Nghệ thuật Phật giáo Chăm-pa: những cá tính của một xu hướng nghệ thuật liên Châu Á - Trần Kỳ Phương

03.09.2014

Nghệ thuật Phật giáo Chăm-pa: những cá tính của một xu hướng nghệ thuật liên Châu Á  - Trần Kỳ Phương

Khác với nghệ thuật Hindu/Ấn Độ giáo, nghệ thuật Phật giáo ở Đông Nam Á đã sử dụng một ngôn ngữ tạo hình có mẫu số chung, trong đó, từ vựng và ngữ pháp dùng để đặc tả ngẫu tượng thường được vay mượn lẫn nhau. Điều này được giải thích bởi sự truyền bá rộng rãi của tín ngưỡng Quán Thế Âm trong Phật giáo Đại thừa tại vùng này, đã ảnh hưởng đến quy cách tạo hình của các nền nghệ thuật tại đây. Các nhà lịch sử nghệ thuật gọi đây là xu hướng nghệ thuật liên Châu Á, để giải thích sự đa dạng trong thống nhất của các đặc tính tạo nên những tác phẩm điêu khắc Phật giáo, nhất là hình tượng Quán Thế Âm gồm cả nam thân lẫn nữ thân.[1]

 

Vương quốc Chăm-pa tọa lạc trên trục chính của “con đường tơ lụa trên biển” nối liền giữa Nam Á và Đông Á, cho nên các cảng - thị Chăm-pa đã từng là nơi dừng chân cho các nhà truyền giáo Ấn Độ trên đường đến Đông Á và của các tăng sĩ Trung Hoa trên đường hành hương đến Ấn Độ trong nhiều thế kỷ; trong khi chờ đợi các đợt gió mùa hằng năm, những nhà hành hương Trung Hoa đã lưu trú và học tiếng Phạn/Sanskrit tại các cảng - thị của Chăm-pa trước khi đến thỉnh học kinh điển tại các Phật viện ở Ấn Độ hoặc Sri Lanka; và, chính những nhà truyền giáo Ấn Độ đã mang theo những hình tượng Phật giáo đầu tiên đến phổ biến tại Chăm-pa trong những thế kỷ đầu Công nguyên.

 

Vương quốc Chăm-pa cũng là nơi vừa cung cấp vừa kiểm soát nguồn hương liệu và gia vị quan trọng, vì thế, nó đã chiếm giữ vai trò chính yếu trên con đường giao thương từ  Nam Á, Đông Nam Á  đến Trung Hoa nhất là dưới thời Đường (618-907) và thời Tống (960-1279). Theo nhiều nguồn sử liệu, miền Trung Việt Nam là nơi có nguồn trầm hương dồi dào, đó là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Chăm-pa đến với các thương nhân Ả Rập, Ấn Độ, Trung Hoa và Nhật Bản.[2] Với nguồn lợi phong phú thu được từ ngoại thương và kiểm soát các cảng-thị; quý tộc và thương nhân Chăm-pa đã cúng dường rộng rãi để xây dựng nhiều cơ sở tôn giáo đồ sộ trong khắp vương quốc.

 

Phật giáo có thể đã truyền đến Chăm-pa cùng thời với Ấn Độ giáo vào khoảng thế kỷ 4 hoặc sớm hơn. Theo pháp sư Nghĩa Tịnh, người Trung Hoa, trên đường đi thỉnh kinh tại Ấn Độ đã ghé đến Chăm-pa vào cuối thế kỷ 7 (671-695), ông cho biết rằng đương thời hai hệ phái Chính Lượng Bộ/Aryasammitiya và Nhất Thiết Hữu Bộ/Sarvàstivàda của Phật giáo Tiểu thừa/Hinayana được truyền bá tại đây.[3] Từ thế kỷ 8 trở về sau, Phật giáo Đại Thừa/Mahayana phổ biến mạnh mẽ ở Đông Nam Á và đã ảnh hưởng đến Chăm-pa. Một số tiểu phẩm Phật giáo bằng đất nung và bằng đá được tìm thấy tại Trà Kiệu (Quảng Nam), Tuy Hòa (Phú Yên) và một vài nơi khác ở miền Trung trong thời kỳ này đã đánh dấu sự trao đổi nghệ thuật liên vùng ở Châu Á, đặc biệt là giữa nền nghệ thuật Phật giáo Môn-Dvaravati ở Thái Lan, thế kỷ 6-11, và Chăm-pa; hai nền nghệ thuật này đã được kết nối qua các con đường trao đổi hàng hóa trên bộ xuyên qua bán đảo Đông Dương.

 

Thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật giáo Chăm-pa đã xuất hiện dưới vương triều Indrapura, thế kỷ 9-10, được đánh dấu bằng việc vua Indravarman cho xây Phật viện Laksmindra- Lokesvara tại Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam, vào năm 875; đây là di tích Phật giáo lớn nhất của Chăm-pa và cũng là một di tích Phật giáo quan trọng nhất ở Đông Nam Á. Vua Indravarman được xưng là maharajadhiraja/đại vương của các vua, là một danh xưng ít khi xuất hiện trong minh văn Chàm, thể hiện uy quyền tối cao của ông để thống lĩnh vương quốc. Vương triều Indrapura đã để lại nhiều văn bia trong các tỉnh ven biển từ  Quảng Bình vào đến Quảng Ngãi và một minh văn tìm thấy tại Kon Klor thuộc thị xã Kon Tum ngày nay có niên đại 914 Dương lịch thờ Bồ-tát Mahindra-Lokesvara; chúng cho thấy sự nỗ lực thống nhất một lãnh thổ rộng lớn từ duyên hải lên đến cao nguyên của vương triều này.

 

Phật giáo thời Indrapura mang đậm những yếu tố Mật Tông, chú trọng hệ phái Kim Cương Thừa/Vajrayana.[4] Một minh văn Chàm tìm thấy tại An Thái, Thăng Bình, Quảng Nam, có niên đại khoảng đầu thế kỷ 10, hàm chứa một nội dung quan trọng về Kim Cương thừa khi đề cập đến đức Tì Lô Giá Na Phật/Vairocana/Đại Nhật Quang Phật và tư tưởng Không, Đại Không, Siêu Việt Không tức Chân Không Diệu Hữu.

 

Bên cạnh những kiến trúc đền-tháp kỳ vĩ, một bằng chứng khác cho thấy sự hưng thịnh của vương triều Indrapura, là, đã có nhiều tác phẩm điêu khắc Phật giáo bằng sa thạch và bằng kim loại, hầu hết thể hiện hình tượng Quán Thế Âm, được phát hiện phổ biến khắp vương quốc; trong đó, trước hết, phải kể đến hai pho tượng đồng, có kích thước lớn, tìm thấy tại Phật viện Đồng Dương: một thể hiện đức Phật thuộc thế kỷ 7, cao 119cm; và, một thể hiện đức Quán Thế  Âm mang danh hiệu đặc biệt của Chăm-pa gọi là Laksmindra-Lokesvara, thuộc thế kỷ 9, cao 115cm; cả hai được đánh giá là kiệt tác của nền điêu khắc Phật giáo Châu Á; và vừa được công nhận là Bảo vật Quốc gia của Việt Nam, đợt Một năm 2012.[5] Đây là một thời kỳ nghệ thuật độc đáo, nó đã đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng trong kỹ thuật xây dựng đền-tháp cũng như trong thủ pháp tạc tượng, đặt nền tảng cho sự phát triển nhanh chóng của nghệ thuật Chàm trong các thế kỷ sau.

 

Ngoài ra, một số tác phẩm thể hiện Quán Thế Âm trong hình tượng nam thân và nữ thân bằng hợp kim có kích thước nhỏ hơn cũng đã được tìm thấy tại nhiều di tích khác, những pho tượng này được chế tác bằng đồng, bằng bạc, bằng vàng hoặc mạ vàng, có khung niên đại khoảng thế kỷ 8-10, cao trung bình khoảng 35-50cm, chúng thể hiện các đặc điểm tiếu tượng học (iconography) Phật giáo Chăm-pa một cách hoàn hảo và tinh tế.

 

Nhóm tượng này được gọi là Quán Thế Âm Tứ Thủ; được thể hiện trong tư thế đứng, có bốn tay, cả nam lẫn nữ  đều mặc váy bó sát chân, dài đến gần gót, gọi là dhoti; có thắt lưng bằng kim loại được trang điểm một đóa hoa nhiều chi tiết với một vòng cung buông thỏng xuống; khuôn mặt an lạc, trên trán có huệ nhãn (urna); tóc búi cao, trên đó có hình tượng Phật A-di-đà tọa thiền (Amitabha), vì đức Quán Thế Âm là một hiện thân từ bi của Phật A-di-đà; bốn tay của ngài cầm tứ pháp khí đó là đóa sen (padma-tượng trưng sự giải thoát), tịnh bình (kamandalu- tượng trưng đức từ bi), pho kinh (sutra-tượng trưng trí huệ) và chuỗi hạt (aksamala-tượng trưng sự tinh tấn). Đặc biệt, ở những pho tượng chế tác bằng hợp kim quý hơn là vàng hay bạc, nhờ chất liệu có độ bền dẻo cao hơn, cho nên toàn thân tượng được thể hiện các chi tiết trang sức rất cầu kỳ và phong phú. Những ngẫu tượng giàu trang sức của giai đoạn nghệ thuật này bộc lộ xu hướng duy mỹ của một xã hội phồn vinh, trong đó, thông qua vẻ đẹp vật chất, nghệ nhân muốn biểu lộ một đức tin thuần khiết và đề cao sự sung mãn tinh thần trong triết học Phật giáo. Hình tượng Quán Thế Âm Tứ Thủ đã tạo nên một phong cách nghệ thuật Phật giáo của Chăm-pa rất độc đáo, bộc lộ xu hướng nghệ thuật liên Châu Á khi so sánh với hình tượng Quán Thế Âm của các nền nghệ thuật láng giềng đương thời. 

1/ Tượng Quán Thế Âm hay Laksmindra-Lokesvara, nữ thân, đúc bằng đồng, thế kỷ 9, cao 115cm, phát hiện năm 1978, tại Phật viện Đồng Dương, hiện bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm-Đà Nẵng. Pho tượng này đã được công nhận là Bảo Vật Quốc Gia, đợt Một, năm 2012. Tượng hiển lộ những đặc điểm tạo hình của nghệ thuật Phật giáo Chăm-pa trên khuôn mặt có đôi mắt khảm vàng và đá quý, y phục sa-rông kép, v.v… (Ảnh được sử dụng theo nhã ý của Bảo tàng Guimet, Paris.)

2/ Tượng Quán Thế Âm tứ thủ, nam thân, đúc bằng hợp kim đồng, cao 64cm, thế kỷ 8-9, phát hiện tại Bình Định, hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh. Pho tượng này đã được công nhận là Bảo Vật Quốc Gia của Việt Nam, đợt Hai, vào năm 2013. (Ảnh được sử dụng theo nhã ý của Bảo tàng Guimet, Paris.)

3/ Tượng Quán Thế Âm tứ thủ, nam thân, đúc bằng hợp kim bạc, cao 43cm, thế kỷ 8-9, phát hiện tại Trung Việt Nam.

Đây là một pho tượng bạc hiếm quý, hiển lộ chi tiết các đặc điểm tiếu tượng học của nghệ thuật Phật giáo Chăm-pa trên mái tóc, y phục, đồ trang sức và tứ pháp khí.

4/ Chi tiết của tượng Quán Thế Âm bằng bạc, được thể hiện sắc sảo, bộc lộ cá tính và vẻ đẹp độc đáo của nghệ thuật và kỹ thuật đúc tượng của Phật giáo Chăm-pa. Tứ pháp khí gồm, đóa sen ở tay phải phía trước; pho kinh ở tay phải phía sau; tịnh bình ở tay trái phía trước; chuỗi hạt ở tay trái phía sau. (Ảnh TPK)


[1] Xem John Guy, “Pan-Asian Buddhism and the Bodhisattva Cult in Champa”, trong The Cham of Vietnam: History, Society and Art, Trần Kỳ Phương và Bruce Lockhart (biên tập), tr. 300-22, Singapore, NUS Press, 2011.

[2] Tại Nara, Nhật Bản hiện nay vẫn còn lưu giữ một khúc trầm hương lớn được cho là đã nhập khẩu từ Lâm Ấp (tức là Chăm-pa) vào thế kỷ 8; ngoài ra, còn một số nhã nhạc và các điệu múa cung đình được sáng tác bởi một nhà sư Lâm Ấp tên là Phật Triết tại Nara cũng vào thế kỷ 8 (736) và đã được lưu truyền trong hoàng triều Nhật Bản cho đến ngày nay. Gần đây, một đoàn nhã nhạc Nhật Bản tham gia Festival Huế 2014 đã biểu diễn các khúc nhạc này, được gọi là Lâm Ấp Bát Khúc (Rinyu Hakkyoku), tại Duyệt Thị Đường, Huế, vào tối 13-4-2014. Sự xuất hiện và được trọng vọng của một nhà sư Lâm Ấp tại kinh đô Nhật Bản đương thời, đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và ngoại giao của vương quốc Chăm-pa đến vùng Đông Á. (Theo tài liệu của Onishi Kazuhiko, Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam, trao đổi cá nhân, tháng 11-2013 tại Đà Nẵng.)

[3] Nhất Thiết Hữu Bộ/Sarvàstivàda là bộ phái quan niệm rằng mọi sự đều có (nhất thiết hữu), là một nhánh của Tiểu thừa, tách ra từ Trưởng Lão Bộ/Sthaviravàda  dưới thời vua A-dục, thế kỷ 3 tr. Công nguyên. Giáo phái này quan niệm là tất cả hiện tại, quá khứ, vị lai đều hiện hữu đồng thời. Tông phái này hoạt động mạnh mẽ tại Kashmir trong nhiều thế kỷ. Quan điểm của bộ này nằm giữa Tiểu thừa và Đại thừa. Nhất Thiết Hữu Bộ có kinh điển viết bằng văn hệ Phạn ngữ, ngày nay chỉ còn bản dịch chữ Hán và Tây Tạng.

[4] Kim Cương thừa là một tông phái Phật giáo xuất hiện vào khoảng thế kỷ 5-6 tại Bắc Ấn Độ. Kim Cương thừa bắt nguồn từ  Phật giáo Đại thừa và được truyền sang Tây Tạng, Trung Hoa và Nhật Bản. Xuất phát từ  Phật giáo Đại thừa nhưng tông phái này tiếp thu thêm những phương pháp tu học huyền bí, có tính chất bí truyền. Thông thường các tông phái này được hướng dẫn bằng một vị đạo sư. Giáo pháp của Kim Cương thừa mang tính chất Mật giáo bao gồm các yếu tố của phép Du-già/Yoga và các giáo phái thiên nhiên của Ấn Độ phối hợp với tư tưởng Phật giáo.

[5] Pho tượng đức Phật trong tư thế đứng hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh; còn pho tượng Quán Thế Âm hay Laksmindra-Lokesvara (còn được gọi là Bồ-tát Tara) được bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm-Đà Nẵng.