PHÊ BÌNH VĂN HỌC NHÌN TỪ NHIỀU PHÍA
Hồ Thế Hà
Là một phân ngành của khoa Nghiên cứu văn học, phê bình văn học có nhiệm vụ theo dõi, đánh giá, tổng kết văn học dân tộc từng thời kỳ, giai đoạn với phương pháp và đối tượng làm việc riêng. Đối tượng và quan hệ giữa phê bình văn học với các phân ngành khác trong khoa Nghiên cứu văn học như lịch sử văn học, lý luận văn học và phương pháp luận nghiên cứu văn học có những đặc thù riêng và biến đổi theo từng giai đoạn nếu xuất hiện những giới hạn và bất cập của nó trước sự phát triển của đời sống sáng tạo cũng như trước nhu cầu tự thân của chính mình. Vì vậy mà Bélinski gọi phê bình văn học là "mỹ học đang vận động”.
Trước khi bàn sâu về tình hình phê bình vặn học ở nước ta hiện nay, chúng tôi muốn đề cập đến những vấn đề đã được thống nhất trong giới nghiên cứu phê bình văn học. Đó là việc phân chia ba loại hình phê bình văn học: phê bình hàn lâm (bao gồm các giáo sư, các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp ở các viện nghiên cứu, các trường đại học), phê bình nghệ sĩ (bao gồm các nhà văn, nhà thơ viết) và phê bình báo chí, truyền thông (bao gồm các nhà báo và những người yêu văn học nói chung viết). Do đó, có thể hình dung sự đa dạng và khác biệt có tính căn bản trong bức tranh phê bình văn học của bất kỳ dân tộc nào. Nghĩa là có sự tiếp nhận văn học theo từng cấp độ, phạm vi với quan điểm, trình độ đánh giá và phê bình khác nhau ở từng tác phẩm văn học, từng hiện tượng văn học. Chưa kể đến việc công bố các bài viết của từng loại phê bình đó trên các phương tiện nào, dung lượng và cách tiếp cận ra sao cũng như tâm lý và cách quan tâm tiếp nhận của từng loại người đọc phê bình văn học có sự khác nhau như thế nào. Trong đó, cũng phải kể đến sự khác nhau của phê bình văn học vùng miền, địa phương và trung ương, cũng như đẳng cấp cao trong cách tiếp cận các phương pháp lý thuyết phê bình hoặc chỉ cảm nhận theo trình độ phổ thông.
Việc ngày càng có nhiều người tay ngang ngẫu hứng nhảy vào làm phê bình, điểm bình và nhận định văn học và không ít người ảo tưởng xem mình là những nhà phê bình như ai lại càng nhiều. Và nhất định trong loại người phê bình này, có hơn phân nửa là phê bình cảm hứng, không có phương pháp lý thuyết. Trong khi đó, nhiều cơ quan báo chí truyền thông lại tỏ ra thuận lợi trong việc cho công bố những bài viết ấy trên các trang phê bình của mình. Đó là một thuận lý mà cũng là nghịch lý. Thuận lý ở chỗ dù sao nó cũng phù hợp với phong cách và yêu cầu của từng cơ quan ngôn luận và nhu cầu bạn đọc phổ thông, muốn thông tin và định hướng thẩm mỹ nhanh về các tác phẩm, trào lưu văn học nào đấy một cách ngắn gọn và cập nhật. Nhưng nghịch lý ở chỗ những bài phê bình ngắn loại này mà có người gọi là "phê bình bao diêm”, "phê bình tốc hành” nhất định làm nhiễu thông tin và không ít kết quả rơi vào so le, sai chệch với giá trị tự trị của tác phẩm. Và nhất định là nó không thể nào rút ra được những nhận định có tính học thuật về quy luật, đặc điểm thi pháp và những vấn đề có tính khách quan, khoa học cho từng giai đoạn và thời kỳ văn học một cách chính xác được. Đó cũng không phải là nhiệm vụ và quan tâm của họ. Và thực sự, họ không thể có khả năng khái quát ấy.
Cũng cần khẳng định rằng không phải tất cả những bài viết ngắn đều là bất tín nhận thức về giá trị của chúng. Trái lại, có những bài dạng này của các nhà phê bình chuyên nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng có giá trị bộ phận khi đánh giá những hiện tượng văn học đương đại, góp phần định hướng thẩm mỹ cập nhật cho công chúng độc giả. Họ đã trình bày được những giá trị cốt lõi hoặc giá trị bộ phận của tác phẩm để từ đó người đọc liên hệ và tự phát triển nhận thức những giá trị khác của tác phẩm. Ví như các bài phê bình ấn tượng của Hoài Thanh, rất ngắn, nhưng sâu sắc và tinh tế, giúp người tiếp nhận thấy được bản chất nghệ thuật của tác phẩm và cá tính sáng tạo riêng của tác giả. Thêm nữa, những bài phê bình kịp thời dạng trên đã tạo ra không khí tranh luận và sự quan tâm của toàn xã hội, làm cho cả sáng tác và phê bình có sinh khí, kích thích được sự sáng tạo mới (không kể có những trường hợp rơi vào đao to búa lớn, vì cá nhân nhiều hơn là vì tranh luận học thuật).
Ngoài dạng phê bình phổ biến nói trên, chúng tôi muốn đề cập đến các công trình và bài viết của các nhà nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp - đồng sáng tạo. Những công trình này thường xuất hiện sau, thiếu tính cập nhật thời sự so với các hiện tượng văn học nổi bật đương đại, vì họ muốn thận trọng và khoa học trong đánh giá và kết luận chính xác các giá trị bản chất của tác phẩm. Các kết quả nghiên cứu, phê bình của dạng này thường được các nhà phê bình vận dụng từ một hệ thống lý thuyết riêng để giải mã tác phẩm với những thao tác khoa học cụ thể nên có giá trị thực sự trong việc làm đầy những giá trị vốn có và giá trị bổ sung, giá trị mới cho tác phẩm. Nhưng có một thực tế bất cập là những công trình dạng này không được người đọc phổ thông quan tâm tiếp nhận mà chỉ hạn chế ở một bộ phận người đọc quan tâm đến văn chương, học thuật như sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh chú ý tiếp nhận nghiêm túc. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến sự nhiễu loạn và khúc xạ phổ biến trong phê bình và tiếp nhận phê bình. Chưa kể có những ngộ nhận và đối trọng không khách quan trong việc xem mối quan hệ giữa sáng tác và phê bình văn học theo kiểu bên nào ăn theo bên nào. Đó là những vấn đề ngoại vi không đáng quan tâm. Bởi đối với nhà phê bình chuyên nghiệp thì rõ ràng những kết quả nghiên cứu của họ đã thực sự đem lại những nhận thức khoa học rất to lớn cho giới sáng tác. Roland Barthes đã từng tuyên bố "cái chết của tác giả” không phải là hàm nghĩa đề cao đến vai trò của phê bình văn học đấy sao? Như vậy, xét về bình diện quy luật thẩm mỹ, quy luật vận động của văn học thì nhất định phải dựa trên những thành tựu khoa học của các nhà phê bình chuyên nghiệp nói chung, dù ở họ cũng có một vài công trình ngoại lệ không đủ độ tin cậy về giá trị khoa học. Cả hai đều có quan hệ mật thiết, nhân quả lẫn nhau, tương kính lẫn nhau, không nên nêu vấn đề bên nào ăn theo bên nào.
Từ những thực tế trên, công tác định hướng phê bình và tiếp nhận phê bình văn học hiện nay ở nước ta nên và phải có những giải pháp thiết thực và hiệu quả nào để làm cho văn học thực sự có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần, tạo ra mặt bằng văn hóa đọc và thưởng thức văn chương, học thuật một cách khách quan và khoa học cho người tiếp nhận? Có lẽ phải bắt đầu từ thức nhận vấn đề bản chất của mối quan hệ giữa tác giả - tác phẩm - độc giả. Mối quan hệ móc xích bộ ba này, theo tôi, bao giờ cũng là đầu mối của việc xác định công tác lý luận và phê bình văn học của bất kỳ nền văn học nào. Bởi ở đây, bao giờ cũng hiển minh nội dung tư tưởng của tác phẩm thông qua các phương thức, phương tiện thể hiện tác phẩm bằng ngôn từ. Mà ngôn từ chính là phương tiện thứ nhất của văn học, chứa đựng nội dung, biểu hiện tư tưởng. Nó là vỏ vật chất của tư duy mà khi sáng tác, người nghệ sĩ đã cho nó một quan niệm, những ý nghĩa thẩm mỹ tự trị nào đó rồi. Đến lượt người đọc, đặc biệt là người đọc cao cấp sẽ lần lượt làm đầy những ý nghĩa và giá trị bổ sung cho tác phẩm tùy trình độ, điểm nhìn, tâm thế và phương pháp tiếp cận của từng người. Chỉ có đặt tác phẩm trong quan hệ bộ ba nói trên trong đối chiếu với trường hiện thực thẩm mỹ, tư tưởng sáng tạo, nguyên tác sáng tác và phương pháp sáng tác của từng nhà văn, từng tác phẩm mới có thể giải mã tác phẩm chính xác và nghệ thuật được.
Cũng chính quan niệm như trên, chúng ta sẽ dễ dàng điều chỉnh quan hệ bộ ba trên theo từng thời kỳ và giai đoạn văn học. Đề cao tác giả hay đề cao người đọc ở từng thời kỳ văn học phải căn cứ vào nhiều yếu tố và điều kiện. Mô hình mỹ học tiếp nhận truyền thống đề cao vai trò của tác giả tồn tại suốt thời kỳ dài, sau đó nhường chỗ cho vai trò của người đọc theo mô hình mỹ học tiếp nhận hiện đại. Thì đến ngày nay, với các sáng tác vận dụng theo lý thuyết văn học hậu hiện đại của các tác giả trên thế giới và Việt Nam thì mô hình người đọc hiện đại lại cũng xuất hiện những giới hạn. Giới hạn của sự hiểu, sự đọc văn bản. Vậy chỉ có sự cộng hưởng, cộng cảm và cộng đồng diễn giải của tác giả và độc giả thì mới mong giải mã tác phẩm một cách chính xác và tối đa được, bởi vì tác giả là chủ thể liên tục thể nghiệm và sáng tạo những tác phẩm theo phương pháp và cách thể hiện mới lạ; có khi đó là trò chơi ngôn ngữ và hình tượng thì làm sao độc giả, kể cả độc giả cao cấp – nhà phê bình chuyên nghiệp lúc nào cũng có thể hình dung kịp mô hình sáng tạo của những tác giả sáng tác theo mô hình lý thuyết hậu hiện đại được, nếu không có sự cộng đồng diễn giải của tác giả.
Vậy là về mặt lý thuyết và thực tiễn, trong hoàn cảnh văn học hiện đại và hậu hiện đại hiện nay, cần phải thấy những giới hạn của quá trình tiếp nhận văn học để khắc phục giới hạn. Có như vậy, khoa Nghiên cứu văn học mới trừu xuất được những hệ thống ý thuyết mới, phù hợp với thực tiễn sáng tạo đang vận động và đổi mới. Chính đây cũng là nhiệm vụ của công tác phê bình vặn học. Về mục tiêu này, có người cho rằng phê bình thường không theo kịp với sáng tác, đặc biệt là trước các hiện tượng văn học mới xuất hiện gây xôn xao và trái chiều trong tiếp nhận lại không có tiếng nói kịp thời, chính xác và khoa học của các nhà phê bình chuyên nghiệp. Nhưng bình tĩnh nhìn lại những mặt bản chất của phê bình văn học hiện đại ở nước ta trong từng thời khoảng thì không phải như vậy. Cùng với lý luận văn học, phê bình văn học hiện đại Việt Nam quả đã đạt được những thành tựu to lớn, đặc biệt ba, bốn thập niên trở lại đây. Liên tục xuất hiện những bài phê bình, những công trình, chuyên luận nghiên cứu có giá trị, do các tác giả đã vận dụng có sáng tạo những phương pháp nghiên cứu văn học trên thế giới và biến nó thành thao tác khoa học trong nghiên cứu tác giả, tác phẩm, khuynh hướng, trào lưu, trường phái. Phê bình văn học ở nước ta đã có bước phát triển mới, đạt đẳng cấp cao. Chỉ riêng lĩnh vực phê bình các thể loại văn học Việt Nam hiện đại, ta có thể ghi nhận công lao đổi mới của nhiều thế hệ nhà phê bình nổi tiếng như Phong Lê, Hà Minh Đức, Trần Đình Sử, Mai Quốc Liên, Mã Giang Lân, Trần Đăng Xuyền, Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Ngọc Hiến, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Thị Đức Hạnh, Huỳnh Như Phương, Đỗ Lai Thúy, Chu Văn Sơn, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Bá Thành, Nguyễn Đăng Điệp, Đào Duy Hiệp, Mai Hương, Lưu Khánh Thơ, Lý Hoài Thu, Nguyễn Thị Minh Thái, Đoàn Thị Đặng Hương, Nguyễn Thị Bình, Lê Lưu Oanh, Tôn Phương Lan, Bích Thu, Nguyễn Thành Thi…Các công trình của các tác giả trên đã đề cập đến nhiều tác giả, tác phẩm, nhiều hiện tượng văn học nổi bật cũng như giai đoạn văn học, thời đại văn học với nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau như thi pháp học, phong cách học, văn hóa học, phân tâm học, tự sự học, ký hiệu học, thông diễn học, ngôn ngữ học, chủ nghĩa cấu trúc, văn học so sánh…
Như vậy, dù có lúc chưa thực sự kịp thời và cập nhật những thông tin cần thiết của sáng tác văn học đương đại mà bản thân phê bình văn học phải có nhiệm vụ ưu tiên quan tâm, thì những kết quả nói trên là không thể phủ nhận. Những đúc kết, khái quát, tổng quan về bản chất, thành tựu, quy luật và thành tựu, hạn chế của phê bình văn học hiện đại đã được từng công trình giải quyết khá triệt để. Phê bình văn học đã làm tròn chức trách của mình với tư cách là mỹ học luôn vận động như Bélinski đã xác quyết.
Tuy vậy, để thực sự năng động và đáp ứng nhu cầu phát triển cấp thiết của lĩnh vực này, trước mắt cũng như lâu dài, chúng tôi xin đề xuất những vấn đề sau:
Trước hết, về mặt nhận thức, nền phê bình nước ta phải tự ý thức và đổi mới toàn diện hơn nữa theo tinh thần hiện đại, khoa học và sáng tạo từ các thành tựu lý luận và phê bình của thế giới trên cơ sở bám sâu vào thực tiễn sáng tạo và văn hóa Việt Nam để những kết quả nghiên cứu, phê bình thực sự là những sáng tạo mới, giá trị mới, tín hiệu mới theo tầm đón nhận và đón đợi mới của độc giả, đặc biệt là độc giả chuyên sâu.
Kế đến, về mặt hiệu quả của phê bình, cần phải quan tâm đến bản chất của sáng tạo và tiếp nhận văn học để giải quyết một cách khách quan và nghệ thuật mối quan hệ giữa chủ thể thẩm mỹ và khách thể thẩm mỹ, từ đó phát hiện đúng giá trị tư tưởng của tác phẩm văn học từ thế giới hình tượng và ngôn từ nghệ thuật, tránh tán bình theo lối ấn tượng chủ quan, xa rời với chỉnh thể văn bản.
Thứ đến, về mặt đa dạng hóa kết quả phê bình, cần phải tôn trọng và phát huy những giá trị, kết quả nghiên cứu khác nhau do phương pháp tiếp cận khoa học khác nhau cũng như do thực tế và quan niệm riêng của từng nhà phê bình. Đó chính là yêu cầu cao của nhu cầu tiếp nhận văn học hiện đại để không những nâng cao trình độ sáng tác của nhà văn, nhà thơ mà còn là nâng cao trình độ nhận thức thẩm mỹ của người đọc nói chung.
Thứ nữa, về mặt tập hợp và bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác phê bình, cần phải quan tâm đến công tác động viên, phát huy tính trung thực, tính đẳng cấp và tính nhân văn trong nghiên cứu và phê bình để phát hiện, khẳng định đúng giá trị của tác phẩm, cố gắng tránh sự phát hiện sai và nhận định lệch, làm nhiễu lượng thông tin về tác phẩm nào đó đối với người đọc. Muốn vậy, tổ chức phải có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên, có hiệu quả cho những chủ thể phê bình văn học.
Cuối cùng, về mặt bằng phê bình văn học trong cả nước, cần chú trọng đến các địa phương. Ở nước ta, mỗi tỉnh đều có Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật, trong đó, lực lượng sáng tác văn học là đông và mạnh nhất, nhưng những người làm công tác phê bình văn chương thì vô cùng mỏng. Ngoài những tỉnh lớn, có các trường Đại học trên địa bàn, đội ngũ giảng viên văn học ở các Khoa Ngữ văn kiêm thêm công tác phê bình văn học địa phương. Còn những tỉnh khác chỉ là bạn văn, bạn thơ phải làm công việc này. Vậy là có thực tế so le phê bình ở trung ương và địa phương. Phê bình truyền thông, báo chí, chủ quan, thiếu phương pháp luận và thao tác luận rơi vào các địa phương. Như vậy, những giá trị văn học địa phương thường không hiện diện trong mặt bằng chung của văn học cả nước. Đó là một thiệt thòi cho văn học một vùng đất. Và cũng là thiếu khuyết cho diện mạo chung của văn học cả nước.
Phê bình văn học, suy cho cùng, thời nào cũng có, giai đoạn nào cũng tồn tại đồng hành cùng với sáng tạo văn học. Có nhu cầu sáng tạo là có nhu cầu thưởng thức, phê bình. Còn hình thức và cách thức, phương pháp và thủ pháp thì luôn vận động, biến đổi và hoàn thiện theo thời gian, theo trình độ phát triển của tư duy. Phê bình văn học trên thế giới hiện nay đang trên đà tiếp tục phát triển và thành tựu. Nền phê bình văn học hiện đại ở ta đã thực sự năng động và hội nhập với phê bình văn học thế giới một cách sáng tạo, đã thực sự tạo ra những thành tựu đáng kể. Nhưng như một quy luật hiển nhiên, không có thành tựu nào lại nhất thành bất biến, mà luôn có phá và thay, có cố định và bổ sung, có vận động và phát triển, có giới hạn và khắc phục giới hạn. Mong muốn của những người làm công tác nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam hiện nay là luôn đồng hành cùng lý luận văn học, lịch sử văn học cũng như các hình thái ý thức xã hội khác, nhất là lĩnh vực văn hóa để tiếp tục khẳng định vị trí và chức năng của mình trong việc giải mã những giá trị lớn của văn học quá khứ và hiện đại – đặc biệt là văn học đương đại theo trình độ và phương pháp tiếp cận tối ưu và đa dạng trong khả năng có thể của mình.
Tháng 4 năm 2012
H.T.H