NHỚ ĐÀ NẴNG

29.05.2012

NHỚ ĐÀ NẴNG

Bút ký Nguyễn Bội Nhiên

Với tôi Đà Nẵng là một tình yêu không hẹn trước. Mảnh đất ấy là nơi Sơn ở, nơi Sơn từng âu yếm nắm bàn tay của tôi và đưa tôi đi trên những con đường có lá rơi cùng màu với nắng, cùng màu với những giọt mưa trong mỗi lần gặp gỡ rồi chia tay. Bây giờ, trong nỗi nhớ day dưa về những ngày tháng không bao giờ trở lại ấy, tôi thảng thốt nhận ra, trong một cơn mưa và dòng nắng nào đó hằng đi qua cái thành phố có tên gọi Đà Nẵng kia có nguyên vẹn niềm tương tư của trái tim tôi.

Trên xôn xao sóng nước của dòng sông Hàn trong buổi đầu tiên tôi gặp có những chuyến phà chở đầy nắng, đầy gió và giọng nói tiếng cười. Tôi theo Sơn đi về hai bờ của dòng sông ấy trong niềm vui gặp lại và được đón chào nồng ấm, tâm trí chật căng những hình ảnh và âm thanh của cuộc sống đang dào dạt quanh đây. Trong một phút lặng yên không cười đùa, tôi níu một cơn gió đang nhẩn nha mang mùi vị của biển khơi ùa vào thành phố để cảm nhận thoáng bâng khuâng vừa làm dấy lên trong tôi ước muốn được sống cuộc đời mình bên cuộc đời những người ở nơi này. Sơn nói tôi nghe giọng sâu lắng rằng, thành phố nằm bên tả ngạn sông Hàn đối diện bán đảo Tiên Sa này có xuất xứ địa lý chính là dải đất do biển rút cạn mà để lộ ra. Giờ đây, khi cuộc sống giữa lòng thành phố ngày mỗi thêm nhộn nhịp, náo nức và rực rỡ sắc màu thì trong tâm tưởng của con người khoáng đạt như Sơn vẫn thường ẩn giấu nguyên vẹn khuôn mặt thực của Đà Nẵng trong thời điểm xa xưa ấy là Đà Nẵng cát là cát vẫn luôn luôn còn đó... và người ta đi qua đấy bị chôn lún xuống cát đến nửa giò; suốt chiều dài của đụn cát ấy, nung nấu dưới ánh mặt trời, một thành phố nhỏ bắt đầu khai sinh.

Minh họa: Hoàng Đặng

Thả bước trên con đường mềm mại trải dài bên bờ sông Hàn, tôi nhìn ngắm những điều đang diễn ra xung quanh, cảm nhận sự êm đềm náo nức của đất trời Đà Nẵng. Qua vai Sơn, hình ảnh của phố cảng lấp lánh trong những ngày tháng bình dị chan hòa ánh nắng quấn quýt lấy trái tim mỏng mảnh của tôi trong niềm hạnh phúc chân túy hôn một lần ở đó, một đời vang thủy triều... Bên những tâm hồn yêu thành phố hiện cảng này, tôi học cách nhận ra nơi cửa sông tiếp giáp biển và nhìn từ ngoài khơi vào để thấy núi, hiểu rõ từ nhiều ngàn năm biển đã hóa nên cồn là cội nguồn của quận Hải Châu, biết đến hai dòng thủy đạo chảy từ núi Phước Tường ra biển. Trên mái chèo thời gian vẫn bền bỉ quẫy nước ở Thanh Khê, Thạc Gián,... diện mạo của một thành phố hiện đại, khang trang rạng rỡ trong làn ánh nắng chan hòa, đầm ấm. Trong cái nhìn không xiết ngạc nhiên của tôi, màu nắng ấy phủ đều khắp một vùng Sơn Trà trẻ trung với những công trình mới, tãi vàng lên niềm kiêu hãnh của chiếc cầu sông Hàn, thêm tươi sáng cho những con đường thênh thang nối hướng này ngả nọ rộn ràng những bước chân quen lạ và làm dịu âm sắc Nẽng chân chất. Hôm nay, nhìn những chiếc thuyền đang lướt nhanh trên sông nước thanh bình rồi nhìn rộng ra dáng núi Tiên Sa xanh muôn thuở, tôi hiểu vì sao mình đã từng ấp iu ước vọng một đời được sống trên đất này kể từ lúc ở bên Sơn, tôi nghe được nhịp mùa đi thong thả trong mưa nắng chan hòa, trong hương đất hương cây lan tỏa nhè nhẹ và ngấm sâu vào từng viên gạch lề đường, lặng lẽ tỏa thơm lòng phố, gợi nhớ gợi thương giữa sâu thẳm hồn người.

Trong ánh chiều đang rực lên, tôi nhìn thấy đôi cánh tay trẻ tráng của một người đang gom lưới trên một khoang thuyền bên bờ sông hồn nhiên và ấm áp. Ôm vào lòng hình ảnh chân thực và sinh động đó, tôi đi trên những con đường muôn vẻ mới của thành phố để khám phá phong hóa giàu đẹp mà Đà Nẵng đang xây đắp với biết bao hy vọng và tin tưởng. Trong tình cảm chiêm ngưỡng vóc dáng khỏe mạnh của thành phố bên bờ sóng, một ý nghĩ bất chợt bừng sáng lên trong tôi rằng Đà Nẵng là thành phố của những con đường. Những con đường mới mở, mới nâng cấp, mới hoàn thành đưa Đà Nẵng đến ngưỡng cửa của thành phố năm không và, chúng như những cánh tay nối dài Đà Nẵng với giấc mơ đường hoàng và to đẹp. Bên những con đường ấy, khu dân cư, trường học, bệnh viện, công viên, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị… mọc lên san sát, và trên mình chúng chuyên chở dòng chảy bất tận của đời sống ngày đêm cuồn cuộn với bao gương mặt, bao bước chân của những con người mới đã và đang tạo thêm phong cảnh mới cho thành phố. Với niềm vui đến ngỡ ngàng, tôi đã tiếp cận với thực tế đó khi bâng khuâng đi tìm nơi chốn cất giữ câu hò chan chứa ân tình chiều chiều mây phủ Sơn Trà, lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm.

Bị chinh phục bởi đỉnh núi ẩn mình trong sương trắng phù hư, tôi quyết vượt đoạn đèo khúc khuỷu, đi trong làn sương se lạnh để chạm tới một Bà Nà nhu hòa và nhạy cảm nhờ đã hội tụ được bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trong vòng quay nhẫn nại của mỗi một ngày đêm. Trước vẻ trầm hùng của núi rừng, tâm trí tôi không ngừng xáo động bởi những liên tưởng sôi nổi và thầm lặng bên thềm những ngôi biệt thự, bên những lời truyền tụng về hầm rượu cổ rêu phong chìm sâu trong lau lách, bên những luống địa lan nở rộn rã ven đường với cảm giác mình có thể trò chuyện với đại úy Debay quanh hiện thực của dự tưởng tốt đẹp mà ngày trước ông đã từng gieo trên rặng núi này. Ở đây, thời gian như dừng lại trên những cành phong lan đang ra chồi nụ, đang khoe với đất trời cái đời sống ngát hương giữa tầng tầng cây lá của buổi thái hòa làm thơm tho làn nước của thác cao và hồ thẳm. Vào một giây phút ngắm trăng và đón gió trong sự tĩnh lặng mơ màng trên đỉnh núi hoang sơ và kỳ thú, tôi nhìn về thành phố Tourance trước kia đang hưng thịnh mãi lên theo cái đà chuyển và nhịp rung của một nền kinh tế mở quyện lấy một nền văn hóa mở mà đi về phía trước với nhiều triển vọng cụ thể. Đà chuyển và nhịp rung của nền kinh tế và văn hóa mở ấy trao cho người dân Đà Nẵng nhiều cơ hội vui sống khi những dãy nhà chồ đã là hình ảnh u ám thuộc hẳn dĩ vãng bởi sự đổi thay kỳ diệu bên bờ Bạch Đằng đông và giờ đây họ đặt trọng tâm hành động vào cảng Tiên Sa, khu công nghiệp Liên Chiểu-Hòa Khánh, khu chế xuất An Đồn… Đà chuyển và nhịp rung của nền văn hóa mở ấy đặt vào lòng người dân Đà Nẵng niềm tin yêu sự sống khi thành phố của họ ngày mỗi thêm gần với cố đô Huế kiêu kỳ, với phố cổ Hội An trầm mặc, với những chân trời văn hóa muôn phương đã và đang theo bước chân du khách mà vào thành phố. Những sự thật thật là tốt đẹp đó làm rưng rưng những xúc động của một cựu chiến binh người Mỹ đang đứng lặng trong Bảo tàng thành phố mà gặp lại Đà Nẵng của chiến tranh và hòa bình giữa cái bóng xanh um của những khu vườn nhiều cây trái độ lượng che mát sự trưng bày hình ảnh bom phát quang đang tàn phá những cánh rừng nhiệt đới, hình ảnh những con người quằn quại đau đớn vì vết bỏng napal. Còn tôi, những ngày tháng đang thêm giàu mạnh của Đà Nẵng làm tôi nghĩ đến cách ví von hết sức gợi cảm rằng thành phố này là một tế bào đầy sinh lực của Tổ quốc ở vùng duyên hải miền Trung. Lấp lánh trong nỗi vui rạo rực và êm đềm của tôi khi nhìn hạnh phúc trong đời sống của người Đà Nẵng là gương mặt giàu ý chí và nghị lực của Ngũ Hành Sơn, Cù Lao Chàm, Hoàng Sa thân thương.

Tôi lại về với mảnh đất sinh thành Sơn, nơi gần hai mươi năm trước tôi đã từng theo một con đường nhỏ vừa đủ đặt hai bàn chân ngần ngại, trèo núi tìm anh trong âm hưởng của nỗi nhớ ngân vang. Đó là chuyến đi đầu tiên của tôi lên thăm cái làng quê xa xôi ấy của Hòa Vang và, ngay trên một sườn núi của quê nhà, Sơn múc từ một con suối nhỏ cho tôi uống những ngụm nước trong veo và mát lạnh chảy từ rừng ra. Vị ngọt của từng giọt tinh chất của núi rừng ấy đã lập tức thỏa thuê làm dịu cơn khát và còn đọng lại trong máu của tôi cho đến sau này. Ngày ấy, một cơn lũ vừa đi qua ngôi làng nhỏ của Sơn, quăng quật những nhà cửa, xóm thôn, bờ bãi mà các má, các cô vun trồng lúa, ngô, khoai, mía trong cơn giận dữ làm rơi nước mắt trên gương mặt của những người mẹ nghèo. Con sông làng đã xanh trở lại với giai điệu ngoan hiền, nhưng những mảnh vườn quê vẫn bời bời gian khó và lòng người dân ở đây lại ngổn ngang nghĩ đến những việc cần phải làm để xanh lại những ruộng những vườn. Trong cái đêm ở lại nơi miền quê mà bỗng chốc tôi đã yêu như máu thịt ấy, lòng tôi đã dâng lên giấc mơ về ánh điện thật là sáng trong ngôi nhà của Sơn và của những người xung quanh. Hôm nay, tôi lại đến Nam Ô giữa những làn gió nồng nàn, ngược dòng Trường Định xanh êm, bồn chồn gặp dòng Cu Đê trong đến đáy là tôi may mắn có thêm một lần được ở bên má của Sơn trong ngôi nhà đơn sơ và thanh bần của má. Con đường nhỏ năm nào đưa tôi lên núi tìm Sơn nay đã là một con đường rộng quanh co uốn lượn. Hình ảnh kiêu hùng của những dãy núi chập chùng vây quanh các thôn, xóm và con sông chảy qua làng vẫn một dòng trong xanh với triệu triệu tia nắng mặt trời nhấp nhô sáng các trên đỉnh sóng nhìn sao mà đẹp, và mãi sau này tôi vẫn nghe trong rộn ràng huyết quản của mình tiếng vỗ của những con sóng của dòng sông ấy. Giữa quãng sông rộng, một chiếc cầu đang được thi công trong tiếng ghe máy xuôi ngược, tiếng mái chèo gõ cạp thuyền để dồn cá, tiếng nói cười của những người thợ rộn vang trên mặt sông và dưới cánh cò trắng thanh thản chao liệng giữa khung trời yên ả. Nhìn ánh lửa hàn nối những nhịp cầu, lòng người mặc sức mơ tưởng đến những đám rước dâu về hai bờ sông quê, đi giữa những ruộng lúa vườn lạc hồn nhiên xanh tốt. Trong ánh mắt dịu hiền đưa tiễn của má của Sơn, tôi lên chiếc thuyền máy chở đầy người và sản vật của vùng cao để về với Hải Châu, An Hải Bắc, Nại Hiên Đông… Tạm biệt dòng sông, tầm mắt của tôi dừng lại trên những chú tôm bình yên bơi lội, những chú cá bống hiền lành, những đám rong màu ngọc thạch, những viên sỏi màu trắng và bóng của đường dây điện 500 KV lay động dưới mặt nước. Lắng nghe tiếng nước sông sôi reo dưới mui thuyền đang rẽ sóng hòa quyện giọng Hò khoan xứ Quảng vang vọng đây đó, lòng tôi thấm thía niềm biết ơn những con thuyền đã đưa Sơn ra thành phố, đến những trường học, vào với cuộc đời nhiều cao vọng để góp sức trẻ, tâm trẻ của mình vào những cái vươn mình mới của Đà Nẵng hôm qua, hôm nay và mai sau.

Đây đó có tiếng lá khẽ khàng rơi trên mặt đất đang phập phồng thở như lời chia tay và hẹn ước giữa ngày và đêm. Có người nào đó mở nhẹ cánh cửa của ngôi nhà im ắng ở đầu ngõ phố với nụ cười kín đáo lấp lóa như muốn gởi thiên nhiên đang còn trầm tĩnh lời cảm ơn về một niềm vui trọn vẹn của một người vừa trở về sau lần đi dạo thâu đêm với Non Nước, Mỹ Khê, Bãi Bụt… đã gặp tri kỷ trong biển, trong cát hiền hòa, trong sạch, đáng tin và dịu dàng. Bất giác, tôi dõi mắt theo hướng của ngôi sao trên đỉnh Bà Nà vẫn lấp lánh giữa những tia nắng đầu tiên bắt đầu chọc thủng những lớp mây đang bay lượn trên nền trời sớm. Cùng với nhiều người khác, tôi hiểu Đà Nẵng đang vào ngày mới. Và, trong muôn vàn âm thanh huyền nhiệm của thành phố trẻ, tôi nghe có tiếng thì thầm đằm thắm rằng, sẽ mãi còn trong mỗi bước đi của thời gian hư, thực của cuộc đời tôi là nỗi nhớ niềm thương về Đà Nẵng đã hóa thiên thu giữa cội lòng…

N.B.N



[1]Vừa đi đường vừa kể chuyện, NXB Sự thật, H.1976, tr.82

[2]Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tái bản, bản in của NXB Thanh niên giải phóng, 1975, tr.131

[3]"Từ Côn Minh về Pắc bó” - in trong tập hồi ký Bác Hồ, NXB Văn học H. 1960, tr.158

[4]Bắt đầu từ đây, những bài thơ trong tập Nhật ký trong tù được trích dẫn trong bài này đều theo bản in lần thứ tư, NXB Văn học, Hà Nội, 1990.

[5]Hồ Chí Minh toàn tập, T3, NXB Chính trị quốc gia, H.2000, tr.505.

[6]Trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên cho biết còn nhiều hơn thế :”Cụ đã trải qua gần ba mươi nhà tù xã và huyện”. (sách đã dẫn, tr.134).

[7]"Hồ Chí Minh tại Liễu Châu”- Bộ Tuyên truyền Uỷ ban Nhân dân thành phố Liễu Châu và Cục văn hoá thành phố Liễu Châu chủ biên, tháng 6-1925, phần tiếng Việt, tr.18.

[8]Bản dịch nghĩa của bài "Đến dinh trưởng quan”

[9]Trần Dân Tiên, sách đã dẫn, tr.134.

[10]Như chú thích [9]

[11]Trong các bản in tập Nhật ký trong tù còn có một bài nữa, được in cuối tập, đó là bài Mới ra tù tập leo núi. Đây là bài thơ Bác làm sau khi đã ra tù. Bài thơ đặc sắc này được Bác viết ở Liễu Châu, nơi có núi Tây Phong Lĩnh quen thuộc trong câu thơ của Bác.