GÁNH HÁT BỘ CON NÍT

29.05.2012

GÁNH HÁT BỘ CON NÍT

(Chuyện về Nghệ sĩ nhân dân Ngô Thị liễu)

Trương Đình Quang

Bà sinh năm 1908 tại huyện Triệu Phong, Quảng Trị, mất năm 1984 tại thành phố Đà Nẵng.

Từ nhỏ, rất mê hát bộ. Lòng say mê cuồng nhiệt nghệ thuật và tình yêu đối với con người đã gắn bó đời bà với hát bộ và thành công ở nghệ thuật này. Năm 16 tuổi, Ngô Thị Liễu bắt đầu theo nghiệp xướng ca; năm 25 tuổi, trở thành đào chính danh tiếng và tài năng đã vực dậy những gánh hát trong kỳ sa sút.

Năm 1952, bà về đoàn hát bộ Liên khu 5.

Năm 1954, bà chuyển ra miền Bắc, vừa làm giám đốc Nhà hát ngành hát bộ, vừa giảng dạy diễn viên tại Trường ca kịch dân tộc.

Sau năm 1975, bà trở về Đà Nẵng, tiếp tục biểu diễn và truyền nghề cho diễn viên.

60 năm sống với nghề, bà đã đóng xuất sắc 18 vai kép con và 73 vai đào.

Năm 1984, bà được tặng danh hiệu NGHỆ SĨ NHÂN DÂN

Gánh hát bộ Thanh Bình từ Huế ra diễn ở thị xã Quảng Trị. Gánh hát đến xin thầy mạ Ngô Thị Liễu cho tạm trọ trong một căn nhà.

Ở tuổi 13, cô rất say mê hát bộ, xin bầu gánh học hát diễn.

Thấy cô bé xinh xắn, ham học, thể hiện rõ năng khiếu, vài kép, đào nhiệt tình truyền dạy cô. Khi thử xem cô vào vài vai họ rất hi vọng ở tài năng "thiên phú". Rõ ràng cô không phụ công dạy bảo của thầy cô.

Hát hay, diễn tốt, thuộc tuồng kĩ và nhanh, dần dần, cô có chút ít vốn liếng nghề.

*

* *

Sau một thời gian lưu diễn khá dài, gánh hát quay về Huế. Cô chờ đợi, mong ngóng gánh hát trở lại. Vẫn ngày ngày đến trường tiểu học. Nghe rao trống chiến không khiến cũng đi, nghe dục trống chầu, đâm đầu mà chạy. Vắng tiếng hát tuồng, cô buồn rầu đến phát ốm, chẳng buồn ăn uống, cứ nhắm mắt lại là thấy các cô, các bác trong những vai tuồng quen thuộc: Bạch Xà, Như Ý, Liễu Nguyệt Tiêm. Đang ngủ, thức giấc trong đêm tối, nước mắt cứ trào ra, thầm khóc một mình. Ốm có đến nửa tháng. Được thầy mạ chăm nom, dì cô dỗ dành từng miếng cháo, miếng cơm, chén thuốc, cô mới nguôi dần và bình phục.

Khi khá khỏe, cô vót thanh tre làm kiếm, rồi múa kiếm và hát, cùng lúc diễn 2, 3 vai.

Gặp lúc thầy mạ cô lên nguồn mua lâm thổ sản, vắng nhà cả tháng, chỉ có dì trông nhà, cô rủ lũ trẻ cùng lứa trên dưới tuổi 13, có yêu thích hát bộ, tập tành cho đỡ nhớ. Cô phải làm mọi việc của ông bầu gánh, thầy tuồng, dàn dựng, hóa trang, đèn đóm...

Thuộc tuồng, cô chép lại, bày cho lũ trẻ hát diễn. Thấy chúng ham, cô thêm phấn khởi; thuận đà, hăng say, cô dựng những trích đoạn tuồng mà chúng đã được xem gánh Thanh Bình diễn, như Phương Cơ giả dại qua ải[1], Cô đóng vai Phương Cơ, Bao Công vào lò gạch[2], cô đóng vai Quách Hải Thọ, cô bảo lũ trẻ góp mỗi đứa 1 xu để mua đèn sáp, đứa không có tiền góp, phải đến nhà thợ vàng mã, kiếm giấy ngũ sắc thừa thãi, lượm kim sa vụn, đem về để cô làm trang phục. Quần áo dán hoa văn giấy màu, gắn kim sa, biến ra bào, giáp; cắt mo cau, giấy bìa làm mão. Cung kiếm bằng tre, giấy bìa. Ruột cây sắn nhuộm nghệ vàng óng, bọc 1 lớp kim sa, xâu hạt cườm nhiều màu, uốn thành vòng vàng, xuyến ngọc, là nữ trang của công chúa, hoàng hậu.

Đêm "công diễn" tại gốc cây đa đình làng. Đông đúc nhất là con nít. Người lớn thấy ngồ ngộ, là lạ, đến xem, hoan hô. Gánh hát diễn hào hứng, nhiệt tình. Sau buổi diễn, nhiều cô, dì, cho chuối, sắn, khoai luộc, kẹo cau, kẹo cà... "bồi dưỡng thanh sắc" cho diễn viên.

Gánh hát diễn 4 đêm suôn sẻ, bà con khen ngợi.

Cô vẫn nghĩ:

Mạ ơi, đừng đánh con đau

để con hát bộ, làm đào mạ coi

Nhưng, trong dân gian, vẫn lan truyền lời nhắn nhủ:

Trồng trầu mà lẫn với tiêu

Con theo hát bộ mạ liều con hư

Vài ông cha bà mẹ không cho con hát diễn nữa.

Tuy thế, vẫn còn vài đào, kép cốt cán, say mê.

Cô tìm vở tuồng ít vai, dàn dựng

Gánh hát tiếp tục hát diễn chơi.

Lứa con nít, người lớn chờ đợi đêm hát.

Có ai ngờ đâu! Đêm diễn gặp nạn, một sự cố xảy ra.

Vai Triệu Khánh Sanh[3]mới bước ra sân khấu, vừa cất giọng lên:

- "Khổ tâm, à!"

thì cha của kép đi theo ngay, tay cầm roi tre vừa quật vào mông đít Triệu Khánh Sanh, túm bào, giáp, vừa quát:

- "À cha à ông bây chớ à chi rứa!"

Thấy Triệu Khánh Sanh tơi tả trang phục, cô xót xa quá! Người xem già trẻ, cười rộ, tán loạn. Bao Công, Vương Quý, Bàng Hồng bỏ sàn diễn. Còn vai Kiều Quang do cô sắm, bưng mặt khóc.

Gánh hát bộ con nít của cô tan rã!

T.Đ.Q


[1]tuồng Tam nữ đồ vương. Con gái của Tạ Ngọc Lân, người mưu trí, gan dạ, giả điên để đến kinh đô thám thính tình hình về báo lại cho cha.

[2]tuồng Bao công tra án Quách Hòe.

[3]tuồng Diễn vô đình.