Theo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa - Trần Đức Anh Sơn

03.09.2014

Theo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa - Trần Đức Anh Sơn

KHỞI SỰ TỪ FONT TƯ LIỆU HOÀNG SA

Lập font tư liệu về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 11-2009, tôi và các đồng nghiệp ở Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng bắt đầu triển khai đề tài “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - Thành phố Đà Nẵng”. Sau hơn 1 năm sưu tầm tư liệu ở trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã tiến hành phân loại, dịch thuật, thẩm định và số hóa các tư liệu đã thu thập, xây dựng thành font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam Đà Nẵng quần đảo Hoàng Sa, với dung lượng khoảng 1,2 GB. Font tư liệu bao gồm 4 thư mục: tư liệu thành văn, tư liệu bản đồ, tư liệu hình ảnhtư liệu audio-visual, được Hội đồng khoa học công nghệ thành phố Đà Nẵng nghiệm thu và chuyển giao UBND huyện đảo Hoàng Sa quản lý, sử dụng vào cuối năm 2011.

Trong các tư liệu thu thập được, tôi tâm đắc nhất là 95 bản đồ liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là 56 bản đồ do các học giả phương Tây soạn vẽ và xuất bản trong các thế kỷ XVI - XIX. Ngoài ra là sưu tập 102 tư liệu thành văn gồm 6 thứ tiếng: Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan, do các nhà địa lý, nhà hàng hải và học giả phương Tây biên soạn và xuất bản trong các thế kỷ XVII - XIX, đề cập hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Tuy nhiên, phần lớn bản đồ và tư liệu mà đề tài sưu tầm được đều là các bản sao, rất hiếm tư liệu gốc. Vì thế, dù đề tài đã kết thúc, nhưng tôi vẫn luôn ao ước được đi một chuyến ra nước ngoài, đến các thư viện, văn khố, bảo tàng… là những nơi đang cất giữ các tư liệu này để “nhìn tận mắt, sờ tận tay” và xin quyền sao chụp và sử dụng các tư liệu này.

Sưu tập bản đồ của Trần Thắng

Ngày 22-7-2012, báo Tuổi Trẻ đăng bài Bản đồ toàn lãnh thổ Trung Quốc năm 1904: Không có Hoàng Sa, Trường Sa giới thiệu tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do Trung Quốc ấn hành năm 1904 (do TS. Mai Hồng sưu tầm và hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), với chi tiết điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam, không hề có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (mà Trung Quốc gọi là Xisha qundao và Nansha qundao). Hôm sau, tôi nhận được e-mail của người bạn là Trần Thắng, Chủ tịch Viện Giáo dục Văn hóa Việt Nam tại Mỹ, báo tin là có nhiều bản đồ tương tự như bản đồ của TS. Mai Hồng đã công bố, do phương Tây xuất bản trong các thế kỷ XVII - XX, đang được rao bán trên mạng internet. Anh đề nghị tôi thông báo tin này trên báo chí Việt Nam để những ai quan tâm có thể tìm mua những tấm bản đồ này. Anh cũng gửi cho tôi và cho TS. Nguyễn Nhã một số file bản đồ đang rao bán để nhờ thẩm định giá trị của các bản đồ này.

Sau khi thẩm định những bản đồ do Trần Thắng gửi về, tôi và TS. Nguyễn Nhã đề nghị Trần Thắng, nếu có điều kiện thì nên mua những bản đồ này, đồng thời, đã thông báo đến các cơ quan chức năng ở Việt Nam những thông tin do Trần Thắng cung cấp. Một tháng sau, Trần Thắng lại báo tin là vừa phát hiện 3 cuốn atlas, gồm atlas Trung Quốc địa đồ (do nhà Thanh xuất bản năm 1908) và 2 atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ (do Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản năm 1919, tái bản năm 1933). Trong các atlas này, toàn đồ lãnh thổ Trung Quốc luôn được vẽ đến cực nam của đảo Hải Nam. Trần Thắng gửi thông tin và hình ảnh về 3 atlas này cho tôi và đề nghị thành phố Đà Nẵng bỏ tiền mua những atlas này. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên thành phố Đà Nẵng chỉ mua atlas 1933 với giá 3.000 USD. Hai atlas còn lại, Trần Thắng bỏ tiền túi và vận động bạn bè quyên góp thêm để mua.

Ngày 27-11-2012, Trần Thắng lại gửi e-mai báo tin: “Đã thu thập được 3 tập atlas và 150 bản đồ, gồm 110 bản đồ gốc và 40 bản đồ tái bản. Trong đó có 1 atlas do Phái bộ truyền giáo London in cho nhà Thanh vào năm 1908 và 2 atlas do Chính phủ Trung Hoa Dân quốc in năm 1919 và 1933. Các atlas này đều chỉ rõ giới hạn lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Ngoài ra là 80 bản đồ do phương Tây in từ năm 1626 đến năm 1980 cũng xác nhận lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam; 50 bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam; 10 bản đồ hàng hải và 10 bản đồ tổng thể châu Á và Đông Nam Á có thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam”. Anh cho biết thêm là sẽ trao tặng toàn bộ số bản đồ và atlas này cho Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng. Đây quả là tin vui quá lớn đối với chúng tôi, những người đã và đang xây dựng “font tư liệu” về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuộc triển lãm bằng chứng chủ quyền đầu tiên

 

Ngày 20-1-2013, nhân kỷ niệm 39 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, UBND huyện đảo Hoàng Sa, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng và Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Đà Nẵng tổ chức triển lãm giới thiệu những tư liệu lịch sử và bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Nội dung triển lãm chủ yếu sử dụng nguồn tư liệu và bản đồ trong font tư liệu do chúng tôi thực hiện và sưu tập bản đồ do Trần Thắng vừa gửi từ Mỹ về. Triển lãm mở cửa trong 1 tháng, đón hơn 10.000 lượt người đến tham quan. Đây là cuộc triển lãm đầu tiên ở Việt Nam giới thiệu những tư liệu và bản đồ chứng minh Việt Nam đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa (và quần đảo Trường Sa). Cuộc triển lãm đã khích lệ tinh thần yêu nước, tạo hiệu ứng lan tỏa về ý thức chủ quyền biển đảo đến các tầng lớp nhân dân Việt Nam, mở đầu cho những đợt triển lãm quy mô được tổ chức ở Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên… trong suốt năm 2013.

Trong thời gian diễn ra triển lãm tại Đà Nẵng, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) cử một nhóm phóng viên đến Đà Nẵng để đưa tin. Sau khi nghe giới thiệu nội dung các tư liệu và bản đồ được trưng bày tại triển lãm, ông Lâm Thành Quí, một phóng viên của HTV hỏi tôi: “Triển lãm trưng bày bản sao các tư liệu và bản đồ, vậy bản gốc ở đâu?”. Tôi cho hay: “Ngoài những bản đồ gốc do anh Trần Thắng cung cấp đang lưu giữ tại kho, phần lớn bản gốc của các tư liệu Hán văn, tư liệu phương Tây và bản đồ do phương Tây xuất bản trưng bày nơi đây đều thuộc về các thư viện, văn khố ở nước ngoài”. Ông Lâm Thành Quí hỏi tiếp: “Vậy chúng ta có thể tiếp cận được những tư liệu và bản đồ đó không?”. Tôi đáp: “Tất nhiên, nếu chúng ta có cơ hội đi đến các thư viện, văn khố này”. Suy nghĩ một lúc, ông Lâm Thành Quí nói với tôi: “Trở về thành phố, tôi sẽ trình bày với lãnh đạo HTV về ý tưởng làm một bộ phim tài liệu với chủ đề đi tìm tư liệu chủ quyền biển đảo Việt Nam ở nước ngoài. Nếu được phê duyệt, tôi sẽ mời anh tham gia”.

Tưởng là nói chơi, ai ngờ 2 tháng sau điều đó lại thành sự thật. Vậy là, cùng với đoàn làm phim của HTV, tôi có cơ hội đi tìm những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở nước ngoài mà tôi hằng ấp ủ trong mấy năm qua.

Chúng tôi chủ trương sẽ kết hợp việc đi làm phim với việc tiếp tục sưu tầm thêm các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa tại các nước Mỹ, Nhật, Úc, Singapore, Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Ý và Pháp. Điểm đến đầu tiên là nước Mỹ, nơi mà Trần Thắng cho biết đang lưu giữ nhiều tư liệu và bản đồ mà chúng tôi đang quan tâm.

 

HÀNH TRÌNH TRÊN NƯỚC MỸ

Đi tìm tư liệu trong Thư viện Viện Harvard - Yenching

 

Trước khi sang Mỹ, tôi gửi e-mail cho các học giả quan tâm đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để mời họ trả lời phỏng vấn của đoàn làm phim, đồng thời “hỏi thăm” về những nơi cần đến để tìm tư liệu. Tôi đã nhận được nhiều chỉ dẫn rất hữu ích, và địa chỉ đầu tiên được giới thiệu chính là Đại học Harvard.

Đại học này tọa lạc ở thành phố Boston, bang Massachusetts. Chúng tôi đến đây để phỏng vấn luật sư Tạ Văn Tài, nguyên giáo sư Đại học Harvard về lý do Trung Quốc tranh chấp chủ quyền biển đảo với Việt Nam và những giải pháp giải quyết tranh chấp. Sau cuộc phỏng vấn, chúng tôi tìm đến Thư viện Viện Harvard - Yenching (thuộc Đại học Harvard), nơi lưu giữ rất nhiều tư liệu về Trung Quốc và Việt Nam. Một học giả Việt kiều ở Hawaii (Mỹ), người đã từng tìm kiếm tư liệu trong Thư viện này từ 10 năm trước, đã cung cấp danh mục những tư liệu mà chúng tôi quan tâm hiện đang lưu trữ nơi đây. Dựa vào danh mục này, chúng tôi liên lạc với cô Phan Thị Ngọc Chấn, người phụ trách thư mục Việt Nam trong Thư viện này để nhờ tìm giúp những tư liệu cần thiết. Khi chúng tôi đến nơi, cô Ngọc Chấn đã chuẩn bị sẵn những tư liệu quan trọng nhất để chúng tôi quay phim và sao chụp. Đó là bản gốc các hồ sơ liên quan đến lịch sử tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, gồm: Hiệp ước Pháp - Thanh năm 1887; Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản do các nước Đồng minh ký với Nhật Bản tại Hội nghị San Francisco năm 1951; tư liệu về vụ đắm tàu Bellona của Đức (năm 1895) và vụ đắm tàu Imeji Maru của Nhật Bản (năm 1896) ở gần quần đảo Hoàng Sa; tư liệu về thời kỳ người Nhật chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa trong Thế chiến II… Nhờ sự giúp đỡ của cô Ngọc Chấn chúng tôi đã có được những hồ sơ đầu tiên trong hành trình tìm kiếm tư liệu chủ quyền biển đảo Việt Nam trên nước Mỹ.

Gặp Trần Thắng ở West Harford để nhận thêm bản đồ

 

Rời Boston, chúng tôi đến thành phố New Haven ở bang Connecticut, nơi tôi có cuộc thuyết trình về chủ đề “Ngoại giao Việt Nam dưới triều Nguyễn” cho nhóm học giả và nghiên cứu sinh ngành Việt Nam học tại khoa Nhân học văn hóa thuộc Đại học Yale. Tiện thể, ghé qua nhà anh Trần Thắng để tiếp nhận những bản đồ mà anh mới sưu tầm được. Nhà của Trần Thắng ở thành phố West Harford, cách Đại học Yale khoảng 40 phút xe hơi. Sang Mỹ định cư vào năm 1991, Trần Thắng tốt nghiệp kỹ sư ngành cơ khí ở Đại học  Connecticut và được Công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney tuyển dụng làm việc từ năm 1999 đến nay. Tuy là dân kỹ thuật nhưng Trần Thắng rất mê sưu tầm cổ vật, đặc biệt gốm sứ Việt Nam. Nhờ vậy mà anh có cơ duyên tiếp cận các bản đồ cổ liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sưu tầm được bản đồ, Trần Thắng lại tiếp tục bỏ tiền mua bìa cứng, giấy bồi, túi plastic chuyên dụng và tốn nhiều công sức để “sửa sang” những tờ bản đồ cũ kỹ thành những “sản phẩm” hoàn hảo để trưng bày, triển lãm. Anh phân loại, viết chú thích cho từng tấm bản đồ, tự tay đóng gói, rồi tìm người tin cậy nhờ mang bản đồ về Việt Nam để tặng cho Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng. Sau khi gửi 150 bản đồ và 3 atlas về nước vào cuối năm 2012, Trần Thắng tiếp tục sưu tầm thêm những bản đồ khác. Do vậy mà anh mời chúng tôi đến nhà riêng ở West Harford để thẩm định và bàn giao những bản đồ này. Đó là những bản đồ có niên đại từ năm 1618 đến năm 1901, chủ yếu xuất bản ở châu Âu và Mỹ, trong đó có những bản đồ rất giá trị như: bản đồ Asia noviter delineata do Willem Blaeu vẽ, xuất bản tại Hà Lan năm 1618; bản đồ India Orientalis Nova Descriptio do Willem Jansson vẽ, xuất bản tại Hà Lan năm 1636… Đây là những bản đồ có cách chú dẫn thể hiện mối liên hệ về mặt địa lý giữa vùng đất Đàng Trong với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…

Sau khi thẩm định và quay phim 35 bản đồ mới sưu tầm này, Trần Thắng lại “tân trang” các bản đồ, đóng gói để bàn giao cho tôi mang về nước, góp thêm vào “kho bản đồ chủ quyền” của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng. 

Vào kho bản đồ của Thư viện Quốc hội Mỹ ở Washington

Tạm biệt Trần Thắng, đoàn làm phim đi Philadelphia, New York và Washington D.C. để thực hiện các cuộc phỏng vấn các chuyên gia về văn hóa biển Việt Nam, về hoạt động hải thương mại giữa Việt Nam với các nước trong các thế kỷ XVII - XVIII, về lịch sử tranh chấp chủ quyền biển đảo ở biển Đông. Tuy nhiên, đích đến quan trọng nhất đối với tôi trong hành trình này là kho bản đồ của Thư viện Quốc hội Mỹ ở Washington D.C.

Thư viện Quốc hội Mỹ phục vụ mọi độc giả trên thế giới nhưng nếu không có sự tiến cử của những chuyên gia có uy tín thì rất khó tiếp cận các tư liệu quý. Thông qua nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi làm quen với ông Harold E. Meinheit, cựu viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông cũng là nhà nghiên cứu bản đồ cổ và là người rất am tường kho bản đồ ở Thư viện Quốc hội Mỹ. Harold E. Meinheit là người đã phát hiện tấm bản đồ Việt Nam toàn tỉnh dư đồ do Tả thị lang bộ Lại Hoàng Hữu Xứng vẽ năm 1887 theo lệnh của vua Đồng Khánh (1885 - 1889) đang lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Mỹ. Ông đã viết bài giới thiệu tấm bản đồ quý hiếm này trên tập san The Portolan do Hiệp hội Bản đồ Washington xuất bản năm 2009.

Harold E. Meinheit đón tôi và nhà quay phim Phạm Xuân Nghị của HTV tại tiền sảnh Thư viện, hướng dẫn chúng tôi làm thủ tục vào kho và tra cứu bản đồ trên hệ thống thư viện điện tử của Cục bản đồ và địa lý. Tôi thực sự choáng ngợp trước lượng bản đồ đồ sộ đang lưu trữ nơi đây, với hơn 170.000 bản đồ các loại, trong đó có khoảng 1.000 bản đồ liên quan đến Việt Nam. Chúng tôi đã tìm thấy nơi đây nhiều bản đồ quý liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đáng chú ý là hai bản đồ The East part of IndiaThe Principal Islands of the East India do Herman Moll vẽ, xuất bản tại London năm 1736; bản đồ Asiae Nova Delineatio Auctore do Nicolas Visscher vẽ, xuất bản tại Amsterdam năm 1681; bản đồ Hinterindien do Sir Francis Halminton vẽ, xuất bản tại London và Calcutta năm 1832… Những bản đồ này đều thể hiện quần đảo Paracel thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Do thời gian không cho phép nên chúng tôi chỉ có thể lưu lại nơi đây trong một ngày, trong khi thẻ độc giả mà nhân viên Thư viện Quốc hội Mỹ vừa cấp cho tôi lại có giá trị đến tháng 4/2015. Vì thế, Harold E. Meinheit khuyên tôi nên tìm kiếm một học bổng từ Chính phủ Mỹ để trở lại đây nghiên cứu các bản đồ cổ này. “Anh cần ít nhất một năm mới có thể xem hết những tấm bản đồ liên quan đến Việt Nam, đến Paracel và Spratly đang lưu trữ nơi đây”. Ông Meinheit bảo tôi.

Tôi hứa với Harold E. Meinheit là sẽ tìm cách trở lại nơi này sớm nhất có thể, còn bây giờ, chúng tôi phải đi tiếp đến California để phỏng vấn những cựu sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa, những người đã trực tiếp chiến đấu trong cuộc “hải chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1-1974. Một hành trình dài đang mở ra phía trước.

Sau nước Mỹ, chúng tôi lên đường sang Nhật, tiếp tục hành trình tìm kiếm chứng cứ và tư liệu về chủ quyền biển đảo trong những di tích khảo cổ ở Okinawa, Sakai, Osaka…, trong các bảo tàng ở Nagasaki, Fukuoka… trong các thư viện ở Tokyo, Nagoya, Shimane…

                                                                                                T.Đ.A.S

                                                                                                (còn tiếp)