hỏi:

- Chú Kỳ thử đoán xem cháu bé vừa hát chừng mấy tuổi.

- Thưa Bác, chừng 6 - 7 tuổi gì đó.

- Theo Bác thì ít hơn.

Hôm sau, chú Kỳ điện hỏi bên Đài Tiếng nói Việt Nam, thấy Bác đoán rất đúng. Thì ra Bác thường nghe các chương trình ca nhạc thiếu niên, nhi đồng, qua chiếc ra-đi-ô trong phòng ngủ nên Bác đoán được chính xác tuổi các cháu.

Chú Kỳ xem nhật kí của tổ bảo vệ, thấy ghi chép nhiều lần Bác thức rất khuya. Có hôm đã tắt đèn mà vẫn có tiếng đài ở trong phòng Bác ngủ. Chú Kỳ mạnh dạn hỏi Bác và được Bác giải thích:

- Bác mở đài không tắt đi chứ có phải quên đâu. Chú biết không, để đài nói cho có tiếng người!

Chú Vũ Kỳ hết sức xúc động trước câu nói của Bác. Trong một bài hồi kí, có lần chú Kỳ viết:

"Tôi bỗng sững lại trách mình quá vô tâm, vô tình. Hằng ngày sau khi xong công việc, tôi được về với gia đình. Lắm lúc nghe con khóc hay vợ cằn nhằn một việc gì đó, cảm thấy khó chịu. Bác sống một mình trong cái nhà sàn chả lấy gì rộng rãi, và trời về đêm, không gian sẽ trở nên mênh mông, vắng lặng, chỉ nghe gió đưa cây xào xạc, tiếng côn trùng nỉ non.

Ôi! Thương Bác biết bao nhiêu, đêm đêm chỉ thèm được nghe tiếng người".