THẦY ĐỖ TOÀN XƯA...

29.05.2012

THẦY ĐỖ TOÀN XƯA...

Trần Trung Sáng

Vào đầu tháng 5 năm 2000, họa sĩ Đỗ Toàn đã lặng lẽ ra đi, sau một thời gian bị bệnh tai biến. Tang lễ của ông diễn ra thật vội vàng và đơn giản. Song trước khi chiếc xe khách ọp ẹp đưa ông cùng người thân về miền quê cũ bên kia phía chân đèo, có một điểm duy nhất tại Đà Nẵng đoàn tang đã dành cho ông vài phút dừng chân từ biệt, đó là cánh cổng ngôi trường trung học Phan Châu Trinh. Bởi nơi ấy, ông có một thời trai trẻ đứng trên bục giảng và để lại tác phẩm điêu khắc tâm huyết nhất đời ông: pho tượng cụ Tây Hồ - một hình ảnh đầy tôn kính, đồng hành cùng nhiều thế hệ học sinh Đà Nẵng với những ký ức sâu đậm, tuyệt vời của tuổi hoa niên.

Chân dung Đỗ Toàn

Họa sĩ Đỗ Toàn tên thật là Đoàn văn Toàn. Ông sinh năm 1940 tại Thừa Thiên Huế. Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế, Sư phạm mỹ thuật Gia Định. Từ trước 1975, ông là giáo viên hội họa của trường trung học Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Có lẽ chính vì vậy, khi nhắc đến ông, người ta thường gọi là họa sĩ, mặc dù, sự nghiệp của ông để lại phần lớn là các tác phẩm điêu khắc như các tượng chân dung: Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu, Hoàng Diệu...và nhiều tượng đài trong khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.

Theo lời kể của họa sĩ Đỗ Toàn, ông khởi công dựng tượng cụ Phan vào năm 1965, thời thầy Châu Trọng Ngô làm hiệu trưởng. Trong quá trình thực hiện, ông đã dựng cốt và tạc tượng khi ở chung cùng thầy Nguyễn Lương Hiền và Trần Thông tại một căn phòng nhỏ số 5 Đống Đa. Tự tay ông đi lấy đất sét, dựng cốt và tạc tượng. Điều thú vị, lúc này đông đảo học sinh nhà trường đã hào hứng tham gia phong trào đóng góp phế liệu bằng đồng. May mắn hơn nữa, tượng đã được bà Phan Thị Châu Liên, con gái cụ Phan và học giả Nguyễn Văn Xuân – người hết sức đam mê tư tưởng cụ Phan góp ý sửa chữa nhiều lần trước khi hoàn thành. Ngân khoản tốn cho công việc này tổng cộng 37 ngàn đồng, dành trả cho thợ đúc đồng. Bản thân họa sĩ Đỗ Toàn chẳng nhận chút thù lao nào, mà vẫn thấy hạnh phúc ngập tràn.

 

Nhà điêu khắc Phạm văn Hạng – người bạn thân thiết của Đỗ Toàn đã nhắc về ông: "Là nhà điêu khắc không mấy may mắn với số phận Canh Thìn nhưng Đỗ Toàn vẫn kịp gửi lại hình tượng mẹ Tổ quốc trẻ đẹp, nhân hậu trước Đài kỷ niệm bên sông Hàn Đà Nẵng, tượng đồng Phan Châu trinh giữa sân trường nơi anh từng lên bục giảng cầm viên phấn trắng mà bụi trắng rồi sẽ vương mãi mái tóc anh bềnh bồng. Sắc màu Đỗ Toàn mang vào tác phẩm hội họa còn đó tím Huế, xanh biển và chút xám đơn lẻ trong tâm tưởng loài cây trút lá....”

Tác phẩm tượng chân dung cụ Phan của Đỗ Toàn

Cũng như phần lớn thế hệ học trò xuất thân từ trường trung học Phan Châu Trinh trước 1975, dù trực tiếp học ông hay không, chúng tôi cũng đều hết mực ngưỡng mộ phong cách điềm đạm mà lại rất nghệ sĩ của ông. Từ giọng nói đầm ấm đến cách cầm viên phấn trên tay, họa sĩ Đỗ Toàn luôn tạo sức thu hút hấp dẫn, vừa chuẩn mực lại vừa như vượt khỏi khuôn khổ mô phạm, giáo điều. Hình ảnh của ông thời dạy học từng khắc họa trong ký ức của một đồng nghiệp:” Người hoạ sĩ tóc bềnh bồng như tuyết/ Dáng phong sương vẫn vẻ Đỗ Toàn xưa...”(Trần Hoan Trinh).

Vào những ngày đầu thành phố Đà Nẵng vừa giải phóng, để đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin tuyên truyền, cùng với nhiều họa sĩ chuyên nghiệp và kể cả nghiệp dư, Đỗ Toàn có mặt ở Khu triển lãm văn hóa Quảng Nam Đà Nẵng (sau là Trung tâm Văn hóa triển lãm Đà Nẵng). Ông đã tham gia đóng góp phần lớn trong quá trình thể hiện thi công tượng Bác Hồ và cụm tượng Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ tại đây.

 

Cụm tượng Người mẹ Việt Nam tại Đài tưởng niệm 2-9 Đà Nẵng

Từ năm 1985 trở về sau, Đỗ Toàn thường về các vùng nông thôn đất Quảng để sáng tác và thi công các tượng đài. Cũng chính vào giai đoạn này, do đời sống tình cảm trải qua những biến động lớn, đầy trắc trở, nên ông làm rất nhiều thơ. Trong đó, Trường ca Rosa của ông có nhiều đoạn được thân hữu yêu chuộng và thường ngâm nga:


”hãy bước vào vườn Tagoređi em
vì trênđời không gì bằng tình yêu và sự chết
tình yêu
tôi dâng cho em trànđầy
sự chết em hoàn toàn miên viễn trong tôi

Có thể nói
em thiên thể rớt xuốngđời tôi
tốcđộ siêu nhiên chẳng cầnđiều chỉnh
lồng ngưc vỡ toang
máu hồng tuôn chảy
Có thể nói
hoa hướng dương bắtđầu nở
em, mặt trời sao cứở sau lưng
em, mặt trờiđộng vọng suốtđời tôi
...”

Sau những tháng năm phong trần, lận đận, rồi những ngày tháng bình yên cũng đến với Đỗ Toàn. Ấy là vào thời điểm giữa năm 1999, ông trúng được vài công trình lớn, giải quyết được nhiều khúc mắc khó khăn của gia đình, hầu như buổi sáng nào ông cũng thường đến ngồi tán gẩu với chúng tôi ở một quán cà phê bình dân trên ngã tư cạnh trường Phan Châu Trinh. Bất chợt, một lần thấy vắng ông, mới hay tin vào đêm trước đó, ông đã đột quỵ và liệt bán thân.

Họa sĩ Đỗ Toàn, Nhà văn Nguyễn Văn Xuân và anh em văn nghệ sĩ Đà Nẵng

Thời gian Đỗ Toàn nằm bệnh, tôi và nhà văn Nguyễn Văn Xuân (bấy giờ vẫn còn rất mạnh khỏe) thường đến thăm ông. Mỗi lần nghe thầy Xuân nói đùa: " Cha ni cái chi cũng chết hết rồi, chỉ còn một cái... vẫn sống”, dù không còn nói thành lời, nhưng ông vẫn gắng gượng rướn phần còn lại của cơ thể bày tỏ sự vui vẻ hưởng ứng.

Trước lúc Đỗ Toàn vĩnh viễn ra đi, một lần nhóm anh em thân hữu đã thuê một chuyến taxi chạy vòng quanh Đà Nẵng để ông ngắm nhìn những đổi thay của thành phố và kể cả những cảnh quan đầy kỷ niệm có phần đóng góp bàn tay tài hoa của ông như Đài tưởng niệm 2-9, trường trung học Phan Châu Trinh... Và đó là lần cuối cùng người ta thoáng bắt gặp trên môi ông nụ cười mãn nguyện...

T.T.S