Cuống cuồng gió núi - Trần Quốc Cưỡng

13.08.2014

Cuống cuồng gió núi - Trần Quốc Cưỡng

Có thể nơi họ đang ngồi cách đây gần bốn mươi năm về trước là điểm cao 817. Nơi từng diễn ra cuộc giao tranh ác liệt giữa quân giải phóng và quân đội Sài Gòn. Giờ là khách sạn bảy tầng đạt chuẩn 5 sao, mang tên Hoàng Lan, nằm trên ngọn đồi trập trùng thông reo, gió hát.

            Nữ giám đốc khách sạn đã trên bốn mươi tuổi vẫn còn trẻ đẹp như một bông hoa đằm thắm của phố núi. Cô nàng mặc váy thổ cẩm vẫn không giấu được thân hình căng mẩy. Nụ cười, ánh mắt tràn đầy sức sống: “Chưa có ai ngồi uống rượu cần, thưởng gió núi trên sân thượng như hai anh. Em thích đàn ông lãng mạn”. Người đàn ông tóc quăn, chân mày rậm, gương mặt nao nao buồn, hút một hơi dài rượu cần đặc quánh, khề khà trông sảng khoái: “Em có biết người đang đối ẩm với anh đây là ai không? Anh sui của anh đấy. Anh ở tận miền biển xa tít. Từng là ký giả nổi tiếng của quân đội Sài Gòn”. Người đàn ông ngồi bên cạnh hơi gầy. Tóc chấm vai. Gương mặt đượm nét phong trần. Nụ cười mê hoặc: “Còn anh ấy là phóng viên chiến trường của quân giải phóng. Từng quay phim cuộc giao tranh năm 1972. Rất có thể vùng này khi xưa từng là nơi diễn ra chiến trận”. Người đẹp à lên một tiếng kinh ngạc: “Trời ạ! Hai anh từng là đối phương, giờ là sui gia. Hay đấy!”. Người đàn ông miền biển bật lửa đốt thuốc lá, xởi lởi: “Chuyện đơn giản mà em. Con trai anh công tác trên này để ý thương con gái ảnh vậy là hai cựu nhà báo trở thành sui gia. Thế thôi!”. Người đẹp sợ ngồi nán lại sẽ làm ảnh hưởng đến tâm tình riêng tư của khách. Cô nàng cáo lui trong tiếc nuối: “Em có việc phải đi. Chúc hai anh có một đêm thật vui vẻ và nhiều cảm xúc!”. Hai người đàn ông gật đầu, mỉm cười với người đẹp. Họ tiếp tục uống rượu và lục tung ký ức của gần bốn mươi năm trước. Cựu ký giả: “Hồi đó anh di chuyển bằng cách nào để có được những thước phim vô giá như vậy?”. Cựu phóng viên: “Tôi men theo đoàn quân. Họ đi đâu, tôi theo đó. Còn anh?”. Cựu ký giả: “Đổ bộ từ phi cơ vận tải quân sự C-130 xuống phi trường. Chạy lúp xúp ra ngoài, rồi leo lên xe tăng M-113”. Cựu phóng viên: “Tác nghiệp thuận lợi đấy, nhưng dễ làm mồi cho B-40, B-41”. Cựu ký giả: “Anh chưa từng đi trên chiến xa à?”. Cựu phóng viên: “Có chứ. Lần vào giải phóng Sài Gòn, tôi vác máy quay phim đứng trên chiếc T-54 phom phom tiến về phía trước. Có những chiếc T-54 dính đạn từ súng chống tăng M-72 hoặc hỏa tiễn TOW. Biết là nguy hiểm, song trách nhiệm phải đi đến cùng”. Cựu ký giả: “Nhiều lần tôi di chuyển theo các chiến đoàn, sau khi máy bay cường kích A-1, A-37, F-5 dội bom, trực thăng vũ trang UH-1A phóng rốc két như vãi cát xuống trận địa phía bên kia. Rồi pháo 105mm, 155mm, Vua Chiến Trường 175mm… khạc bão lửa. Vậy mà quân giải phóng như người tàng hình. Những chiếc xe tăng M-41, M-48, M-113 hùng hùng, hổ hổ lao lên như những con trâu điên bị dính chưởng hỏa tiễn H-12, ĐKB, dàn pháo tầm xa 122mm của quân giải phóng. Chúng khựng lại, bốc cháy như những con ngựa chiến bị chặt cụt chân”. Cựu phóng viên: “Còn chiến trận ở điểm cao 817, quân giải phóng không hề có một chiếc máy bay nào tham chiến. Không “trực thăng vận” như quân đội Sài Gòn. Những chiếc T-54 không có chỗ để chở quân cơ động nhanh, gắn pháo cực mạnh như “thiết xa vận” của đối phương. Lại phơi mình dưới các loại máy bay cường kích như lũ chim ưng không ngừng oanh tạc. Ấy vậy, vẫn làm nên chuyện”. Cựu ký giả rít một hơi thuốc lá thật sâu như tìm hiểu mỗi điếu thuốc có bao nhiêu lần hút. Mắt nhìn vô định: “Đúng là quân đội Sài Gòn hỏa lực mạnh, cơ động nhanh. Đánh trận không tiếc súng đạn. Phía sau họ là nước đồng minh giàu mạnh, hào phóng. Chẳng giống như quân giải phóng cân nhắc từng viên đạn. Một trung đội với trang bị nhẹ cũng có thể quyết chiến với một tiểu đoàn”. Cựu phóng viên: “Nghe nói hàng ngũ đại đội trưởng quân đội Sài Gòn đã có xe jeep, cận vệ riêng phải không anh?”. Cựu ký giả cười buồn: “Đúng vậy! Cỡ trung úy đại đội trưởng của quân đội Sài Gòn về thành phố như Thành Hoàng về miễu. Quân phục là thẳng nếp, kính râm, dày vớ bóng lộn. Vào các bar tha hồ hút xách, gái gú”. Cựu phóng viên cũng cười buồn, nhưng nỗi buồn quánh lại: “Những sỹ quan quân giải phóng quân phục màu cỏ úa, chân đất, ăn uống đạm bạc như lính tráng. Những ngày tạm ngưng chiến sự, họ tranh thủ học tập, nghiên cứu, rút kinh nghiệm các trận đánh và thăm hỏi, động viên bộ đội. Họ tự hiểu ở hậu phương, nhân dân đang hăng hái tăng gia sản xuất, thắt lưng buộc bụng vì tiền tuyến”. Cựu ký giả rít một hơi dài rượu cần. Khà một cái. Cầm miếng khô nai chưa thưởng thức vội: “Tôi hiểu trận đánh năm ấy, quân giải phóng bày trận thế vây ép, thu hút quân đội Sài Gòn lên điểm cao 817 để tiêu diệt”. Cựu phóng viên mở chai nước lọc, châm vào ché rượu cần. Trước mắt ông hiện lên một vùng ký ức: “Đúng vậy. Sau khi cho máy bay dội bom và pháo các cỡ đồng loạt nhả đạn lên điểm cao 817 không kiềm chế được hỏa lực quân giải phóng. Những chiếc máy bay trinh sát U-17 bổ nhào, phóng rốc-két khói, chỉ điểm mục tiêu cho máy bay ném bom hạng trung F-111A tung hoành ngang dọc và có những thần sấm (F-105), cánh cụp cánh xòe (F-111A) “ngã ngựa”. Những khẩu pháo cao xạ 37mm, 57mm của quân giải phóng từ trên đồi cao phát huy tác dụng”. Cựu ký giả nhai xong miếng khô nai, giọng thâm trầm: “Đáp lại, có những chiếc xe tăng T-54 dính bom bốc khói. Tôi vác máy quay phim chạy theo gã lính truyền tin, mang chiếc máy gọi PRC-25 gắn cần ăng-ten bẻ cong khục khật sau lưng. Nghe gã cao giọng: “A lô! Báo cáo tư lệnh! Ta vừa “rang” thêm một con “cua”. Tôi hiểu đấy là tiếng lóng ám chỉ xe tăng T-54”. Tiền pháo hậu xung, chẳng đạt được mục đích, những chiếc xe tăng M-113, M-114 như những lô cốt di động chở quân lao tới. Lúc bấy giờ gần đến cao điểm 817 nên B-40, B-41, ĐKZ… bắt đầu “lên tiếng”. Xác xe tăng quân đội Sài Gòn phơi dọc đường cùng với xác tử sỹ ngổn ngang khiến tôi chùn bước. Gã chỉ huy hiểu ý nói nhanh với tôi: “Ký giả chờ tí chút sẽ có trực thăng vận tải AH-1N đến chở lên điểm cao”. Tôi ngồi trên trực thăng với lính biệt động quân mà lòng phập phồng lo sợ vì tiếng súng 12,7mm của quân giải phóng nổ giòn. Lạy chúa! May mà không hề hấn gì”. Cựu phóng viên tì một tay trên bàn, một tay quàng lên ghế, xoay người nhìn về phía núi. Nơi có ngọn gió phóng túng đang cuống cuồng xoắn lấy hai người. Giọng ông chợt xa vời vợi: “Anh ngồi trên trực thăng chiến đấu còn an toàn hơn tôi ngồi đội bom tấn. Chắc anh còn nhớ trước khi trực thăng CH-47 đổ lính biệt động quân và thủy quân lục chiến lên điểm cao 817 là một trận bom rải thảm do các pháo đài bay B-52 của Mỹ? Tên lửa nào đâu kéo lên tới đỉnh núi để đánh B-52 cơ chứ. Một sự hủy diệt khủng khiếp! Giá như chiến tranh kéo dài đến ngày nay, thêm gần bốn mươi năm sẽ có hàng triệu triệu người ngã xuống”. Cựu ký giả càng uống, càng tỉnh như sáo: “Anh biết không? Bàn chân tôi vừa chạm đất. Đúng hơn là chạm vạt đồi đất đỏ. Tiếng súng nổ rộ. Chiếc trực thăng cuống quít vọt lên trời. Tôi lao về phía lùm cây. Cái ý nghĩa của hai chữ tác nghiệp bị nhấn chìm trong nỗi sợ hãi”. Cựu phóng viên: “Quân giải phóng chủ động phục kích và phòng ngự trong những hốc đá, hẻm núi. Đây là thời điểm bắt đầu cận chiến. Nhất là khi trực thăng vận tải thả lính nhảy dù xuống trận địa”. Cựu ký giả thật thà: “Anh ạ! Sau phút giây choáng váng, rúng động, tôi lấy lại sự bình tĩnh bước ra triền đồi, đặt máy lên vai. Song, không thể nào thao tác. Xác quân ta nhiều hơn quân địch. Thường thì những lúc cận chiến ưu thế thuộc về quân giải phóng. Tôi biết quân giải phóng có phương châm sáng tạo chiến lược “Nắm thắt lưng địch mà đánh”. Họ làm cho đối phương bị cuốn hút theo lối đánh của họ. Những người lính quân giải phóng chiến đấu bài bản, ngoan cường và hiệu quả. Những chiến binh thoắt ẩn, thoắt hiện sau vòm cây, hốc đá. Mỗi lần tiếng súng tiểu liên AK-47, trung liên RPD, thủ pháo của họ vang lên là thế nào cũng gây thương vong cho đối phương. Lính quân đội Sài Gòn thì quạt tiểu liên AR-15, M-16, đại liên M-30 vào bất cứ chỗ nào mà họ nghi có địch quân ẩn nấp. Gã thiếu úy lính biệt động quân thét khản giọng: “Tụi bay câu M-79 (súng phóng lựu) về phía tảng đá màu xám, nhanh lên! Đ. Mẹ! Chậm như rùa! Đại liên của thằng Sanh chết dúi ở đâu rồi?”. Hỏa lực từ phía tảng đá trước mặt bất ngờ chuyển xạ về phía gã thiếu úy. Anh ta hoảng hồn thụt đầu xuống mô đất. Tôi còn kịp nghe anh ta chửi thề: “Mẹ kiếp! Cộng Sản ở sát nách, gọi pháo binh nã pháo thế nào được. Đ. Mẹ! Có giỏi thì lên đây chỉ huy thử coi”. Cựu phóng viên ném về phía núi cái nhìn như kiếm tìm hình ảnh của một thời chinh chiến: “Tình cảnh của tôi cũng đâu khác gì anh. Trận mưa bom trút xuống, tôi trốn nhủi trong hốc đá. Lúc trở ra, nhìn cảnh tượng trước mắt, tôi bàng hoàng, đau đớn. Gần chục xác chết của quân giải phóng thi thể không còn nguyên vẹn. Tôi đặt máy lên tảng đá, thu nhặt từng cánh tay, bàn chân… Rồi tiếng máy bay, tiếng súng nổ chát chúa, ầm ào trong vách đá”. Cựu ký giả buồn lây: “Viên thiếu úy mà tôi vừa kể với anh tích tắc dính nguyên một quả B-40, khi gã cầm khẩu súng cold 45 đứng trên mô đất, ra lệnh cho quân lính tấn công. Anh ta chỉ còn lại cái đầu. Mắt mở trừng trừng trông khiếp đảm. Tôi từng quay phim lễ tang của một trung úy chết trận. Anh ta được truy thăng đại úy và tặng thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh. Trong di ảnh, một gương mặt khá bảnh trai với nụ cười rạng rỡ. Thật bi hài. Vợ viên cố đại úy khóc lăn, khóc lộn vì nỗi đau mất chồng, trong khi có một gã lính dự lễ tang lại đọc hai câu thơ ngẫu hứng: “Đại úy nhìn em đại úy cười/ Em nhìn đại úy lệ em rơi”. Có những sỹ quan quân đội Sài Gòn được vinh thăng quân hàm vượt cấp, vượt thời gian tại mặt trận khi im tiếng súng để cổ vũ tinh thần chiến đấu”. Cựu phóng viên cười buồn: “Quân giải phóng chiến đấu không vì thăng quan, tiến chức nên không có cảnh thăng quân hàm ngoài mặt trận. Anh còn nhớ chuyện Đờ-cát-tơ-ri được quân đội Pháp phong cấp tướng bằng cách thả dù quân hàm xuống lòng chảo Điện Biên Phủ không? Lấy cấp bậc, danh vọng, lợi lộc làm mồi câu lòng tham con người để say chiến vẫn cứ thất bại. Thật khôi hài!”.

            Men rượu cần bắt đầu thấm sâu vào huyết quản của hai gã đàn ông. Càng về sau họ nói chuyện càng hăng. Cựu ký giả: “May mà chiến tranh kết thúc, chứ không thì tôi và anh có khi không giữ được mạng sống. Bom đạn đâu phân biệt được ai là nhà báo”. Cựu phóng viên cao hứng: “Thôi ta không nhắc lại chuyện quá khứ. Chỉ nói đến hiện tại. Hiện tại là… uống, chứ không hút. Cái ống nhựa này làm tôi mỏi cả miệng. Ơ! Nào, mấy cô bé cho tụi anh hai cái ly. Không mấy thuở anh sui lên tôi. Ta cứ thoải mái. Người đời thường bảo: “Bà con càng ngày càng xa/ Sui gia càng ngày càng gần” đúng không anh? Nay mai vợ chồng tôi xuống dưới đó thăm anh chị”. Nói chưa hết câu, chợt nhìn thấy vợ con xuất hiện, anh bật cười hả hả: “Má nó uống với anh sui một ly nghe. Bà xã tôi tửu lượng vào loại nữ cao thủ ở vùng này đấy. Có lần tôi thua buồn chuyện làm ăn, ngày nào cũng nhậu. Nhà tôi sai con mua rượu về, tuyên bố một câu xanh dờn: “Hôm nay tôi uống tới bến với ông. Nếu ông thắng được tôi thì từ đây tôi không cản ông ăn nhậu. Còn thua thì phải bỏ ngay cái cách say xỉn bê tha”. Anh biết không? Nghe nhà tôi nói vậy tôi mắc cỡ quá trời!”. Cô con gái cựu phóng viên cười khúc khích: “Ba coi kìa! Ba mời má cụng ly với ba chồng con mà ba giữ cái ly khư khư trong tay…”. Cựu phóng viên phá lên cười khùng khục, trao ly rượu cần cho vợ: “Uống với anh sui đi mình, không mấy thuở…”

 

T.Q.C.