Biển gọi

16.07.2009

Biển gọi

Bút ký dự thi
 

Đi khắp làng chài Nam Ô mới biết vào nơi đây chẳng khác nào đi vào một trận đồ. Đường vừa hẹp vừa lắm ngõ ngách khiến cho ai đến đây lần đầu đều có thể bị lạc. Thế là tôi cứ đi khắp làng, được dịp làm quen, tâm sự cùng các bậc cao niên mới biết rằng từ thuở xa xưa, cách đây chừng trên dưới 200 năm, những cư dân lần đầu tiên đặt chân đến đây đã làm nghề đánh bắt cá ven biển với những dụng cụ thô sơ nhất. Những cái giếng nước ngọt được đào, những chiếc thuyền thúng bằng tre được đóng, rồi cư dân đan lưới… Làng chài thuở xưa chỉ là những túp lều được dựng lên trên những bãi cát hoang vu bát ngát. Chỉ gió biển và những âm thanh hoang dã vọng xuống từ đèo Hải Vân là bạn tri kỉ với ngư dân.

Sống chan hoà vào thiên nhiên một cách quên mình, khi ấy con người dễ bỏ qua những hành vi mang nặng ý thức, con người sẽ ứng xử một cách phóng khoáng và phóng khoáng đến suồng sã. Dân chài nơi đây ngay từ thuở ban sơ đã hoà mình cùng gió biển sương giăng, sóng gào với thuyền với lưới…và cùng với những cơn cuồng phong, bão táp của đại dương nên lối sống, sinh hoạt của họ luôn phóng khoáng và mang đậm tính hoang dã. Ban đêm, ngủ ngoài bãi cát, ngủ trên thuyền sau những lúc làm việc mỏi mệt là chuyện không xa lạ với ngư dân; áo quần ướt thì cứ phơi dọc bãi cát là khô ngay…cho đến việc đi vệ sinh cũng chẳng cần đến những cái nhà cầu nhà kèo nào, gặp đâu thuận tiện là cứ việc thoải mái…và cứ thế, thời gian cứ trôi, cuộc sống dân chài lênh đênh cùng con sóng… “Trước đây có nhà nào chịu làm nhà vệ sinh đâu, anh không tưởng tượng được hết đâu! Họ sinh hoạt buông thả lắm!...”. Bác Vinh, chủ tịch Hội làng nghề nói như thế khi dẫn tôi sang nhà thờ Ông. Đi vào đến bức bình phong, bác đứng lại nhìn ra biển, chỉ trỏ một vòng: “Đấy!Anh xem, bây giờ khác hẳn chưa!”. Thật sự thì không cần đến lời khẳng định của bác Vinh, tôi cũng nhận thấy một sự thay đổi toàn diện và đột biến ở làng chài nhỏ bé này. Sự vươn mình mạnh mẽ của cả thành phố đã làm cho làng chài biết rũ bỏ những gì bị xem là lạc hậu, để hoà nhập cùng không khí đổi mới của cả thời đại. Nhìn những con đường bê tông, nhà lầu tuy chưa nhiều nhưng rất kiên cố, san sát mọc cạnh nhau, hầu như nhà nào cũng nền lát gạch hoa, xe máy hạng sang, tủ lạnh, đầy đủ mọi tiện nghi...cho đến nhà vệ sinh cũng lát gạch hoa bóng loáng. Lối sinh hoạt của ngư dân giờ ý tứ và thanh lịch chẳng kém ai! Gió biển như ru ngủ tôi trong từng bước chân trên cát trắng, và tôi nhận thấy nơi đây đang tràn ngập một thứ gió lạ, đó là những làn gió của sự đổi mới.

Nhắc đến cái thời súng giặc nổ ngoài khơi, những chiếc thuyền quen hơi người nằm khô trên cát ngửi mùi thuốc súng từ đại dương thổi vào và từ đất liền tạt ra. Nhưng, thói quen đánh bắt của ngư dân vẫn không bị dập tắt, như lớp than dưới đống tro, vẫn âm ỉ cùng thời gian chờ ngày bùng lên ngọn lửa khát khao, dân chài vẫn chèo những con thuyền thúng nhỏ dọc bờ kiếm con cá con tép sống qua ngày trong cảnh bom cày đạn réo… Và, mặc dù đã có một thời gian dài, nghề đánh bắt không đủ nuôi sống con người, một số người đã tranh thủ làm thêm nghề khác,cũng vì thế mà làng nghề có phần bị mai một đi, nhưng như một bản giao ước với thiên nhiên, họ lại quay trở về với nghề, với những gì thân yêu nhất của cái thuở ban sơ mà ông trời đã ban tặng cho họ. Và một sự trở về với nghề thật sung sức hơn bao giờ, cư dân chài được nhà nước ủng hộ cơ sở vật chất để ổn định việc đánh bắt, được các cơ quan khuyến nông tư vấn kĩ thuật đánh bắt tiên tiến…và đặc biệt, giờ đây, Nam  Ô là một làng nghề được ghi danh vào sổ làng nghề Việt Nam.

Đi dọc biển Nam Ô, nhìn những con còng còng xe cát, những đợt sóng xoá nhoà những đụn cát, tôi lại liên tưởng đến hình ảnh ngư dân, dù biết bao gian khổ đè  nặng lên đôi vai gầy, nhưng họ vẫn một lòng thuỷ chung với cái nghề của ông cha để lại, mặc dù thu nhập chẳng khấm khá gì hơn so với những nghề khác mà độ nguy nan thì hơn gấp bội, nhưng tình  yêu nghề đã ăn sâu vào máu họ, chảy dồi dào từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tôi bước tới bên cạnh một cụ già chừng ngoài thất thập, nhìn đôi tay gân guốc nhẹ nhàng gỡ những con cá mắc ở lưới với ánh mắt sung sướng, nụ cười mãn nguyện, cụ làm việc một cách mải mê và thầm lặng nhưng qua ánh mắt ấy, nụ cười ấy, tôi thấy được sự hân hoan bất tận trong lòng cụ. Những nếp nhăn trên trán cụ mà ở đó tôi thấy được sự ẩn nấp của bão giông, sương gió bao đời tụ lại, những giọt mồ hôi lăn nhẹ qua từng nếp nhăn, hoà với vị mặn trở nên sáng loáng đến lạ kì. “ Sao cụ không nghỉ ngơi để con cháu làm giúp cho ạ?”. Cụ giật mình bởi câu hỏi của tôi nhưng cũng trả lời ngay: “Ngày nào không đi biển là trong lòng bứt rứt, khó chịu lắm!”. Được biết, trong làng chài, nhiều cụ già trên sáu mươi vẫn còn say nghề lắm! Trong cái nắng gắt của mùa hè, không khí làm việc của dân chài diễn ra có vẻ thầm lặng và cần mẫn, nhìn các cụ già gỡ từng con cá, các chị bê từng sọt cá, các em nhỏ nhặt từng con cá con tép... đến những người sửa thuyền, những chàng trai phanh ngực kéo những chiếc thuyền thúng lên bờ mà tôi không sao cắt nghĩa hết được lòng yêu nghề nơi họ.

Những làn sóng biếc uốn lượn cùng với gió nhẹ phất phơ chòm râu bạc của cụ già trong cái nắng gắt hoà với vị nồng của muối, của cá, với bùn với lưới…và với mùi của những chiếc thuyền thúng vừa được kéo lên bờ, tất cả hiện lên vẻ đẹp chân chất mà huyền nhiệm. Cứ đến nửa đêm, đoàn thuyền thúng lại ra khơi. Linh hồn của biển không phải gió sương hay vị mặn, hay âm thanh của sóng. Những ánh đèn pha sóng sánh, những mái chèo gõ nhịp cùng sóng biển cùng những tiếng í ới gọi nhau của bạn chài, ấy mới là linh hồn đích  thực của biển. Vào những đêm tối trời, biển Nam Ô hiện lên như một bức tranh mang đầy vẻ bí ẩn với tiếng gió rên rỉ cùng tiếng mái chèo khua nhẹ ngoài xa vọng lại trong đêm sóng vỗ êm như nhung, khơi gợi sự tìm tòi khám phá đến vô tận. Nhưng cũng có khi biển như những đêm hội với những tiếng cười giòn giã lẫn với tiếng cá gọi nhau dạo chơi, tiếng hát của những bạn chài hay của những cô hồn trên những ngọn sóng lẫn với tiếng hát của những loài cá, cá hát với nhau rồi cùng nhau khoe sắc muôn màu dưới ánh đèn pha rồi cùng nhau đuổi theo những chiếc thuyền thúng…rồi tình tự với nhau. Ban ngày, đứng trên đèo Hải Vân nhìn xuống, Nam Ô trông mượt mà đến khó tả, tựa như người thiếu nữ gội đầu bên suối mà mọi vẻ đẹp hiện ra một cách tự nhiên khiến bất cứ tao nhân mặc khách nào dù đứng ở xa cũng mê mẩn.

Thiên nhiên đẹp nhiệm mầu như thế trách gì lòng người không dứt ra được mà càng bám riết vào biển hơn, chan hoà vào biển cứ như họ chính là những hoá thân từ biển mà ra. Lúc cá đầy thuyền, ngư dân nằm ngửa mặt lên trời uống ánh trăng tan trên biển, hay uống rượu, hát hò cùng những cô hồn và những người muôn kiếp trước đã hoá thân với biển, đang phiêu du trên những con sóng… và sóng ru cho họ ngủ lúc nào chẳng hay, cứ thế, để cho thuyền trôi dạt từ từ vào bờ.

Khi bão tố ập đến,mang theo lưỡi hái của tử thần, họ lại sát cánh bên nhau, sẵn sàng đem tính mạng ra để đổi lấy sự sống cho đồng loại. Mặc dù xưa nay, con người chưa thắng được thiên nhiên, nhưng đối với dân chài nơi đây, họ chưa bao giờ biết đầu hàng trước bão tố, cuồng phong càng ập đến, dân chài càng vươn lên giành giật sự sống, và trong những lúc ấy, tính NGƯỜI hiện lên thật lung linh huyền ảo, đủ sức cảm hoá bất cứ loài thọ tạo nào trên trái đất này. Ngày đầu tiên tôi đến đây, hễ gặp bất cứ ai, ngư dân thấy người lạ thì hỏi thăm rất chi li với thái độ niềm nở, chia sẻ, giúp đỡ. Nếu ai cố chấp sẽ cho họ là những kẻ thích chú ý, tò mò, quê kệch. Nhưng thái độ ứng xử đó chính là sản phẩm của lối sống cộng đồng, đã theo lối sống cộng đồng thì luôn quan tâm đến người khác, quan tâm để giúp đỡ, sẻ chia. Cách ứng xử ấy tựa như viên ngọc lấp lánh dưới lớp bụi thời gian, làm nên nét đẹp muôn đời của cư dân chài.

Vào một buổi sáng đẹp trời, tôi lại ghé Nam Ô. Đang sòng soãi chơi với cát thì bỗng đâu có thứ âm thanh lạ kì, giống như khúc hát diều vợi vút lên mấy tầng xanh rồi rơi tõm xuống tận đáy biển, đánh thức muôn loài sinh vật biển, khiến bất cứ khách thơ nào cũng phải dời chân bước. Tôi lân la dọc biển và rồi cũng tìm được nơi âm thanh vút lên. Hoá ra, hôm nay là lễ Cầu Ngư. Ngoài sân nhà thờ Ông, ngư dân vây kín với vẻ trang nghiêm cung kính. Trong bàn thờ, các cụ lão làng trong trang phục cung đình đang thay nhau khấn vái, rồi những tiếng than vãn của bài văn tế gọi hồn Ông với tâm tình cầu mong Ông phù hộ trong những lúc ngư dân gặp nguy nan, mong Ông chỉ cho nơi nhiều tôm cá… Sau khi khấn vái trong nhà thờ Ông, các cụ ra khấn vái thiên địa với tâm tình cầu thiên địa thuận hoà trong những chuyến ra khơi và trở về may mắn. Tiếng trống tiếng kèn lẫn với tiếng than vãn của bài văn tế nghe thật thiêng liêng huyền nhiệm. Tiếng trống dồn dập chui vào tầng tầng lớp sóng như kêu gọi muôn loài dưới biển hãy hội tụ về đây và chứng giám cho tấm lòng thành của ngư dân với Ông. Ngoài xa, sương găng đầy mặt biển và trong những đám sương mờ đục kia, thấp thoáng những hình hài thoắt hiện, đó là những người muôn kiếp trước đã hoá thân với biển. Họ cũng về đây dự lễ! Nghìn nghìn con sóng chồm lên tung mình trắng xoá, rồi cười hả hê trong nắng với đủ nhạc điệu làm đắm say hồn người. Gió biển hôm nay rất lạ, gió thốc những lá cờ uốn mình trong nắng, gió lay những tàu dừa…nhưng lạ thay, những sợi tóc, những ngọn nến hay ngọn khói vẫn không hề bị gió lung lay và trong tiếng gió, tôi nghe như tiếng hát, tiếng cười, tiếng ngâm nga, lúc bổng lúc trầm, lúc dịu vợi...

Về thăm làng chài, tôi không chỉ được hít gió biển căng lồng ngực mà còn được thưởng thức đặc sản lâu đời nơi đây, đó là nước mắm Nam Ô. Vào một buổi chiều gió biển lồng lộng, tôi may mắn được làm quen với cụ Lê Khoai, năm nay cụ đã ngoài bát thập nhưng ánh mắt cụ còn sáng lắm, và mỗi lần cụ đưa ánh mắt ấy đăm đắm xa khơi là trong tôi lại trỗi lên sự tò mò, Cụ còn thèm khám phá nữa chăng? Gần cả đời đi gió về sương, lênh đênh cùng con sóng mà đối với cụ như chưa thấm tháp gì! “Bây giờ già rồi, chậm chạp lắm rồi, để cho bọn trai trẻ xông pha…”. Vừa kéo ghế mời tôi ngồi, cụ vừa móm mém như thế. Cả mấy gian nhà lồng lộng gió biển. Tôi và cụ trò chuyện với nhau rất nhiều nhưng chủ yếu cũng chỉ xoay quanh chuyện đi biển và làm nước mắm. Đưa tay vuốt nhẹ mái tóc bạc, bằng giọng sang sáng như bậc trung niên, cụ tâm sự: “Cái nghề muối cá làm nước mắm ở đây có từ lâu lắc rồi, từ thời vua Minh Mạng ấy, thời ông nội tui đã muối rồi mà…”. Cứ 10 cân cá thì trộn đều với 4 cân muối, đổ vào chum sành, vại sành, đậy mê lên và để như thế đến 10 tháng sau sẽ cho ra thứ nước mắm màu vàng sẫm, mùi thơm dịu, trong vắt, mặn nhưng không xát, đó là vị mặn nguyên chất của nó. Thực ra chỉ cần 7 tháng sau khi muối cũng cho ra sản phẩm nhưng lúc này con cá chưa rữa hết nên mùi vị còn tanh tanh.

Ngay từ xa xưa, sau những chuyến đi biển, dân chài đã biết lựa những con cá cơm đem trộn với muối để làm nước mắm. Cách làm hoàn toàn thủ công với những dụng cụ như chum sành,vại sành, những tấm mê được đan bằng tre, nứa, bây giờ có thêm những chiếc xô nhựa. “ Từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch mới có loại cá cơm dùng làm nước mắm, từ tháng 7 trở đi, biển thường động nên kiếm con cá làm nước mắm khó lắm…”.Vừa nhìn ra biển, cụ vừa phân trần nỗi niềm với tôi. Thực sự để làm ra thứ nước mắm đặc sản như thế không hề đơn giản, bởi tất cả đều phụ thuộc vào biển. Đưa ánh mắt nhìn một vòng xung quanh, cụ nói tiếp: “Không biết sao mà biển động suốt cả tháng nay, chẳng kiếm đâu ra con cá cơm, chum, vại nhà nào cũng để khô hết…”. Đến khi có cá rồi thì phải kiếm muối, ở đây không có muối, cư dân phải đi mua ở những tỉnh khác. Muối tốt là muối viên bóp không nát, còn muối xấu thì chỉ cần bóp nhẹ là nát ngay. Nhiều lần cư dân mua về vấp phải thứ muối xấu, nên chỉ cần mấy tháng sau là bốc mùi hôi không chịu nổi, đành phải đổ hết tất cả, coi như mất cả chì lẫn chài.

Ban đầu cư dân làm nước mắm chỉ để phục vụ trong bữa ăn hằng ngày, nhưng vị ngon đặc sản này đã dần dần cảm hóa từng người dân Đà Nẵng, rồi theo bước chân của du khách đi khắp mọi miền. Giờ đây, mặc dù chưa có cơ sở sản xuất tập thể nào nhưng cứ mỗi lần nước mắm ra lò là được du khách mọi nơi mang đi hết, họ thường đặt sẵn với từng gia đình, chờ ngày nước mắm ra lò là đến đưa đi ngay, vì thế, dù cư dân muối nhiều đến mấy cũng chưa đủ cho nhu cầu của thị trường.

Tôi theo cụ Khoai sang nhà bà Trần Thị Ngân, gia đình bà Ngân được xem là một trong những nhà muối mắm nhiều nhất. Vừa bước vào đến sân, tôi đã thấy rất nhiều chum sành, vại sành úp đầy cả một nhà dùng để muối nước mắm. “ Suốt tháng nay chẳng có con cá mà muối…”. Giọng bà Ngân chùng xuống trong khi đưa cho tôi bát nước mắm. “ Nước nhứt đấy! Anh thử coi thế nào…”. Dù không phải là người giỏi thử nếm nhưng tôi vẫn cảm thấy được cái mùi thơm dịu nhẹ, mặn một cách nguyên sơ, không hề có tạp chất, hoàn toàn khác với một số loại nước mắm mà tôi thường mua, mặn nhưng xát. Trong khi tôi nếm mắm, bà Ngân tranh thủ trút bỏ những nỗi niềm: “ Suốt cả năm trời mới cho ra lò được một lần, thế mà nhiều lần tui phải đổ hết vì không may mua phải muối xấu…nếu có một cơ sở sản xuất của nhiều gia đình hợp lại cùng làm, lại giải quyết được công việc cho con em mình thì sướng biết mấy…mà cho đến giờ, nghề làm nước mắm ở đây vẫn chỉ là nghề phụ thôi anh ạ! Vì biển thì động bất thường…may mà làm ra từng nào họ đều mua hết…”. Tôi thiết nghĩ, dù biển thường xuyên không ủng hộ ngư dân, chưa có tổ chức sản xuất hẳn hoi, nhưng bù lại, sức mua của thị trường là rất lớn, nếu khắc phục được những mặt tồn tại và cố gắng phát triển lợi thế thì trong tương lai không xa, người dân có thể tự tin phát triển nghề làm nước mắm lên một quy mô lớn như những làng nghề khác ở đất nước mình.

Tôi rời làng chài vào lúc hoàng hôn buông màn. Sự lưu luyến dâng ngập cõi lòng mà không sao cắt nghĩa được. Ít ai ngờ nơi làng chài bé nhỏ ấy lại chứa đựng những giá trị cao quý tồn tại lâu đời như thế! Hy vọng rằng trong tương lai, những giá trị đó sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa…

 
TRẦN PHÚ YÊN