Mưa vẫn trải lòng quê nội - Nguyễn Thanh

03.09.2014

Mưa vẫn trải lòng quê nội - Nguyễn Thanh

1 - Được tin tốp cháu ở Sài Gòn, trong đó có thằng Hiện con trai người anh thứ Năm – Năm Thân – sắp về từ giã bên nội để cùng vợ con đi định cư bên Mỹ khiến ông Hấn không khỏi xúc động, lo lắng.

Giữa lúc một giáo viên sắp về hưu hay buồn chuyện vu vơ, vô cớ, vô tích sự, ông Hấn thường ngồi chờ dứt mưa để nhóm lửa đốt đi những thứ ông muốn thiêu hủy: những sách vở in ấn bằng giấy rơm không còn nhận ra mặt chữ, sổ sách ghi chép, và có cả thư từ… Chính lúc ấy, lúc ngồi cạnh đống lửa trên lớp cát lấp ven con đường ngoại ô vắng vẻ bỗng bật ra trước mũi que tre trên tay ông Hấn một bức thư của thằng Hiện. Ông giật mình, liền dịch người về phía trước, hất mẩu giấy ra khỏi đống lửa. Ồ, một bức thư! Không ai lại bất cẩn đem đốt những bức thư? Ông nhủ thầm. Như vừa giành giật với lửa được một vật gì quí giá, ông Hấn vân vê mẩu giấy trên tay, nhẩm đọc.

Thư viết: “Theo gợi ý của chú Út, (mà dường như chú Út muốn biết gia cảnh và nhất là việc học hành của con?)...

Ông Hấn dừng. Ông dừng vì thói quen hay ngẫm ngợi, xét nét trước khi chấm điểm cho tốp học trò của ông. Hãy nhìn thật kỹ vào đôi mắt trẻ thơ mỗi lần người lớn nói về cảnh ngộ, hạnh kiểm, thang điểm từng học kỳ của nó?

Lại đọc tiếp: “Sau khi thi tốt nghiệp phổ thông, cùng lúc, con thi vào hai nơi: Cao đẳng Sư phạm – khoa Anh văn – và một trường đào tạo công nhân của nhà máy Việt Thắng chuyên sản xuất vải sợi ở tận Thủ Đức. Học làm công nhân cho nhà máy Việt Thắng đúng ba tháng thì nhận được tin con đậu vào trường Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

Học tiếp hay ra làm công nhân là hai sự lựa chọn của con và hết thảy thành viên trong gia đình? Cuối cùng, con quyết định học tiếp. Nhưng chú Út ơi, từ nhà con ở ngã tư Chánh Hưng,  qua cầu Chữ Y, rẽ trái xuống hết đường Nguyễn Biểu mới tới trường, dài bốn năm cây số. Vì mặc cảm, mỗi lần tan học, vài đứa không có xe đạp tụi con quặn lòng nhưng cố giả vờ đi chầm chậm chờ cho tốp xe đạp, xe máy của bạn bè lũ lượt qua mặt, tụi con mới bước hối hả về nhà...”

Ông Hấn lại dừng. Lần thứ hai, ông Hấn dừng vì dè chừng một cơn mưa theo gió có thể ập tới lúc nào không đoán trước được. Mồ hôi đẫm lưng. Khi đó, ông Hấn vẫn không rời bức thư của thằng Hiện.

 Vẫn nét chữ tròn, đứng, dong dải thưa thiệt với chú Út rằng, khoảng thời gian sáu bảy năm học thêm, Hiện tìm hiểu, yêu thương một người con gái chung lớp, chung trường, lại chính là đứa con gái nhà giàu thường đi xe gắn máy qua mặt con mỗi buổi tan tầm, dẫn tới kết hôn thành chồng, thành vợ. Mãi đến nay, những người thân bên vợ Hiện đã định cư hết bên Mỹ có nhu cầu bức xúc muốn sum họp gia đình…

Ông Hấn đọc xong, muốn đọc lại nhưng hai tròng kính trắng nhòe nhoẹt nước mưa. Ông bỏ mặc đống lửa đang cháy dở, vội vội, vàng vàng vào nhà. Chưa đọc lại bức thư của thằng cháu, một bức thư mà trước đây vì quá bận rộn lên lớp, hội họp nên chỉ đọc sơ sịa lướt qua, nay đọc kỹ lại, khiến ông Hấn ngỡ ngàng, xa xót.

- Phải Xiếu đó không vậy? Tám Xiếu?... – Ông Hấn cầm ống nói kề sát miệng, hỏi. Lại ngưng. Lắng tai nghe tiếng người từ phía bên kia đầu dây chốc lát, ông lên giọng với thằng cháu dưới quê như ra lịnh:

- Xiếu nghe cậu Út nói đây: Sáng mai hoặc trưa trưa một chút có tốp bà con trên Sài Gòn xuống thăm đó nghe. Hai người, gánh cậu Năm Thân (Một thằng cháu ruột, một thằng cháu rể), và thêm tài xế nữa nghe. Nhớ không?!

 Ông Út Hấn chưa chịu dừng. Với Tám Xiếu con trai người chị thứ Ba, ông được lòng, ông tin. Là vì lúc nhỏ Xiếu có một dạo quảy thùng cà rem kiếm sống trên đất Sài Gòn... Tuy nhiên, vốn cẩn trọng và lo bao đồng, ông Hấn không quên căn dặn thằng cháu dưới quê:

- Con chịu khó sang sông ra mộ ông bà ngoại… Nhớ nói với mấy cháu có mặt tại nhà. Thằng Hiện về kỳ này vừa thăm viếng mộ ông bà nội, vừa từ giã bên nội đi làm ăn xa lắm nghe…

Vẫn chưa hết việc, ông Hấn còn trèo lên quét dọn gian gác xép bám đầy bụi bặm, bày ra trên sạp ván đủ mùng mền chiếu gối, có cả cái gạt tàn thuốc bằng sành phòng hờ tàn lửa rơi gần chất cháy. Nhà ông Út Hấn bắt đầu chộn rộn khác thường. Ngoài đường, đống lửa đã tắt ngấm. Bầu trời ui ui báo hiệu sắp vỡ ra những đám mưa đầu mùa.

2 - Mãi cho tới xế dài, tốp cháu Sài Gòn vẫn bặt tăm. Đang sốt ruột chờ chực, một chiếc xe bốn bánh sơn màu đỏ chói đỗ lại bên kia đường. Ông bà Út Hấn chưa kịp mở cổng, ba đứa có cả tài xế đã đáp đất dợm bước qua chỗ chủ nhà đang đứng.

Trong lúc loay hoay mừng khách mới tới, bà Út mất biến sau bếp. Ông Hấn ngồi giữa như cục nhưn trên bộ ghế mây tiếp khách. Ngoài bác tài, hai đứa cháu không còn lạ gì với ông nhưng ông cứ ngắm nghía sơ qua từng gương mặt: Hiện vẫn ít nói, hay trầm tư, từ tốn như hồi lên chín lên mười tuổi về quê nội tắm sông. Thằng Điểm tự nhiên, xởi lởi ra vẻ đã vượt qua khúc quanh đời sống, có thêm phương tiện xe bốn bánh ra vào Vũng Tàu mưu sinh.   

Khối chuyện nhà, chuyện đời, chuyện thời tám hoánh tự nhiên vỡ ra… Chốc chốc, tiếng cánh cổng khép, mở ken két báo hiệu có người bà con lần lượt kéo tới gặp khách Sài Gòn.

Loay hoay một chỗ hồi lâu, chợt nhớ, ông Hấn nhắc hờ tốp cháu để ý dòm chừng chiếc xe đỏ đậu bên kia vệ đường. Ông nhắc nhở vì để ý không thấy có đứa nào mang hành lý xuống xe. Nghe vậy, Hiện ngẩn người mở tròn hai mắt nhìn thằng em rể.

 Điểm áy náy lên tiếng:

 - Thưa chú Út, đồ đạc tụi con gởi hết bên Hải Châu. Tiện có chỗ gởi xe, tụi con đã thuê khách sạn…

- Cà Mau có khách sạn Hải Châu? – Ông Hấn ngạc nhiên hỏi.

Điểm thiệt thà phân bua:

- Mấy năm trước, Công ty chỗ cháu làm có người xuống đây quan hệ mua tôm. Hồi ấy, Hải Châu chỉ là nhà trọ nằm ngang Siêu thị, nay lên khách sạn. Sợ bận rộn chú thím Út… 

Điểm dừng. Hiện ngồi thừ ra, không nói. Kế đến bữa cơm tối thêm một lần lắng lại vì ông bà Út Hấn ngỡ ra khách Sài Gòn có người ăn chay – thằng Hiện ăn chay tháng vì lời vái van Phật độ chuyến đi Mỹ an toàn - Đến lúc ông bà Út Hấn ngồi ngậm tăm nhìn mấy món ăn bày biện ra trước mặt, có cả mớ tôm càng đặc sản của thằng cháu ở gần  làm nghề sửa chữa xe hon-đa, góp vào.

Thế là nhiều việc chuẩn bị tiếp khách của vợ chồng ông Út Hấn bị đảo lộn, chưa kể gian gác xép với chiếu gối mùng mền, cái gạt tàn thuốc bằng sành đêm nay nghỉ không.

Mà thật vậy. Ăn uống, chuyện trò qua quít, tốp cháu Sài Gòn lật đật về thẳng khách sạn. Ngôi nhà cấp bốn của thầy giáo Hấn trở lại trống vắng như thường ngày.

Sáng sớm hôm sau, mưa… 

3 - Khác hẳn nhiều lần về thăm quê trước đây, lần này, ông Hấn có thêm niềm vui nho nhỏ, quý báu, vì ông có dắt theo tốp cháu ở xa tí mú về thăm quê nội. Tưởng đâu miếng thổ cư nhỏ nhắn, già cỗi với mấy ngọn dừa lão ngó trật ót, vài cây ổi, cây xoài chìm trong sự dửng dưng, vô cảm của con người? Không. Nay đã khác. Hoàn toàn khác. Ông nghĩ...   

- Chào hết khách Sài Gòn, nghe… Tôi bận chuẩn bị lo cơm nước cho khách đây… chút nữa gặp nghe - Tiếng Tám Xiếu từ bên kia con rạch nhỏ vọng sang bên này - Xiếu đứng trên vực đất do chiếc xáng mới vừa cạp đổ lên, tiếp - Các người anh em xuống tới đây động lòng trời! Mưa mút chỉ. Thấy không? Thấy xứ khỉ ho cò gáy này lên đời không?

Giọng Xiếu oang oang, vừa chân tình pha chút kiêu hãnh ý muốn nói thêm rằng: Mấy người anh em làm chủ xe bốn bánh. Tám Xiếu làm chủ vuông tôm chớ bở đâu!?

Ông Hấn tự dưng hởi lòng, hởi dạ. Thầy giáo Hấn vui vì ngó thấy gần đủ mặt các cô, chú, anh em bà con chú bác với tốp cháu Sài Gòn lần lượt kéo tới mảnh vườn xa hoang vắng. Ông Hấn vui còn vì lẽ trước mặt khu mộ xuất hiện một chiếc xe bốn bánh sơn màu đỏ chói và lủ khủ xe hon-đa..

Đi giữa tốp cháu Sài Gòn, ông Hấn bước những bước chậm chạp ra khu mộ. Đường ra khu mộ phải đi lòng vòng qua vài mô đất nhơ nhớp sình bùn do mặt đất vốn đã thấp phải hứng chịu dồn dập những cơn mưa như trút nước. Nước lên mấp mé tới vài gốc cây ổi còn sót lại sau khi sửa sang nhà mộ. Bày ra trước mắt đàn chim trao trảo vài trái ổi chín muộn, thơm lừng. Tiếng chim trao trảo nghe càng thêm rối rít.  

Hiện từ tốn, chậm rãi, tay cầm mấy nén nhang bước thẳng tới bức vách xây gạch gắn ảnh ông bà nội. Hai tay Hiện run run. Vài sợi khói ngoằn ngoèo vương vương trước mặt. Mùi nhang thơm phảng phất, lan tỏa ra tới những vòm lá xanh lao xao. Hiện ngập ngừng…Một lúc lâu, Hiện đứng yên khấn vái. Không thành lời. Gương mặt ưu tư, đượm buồn như thầm nói mai mốt Hiện định cư nơi đất lạ, cách biển cách sông biết có về thăm quê nội được  một lần nữa không?!

Và rồi không lâu sau đó,Tám Xiếu xuất hiện. Một chiếc phà tuốt lúa không rõ từ đâu tới cập bến. Chính là cái bến nước rộng dài bên này, phà thả nổi qua phía bên kia nhà Tám Xiếu bằng cây sào tre trong tay một thằng cháu chống chỏi sau lái.

Chủ nhà Tám Xiếu khác xa thời bán cà rem dạo trên đất Sài Gòn. Da nâu, tay chân đen sạm hiện rõ nét phong trần, dày dạn nhưng Tám vẫn giữ y nguyên tính xởi lởi, rời rộng, biết bà con xa, gần.

Nổi bật vai chủ hao hao cái nền nhà mới nổi lên cao nghệu chờ lún lót gạch bông, một mình Tám Xiếu uống trót một ly rượu lấy thế chủ nhà, mặt mày ửng lên màu mận chín. Hiện ăn chay chấm mút món tương chao với mớ rau cải nghe xót xa trong ruột mỗi lần có chút rượu vào. Vừa ăn cơm, vừa xoay qua mấy vòng rượu đế, cuộc tiệc bỗng trở nên xôm tụ, thâm tình.

Tám Xiếu ghim chuyện bề chìm quê ngoại. Nhìn Hiện, Xiếu tự nhiên nhắc:

- Chú Hiện với anh em mình biết không, hồi trước giải phóng đó hả, tụi mình dễ gì gặp nhau thế này? Sáng sớm mới mở mắt đã nghe tiếng súng nhoi trời phía trên, phải chạy lánh miệt dưới; trực thăng đổ quân chắn hết mấy cửa rừng, phải vượt sông lớn sang bên kia; trời đánh tránh bữa ăn nhưng bom tấn, pháo bầy của Mỹ chẳng chừa một  ai. Đêm ngủ không yên…

Xiếu vẫn dán mắt vào tốp khách Sài Gòn, càng ra vẻ người từng nằm bờ ngủ bụi trong chiến tranh, nhắc tiếp:

- Dân xứ này còn sống đây coi như sống sót đó nghe. Tiền hung, hậu kiết, mà... Hồi trước khổ, nay sướng: được đi cầu đúc, nấu cơm nồi điện. Bước ra đường nhựa lên xe buýt vừa túi tiền. Xuống bến sông đón tàu cao tốc phóng nhanh…

Tám Xiếu chưa chịu thôi. Vẫn dán mắt vào đám đông, Xiếu tiếp:

- Ở Sài Gòn có cái gì, ở đây có cái nấy. Biết cả Giải bóng đá ngoại hạng Anh... - Tám Xiếu dẫn chuyện càng về sau càng sinh động, vui nhộn. Thêm rượu vào, lời ra giữa lúc ngoài trời mưa vẫn không ngớt hạt. Quang cảnh xóm vắng, rạch vắng, đường vắng, những hạt mưa rơi nghe nhẹ tênh, thánh thoát. Tiếng rì rào của mưa gió như dội lên  từ phía bến nước, mặt sông.

Nổi lên nhân vật chính vẫn là Hiện khép nép, trịnh trọng như chìm dần vào giữa đám đông sau khi chen nói đôi điều về việc đã thu xếp, ổn định gia đình, chỉ chờ ngày bay sang Mỹ.

“Chỉ chờ ngày bay sang Mỹ!”. Một câu nói đến tai người đã từng nếm trải qua chiến tranh, lại là người đứng trong đội ngũ Cách mạng lâu năm như ông Út Hấn,  nghe sao nghịch quá, lạ quá. Đúng hơn, ông Hấn bị mặc cảm vì đi đâu, đã đành, đằng này, thằng cháu ruột mình sang Mỹ? Ông không yên nhưng ngoài mặt thầy giáo Hấn cố làm ra vẻ tự nhiên nhằm tránh trút bịnh bảo thủ, không thức thời, hoặc tuổi chưa phải già đã lẩm ca lẩm cẩm như một số người đã gán cho ông. Rồi từ chỗ ngồi giữa nền nhà, ông Hấn tự nhiên trôi vào một góc xa thư giãn... 

Khác hơn cậu Út Hấn, Tám Xiếu hồn nhiên, tếu tác:

- Mỗi nhà mỗi cảnh. Mỗi cây mỗi trái mà. Hòa bình rồi, chú Hiện có hoàn cảnh riêng, tự quyết. Phần anh Tám Xiếu chỉ nhờ chú em mày một chuyện nhỏ xíu xìu xiu thôi. Lại tiếp:

- Dễ ợt. Mấy khi có người đi Mỹ. Chú Hiện mầy qua Mỹ nhớ chuyển lời vợ chồng Tám Xiếu chủ vuông tôm gởi lời hỏi thăm, chúc sức khỏe bà con Việt kiều bên ấy...Vậy thôi…

Tám dừng, chốc sau nhìn thoáng qua ông Út Hấn, tốp giáo viên tới muộn,  Tám Xiếu gợi ý thẳng cậu Út nên chấm điểm lưu lại sổ sách cho khách bà con từ Sài Gòn đổ đường xuống tới đất chằng chịt  sông bùn này. Lập tức, từ trong góc xa, ông Hấn ngưng bấm bấm nhắn tin ra ngồi lại chỗ cũ. Sẵn máu nghề nghiệp, thầy giáo Hấn gật gù đồng tình. Ông nói:

- Đồng ý cho mỗi thằng cháu từ Sài Gòn xuống đây, kể luôn bác tài, mỗi người được 9/10 điểm.

Ông Hấn ngưng như để xét nét, cân nhắc, lại tiếp:

- Riêng thằng cháu rể, thằng Điểm, đúng loại rễ cây cứng cáp như cây tràm, cây đước mới về tới quê vợ xa xôi, cách trở này. Theo hướng đó, thằng Điểm được cộng thêm 1 điểm, bằng 10/10 điểm… 

Ông Hấn nói xong, trong nhà Tám Xiếu ấm lên tiếng người.

Ngoài trời, mưa gió phủ mờ bến nước phía bên kia con rạch nhỏ, hiển hiện chiếc xe bốn bánh thành một chấm đỏ trong màn mưa. Mưa lớn, kéo dài. Khí trời se se lạnh. Mãi cho tới chiều mờ mặt người hãy còn những hạt mưa rớt liêu xiêu. Mưa bụi. Chủ và khách đành chia tay trong khi mưa chưa dứt hạt, lại còn quây quần, nấn ná chỗ bến nước có chiếc phà gỗ neo đậu sau khi đưa rước khách sang sông.

 Đấy, bước chưa tới chiếc xe bốn bánh chờ người, gặp ngay bến nước – một bến nước thường hiện rõ mồn một trong ký ức ông Hấn nơi chiếc ghe lườn hết đường tản cư ẩn náu dưới tàn cây dừa giữa đầy đặc những giề lục bình trổ bông tím lịm – nơi Năm Thân, cha thằng Hiện khóc thút thít như một đứa trẻ trong buổi chia tay những người trong gia đình mới vừa định cư để theo người bà tốt bụng tìm kế sinh nhai trên đất Sài Thành…   

Ông Hấn đứng loay hoay hồi lâu trên bến nước trong lúc tốp cháu Sài Gòn ra khu mộ thắp nén nhang từ giã ông bà nội. Mấy ngón chân già nua, thô ráp của ông  bấm thật sâu xuống lớp đất bùn. Đất sình bùn từ phía dưới lèn theo mấy kẽ chân làm lấp khuất hai bàn chân ông.

… Và cho đến lúc xe lên cầu đúc bắc ngang con rạch nhỏ, người già, người trẻ ngồi trong xe đều ngoái lại nhìn bến nước có chiếc phà gỗ đang neo đậu – Một bến nước tím lịm bông lục bình thủa xa - Một dòng sông chảy nhẹ giữa hai bờ lá dừa nước - Một góc vườn quê nội có những ngọn dừa lão, những xoài, ổi, cây mít quỳ… kết thành bóng dáng quê hương bất tử đã từng làm lớn lên biết bao nhân cách, tâm hồn con người! Ông Hấn hy vọng…

 

N.T