Bí mật chiếc áo mới

16.07.2009

Bí mật chiếc áo mới

Truyện ngắn
 

Thằng bé thu mình vào trong góc của quán nước bỏ hoang, lôi từ phía dưới hộp đánh giày ra một cái kim và cuộn chỉ được gói cẩn thận. Nó cởi chiếc áo bên ngoài rồi bắt đầu may lại đường rách bên hông. Nhìn những đường may chằng chịt, chồng chéo lên nhau người ta cũng đủ đoán ra tuổi đời của áo .

Người dân ở xóm chợ này không biết từ bao giờ đã quen với hình ảnh thằng bé áo vá đó. Người ta cũng chẳng biết tên nó là gì, chỉ biết gọi nó là Áo Vá mà thôi, gọi dần quen thành một cái tên.

Áo Vá tuy sống cuộc đời lang thang nhưng lại rất được lòng những người ở xóm chợ này. Lúc đầu người ta còn nghi ngại nhưng về sau thấy nó ngoan ngoãn hiền lành lại chăm chỉ giúp đỡ mọi người nên ai cũng thương, có việc gì cần người làm giúp là lại gọi nó, thành ra ngoài nghề đánh giày nó còn có một nghề phụ là làm chân long tong ở chợ. Hàng ăn thì thuê nó gánh nước, bưng thức ăn cho khách. Hàng rau quả thì thuê nó quét dọn trước khi bày hàng. Có nhiều bà, nhiều cô lúc thèm quà vặt nhưng lười đi mua nên cũng réo gọi nó luôn. Thành ra, Áo Vá bận rộn suốt ngày. Bảo là bận rộn thế thôi nhưng vì mỗi lần làm chân long tong cho ai, nó cũng chỉ lấy công kẻ 500, người một ngàn đồng vậy thôi, còn ở hàng ăn thì không bao giờ nó lấy tiền vì các bà các cô ở đây vẫn thường dành cơm canh thừa ra cho nó ăn qua bữa. Người ở xóm chợ này vẫn đùa nó: "Ai vắng mặt một ngày thì chợ không biết chứ Áo Vá mà vắng là cả chợ biết ngay". Mỗi lần như thế nó cũng chỉ tủm tỉm cười hiền làm các bà các cô cũng cười theo. Có lần có người gợi ý bảo nó lấy tiền đánh giày mà mua áo mới chứ mặc mãi mấy chiếc áo vá ấy làm gì, có cô còn trêu nó "Hay... Áo Vá gom tiền lấy vợ cũng nên... Phải không Áo Vá ?" Hỏi đùa vậy thôi chứ cô biết đằng nào thằng bé cũng chỉ cười hiền mà thôi. Có người còn gợi ý cho áo cũ của con nhưng nó không chịu nhận với lí do : Cháu quen mặc thế này rồi. Với lại, các cô quen gọi cháu là Áo Vá mà cháu lại đi mặc áo lành thì coi sao được" . Nghe lí luận của nó, mọi người đành phải tán thành mà thôi.

 

Hôm nay trông Áo Vá có vẻ là lạ. Nó chui tọt vào trong quán nước bỏ hoang, ngồi quay mặt vào góc đếm tiền. Được bao nhiêu nó xếp cẩn thận, cho vào túi, gửi hộp đồ nghề đánh giày rồi tiến đến hàng quần áo. Nó mua một bộ quần áo học sinh nữ, một bộ đồ cho phụ nữ trung niên, một chiếc áo cho nó rồi còn bao nhiêu tiền, nó nhờ cô bán hàng đổi thành tiền chẵn, gói cẩn thận và nhét vào túi. Mọi người trong chợ chưa hết ngạc nhiên vì hành động là lạ của nó thì lại ngạc nhiên hơn bởi thấy nó hôm nay tiêu tiền phóng khoáng và không mặc áo vá nữa. Chưa ai kịp hỏi thì nó đã huýt sáo, mắt long lanh hạnh phúc, chạy mất hút ra khỏi chợ.

Thay vào câu chuyện buôn bán thường ngày, giờ đây xóm chợ lại xôn xao bàn tán với việc Áo Vá bỗng nhiên đổi khác. Mỗi người một ý. Người thì bảo nó lớn rồi. Kẻ lại bảo hay là nó được ai nhận làm con nuôi. Người tỏ ra am tường thì lại chép miệng : "Chắc là nó... thích con bé nào đấy rồi. Bọn trẻ con bây giờ thích nhau sớm lắm". Kẻ khéo tưởng tượng thì lên tiếng: "Hay nó mới nhặt được tiền ở đâu đó nên... muốn đổi đời ?!”... Cứ thế mỗi người một ý nhưng cuối cùng cũng chẳng thống nhất ở ý kiến nào. Tuy nhiên, ai cũng mang một tâm trạng vui vui xen lẫn buồn buồn. Vui là vui cho nó nếu "đổi đời" thật, còn buồn vì từ lâu mọi người đã quen với hình ảnh thằng bé Áo Vá hồn nhiên ngoan ngoãn, luôn có mặt ở xóm chợ này rồi, mai kia không có nó nữa cũng buồn thật.

 

Vừa thấy thằng bé thập thò ngoài cổng trường, con bé chạy ù ra, ôm riết lấy cổ anh vừa cười vừa mếu máo :

- Anh... Sao lâu rồi anh không tới.

- À ừ, anh.. bận học. Mà lớn rồi cứ ôm ghì lấy cổ anh thế này không sợ bọn bạn cười à ?

Con bé nghe vậy, tẽn tò vội buông Áo Vá ra nhưng tay thì vẫn nắm chặt cổ tay nó như sợ buông ra thằng bé sẽ chui tọt xuống đất luôn. Áo Vá đưa em đến một quán chè gần đó, cao giọng gọi hai cốc chè làm cô em cứ cười ngặt nghẽo :

- Trông anh giống như ông chủ ấy.

- Hì, mai kia anh thành ông chủ cho coi. Em học hành thế nào? Vẫn giỏi chứ? Mà sao hồi này trông ốm vậy? Học hành vất vả lắm không? Mẹ sao rồi? Có đỡ hơn không em?

- Mẹ vẫn thế, ngày càng ho nhiều hơn. Chắc là em phải nghỉ học thôi anh à .

- Nói gì kì vậy? Nghỉ là nghỉ thế nào. Phải cố gắng học tập cho tốt thì mẹ mới vui mà chóng khỏi bệnh được chứ.

- Thôi, hai anh em, mỗi mình anh đi học là được rồi. Anh thành tài, sau này anh lại nuôi em..: Mà sao anh không về nhà thăm mẹ? Mẹ nhắc anh luôn đấy.

- À ừ dạo này anh bận... học nhiều môn quá.

Thằng bé cúi đầu nói lí nhí. Nó sợ nếu ngẩng mặt lên, bắt gặp ánh mắt em gái thì sẽ lúng túng ngay. Nó cũng nhớ mẹ lắm chứ nhưng nó sợ gặp mẹ lại hỏi chuyện học hành thi cử, hỏi chuyện cuộc sống của nó, hỏi chuyện về bố... Nếu nó cứ tiếp tục nói dối mẹ sẽ nhận ra. Nhưng nó không đủ can đảm để nói thật. Chẳng lẽ kể cho mẹ nghe chuyện sau khi mẹ và em ra đi thì bố đưa người đàn bà khác về thay thế hay sao? Chẳng lẽ lại kể cho mẹ những trận đòn thừa sống thiếu chết của bố dành cho nó trước khi đuổi nó ra khỏi nhà? Chẳng lẽ kể cho mẹ về những cơ cực của tháng ngày vất vưởng đầu đường xó chợ, lăn lộn kiếm sống mà nó phải chịu sao? Nó sợ mẹ phải buồn mà bệnh lại nặng thêm. Thà cứ để cho mẹ và em tin là nó đang sống một cuộc sống đủ đầy thì hai người sẽ an lòng hơn rất nhiều.

Trước khi chia tay, Áo Vá đưa cho em bọc quần áo và tờ tiền chẵn mà nó đã đổi lúc sáng rồi bịn rịn dặn dò :

- Đây là quà của bố gửi em và mẹ đấy. Bố phải đi công tác xa một thời gian dài nên không tới được. Em gắng chăm sóc mẹ dùm anh nhé. Lúc nào rỗi, anh lại tới thăm và đưa quà cho em. Bảo với mẹ cứ yên tâm, anh vẫn khỏe, vẫn học hành bình thường. Bố đối xử với anh tốt hơn ngày xưa nhiều rồi. Hôm nào đó, anh sẽ về thăm mẹ, anh sẽ bảo bố cho thêm tiền để em đi học. Khó khăn đến đâu cũng phải gắng mà học nếu không anh không tới gặp em nữa đâu đấy.

Tạm biệt em gái mà mắt nó đỏ hoe. Nó lôi trong túi áo ra một bức ảnh. Bức ảnh của mẹ luôn luôn được nó giữ bên mình. Đã bao lần nó đến nơi ở của mẹ và em gái, len lén nhìn vào nhưng sợ mẹ thấy nên đành quay về.

***

Hôm sau, người ta đã thấy thằng bé có mặt ở xóm chợ rất sớm. Vẫn với chiếc áo vá chằng vá chịt, vẫn với chiếc hộp đựng dụng cụ đánh giày lúc lỉu bên mình, vẫn cái dáng lon ton, lễ phép chạy đến từng hàng quán chờ việc để làm thêm ấy. Chiếc áo hôm qua đã được nó gói ghém cẩn thận để chờ đợt gặp em gái lần sau .

Những người ở xóm chợ này không hiểu sao lại biết được chuyện của nó nên cũng không ai nỡ hỏi hay trêu đùa chuyện nó mặc áo mới hôm qua. Họ cứ xem như đó là một bí mật nho nhỏ của Áo Vá. Nhưng cũng từ đó, mỗi lần thấy thằng bé diện áo mới, đổi tiền chẵn và hát líu lo thì người túi quýt, kẻ quả cam, người xóm chợ lại dúi vào tay nó với lí do: "Đi chơi bạn thì cũng phải mang quà theo chứ ai đi tay không bao giờ. Với lại con giúp các cô nhiều rồi, các cô bồi dưỡng cho chút ít có sao". Những lúc đó nó lại bẽn lẽn cười, lí nhí cảm ơn, rưng rưng cảm động làm cho mọi người trong xóm chợ cũng cười theo. Tiếng cười ngân mãi, đọng vào đôi mắt long lanh của nó. Hôm nay, thằng bé lại được gặp em gái của mình.
 

VÕ THỊ ÁNH HỒNG