Sơn Trà và tôi, ký ức và hiện tại

15.11.2021
Lois K. Lippold (Tiến sĩ, Chủ tịch Tổ chức Douc Langur Foundation)

Sơn Trà và tôi, ký ức và hiện tại

Rừng trong phố biển. Ảnh Vĩnh Quyền

Trong sách song ngữ Sơn Trà - Rừng Trong Phố Biển/ Son Tra - Forest In The Coastal City, nhà văn Vĩnh Quyền đã tập hợp những bức ảnh xuất sắc của ông về voọc vá chân nâu cùng những loài thú khác ở rừng Sơn Trà - hòn ngọc của Đà Nẵng và của cả Việt Nam.

Việt Nam đang thay đổi nhanh. Sự phát triển và gia tăng dân số làm thay đổi bộ mặt Đà Nẵng. Những cao ốc, những cây cầu mới và những con đường đông đúc cho thấy điều ấy. Đối mặt với tất cả là Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sơn Trà, cánh rừng nối liền phố, nơi đặc biệt sở hữu số lượng cao nhất ở Việt Nam loài voọc vá chân nâu có nguy cơ tuyệt chủng.

Voọc vá chân nâu là niềm đam mê của tôi trong hơn 40 năm. Năm 1970, tôi bắt đầu nghiên cứu về chúng tại một sở thú, nhưng tôi đã quyết tâm đi thực địa. Tôi sang Việt Nam năm 1974, đang trong thời kỳ chiến tranh, để đến Sơn Trà tại Đà Nẵng tìm voọc. Sự kết thúc cuộc chiến đã kết thúc cơ hội tiếp cận Việt Nam của tôi. Dù chỉ có thể lưu lại trong một thời gian ngắn, nhưng tôi đã xác định được đàn voọc vá chân nâu vẫn tồn tại ở Sơn Trà.

Năm 1991, Chính phủ Việt Nam mời tôi trở lại khảo sát loài voọc trên toàn quốc. Đến năm 2006, có ý kiến cho rằng đã không còn voọc ở Sơn Trà. Cục Kiểm lâm mời nhóm của tôi thực hiện đợt khảo sát cuối cùng tại khu rừng này và chúng tôi đã phát hiện một đàn voọc vá chân nâu số lượng lớn.

Tôi thành lập The Douc Langur Foundation (DLF - Tổ chức Bảo tồn Voọc vá) vào năm 2007 để cung cấp phương tiện và nhân lực bảo vệ đàn voọc này. Nhiệm vụ của DLF là “Bảo vệ loài voọc vá chân nâu và sinh cảnh tự nhiên của chúng, để đảm bảo các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục tồn tại ở đấy. Tổ chức ưu tiên cho nhiệm vụ hàng đầu là bảo tồn loài voọc vá chân nâu, bao gồm duy trì môi trường sống, công tác nghiên cứu, giáo dục và gắn kết với cộng đồng địa phương. Chúng tôi tin rằng nếu chúng ta có thể bảo vệ voọc vá chân nâu, sẽ bảo vệ được rừng và các loài thú khác”.

Trong những năm qua DLF đã tài trợ nghiên cứu khoa học, hoạt động giáo dục cấp tiểu học và trung học và bảo tồn sinh cảnh hoang dã. Không đơn độc, chúng tôi đã nhận được hỗ trợ tài chính hào phóng từ nhiều cơ quan tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, nguồn động lực của DLF luôn là tình yêu chúng tôi dành cho đàn voọc bị đe dọa này. Hiện nay chúng tôi còn được động viên bởi tình yêu loài voọc của người dân địa phương. Qua Facebook, hàng ngày chúng tôi xem những bức ảnh tuyệt vời của họ.

Ảnh của Vĩnh Quyền là một ví dụ nổi bật về ảnh nắm bắt được các sắc thái của voọc vá chân nâu và một số loài chim ở Sơn Trà.

Rừng Sơn Trà là nhà của loài voọc, nơi chúng đã tồn tại hàng nghìn năm, và cuộc sống của chúng phụ thuộc vào. Tất cả chúng ta phải chung sức để đảm bảo ngôi nhà ấy mãi xanh cùng thời gian.

L.K.L